Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo chí Việt Nam nói kỳ họp thứ sáu Quốc hội vừa kết thúc "có tám thành công nổi bật" nhưng có ý kiến đánh giá dù kỳ họp để lại nhiều ấn tượng, một số vấn đề lớn khác vẫn cần giải quyết.

qh1

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu kín bầu Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước - Ảnh Dân Trí

Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV bế mạc hôm 20/11/2018.

Những ấn tượng và điều để lại

Theo dõi kỳ họp Quốc hội, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/11 qua điện thoại từ Đà Nẵng, nơi ông tới dự một phiên tòa.

Phùng Thanh Sơn : Theo tôi quan sát, các điểm "ấn tượng" hơn cả của kỳ họp này là : vụ đại biểu Nguyễn Hữu Cầu "chất vấn" đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phát biểu vi phạm của cơ quan điều tra khủng khiếp ; nội dung xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức không được quốc hội thông qua ; đề xuất chấp hình thức chấp hành hình phạt tù tại gia của đại biểu Hồ Đức Phớc…

Những việc này, đã tạo nên một làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội và báo lề trái trong thời gian vừa qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, một đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ lại bị một đại biểu khác, cấp dưới của người bị chất vấn, "chất vấn" ngược lại. Lẽ ra Bộ trưởng công an chỉ cần đăng đàn chứng minh những "cáo buộc" của vị đại biểu kia không chính xác là đủ nhưng Bộ Công an đã đi rất xa với việc một số tờ báo của ngành công an gây áp lực lên ông Nhưỡng, yêu cầu đính chính phát ngôn, Đảng ủy công an Trung ương yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội xem xét lại phát biểu của ông Nhưỡng…

BBC : Về đề xuất xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.Ý kiến của luật sư thế nào ?

Phùng Thanh Sơn : Câu hỏi cần đặt ra là tại sao vấn đề này không đạt được đồng thuận, thống nhất cao ? Có phải thực sự xuất phát từ lý do đã có quy định tịch thu tài sản tham nhũng, trốn thuế ; đụng chạm đến quyền sở hữu của công dân nên cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng ; tài sản được hình thành rất nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều thời kỳ khác nhau nên việc chứng minh nguồn gốc sẽ gặp nhiều khó khăn ?

Theo tôi, những lý do trên chưa thực sự thuyết phục. Bởi không thể đánh đồng quyền của công dân với quyền của cán bộ công chức. Một khi anh chấp nhận trở thành cán bộ công chức anh phải chịu sự giám sát của người dân, bị chế tài ngặt nghèo hơn so với người dân bình thường và bị giới hạn một số quyền nhất định như : quyền được giữ bí mật thông tin về tài sản.

Suy cho cùng thì tài sản chỉ có thể được phân thành hai loại : tài sản hợp pháp và tài sản bất hợp pháp. Xét về nguồn gốc, tài sản có thể hình thành từ các nguồn : tự tạo lập ; được tặng cho, nhận thừa kế ; nhận chuyển nhượng ; trúng thưởng ; xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Do đó, để kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản không có gì khó thực hiện.

Trở ngại hiện nay không phải là không biết được nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu mà là không thể che đậy được nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản.

Thực tế, chỉ có người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước mới tham nhũng và có điều kiện tham nhũng. Mà để có được chức vụ, quyền hạn trong bộ máy thì điều kiện đầu tiên là người đó phải là Đảng viên. Trong khi tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội hiện nay là Đảng viên và là người đang nắm giữ chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước.

BBC : Theo ông, có những giải pháp nào để tránh xung đột lợi ích khi những đại biểu Quốc hội hội cũng là Đảng viên bỏ phiếu về dự luật chống tham nhũng, liên quan đến tài sản giới chức ?

qh2

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là người có phát ngôn gây tranh cãi nhất tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc

Phùng Thanh Sơn : Dù lương cán bộ công chức hiện nay rất thấp nhưng không ít các trường hợp giàu lên rất nhanh và được người dân gọi là "tư bản đỏ". Về mặt logic thông thường, không ai bỏ phiếu để tạo ra một đạo luật chống lại lợi ích của mình cả.

Do đó, với thành phần đại biểu quốc hội hiện nay, chúng ta trông đợi Quốc hội thông qua một đạo luật cho phép tịch thu hay đánh thuế trên tài sản không giải trình được nguồn gốc của cán bộ công chức là chuyện không thực tế.

Với cơ cấu đại biểu quốc hội hiện nay và cách làm luật hiện nay của Quốc hội thì đang có sự xung đột lợi ích.

Để giảm thiểu xung đột lợi ích trong hoạt động lập pháp, tôi có một số đề xuất :

Không để đại biểu Quốc hội là Đảng viên chiếm tuyệt đại đa số (trên 95%) tổng số đại biểu và kiêm nhiệm các chức vụ, làm việc trong các cơ quan hành pháp.

Chỉ cần 51% trong số này là Đảng đã có thể kiểm soát được việc ra nghị quyết của Quốc hội. Số đại biểu còn lại là người không thuộc bất kỳ đảng phái nào cả.

Cơ quan hành pháp chỉ nên đóng vai trò là cơ quan phản biện, góp ý trong việc soạn thảo, thông qua các dự án luật của Quốc hội chứ không "vừa đá bóng vừa thổi còi" hiện nay.

Việc cơ quan hành pháp chủ trì soạn thảo và trình dự án luật cho Quốc hội như hiện nay dễ dẫn tới tiêu cực trong quá trình soạn thảo như : cố tình đưa vào dự thảo các quy định bất lợi cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp "lobby" nhằm loại bỏ các quy định bất lợi đó ; hoặc các doanh nghiệp lobby để thêm vào quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn... nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, nếu các đường lối, chính sách của đảng Cộng sản không đủ sức thuyết phục các đại biểu vốn là thành viên của Đảng thì chứng tỏ chủ trương, đường lối của Đảng có vấn đề. Một khi không thuyết phục được các thành viên của tổ chức mình thì không lý do gì Đảng buộc cả xã hội phải chấp nhận các chủ trương, đường lối, chính sách đó.

BBC : Báo Việt Nam cho hay luật Phòng chống tham nhũng đã được thông qua nhưng không có nội dung về xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc, ông đánh giá khả năng đưa nội dung này vào luật khi sửa đổi bổ sung thế nào ?

Phùng Thanh Sơn : Theo như tôi thấy, trong bối cảnh lương giới chức thì thấp, cán bộ công chức không sống bằng lương thì khả năng bổ sung nội dung này vào luật là rất thấp.

Nhìn chung, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì luật phòng chống tham nhũng phải có đủ hai cơ chế :

- Công khai minh bạch tài sản của cán bộ công chức và người thân (cha, mẹ, vợ, con) để người dân có thể tiếp cận một cách tự do và thực hiện việc giám sát.

- Phải xử lý tài sản của cán bộ công chức không rõ nguồn gốc. Nếu Luật phòng chống tham nhũng thiếu một trong hai cơ chế này thì công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ là hình thức.

Nhiều nội dung quan trọng

Báo Người đưa tin cho hay, sau 22 ngày "làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm", Quốc hội khóa XIV "đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng".

Tờ báo kể ra một số điểm nổi bật tại sự kiện :

- Bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức chủ tịch nước

- Phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

- Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

- Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ; lấy phiếu tín nhiệm 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

- Thông qua chín dự luật : Chăn nuôi ; Trồng trọt ; Bảo vệ bí mật Nhà nước ; Cảnh sát biển Việt Nam ; Công an nhân dân (sửa đổi) ; Đặc xá (sửa đổi) ; Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Khác với nhiều nước trên thế giới có quốc hội chuyên trách họp cả năm, Quốc hội Việt Nam chỉ có một viện và họp định kỳ hai lần trong năm.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 27/11/2018

Published in Diễn đàn

Luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC rằng để tránh xảy ra những vụ tương tự Tân Thuận thì "cần cấm các cơ quan của Đảng thành lập các đơn vị kinh tế".

cam1

Ngày càng có thêm nhiều khu chung cư mới mọc lên bên bờ sông Sài Gòn

Về vụ công ty Tân Thuận, trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển nhượng khu đất 32ha ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, truyền thông Việt Nam ghi nhận phát ngôn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh :

"Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo và đàm phán với các doanh nghiệp chuyển nhượng hủy hợp đồng vì quá trình chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật. Và việc hủy hợp đồng đó không gây ra bất kỳ thiệt hại kinh tế nào cho các doanh nghiệp quản lý kinh tế đảng của thành phố".

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy "tiếp tục tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo Văn phòng Thành ủy và các cá nhân liên quan, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 6/2018", theo báo Sài Gòn Giải Phóng.

Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy cũng cho hay "chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực liên quan đến lợi ích cá nhân".

Hôm 10/5, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt : "Xét ở góc độ doanh nghiệp thì mọi doanh nghiệp điều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt doanh nghiệp đó là của ai, của nhà nước hay của tư nhân. Việc ra quyết định cũng như ký kết hợp đồng phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền mà điều lệ của mỗi doanh nghiệp quy định".

"Nếu theo điều lệ của Công ty Tân Thuận, việc chuyển nhượng 32,4 ha đất này thuộc thẩm quyền quyết định của chủ sở hữu - tức Văn phòng Thành ủy thì phải có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu theo quy định nội bộ của Thành ủy, cá nhân Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang có quyền quyết định thì việc chuyển nhượng này hoàn toàn hợp pháp".

"Còn nếu theo quy định nội bộ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang không được tự ý phê duyệt thì giao dịch giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ vô hiệu. Theo quy định pháp luật, chỉ có tòa án mới có quyền tuyên một giao dịch là vô hiệu. Điều đó có nghĩa là vụ việc này phải được khởi kiện tại tòa án.

Còn bên nào có nhu cầu hủy giao dịch này thì sẽ là người chủ động khởi kiện. Không thể hủy giao dịch này bằng một quyết định của Thành ủy hay cơ quan hành chính nhà nước. Thành ủy chỉ có thể can thiệp vào giao dịch này thông qua người đại diện pháp luật của Công ty Tân Thuận với tư cách là chủ sở hữu của công ty Tân Thuận chứ không thể can thiệp trực tiếp với tư cách là cơ quan Đảng hay cơ quan quản lý nhà nước.

cam2

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Quốc Cường Gia Lai nói "không hề có ý định đưa mọi việc ra tòa"

Hậu quả của việc giao dịch vô hiệu là các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu mà gây ra thiệt hại thì căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng.

Trong vụ này, nếu hợp đồng chuyển nhượng 32,4 ha đất này bị vô hiệu thì bên bị thiệt hại không ai khác là Công ty Quốc Cường Gia Lai nên Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Tân Thuận bồi thường thiệt hại cho mình.

Nếu các bên đạt được thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng thì không vấn đề gì. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì vụ việc cần phải đưa ra tòa để giải quyết. Trong vụ này người cần khởi kiện là Công ty Tân Thuận chứ không phải Công ty Quốc Cường Gia Lai vì người cần hủy hợp đồng chuyển nhượng 32,4 ha đất này là Công ty Tân Thuận chứ không phải là Công ty Quốc Cường Gia Lai".

BBC : Theo dự báo của luật sư, sau động thái xử lý của Thành ủyTPHồ Chí Minh, liệu Công ty Quốc Cường Gia Lai có để sự việc đến mức phải đưa ra tòa hay không ?

Phùng Thanh Sơn : Đó là một câu chuyện khác. Ở Việt Nam, khi quyết định có đưa vụ việc ra tòa hay không, ngoài vấn đề pháp lý, các doanh nghiệp còn phải cân nhắc nhiều yếu tố phi pháp lý khác như : hiệu quả kinh tế của việc khởi kiện, vị thế cũng như mức độ lệ thuộc của mình đối với bên kia, hậu quả do việc thắng kiện gây ra…

Trong sự việc này, chúng ta thấy thực chất đây không phải là cuộc "đối đầu" giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai mà là cuộc "đối đầu" giữa Thành ủy - Chủ sở hữu Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai. Thành ủy lại là cơ quan lãnh đạo toàn diện và trực tiếp đến những nhân sự tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp thông qua các cấp uỷ đảng.

Trong khi, phần lớn các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Công ty Quốc Cường Gia Lai đều diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và chịu sự kiểm soát và quản lý của các cơ quan nhà nước tại đây. Do đó, trước khi quyết định đưa vụ việc ra toà hay không thì Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng phải tính đến các yếu tố phí pháp lý này. Chính vì vậy chỉ có Công ty Quốc Cường Gia Lai mới biết được là có nên để vụ việc này ra tòa hay là "vui vẻ" chấp nhận thoả thuận hủy hợp đồng. Theo tôi, khả năng đưa ra tòa là không cao.

BBC : Làm sao người dân giám sát để biết các doanh nghiệp có vốn từ ngân sách nhà nướcnhư Công ty Tân Thuận có thất thoát tài sản hay không ?

Phùng Thanh Sơn : Có một thực tế là phần lớn kinh phí cho việc xây dựng trụ sở cũng như duy trình hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam được lấy từ ngân sách nhà nước. Do đó, có thể nói rằng nguồn vốn thành để thành lập các doanh nghiệp của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam là có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Một khi vốn dùng để thành lập những doanh nghiệp như thế này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì lợi nhuận có được từ việc kinh doanh cũng như tài sản của các doanh nghiệp này phải là của nhà nước và phải chịu sự kiểm soát bởi pháp luật để tránh sự thất thoát tài sản, đầu tư không hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát vốn, sử dụng lợi nhuận từ việc kinh doanh, cũng như việc ra các quyết định tại các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật (ngoài các luật chuyên ngành liên quan đến ngành nghề kinh doanh và luật doanh nghiệp áp dung chung cho mọi thành phần kinh tế).

Việc kiểm soát vốn, sử dụng lợi nhuận có được, thù lao người đại diện vốn, quản lý điều hành cũng như việc ra quyết định tại các doanh nghiệp này do chủ sở hữu - các cơ cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định. Các cơ quan này quy định như thế nào thì người dân cũng không được biết để giám sát vì đây là quy định của nội bộ Đảng !

cam3

Đất tại xã Phước Kiển được coi là "đất vàng" vì nằm sát khu đô thị Phú Mỹ Hưng

BBC : Về quyết định hủy hợp đồng của vụ Tân Thuận thì có gì giống và khác thương vụ Mobifone - AVG ?

Phùng Thanh Sơn : Vụ Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32,4 ha đất với giá rẻ và vụ Mobifone mua cổ phần AVG với giá cao có một điểm chung là gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý thì hai vụ này thì khác nhau. Vụ Mobifone thì gây thiệt hại cho nhà nước còn vụ Công ty Tân Thuận thì không gây thiệt hại cho nhà nước mà gây thiệt hại cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi Công ty Tân Thuận là công ty của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mà tổ chức này không phải là cơ quan nhà nước mặc dù trên thực tế lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước. Còn Mobifone là công ty của Bộ Thông tin và truyền thông - một cơ quan trong bộ máy nhà nước nên thiệt hại của chủ sở hữu chính là thiệt hại cho nhà nước.

Việc đầu tư vốn của Mobifone phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong khi việc đầu tư vốn của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các doanh nghiệp thì đang bị bỏ ngỏ !

BBC : Theo ông, mục đích của việc thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì ? Có phải là vì thực mệnh sứ mệnh của một doanh nghiệp nhà nước ? Nếu vậy thì tại sao không trao sứ mệnh này cho các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành, địa phương mà lại giao cho các tổ chức của Đảng ?

Phùng Thanh Sơn : Theo tôi, "sứ mệnh" duy nhất của các công ty do Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra là để kiếm tiền nuôi bộ máy của mình. Việc này sẽ tạo ra những hệ luỵ khó lường cho tài sản, nguồn lực nhà nước và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua. Với danh nghĩa là công ty "bình phong" của Bộ Công an, Công ty Nova 79 của ông Vũ Nhôm đã làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước thông qua việc mua rẻ công sản là các khu đất vàng của nhà nước không thông qua đấu giá và bán lại giá cao mà báo chí đăng tải trong thời gian vừa qua. Công ty Nova 79 chỉ mới là công ty "bình phong" của ngành Công an - không chi phối trực tiếp đến người có quyền ra các quyết định tại các cơ quan hành chính nhà nước nhưng đã được ưu ái đến như vậy.

Liệu các công ty của Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan chi phối toàn diện và trực tiếp đối với người ra quyết định tại các cơ quan hành chính sẽ nhận được các ưu đãi khủng đến mức độ nào ? Điều gì đảm bảo rằng các nguồn lực nhà nước trong đó có đất đai, tài nguyên sẽ được phân phối đúng nơi, đúng chỗ và được khai thác sử dụng hiệu quả ?

Theo tôi, các doanh nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam không cần đến các ưu đãi bằng hiện vật hay hiện kim. Các doanh nghiệp này chỉ cần ưu đãi trong chính sách ; ưu đãi về thời gian như rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, không bị hạch sách, không phải tiếp và "chống chọi" hết đoàn thanh tra này đến đoàn thanh tra khác ; không phải mất tiền bôi trơn để có dự án, có hợp đồng… thì đã là một ưu đãi đáng kể so với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Không chỉ vậy, khi có tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có lợi thế và luôn ở thế trên. Mặc dù về hình thức và ở góc độ pháp lý thì đó chỉ đơn thuần là tranh chấp kinh tế giữa hai pháp nhân. Nhưng đứng về bản chất thì nó là tranh chấp giữa một bên là cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam và một bên là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Theo tôi, để tài sản nhà nước không bị thất thoát thông qua các doanh nghiệp của Đảng cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cần cấm các cơ quan của Đảng thành lập các đơn vị kinh tế. Những đơn vị kinh tế đang tồn tại hiện nay của các cơ quan Đảng cần được sáp nhập vào các doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh tương tự.

Nguồn : BBC, 10/05/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 22 novembre 2017 23:05

Vì sao khó thu hồi 'tài sản quan tham' ?

Việc thu hồi tài sản quan chức tham nhũng đang làm nóng nghị trường Việt Nam trong lúc một luật sư bình luận với BBC rằng "quan chức thường chuẩn bị từ trước, không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn nên về mặt pháp lý thì họ 'vô sản' khi ra tòa.

quantham1

Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia bị khai trừ Đảng và bị kết án tử hình

Truyền thông Việt Nam cho hay, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều quy định thay đổi với tội phạm tham nhũng. Theo Điều 40, sẽ không thi hành án tử hình đối với những người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Hình phạt tử hình khi đó được chuyển thành chung thân.

Báo VnEconomy hôm 21/11 dẫn lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng của tình Bình Dương nói : "Nên áp dụng suy đoán có tội với tài sản bất minh. Tức là nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thì có nghĩa là bất minh". Nhưng đại biểu Nguyễn Văn Chiến của Hà Nội cho biết : "Nếu suy đoán có tội để xử lý cả tài sản không xác định được do tham nhũng hay không tham nhũng, chỉ cần không minh bạch, không giải trình được là tịch thu, thì e rằng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của người dân".

'Chuẩn bị từ trước'

Trả lời BBC hôm 22/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói : "Theo tôi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi cần có quy định không nên xem xét đặc xá, ân xá đối với các tội danh liên quan đến tham nhũng. Và cần có những quy định khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội mạnh dạn tố cáo hành vi tham nhũng. Ví dụ như : miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được hoàn trả lại tiền đưa hối lộ nếu người đưa hối lộ chủ động tố cáo hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn ; thưởng gấp đôi số tiền tang vật cho người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng... Nếu luật hóa vấn đề này thì tôi tin chắc người có chức vụ quyền hạn muốn tham nhũng cũng không dám vì khi đó họ không biết sẽ bị người đưa hối lộ tố cáo lúc nào.

BBC : Theo luật sư, đối với những vụ thất thoát lớn như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) thì cơ chế thu hồi sẽ là thế nào ?

Phùng Thanh Sơn : Trước hết là phải phân biệt nguyên nhân thất thoát. Không phải mọi khoản thất thoát nào cũng có thể thu hồi được. Nếu thất thoát do quản lý yếu kém hay kinh doanh thua lỗ thì chúng ta chỉ có thể xử lý kỷ luật, miễn nhiệm, cách chức những cá nhân liên quan chứ không thể bắt họ bồi thường được. Nếu tiền thất thoát đó là tiền dùng để đưa hối lộ thì chính những người nhận hối lộ phải hoàn trả lại chứ không phải là người đưa hối lội tại PetroVietnam.

Trong trường hợp này, người nhận hối lộ có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu thất thoát xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế thì nhà nước sẽ tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.

Việc thu hồi tiền tham nhũng hiện nay còn khiêm tốn theo tôi do xuất phát từ các nguyên nhân sau :

- Cơ quan tiến hành tố tụng không chủ động áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài sản, tài khoản của quan chức tham nhũng dẫn đến khi án có hiệu lực pháp luật thì quan chức "không còn tài sản" để thi hành án

- Các quan chức tham nhũng thường đã chuẩn bị từ trước. Họ không bao giờ đứng tên các tài sản giá trị lớn. Họ thường để người thân trong gia đình đứng tên. Do đó, mặc dù bản án tuyên buộc quan chức tham nhũng phải bồi thường nhưng về mặt pháp lý thì họ "vô sản" nên cơ quan thi hành án cũng không thể làm gì được

- Tòa án không mạnh dạn tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức tham nhũng

Do đó, theo tôi, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục được các nguyên nhân nói trên trong quá trình giải quyết vụ án thì việc thu hồi tiền thất thoát tại PetroVietnam sẽ hiệu quả hơn.

BBC : Ông nghĩ gì về ý kiến của một đại biểu Quốc hội nói một khi quan chức không giải trình được tài sản tức là tài sản đó có được do tham nhũng ?

Phùng Thanh Sơn : Dù đứng ở góc độ của người dân thì tôi cũng rất muốn đề xuất này được ghi nhận trong việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng lần này. Tuy nhiên, dưới góc độ của một luật sư, tôi không đồng tình lắm.

Nếu xét về nguồn gốc hình thành một tài sản thì nó chỉ có xuất phát từ hai khả năng : hoặc là hợp pháp hoặc là bất hợp pháp. Trong khi đó, biểu hiện của hành vi bất hợp pháp thì trên thực tế có rất nhiều như trộm cắp, lừa đảo, chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật... chứ không đơn thuần đến từ hành vi tham nhũng. Do đó, chỉ nên quy định người có chức vụ quyền phạn có nghĩa vụ kê khai tất cả tài sản mà mình đang sở hữu, quản lý, sử dụng và chứng minh tính hợp pháp của tài sản đó. Nếu những tài sản nào không được kê khai hoặc không chứng minh được tính hợp pháp của nó thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ.

BBC : Luật Phòng chống tham nhũng có những lỗ hổng hoặc khoảng mờ nào và khi sửa thì cần chú trọng vào điều khoản nào để có hiệu quả ?

Phùng Thanh Sơn : Dự luật chỉ mới định nghĩa một cách đơn giản tại Khoản 2 Điều 1 "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi" và liệt kê 12 hành vi tham nhũng tại Điều 3 mà chưa nêu lên được bản chất của hành vi tham nhũng. Một khi chưa xác định được bản chất của hành vi tham nhũng thì rất khó có thể đưa ra được giải pháp để triệt tiêu tham nhũng.

Theo tôi, tham nhũng là hành vi có chủ đích của người có chức vụ, quyền hạn để cung cấp một số lợi thế không phù hợp với nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn và quyền lợi của người khác ; sử dụng vị thế của người có chức vụ quyền hạn để thu lợi cho cá nhân hoặc người khác mà việc làm đó trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác. Điều kiện cần và đủ để một hành vi tham nhũng xảy ra là : (I) Phải có người có chức vụ quyền hạn ; và (II) Hành vi cố ý ; và (III) Mục đích vụ lợi ; và (IV) Hành vi đó không phù hợp với nhiệm vụ, trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn hoặc trái với quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Do đó, để triệt được tham nhũng trong điều kiện hiện nay thì phải có cơ chế để người có chức vụ không thể vụ lợi. Muốn làm được điều này thì dự luật cần quy định rõ người có chức vụ quyền hạn và những người thân trong gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái) : (i) có nghĩa vụ phải công khai minh bạch tài sản và giải trình về nguồn gốc của tài sản.

Những tài sản nào không được công khai hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì được xem là tài sản bất hợp pháp và bị sung công quỹ ; (ii) giới hạn lượng tiền mặt người có chức vụ quyền hạn được phép cất giữ vào một thời điểm, tùy khu vực sẽ có mức giới hạn khác nhau và chỉ đủ mức để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Nếu tại một thời điểm mà lượng tiền mặt vượt quá mức cho phép thì xem như tiền bất hợp pháp và bị tịch thu ; (iii) Mỗi người chỉ có một tài khoản ngân hàng. Mọi giao dịch đều phải thông qua tài khoản này (trừ các giao dịch giá trị nhỏ và phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì đươc phép giao dịch bằng tiền mặt). Những giao dịch vi phạm đều bị xem là bất hợp pháp và số tiền giao dịch sẽ bị tịch thu sung công.

Nguồn : BBC, 22/11/2017

Published in Diễn đàn