Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/11/2018

Tản mạn về Hòa giải hòa hợp dân tộc

Trần Văn Chánh

Từ câu chuyện Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Tản mạn về hòa giải hòa hợp dân tộc trong khoảng thời gian này, gần nửa thế kỷ sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc 30 năm đi đến thống nhất hai miền Nam, Bắc, tôi xin khởi đầu từ câu chuyện qua đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tháng 2 năm 2018 vừa qua.

hghhdt1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (trái) cùng vợ và nhạc sĩ Trần Quóc Bảo chụp trước cửa tiệm Nhiên Hương năm 1996 - Hình nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp

Nguyễn Văn Đông là nhạc sĩ miền Nam, từ lâu nổi tiếng với những ca khúc Chiều mưa biên giớiPhiên gác đêm xuânMấy dặm sơn khêSắc hoa màu nhớ… Ông còn là soạn giả hoặc đạo diễn của khoảng 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng, như Nửa đời hương phấnTiếng hạc trong trăngMưa rừngĐoạn tuyệtTướng cướp Bạch Hải Đường ...

Vì nguyên là đại tá Cục trưởng Cục An ninh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thuộc "bên thua cuộc", ông được đưa đi học tập cải tạo đến năm thứ 11 khi gần chết mới được cho về, may sao được gia đình chăm sóc phục hồi sức khỏe, thoát chết, nhưng từ đó ông hoàn toàn im lặng, không hề phát biểu phê phán tiếng nào đối với chế độ mới, từ chối mọi cuộc phỏng vấn của một số nhà báo, kể cả những chương trình trực tiếp ghi hình ở hải ngoại. Cũng không đi xuất ngoại theo diện HO, mà ở lại với quê hương, sống lặng lẽ trong sự thanh bần với cửa hàng tạp hóa khiêm tốn của gia đình ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Thành phố Hồ Chí Minh, và mất ngày 26/02/2018, thọ 86 tuổi.

Trong bối cảnh hậu chiến, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có lẽ đúng là một trong những người Việt yêu nước, trong sạch tiêu biểu, xứng đáng được nêu ra để làm gương cho tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc ! Vì ông đã tự giác hơn ai hết xóa bỏ quá khứ, hận thù, chấp nhận sống vui với những gì đang có.

Trước đó, Nguyễn Văn Đông tuy là người lính Việt Nam Cộng Hòa (cấp bậc đại tá, không phải "tâm lý chiến" như người ta đồn đại), nhưng nhạc ông toàn mang dấu ấn phản chiến làm nhụt ý chí binh sĩ. Cá nhân ông vốn có cái nhìn đối lập với cuộc chiến, nên năm 1961 Bộ Thông tin chế độ Sài Gòn đã ra lệnh cấm phổ biến hai nhạc phẩm Chiều mưa biên giới và Mấy dặm sơn khê, và bản thân tác giả cũng đã từng bị trừng phạt, cho ngưng chức một thời gian dài (theo Trần Hữu Ngư, Ủa, sao kỳ lạ vậy ?, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2016, tr. 134).

hghhdt2

Nguyễn Văn Đông thời còn trong quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa

Như vậy về mặt khách quan, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã gián tiếp góp công không nhỏ cho "bên thắng cuộc", bởi tính ra về mặt quân sự ông chẳng có thành tích gì đáng được nhắc tới trong chuyện hành quân chống cộng, trái lại chỉ vô tình hay cố ý tuyên truyền cho lính hoặc người sắp đi quân dịch phe mình bị nhũn đi không còn muốn đánh đấm gì nữa, khi ông cho họ nghe hàng ngày những lời nhạc văng vẳng khắp hang cùng ngõ hẻm suốt thời gian dài, được chuyển tải một cách truyền cảm bởi một số ca sĩ tài danh một thời :

"… Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…"

(Chiều mưa biên giới, 1956).

Hoặc :

"Chốn biên thùy này xuân tới chi ?

Tình lính chiến khác chi bao người

Nếu xuân về tang thương khắp lối

Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi !"

(Phiên gác đêm xuân, 1956).

Sau khi đi học tập cải tạo hơn 10 năm trở về, Nguyễn Văn Đông đã trở thành một công dân tốt, nếu không nói quá tốt. Ấy vậy mà khi ông qua đời đầu năm nay, gia đình cho đăng cáo phó trên mục quảng cáo báo chí, đã có hai tờ báo lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh từ chối không đăng !

Những người biết chuyện đều cho việc từ chối đăng cáo phó là một thái độ nhỏ nhen hèn kém, không biết phân biệt phải quấy (không biết câu "nghĩa tử là nghĩa tận") của anh em làm báo, nhưng dường như đây không phải lỗi riêng của họ, vì sự thù dai thù vặt kiểu chủ nghĩa lý lịch hèn kém vốn đã được truyền từ trên xuống, thâm nhiễm trong các cấp chính quyền lớn nhỏ, và có tính hệ thống.

Tôi được biết cựu dân biểu Dương Văn Ba của chế độ cũ khi qua đời tháng 11 năm 2015 cũng gặp một trường hợp tương tự. Tuy nhiên, điều quan trọng là từ sự kiện bề ngoài trông nhỏ nhặt này, những người có lương tâm trong bộ máy chính quyền hiện tại sẽ phải suy nghĩ thêm về thực chất thái độ hòa giải hòa hợp dân tộc của "bên thắng cuộc", và nhớ lại cho kỹ hơn lời nói 13 năm về trước của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi năm 2005 ông nhắc lại chiến thắng nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 :

"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". 

Nhưng hòa giải hòa hợp dân tộc phải có điều kiện và cũng phải xuất phát từ thiện chí hai phía, trên cơ sở xóa bỏ quá khứ hướng về tương lai, từ đó không còn mọi thứ mặc cảm, cả tự tôn lẫn tự ti.

Cho đến hiện nay, trừ những ý kiến phê phán nghiêm chỉnh của một số trí thức Việt kiều hải ngoại có gốc "cách mạng" (như Bùi Tín…) hay "ngụy quyền" đối với chế độ cộng sản Việt Nam, không ít cá nhân người Việt ở nước ngoài vẫn còn hậm hực chửi càn cộng sản và tôn vinh chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa là có lý do chính đáng của họ. Bởi gia đình họ phải trực tiếp chịu đựng quá nhiều nỗi đắng cay khi còn là "thuyền nhân" di tản trong cuộc chuyển hình kỳ lịch sử, và cũng vì trông thấy các nhà đương cuộc Việt Nam liên tiếp phạm phải nhiều chính sách sai lầm cả về kinh tế lẫn chính trị, nhưng đây dường như không phải là hành động sáng suốt thức thời vụ, cần thiết cho một nước Việt Nam đang cần có sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ để vừa phát triển, vừa đối phó hiệu quả với những khó khăn nguy hiểm từ bên ngoài đưa lại.

Trên thực tế, lịch sử đã sang trang.

Điểm lại sẽ thấy, cách chống cộng của Việt Nam Cộng Hòa khá văn nghệ tài tử, nên không thua mới lạ. Luật pháp ngăn cấm tuy có đó nhưng áp dụng không nghiêm vì còn có sự ràng buộc của Hiến pháp với nguyên tắc phải tôn trọng tự do dân chủ, và người ta cứ thoải mái sáng tác/ca hát nhạc vàng, nhạc phản chiến ; báo chí khuynh tả hoạt động công khai đầy rẫy (như các tờ Tin VănHành TrìnhĐất NướcĐối Diện…) ; văn học các thể loại thì trừ văn học thông tin tuyên truyền do nhà nước bảo trợ, hầu như không có bài văn bài thơ nào cổ vũ cho việc đánh nhau, trái lại chỉ "chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện"...

Thể loại bút ký phát triển mạnh trong giai đoạn chiến tranh ác liệt (1965-1975) nhưng chỉ mô tả toàn những chuyện đau khổ trong chiến tranh, đầy khóc thương ai oán (như Dấu binh lửa của Phan Nhật Nam, Nhật ký của người chứng của Thái Lãng, Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca…).

Quân đội thì trừ một số muốn tiến thân trên đường binh nghiệp, trở thành tướng tá, hầu hết đều đi đánh trận một cách bất đắc dĩ (kiểu người lính-nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vậy), ai cũng sợ chết. Không ít lính Việt Nam Cộng Hòa còn rất thông cảm trong cùng cảnh ngộ với người lính Bắc phương, như khi Phan Xuân Sinh viết :

"Người lính nào mà chẳng rét lúc ra quân

Khi lâm trận mà không té đái"

("Uống rượu với người lính Bắc phương", 1972).

Cũng nhà thơ Phan Xuân Sinh, sau hơn 30 năm trở lại thăm quê nhà, ngồi uống rượu đế với người lính già mới quen gốc Việt cộng, đã cảm hứng viết tiếp với giọng điệu cảm thông như cũ :

"Người lính già bên kia chiến tuyến, gật gù say

Tôi thầm cám ơn viên đạn, anh em tôi bắn trật

Nên ông còn sống sót cùng tôi đối ẩm

Chúng tôi nghẹn ngào chia xớt nỗi lòng nhau"

("Người lính già, bên kia", 2011). 

Tướng lãnh cấp cao Việt Nam Cộng Hòa có người còn ăn chay niệm Phật, thiền định, như các ông Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng), Trần Văn Chơn (Đề đốc, Tư lệnh Hải quân), Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Quân đoàn IV, tự sát ngày 1/5/1975)…

Trong cuộc đối đầu, hệ thống tuyên truyền chống cộng của miền Nam rất kém so với Bắc Việt. Thế thì đánh không thua mới lạ !

Cùng lắm sẽ nói an ủi gỡ gạt nhưng rất chân thật và nhân văn như ông Hồ Văn Kỳ Thoại (cựu Phó đề đốc, cựu Tư lịnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải, Việt Nam Cộng Hòa), nghe cũng dễ thương :

"Dù thắng hay bại, trong cuộc chiến, tất cả chiến sĩ hai bên đều làm nhiệm vụ của mình dù theo lý tưởng khác nhau. Sau cuộc chiến, những chiến sĩ dù hi sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục, đều là những anh hùng, thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau"

(Can trường trong chiến bại, 2007, tr. 319).

Trong khi đó, miền Bắc Việt Nam chủ trương rầm rộ kéo quân vào đánh tới tấp, tốn bao nhiêu sinh mạng của nhân dân cũng không ngại, "còn cái lai quần cũng đánh", "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"...

Để thành công bằng mọi giá, phía Bắc Việt Nam còn sử dụng một hệ thống tuyên truyền rộng khắp, từ trong sách giáo khoa dành cho học trò nhỏ, cho đến tất cả mọi thể loại văn học-nghệ thuật, đặc biệt là về âm nhạc. Rồi cải cách ruộng đất (1953-1956), rồi Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1958), rồi có những câu thơ kích động lòng căm thù giai cấp như :

"Chém chém chém

Giết giết giết

Bàn tay không phút nghỉ"…

Quyết tâm chiến đấu như thế, tuy kéo dài đến 30 năm mới thắng lợi, bằng cách hi sinh tính mạng dân, lính quá nhiều cũng là dở, nhưng không thắng mới lạ !

Bây giờ ngẫm lại, nếu cho cá nhân được quyền lựa chọn, tôi sẽ mạnh dạn chọn "bên thua cuộc", vì xem ra bên thua cuộc có phần nào hiền hòa lành mạnh tử tế hơn. Theo cách nhìn này, bên thua cuộc nên tự cảm thấy danh dự và không còn gì để mặc cảm tự ti, hay cần phải tiếp tục trách móc chửi bới cho hả giận. Hơn nữa, đa số những người Việt di tản sau 30/04/1975, giờ đây cũng đã ổn định cuộc sống khá tốt, nhờ sự run rủi của hoàn cảnh thua cuộc, với hoàn cảnh thắng thua không chỉ do người Việt quyết định, mà còn chịu ảnh hưởng/lệ thuộc bởi một số cường quốc !

Trái lại, "bên thắng cuộc" cũng chẳng có gì đáng tự hào, để cứ tổ chức mãi những ngày lễ kỷ niệm chiến thắng, tiếp tục xưng hùng xưng bá, mà còn cần phải thành thật sám hối xin lỗi nhân dân, do đã nướng quá nhiều con dân trong lửa đỏ, và phạm phải nhiều sai lầm trong các chủ trương-chính sách kinh tế trước và sau 1975, khiến cho nhân dân cả hai miền Nam, Bắc phải gian nan đồ khổ trong một thời gian dài. Như ý kiến phát biểu thẳng thắn của một vị Phó Giáo sư của chính bên thắng cuộc (ông Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) :

"Cần có lời thành tâm sám hối và xin lỗi từ đảng Cộng sản tới nhân dân – cộng đồng các dân tộc Việt về những quyết sách sai lầm từng đưa đến những đau thương mà dân tộc phải gánh chịu như đã nêu ở trên. Hòa giải, hòa hợp dân tộc là chuyện lớn của dân của nước không thể tiếp tục quay lưng lại được. Sám hối và xin lỗi nếu được thực hiện là sự thành tâm, thiết nghĩ rất cần có cho hòa giải hòa hợp dân tộc".

Tóm lại, hòa giải hòa hợp dân tộc phải được thực hiện từ thiện chí của cả hai phía thắng cuộc lẫn thua cuộc, từ sự thâm sâu suy nghĩ bằng tinh thần bao dung truyền thống của người dân Việt, trên cơ sở xóa bỏ mọi mặc cảm tự tôn hoặc tự ti và thái độ thù dai thù vặt nhỏ nhen dù thuộc bất cứ bên nào. Nhưng nói chung "bên thắng cuộc" cần phải thể hiện tích cực trước bằng hành động thực tế cụ thể, chứ không chỉ nói suông, để cho những người Việt có hoàn cảnh như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cựu dân biểu Dương Văn Ba… sau này mà có ai chết nữa thì gia đình họ ít nhất cũng được trả tiền đăng cáo phó như mọi công dân bình thường khác !

(14/11/2018 )

Trần Văn Chánh

Nguồn : Viet-studies, 26/11/2018 

Quay lại trang chủ
Read 917 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)