Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/11/2018

Ngày hiến chương và thảm họa Nha Trang

Viết từ Sài Gòn

Không ai mong thiên tai, cũng chẳng ai mặn mà với nhân họa và khi con số thiệt hại về người và tài sản phải khủng lắm người ta mới dán gán từ "thảm họa" nhưng với Nha Trang, theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 19/11, vụ sạt lở ở thành phố này vào hôm 18/11 đã làm 13 người chết, 11 người bị thương, 5 người mất tích ; 43 căn nhà bị sập, hư hỏng… Với chừng đó, tôi cũng nghĩ đã là thảm họa.

hienchuong1

Cảnh hoang tàn ở xóm Núi sau 1 ngày xảy ra thảm họa Nha Trang

Thảm họa với những gia đình có người thân bị mất, bị thương, mất nhà mất cửa, thảm họa với một thành phố được xây dựng trên nền đất đá với một bên sát biển, một bên dựa núi, tưởng chừng như chẳng bao giờ có lũ, vậy mà đùng một cái, lũ cuốn trôi mọi thứ, đất đá sạt lở vùi chôn người, nhà, tài sản, nước từ trên trời rơi xuống do thiên tai, nước cuốn dưới đất do nhân họa và nước đổ trên đầu người cũng chỉ vì cái thú muốn có hồ bơi của người giàu…

Ngày 19/11 tại Việt Nam, ngày mà các cháu học sinh, các em sinh viên, các bậc phụ huynh tươi cười hoặc tất bật ghé các hàng hoa, hàng quà để tri ân các thầy cô giáo, tôi bỗng chạnh buồn bởi cảnh hiến chương và thảm họa ở Nha Trang. Bởi lẽ có cái gì đó tương đồng giữa những cái cây được nuôi dưỡng trong bóng râm rậm rạp và những cái chết oan khiên khi thành phố biển ngập tràn nước.

hienchuong2

Ngày 19/11 tại Việt Nam là ngày mà các cháu học sinh, các em sinh viên, các bậc phụ huynh tươi cười hoặc tất bật ghé các hàng hoa, hàng quà để tri ân các thầy cô giáo

Hãy tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời, người nông dân trẻ mừng rỡ thấy trời thay áo mới, những búp chuối nhỏ xinh hé nụ, những cây cà đơm bông, thế rồi trái cà lớn lên, búp chuối trổ dần và buồng chuối nhỏ thuông mình thả xuống. Sứ mệnh của cây chuối hoàn thành, một vài mầm cây mới nhô lên khỏi mặt đất, những nải chuối nho nhỏ đúng nghĩa với một giống chuối ba hương tầm cỡ, những trái cà cũng vào mâm cơm với câu nói "hỡi ôi cà điếc đặc". Ra là chuối kia quá rậm rạp, cà kia thiếu ánh sáng, chúng cũng đi hết vòng đời của cái cây, cái hoa trước khi hóa thành bùn đất nhưng nải chuối, trái cà chẳng nhỏ xíu thì cũng thiếu màu sắc…

Cũng giống như một con người sống và học tập trong một sinh quyển thiếu tự do. Đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình thuần nông : "Học ngoại ngữ làm sao được khi chưa biết tiếng Việt"., đứa trẻ được sinh ra trong gia đình sĩ, thương, thành thị : "Ờ thì con mình chưa nói tiếng Việt, bập bẹ nói toàn tiếng Anh, tiếng Mỹ là bình thường"… Đứa trẻ lớn lên, đứa thì "nông dân chay" với đủ loại giấy khen trường quê để rồi thả ra đời, mớ kiến thức học được không khả dụng mấy. Đứa thành phố lớn lên chút hoặc là cha mẹ phát hiện con bị rối loạn ngôn ngữ chứ không phải thần đồng, hoặc là bắn tiếng Anh như gió và chẳng biết gì về cây đa, bến nước hay mái đình ở Việt Nam.

Ngày hiến chương, tự dưng thấy các bậc cha mẹ tri ân thầy cô giáo thì ít mà ‘sợ chiêu’ của thầy cô giáo thì nhiều mà buồn. Họ sợ con bị trù dập, hoặc đâm ra tự kỷ hoặc bị kỳ thị nếu không có sự ân cần tích cực từ thầy cô giáo. Mặc dù suy cho cùng, học tập trong môi trường giáo dục hiện nay, đứa trẻ cũng chẳng khác mấy so với những bụi chuối, vườn rau bị rợp bóng cây, thiếu ánh sáng, vẫn sinh ra những buồng chuối, đọt rau nhưng những thứ vitamin có trong nó chỉ còn chút đỉnh. Đứa trẻ biết đọc biết viết, biết một số kiến thức về tài nguyên vô tận của quốc gia, một chút ít về địa lý vùng miền… nhưng chẳng ứng dụng được gì nhiều bởi tài nguyên vô tận đó thật ra là có hạn, cái địa lý vùng miền kia cũng chưa chắc đã đúng vì người ta phá rừng, đắp đập, xây dựng khắp mọi nơi, dòng chảy của sông thay đổi, hướng gió bị phân tán, đất đai cũng không khác mấy…

Ngày hiến chương, không ít thầy cô giáo tuổi đã già ngồi nghiền ngẫm lại thời gõ đầu trẻ để tự dưng thấy chút nhớ trường xưa, nhớ trò cũ, nhớ thưở hàn vi đất nước, ngày hiến chương đôi khi cô thầy tự biết với nhau hoặc nhận được củ khoai, củ sắn từ những người bà, người mẹ, người ông của các cháu. Ngày hiến chương, những cô giáo trẻ vùng cao ngồi thu lu góc phòng nướng trái bắp cùng các em học sinh… Ngày hiến chương, những học trò tri ân thầy cô giáo với lời cảm ơn tự đáy lòng bởi những gì thầy cô đã truyền dạy… Và ngày hiến chương cũng không thiếu những bậc thầy vô cảm, những cô giáo thành tích ngồi chờ xem năm nay nhận được bao nhiêu quà !

Và sở dĩ tôi nhắc đến ngày hiến chương trong cái thảm họa Nha Trang cũng một phần vì lẽ đó. Ắt hẳn phải có những gia đình cẩn trọng trong từng li xây dựng, những gia đình thót tim khi nghe dự báo thời tiết, những gia đình sống để ngày này hết ngày nọ hốt tiền Trung Quốc hay Nga nhờ cái biển hiệu tiếng Trung, tiếng Nga treo to đùng trước cửa mà chẳng cần nghĩ ngợi gì. Người ta vẫn sống, giữa một thành phố biển, một thành phố du lịch, một thành phố với đất chật và người ngày càng đông, họ vẫn sống, kiếm tiền và chi trả cho những nhu cầu thiết yếu hay thú vui của mình, để rồi, người giàu thì làm khu nhà ở cao cấp với hồ bơi trên núi, người nghèo thì dựng nhà chui dưới chân núi.

Đùng ! Thiên tai giáng tới, hồ bơi vỡ, gia đình thầy giáo mất mạng, bốn chiếc quan tài trong ngày hiến chương.

Một thành phố biển chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới với mưa nhiều trong ngày hôm trước thì tới sáng hôm sau đã ngập chìm trong biển nước. Những nắp cống được người dân mở ra để thoát nước nhưng không được tới đâu.

Thiên tai hay nhân họa ? Nhiều người chẳng đồng ý với cụm từ thiên tai. Bởi quá trình đô thị hóa ở thành phố này quá nhanh, hệ thống hạ tầng không đáp ứng được sự phì đại của dân số và công trình. Những con đường trở thành sông chảy mạnh, những nắp cống trở thành hố tử thần có thể cuốn người đi đường theo dòng chảy xiết của nước.

Tất cả như một vườn chuối bị bóng cây rậm rạp, con người ta vẫn sống, vẫn thở, vẫn cật lực kiếm tiền mặc cho kẻ mang tiền đến sẽ làm gì, lấy gì của họ để rồi khi thiên tai quét qua, không còn thứ gì giá trị.

Nha Trang có thể đối mặt với con bão số 9 vào tuần tới, dẫu sao, cũng cầu mong Thượng Đế ban phước lành, che chở cho muôn nơi khỏi tai ương bão táp. Để rồi một ngày như mọi ngày, thầy cô giáo đến trường, Nha Trang rực ánh điện… Tất cả chỉ để sống (hay đúng hơn là tồn tại !), trách sao được khi người ta chẳng hề sá chi đến hậu họa về sau !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 19/11/2018 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)