Tháng Mười Một năm 2018, trong bối cảnh lời khuyến cáo của Ngân Hàng Thế Giới về 50% khoản vay trong nước của chính phủ Việt Nam sẽ đáo hạn trong ba năm tới, cũng là bối cảnh mà ngân sách quốc gia đang lộ ra bốn tử huyệt lớn là nợ công, nợ xấu, cạn kiệt dầu khí và nguy cơ vỡ nợ của chính ngân sách đó, vụ ALC II rốt cuộc đã dẫn đến vụ khởi tố nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội kiêm Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam là Lê Bạch Hồng.
Một chứng cứ hùng hồn và tàn bạo
ALC II (công ty Cho Thuê tài chính II) thuộc một ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia – Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank) – bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã khiến tràn ngập thông tin ngoài lề về "Agribank sắp phá sản",dù ngân hàng này – luôn giữ vị trí quán quân về mức độ tham nhũng, thất thoát cùng số cán bộ bị xử án trong ngành ngân hàng Việt Nam – vẫn được Chính Phủ và Ngân Hàng Nhà Nước "che chắn"để chưa thể chính thức phải giải thể.
Con số gần 1.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội mà Lê Bạch Hồng rất có thể đã thông đồng với ALC II "hô biến"– tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số dư đầu tư quỹ lũy kế gần 610.000 tỷ đồng theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2017, nhưng là một chứng cứ hùng hồn và tàn bạo về hành vi cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lợi dụng và vô trách nhiệm đến thế nào đối với số tiền còm cõi mồ hôi xương máu đóng bảo hiểm xã hội của hàng chục triệu người lao động trên rẻo đất hình chữ S bị xé tơi tả bởi các nhóm lợi ích – chính sách lồng lộn cùng lòng tham không đáy.
Nhưng vô trách nhiệm hơn cả, thậm chí rất đáng nghi ngờ về động cơ trục lợi của bảo hiểm xã hội Việt Nam, là cho tới nay và bất chấp rất nhiều đề nghị, kiến nghị của giới chuyên gia phản biện độc lập cùng đông đảo người lao động, Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn không hề công khai báo cáo tài chính hàng năm.
Chỉ đến khi vụ ALC II và Lê Bạch Hồng nổ ra mà không còn giấu diếm được nữa, lần đầu tiên một quan chức cao cấp của bảo hiểm xã hội Việt Nam là Phó Tổng Giám Đốc Đào Việt Ánh mới hiện ra để trấn an : "hiện 90% tiền của bảo hiểm xã hội Việt Nam được đầu tư vào trái phiếu chính phủ",và thanh minh rằng cơ quan này đã đầu tư theo quy định của Chính phủ, tức "nguyên tắc chỉ đầu tư tiền nhàn rỗi".
Trái phiếu chính phủ có khác "giấy lộn"?
Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Việt Nam, số dư đầu tư quỹ lũy kế đến cuối năm 2017 là gần 610.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2012 (gần 234.000 tỷ đồng). Lợi nhuận đầu tư trong giai đoạn 2013-2017 là gần 150.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, lãi đầu tư là 37.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2012 (gần 19.000 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền lãi thu được tính trên số dư nợ đầu tư bình quân đạt 7,23%, trong đó lãi suất đầu tư bình quân năm 2017 là 7,25%.
Và để tăng tính thuyết phục cho "nguyên tắc chỉ đầu tư tiền nhàn rỗi",ông Đào Việt Ánh giải thích "khi bảo hiểm xã hội Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ, vừa đảm bảo hiệu quả an toàn cho Quỹ, vừa tăng huy động vốn cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi".
Cần nhắc lại, vào cuối Tháng Hai, 2017, Bộ tài chính đã công bố việc Chính Phủ vay bảo hiểm xã hội số tiền 324.000 tỷ đồng và toàn bộ số này đã được chuyển thành trái phiếu, nâng tổng số tiền bảo hiểm xã hội cho ngân sách nhà nước vay dưới dạng trái phiếu là 369,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 84,94% tổng quỹ bảo hiểm xã hội cho vay (hơn 435 nghìn tỷ đồng) – biến chính phủ trở thành con nợ lớn nhất của nguồn quỹ an sinh này.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc chuyển tiền thành trái phiếu để chính phủ vay được cho là rủi ro khá lớn khi tính khả tín trong các khoản đầu tư của chính phủ rất thấp, trong khi có nguy cơ lớn đồng VND mất giá do lạm phát.
Đến Tháng Năm năm 2018 và trong một kỳ họp Quốc Hội vào, đã có thêm một bằng chứng về "tính khả tín rất thấp của chính phủ".
Theo chiến thuật "Lấy mỡ nó rán nó"– một cách gọi của Thống ddốc Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tìm cách "huy động 500 tấn vàng trong dân"vào năm 2011, nếu vụ "phát hành trái phiếu 22.000 tỷ đồng"thành công, sẽ khiến ngân sách nuôi đảng và chính phủ được vay tiền thực của Quỹ bảo hiểm xã hội, tức từ hàng triệu người đóng bảo hiểm này, nhưng đến khi trả lãi và nợ thì Bộ tài chính lại chỉ trả bằng… "giấy lộn".
Tình trạng hoạt động và bưng bít thông tin của Quỹ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Quỹ bảo hiểm xã hội nước này đã dùng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động để "chơi"chứng khoán. Trong đợt lao dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015 mà đã khiến không biết bao nhiêu người dân phải tự tử, Quỹ bảo hiểm xã hội Trung Quốc đã bị thiệt hại rất lớn.
Với quá nhiều nghịch lý đang xảy ra, nỗi lo của người đóng bảo hiểm xã hội không chỉ là chuyện vỡ quỹ như cơ quan bảo hiểm xã hội luôn dọa dẫm, mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu…
Vào năm 2017, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước của Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam lên đến khoảng 400.000 tỷ đồng. Nhưng ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản ?
Công nhân lột tôm của nhà máy hải sản Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. (Hình : Roberto Schmidt/AFP/ Getty Images)
Bảo hiểm xã hội – phao cứu sinh đáo hạn nợ của chính phủ
Về thực chất, khoảng 400.000 tỷ đồng mà bảo hiểm xã hội Việt Nam cho chính phủ vay mượn còn được chính phủ này, và chắc chắn phía sau là cái gật đầu toa rập của Bộ Chính Trị đảng cầm quyền, để số tiền đó "góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi" – như lối thanh minh của Phó Tổng Giám Đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh.
Chưa kể đến núi nợ nước ngoài lên đến hơn 200 tỷ đô la – trong đó phần nợ của chính phủ là 105 tỷ đô la và của các doanh nghiệp hàng trăm tỷ đô la nữa, số nợ trong nước được tích tụ từ thời liên tục "phát hành trái phiếu chính phủ" của Nguyễn Tấn Dũng cũng ngày càng chồng chất cho đến giờ đây, trong đó cứ đều đặn hàng năm lại có một khoản lớn mà chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán cho các chủ nợ là ngân hàng.
Nhưng vẫn chưa phải hết. Từ thời Nguyễn Tấn Dũng đến thời Nguyễn Xuân Phúc, bội chi luôn là cơn ung thư quằn quại cái cơ thể đã tàn tạ của ngân sách chính thể. Vào thời Thủ tướng Dũng, có năm tỷ lệ bội chi thực tế đã lên đến 9% dự toán chi. Còn vào thời Thủ tướng Phúc, tuy tỷ lệ này có được kéo giảm đôi chút nhưng vẫn còn ngất ngưởng trên đầu hàng chục triệu người dân đóng thuế.
Trong tình thế túng quẫn lẫn khốn quẫn như thế, nguồn tiền khổng lồ của quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trở thành phao cứu sinh cho chính phủ về "đáo hạn nợ công"và "xử lý bội chi". Một cách nghiễm nhiên mà không cần phải công bố cho bàn dân thiên hạ lẫn hàng chục triệu công nhân đóng bảo hiểm xã hội, chính phủ đã "chiếm dụng" khoảng 400.000 tỷ đồng bảo hiểm xã hội trong một thời gian dài, thậm chí rất dài, thậm chí cho đến khi nào tuổi thọ của chế độ chính trị này còn cho phép kéo dài.
Đó cũng là sự "cống hiến" của Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam vào "nhiệm vụ chính trị". Và đó cũng là nguồn cơn vì sao bảo hiểm xã hội Việt Nam cực kỳ lo sợ khi người lao động đòi được nhận bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc.
Sẽ cộng hưởng biểu tình
Vào năm 2015, một cuộc biểu tình rất lớn của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đã nổ ra để phản đối điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội về không cho người lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Hãy thử hình dung : nếu hàng trăm ngàn người lao động đồng loạt nghỉ việc và đồng loạt kéo đến Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam đòi nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ một lần, quỹ này sẽ lấy đâu ra tiền để thanh toán ? Hay bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra sức mị dân rằng họ đã đầu tư đến 90% tiền bảo hiểm xã hội vào trái phiếu chính phủ, nhưng lại chẳng thể nào dám khẳng định rằng vài chục năm nữa, hoặc thậm chí chỉ 3 -5 năm nữa khi người lao động nhận lãi và gốc tiền bảo hiểm xã hội từ trái phiếu chính phủ, khi đó nạn lạm phát sẽ biến thành phi mã và số tiền cuối cùng mà người lao động nhận được chỉ có giá trị như giấy lộn hay hơn thế một chút – một bó rau hoặc một ly trà đá !
Mọi chuyện đang biến diễn khá đồng điệu với thực trạng Liên Xô năm 1986, vào lúc quỹ bảo hiểm xã hội bị co hẹp. Chỉ bốn năm sau đó, cuộc chính biến do Gorbachev khởi xướng đã chính thức đánh dấu làn sóng bỏ đảng. Trong suốt giai đoạn hậu Gorbachev, 8 năm cầm quyền của Yeltsin đã chỉ là nốc rượu vodka và duy trì sự trục lợi của các nhóm tài phiệt, trong khi giá trị lương hưu thực nhận của giới cựu chiến binh và người về hưu chỉ còn 1/2 – 1/3 giá trị mà họ nhận khi đồng rúp chưa bị trượt giá khủng khiếp. Và đó cũng là giai đoạn mà lớp người về hưu bỏ đảng ồ ạt khi niềm tin chính thể của họ bị tàn phá hầu như tuyệt đối.
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến nhanh và không kém phần vững chắc về dĩ vãng của Liên Xô năm 1986. Vỡ quỹ lương hưu là một tương lai không hề "viển vông", bất chấp việc Ngân Hàng Nhà Nước chắc chắn sẽ lao đầu vào đường mòn in tiền ồ ạt để trám vào những lỗ hổng toang hoác.
Bởi cái hình ảnh người lao động phải chìa tay nhận những đồng bạc bảo hiểm xã hội chỉ còn 1/3, 1/5, thậm chí chỉ còn 1/10 giá trị ban đầu mà họ đóng góp vào quỹ này bởi nạn lạm phát phi mã… cũng là một kiểu vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Vỡ quỹ bảo hiểm xã hội lại hầu như dẫn tới vỡ quỹ lương hưu. Để khi đó và chẳng cần lời kêu gọi hay hiệu triệu nào từ "các thế lực thù địch" hoặc "bọn phản động lưu vong", hàng triệu cán bộ hưu trí ở Việt Nam lập tức đổ xuống đường, tuần hành hay biểu tình để phản đối chính quyền (với rất nhiều lý do phản đối, cả công khai lẫn ấm ức bị dồn nén từ lâu).
Hai phong trào biểu tình phản đối của người lao động và cán bộ hưu trí đối với nạn vỡ quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam lại có thể cộng hưởng với nhau vào một thời điểm nào đó, biến đám đông biểu tình trở thành một chiến dịch biểu tình khổng lồ và vô phương ngăn chặn từ phía chính quyền.
Phạm Chí Dũng