Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/11/2018

Đừng đổ tại thiên nhiên

Nguyễn Lân Thắng

Mấy tháng trước tôi đã từng có bài viết "Nha Trang rồi sẽ ra sao ?" để cảnh báo về vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị ở đây. Hôm qua chúng ta phải chứng kiến thảm hoạ kinh hoàng do lụt lội và lở đất tại Nha Trang - Khánh Hòa. 13 người chết do lở đất và lụt lội. Quốc lộ 1 và đường sắt quốc gia bị chia cắt bởi lũ lớn. Đoàn giáo viên cùng cán bộ nhân viên một trường mẫu giáo tại Đắk Lắk nhân ngày 20/11 đi du lịch Nha Trang gặp lở đất, 5 người thương vong...

VIETNAM-FLOOD-DISASTER

Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018 AFP

Phát biểu với báo Zing, Phó chủ tịch TP Nha Trang, nói : "Đến bây giờ chúng tôi vẫn bất ngờ trước thiệt hại về người sau các vụ lở đất, vì những nơi sạt lở hôm nay không nằm trong dự báo của thành phố"... Xin thưa với ông rằng, có bất ngờ gì đâu ạ ? Trước bài viết của tôi, còn có nhiều bài viết của các chuyên gia về quy hoạch, san nền, giao thông, thuỷ lợi... đã cảnh báo về vấn nạn trong việc xây dựng và phát triển đô thị tràn lan ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ là lời cảnh báo, có rất nhiều nơi như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... đã phải chịu thảm hoạ do việc san nền bừa bãi để xây dựng nhà cửa. Nha Trang chỉ là nơi tiếp theo xảy ra sự việc thương tâm này bởi những gì con người đã tác động thiên nhiên trong quá khứ mà thôi.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói rất nổi tiếng : "Nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn súng thần công vào bạn" ("If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon"). Mưa thì có thể lúc to lúc nhỏ, nhưng cả ngàn đời nay mưa vẫn rơi. Xin hỏi một trăm năm trước, một ngàn năm trước, có bao giờ Nha Trang phải chịu cảnh lụt lội và lở đất kinh hoàng như thế này không ? Tất cả những thảm hoạ hiện nay mà Nha Trang cũng như nhiều nơi khác phải gánh chịu mỗi khi mưa lớn, là do sự yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển xây dựng đô thị mà thôi.

Để lập một đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, người ta trước hết phải khảo sát các số liệu về địa chất, thuỷ văn, môi trường, kinh tế, dân cư, v.v... Sau đó kiến trúc sư sẽ phải phối hợp với các kỹ sư chuyên ngành về san nền, giao thông, thuỷ lợi, môi trường, kinh tế... để tính toán phác thảo nên những nét chính của đồ án. Không chỉ một, mà phải có nhiều phương án thiết kế được đưa ra bàn thảo. Đường làm ở đâu ? Cống làm ở đâu ? Nhà xây chỗ nào ? Cấp nước và thoát nước ra sao ? Xử lý rác thải, nước thải như thế nào ? Thế rồi khi các phương án đưa ra, người ta phải cân nhắc để lựa chọn ra phương án tối ưu, cân bằng giữa các yếu tố nhất.

Nhưng có một yếu tố không thể đánh đổi, đấy là con người. Một đồ án quy hoạch xây dựng tử tế thì dù có phải mang sứ mệnh chính trị to tát đến đâu, cũng không thể hi sinh con người vào các mục tiêu khác. Con người, với vai trò vừa là chủ thể kiến tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành quả của quy hoạch xây dựng phải được tôn trọng. Rất tiếc là nhiều khi các ý kiến phản biện của người có chuyên môn dù rất tốt, nhưng không được tôn trọng, bị các vị quan chức có quyền quyết định phủ quyết, và những đồ án xây dựng được thông qua chỉ vì những mong muốn chính trị chứ không phải vì nhân dân.

Ngay khi tôi đề cập lại vấn đề này trên Facebook nhân chuyện mưa lũ ở Nha Trang, có bạn đọc vào bình luận như thế này :

Hoàng Văn Trương : "Dân đi khỏi nơi sinh sống do phải nhường đất vàng cho tụi đại gia với giá rẻ , họ làm nghề biển là chính nên mới tái định cư khu vực cảng Bình Tân . Chính quyền phá núi lấy đất tái định cư vô tội vạ nên mới thành ra như dậy khổ lắm anh ơi !"

do2 - Copie

Tin nhắn của một người đọc viết cho blogger Blog Nguyễn Lân Thắng

Lưu Xuyên Phong : "Tôi ở Nha Trang mà hằng ngày còn phải kinh ngạc trước sự tàn phá thiên để lấy đất làm dự án của thành phố. Lấp đầm san đìa, phá núi, lấp biển, tàn phá môi sinh không biết bao nhiêu mà kể. Cuối cùng cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của quan chức. Người dân sống ở thành phố ngày càng phải chấp nhận sống chung với kẹt xẹ khói bụi từ công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Mưa lũ thì càng ngày càng nặng, thành phố thì trước mặt là biển, sau lưng là sông mà mưa chút là ngập. Nói Nha Trang chán sống như ngày nay thì một phần là do thiên tai, còn 9 phần là do sự tham lam cộng với ngu dốt của những kẻ quy hoạch nên thành phố".

do3 - Copie

Tin nhắn của một người đọc viết cho blogger Blog Nguyễn Lân Thắng

Đó, ý kiến của người dân đó. Không phải dân không biết đâu. Chẳng qua họ chưa thể làm gì một lũ ngu dốt khốn nạn ngồi lên đầu dân bao lâu nay ! Vậy nên, tôi tha thiết kêu gọi các nhà báo, các nhà khoa học, đặc biệt là giới kiến trúc sư quy hoạch, xin các vị hãy lên tiếng, hãy vạch trần sự việc này. Đừng để những kẻ ngu dốt tiếp tục tàn phá đất nước rồi đổ tại mẹ thiên nhiên của chúng ta.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 19/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)