Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/11/2018

Các ấn tượng và vấn đề tài sản cán bộ 'không rõ nguồn gốc'

Phùng Thanh Sơn

Báo chí Việt Nam nói kỳ họp thứ sáu Quốc hội vừa kết thúc "có tám thành công nổi bật" nhưng có ý kiến đánh giá dù kỳ họp để lại nhiều ấn tượng, một số vấn đề lớn khác vẫn cần giải quyết.

qh1

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước - Ảnh Dân Trí

Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV bế mạc hôm 20/11/2018.

Những ấn tượng và điều để lại

Theo dõi kỳ họp Quốc hội, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/11 qua điện thoại từ Đà Nẵng, nơi ông tới dự một phiên tòa.

Phùng Thanh Sơn : Theo tôi quan sát, các điểm "ấn tượng" hơn cả của kỳ họp này là : vụ đại biểu Nguyễn Hữu Cầu "chất vấn" đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phát biểu vi phạm của cơ quan điều tra khủng khiếp ; nội dung xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức không được quốc hội thông qua ; đề xuất chấp hình thức chấp hành hình phạt tù tại gia của đại biểu Hồ Đức Phớc…

Những việc này, đã tạo nên một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội và báo lề trái trong thời gian vừa qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, một đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ lại bị một đại biểu khác, cấp dưới của người bị chất vấn, "chất vấn" ngược lại. Lẽ ra Bộ trưởng công an chỉ cần đăng đàn chứng minh những "cáo buộc" của vị đại biểu kia không chính xác là đủ nhưng Bộ Công an đã đi rất xa với việc một số tờ báo của ngành công an gây áp lực lên ông Nhưỡng, yêu cầu đính chính phát ngôn, Đảng ủy công an Trung ương yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội xem xét lại phát biểu của ông Nhưỡng…

BBC : Về đề xuất xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.Ý kiến của luật sư thế nào ?

Phùng Thanh Sơn : Câu hỏi cần đặt ra là tại sao vấn đề này không đạt được đồng thuận, thống nhất cao ? Có phải thực sự xuất phát từ lý do đã có quy định tịch thu tài sản tham nhũng, trốn thuế ; đụng chạm đến quyền sở hữu của công dân nên cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng ; tài sản được hình thành rất nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều thời kỳ khác nhau nên việc chứng minh nguồn gốc sẽ gặp nhiều khó khăn ?

Theo tôi, những lý do trên chưa thực sự thuyết phục. Bởi không thể đánh đồng quyền của công dân với quyền của cán bộ công chức. Một khi anh chấp nhận trở thành cán bộ công chức anh phải chịu sự giám sát của người dân, bị chế tài ngặt nghèo hơn so với người dân bình thường và bị giới hạn một số quyền nhất định như : quyền được giữ bí mật thông tin về tài sản.

Suy cho cùng thì tài sản chỉ có thể được phân thành hai loại : tài sản hợp pháp và tài sản bất hợp pháp. Xét về nguồn gốc, tài sản có thể hình thành từ các nguồn : tự tạo lập ; được tặng cho, nhận thừa kế ; nhận chuyển nhượng ; trúng thưởng ; xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Do đó, để kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản không có gì khó thực hiện.

Trở ngại hiện nay không phải là không biết được nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu mà là không thể che đậy được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản.

Thực tế, chỉ có người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước mới tham nhũng và có điều kiện tham nhũng. Mà để có được chức vụ, quyền hạn trong bộ máy thì điều kiện đầu tiên là người đó phải là Đảng viên. Trong khi tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội hiện nay là Đảng viên và là người đang nắm giữ chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước.

BBC : Theo ông, có những giải pháp nào để tránh xung đột lợi ích khi những đại biểu Quốc hội hội cũng là Đảng viên bỏ phiếu về dự luật chống tham nhũng, liên quan đến tài sản giới chức ?

qh2

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là người có phát ngôn gây tranh cãi nhất tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc

Phùng Thanh Sơn : Dù lương cán bộ công chức hiện nay rất thấp nhưng không ít các trường hợp giàu lên rất nhanh và được người dân gọi là "tư bản đỏ". Về mặt logic thông thường, không ai bỏ phiếu để tạo ra một đạo luật chống lại lợi ích của mình cả.

Do đó, với thành phần đại biểu quốc hội hiện nay, chúng ta trông đợi Quốc hội thông qua một đạo luật cho phép tịch thu hay đánh thuế trên tài sản không giải trình được nguồn gốc của cán bộ công chức là chuyện không thực tế.

Với cơ cấu đại biểu quốc hội hiện nay và cách làm luật hiện nay của Quốc hội thì đang có sự xung đột lợi ích.

Để giảm thiểu xung đột lợi ích trong hoạt động lập pháp, tôi có một số đề xuất :

Không để đại biểu Quốc hội là Đảng viên chiếm tuyệt đại đa số (trên 95%) tổng số đại biểu và kiêm nhiệm các chức vụ, làm việc trong các cơ quan hành pháp.

Chỉ cần 51% trong số này là Đảng đã có thể kiểm soát được việc ra nghị quyết của Quốc hội. Số đại biểu còn lại là người không thuộc bất kỳ đảng phái nào cả.

Cơ quan hành pháp chỉ nên đóng vai trò là cơ quan phản biện, góp ý trong việc soạn thảo, thông qua các dự án luật của Quốc hội chứ không "vừa đá bóng vừa thổi còi" hiện nay.

Việc cơ quan hành pháp chủ trì soạn thảo và trình dự án luật cho Quốc hội như hiện nay dễ dẫn tới tiêu cực trong quá trình soạn thảo như : cố tình đưa vào dự thảo các quy định bất lợi cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp "lobby" nhằm loại bỏ các quy định bất lợi đó ; hoặc các doanh nghiệp lobby để thêm vào quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn... nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, nếu các đường lối, chính sách của đảng Cộng sản không đủ sức thuyết phục các đại biểu vốn là thành viên của Đảng thì chứng tỏ chủ trương, đường lối của Đảng có vấn đề. Một khi không thuyết phục được các thành viên của tổ chức mình thì không lý do gì Đảng buộc cả xã hội phải chấp nhận các chủ trương, đường lối, chính sách đó.

BBC : Báo Việt Nam cho hay luật Phòng chống tham nhũng đã được thông qua nhưng không có nội dung về xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc, ông đánh giá khả năng đưa nội dung này vào luật khi sửa đổi bổ sung thế nào ?

Phùng Thanh Sơn : Theo như tôi thấy, trong bối cảnh lương giới chức thì thấp, cán bộ công chức không sống bằng lương thì khả năng bổ sung nội dung này vào luật là rất thấp.

Nhìn chung, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì luật phòng chống tham nhũng phải có đủ hai cơ chế :

- Công khai minh bạch tài sản của cán bộ công chức và người thân (cha, mẹ, vợ, con) để người dân có thể tiếp cận một cách tự do và thực hiện việc giám sát.

- Phải xử lý tài sản của cán bộ công chức không rõ nguồn gốc. Nếu Luật phòng chống tham nhũng thiếu một trong hai cơ chế này thì công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ là hình thức.

Nhiều nội dung quan trọng

Báo Người đưa tin cho hay, sau 22 ngày "làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm", Quốc hội khóa XIV "đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng".

Tờ báo kể ra một số điểm nổi bật tại sự kiện :

- Bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức chủ tịch nước

- Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

- Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

- Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ; lấy phiếu tín nhiệm 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

- Thông qua chín dự luật : Chăn nuôi ; Trồng trọt ; Bảo vệ bí mật Nhà nước ; Cảnh sát biển Việt Nam ; Công an nhân dân (sửa đổi) ; Đặc xá (sửa đổi) ; Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Khác với nhiều nước trên thế giới có quốc hội chuyên trách họp cả năm, Quốc hội Việt Nam chỉ có một viện và họp định kỳ hai lần trong năm.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 27/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)