Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2018

'Cần cấm cơ quan Đảng lập đơn vị kinh tế' ?

Phùng Thanh Sơn

Luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC rằng để tránh xảy ra những vụ tương tự Tân Thuận thì "cần cấm các cơ quan của Đảng thành lập các đơn vị kinh tế".

cam1

Ngày càng có thêm nhiều khu chung cư mới mọc lên bên bờ sông Sài Gòn

Về vụ công ty Tân Thuận, trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển nhượng khu đất 32ha ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, truyền thông Việt Nam ghi nhận phát ngôn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh :

"Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo và đàm phán với các doanh nghiệp chuyển nhượng hủy hợp đồng vì quá trình chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật. Và việc hủy hợp đồng đó không gây ra bất kỳ thiệt hại kinh tế nào cho các doanh nghiệp quản lý kinh tế đảng của thành phố".

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy "tiếp tục tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo Văn phòng Thành ủy và các cá nhân liên quan, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 6/2018", theo báo Sài Gòn Giải Phóng.

Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy cũng cho hay "chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực liên quan đến lợi ích cá nhân".

Hôm 10/5, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt : "Xét ở góc độ doanh nghiệp thì mọi doanh nghiệp điều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt doanh nghiệp đó là của ai, của nhà nước hay của tư nhân. Việc ra quyết định cũng như ký kết hợp đồng phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền mà điều lệ của mỗi doanh nghiệp quy định".

"Nếu theo điều lệ của Công ty Tân Thuận, việc chuyển nhượng 32,4 ha đất này thuộc thẩm quyền quyết định của chủ sở hữu - tức Văn phòng Thành ủy thì phải có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu theo quy định nội bộ của Thành ủy, cá nhân Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang có quyền quyết định thì việc chuyển nhượng này hoàn toàn hợp pháp".

"Còn nếu theo quy định nội bộ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang không được tự ý phê duyệt thì giao dịch giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ vô hiệu. Theo quy định pháp luật, chỉ có tòa án mới có quyền tuyên một giao dịch là vô hiệu. Điều đó có nghĩa là vụ việc này phải được khởi kiện tại tòa án.

Còn bên nào có nhu cầu hủy giao dịch này thì sẽ là người chủ động khởi kiện. Không thể hủy giao dịch này bằng một quyết định của Thành ủy hay cơ quan hành chính nhà nước. Thành ủy chỉ có thể can thiệp vào giao dịch này thông qua người đại diện pháp luật của Công ty Tân Thuận với tư cách là chủ sở hữu của công ty Tân Thuận chứ không thể can thiệp trực tiếp với tư cách là cơ quan Đảng hay cơ quan quản lý nhà nước.

cam2

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Quốc Cường Gia Lai nói "không hề có ý định đưa mọi việc ra tòa"

Hậu quả của việc giao dịch vô hiệu là các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu mà gây ra thiệt hại thì căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng.

Trong vụ này, nếu hợp đồng chuyển nhượng 32,4 ha đất này bị vô hiệu thì bên bị thiệt hại không ai khác là Công ty Quốc Cường Gia Lai nên Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Tân Thuận bồi thường thiệt hại cho mình.

Nếu các bên đạt được thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng thì không vấn đề gì. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì vụ việc cần phải đưa ra tòa để giải quyết. Trong vụ này người cần khởi kiện là Công ty Tân Thuận chứ không phải Công ty Quốc Cường Gia Lai vì người cần hủy hợp đồng chuyển nhượng 32,4 ha đất này là Công ty Tân Thuận chứ không phải là Công ty Quốc Cường Gia Lai".

BBC : Theo dự báo của luật sư, sau động thái xử lý của Thành ủyTPHồ Chí Minh, liệu Công ty Quốc Cường Gia Lai có để sự việc đến mức phải đưa ra tòa hay không ?

Phùng Thanh Sơn : Đó là một câu chuyện khác. Ở Việt Nam, khi quyết định có đưa vụ việc ra tòa hay không, ngoài vấn đề pháp lý, các doanh nghiệp còn phải cân nhắc nhiều yếu tố phi pháp lý khác như : hiệu quả kinh tế của việc khởi kiện, vị thế cũng như mức độ lệ thuộc của mình đối với bên kia, hậu quả do việc thắng kiện gây ra…

Trong sự việc này, chúng ta thấy thực chất đây không phải là cuộc "đối đầu" giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai mà là cuộc "đối đầu" giữa Thành ủy - Chủ sở hữu Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai. Thành ủy lại là cơ quan lãnh đạo toàn diện và trực tiếp đến những nhân sự tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp thông qua các cấp uỷ đảng.

Trong khi, phần lớn các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Công ty Quốc Cường Gia Lai đều diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và chịu sự kiểm soát và quản lý của các cơ quan nhà nước tại đây. Do đó, trước khi quyết định đưa vụ việc ra toà hay không thì Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng phải tính đến các yếu tố phí pháp lý này. Chính vì vậy chỉ có Công ty Quốc Cường Gia Lai mới biết được là có nên để vụ việc này ra tòa hay là "vui vẻ" chấp nhận thoả thuận hủy hợp đồng. Theo tôi, khả năng đưa ra tòa là không cao.

BBC : Làm sao người dân giám sát để biết các doanh nghiệp có vốn từ ngân sách nhà nướcnhư Công ty Tân Thuận có thất thoát tài sản hay không ?

Phùng Thanh Sơn : Có một thực tế là phần lớn kinh phí cho việc xây dựng trụ sở cũng như duy trình hoạt động của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam được lấy từ ngân sách nhà nước. Do đó, có thể nói rằng nguồn vốn thành để thành lập các doanh nghiệp của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam là có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Một khi vốn dùng để thành lập những doanh nghiệp như thế này có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì lợi nhuận có được từ việc kinh doanh cũng như tài sản của các doanh nghiệp này phải là của nhà nước và phải chịu sự kiểm soát bởi pháp luật để tránh sự thất thoát tài sản, đầu tư không hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát vốn, sử dụng lợi nhuận từ việc kinh doanh, cũng như việc ra các quyết định tại các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của pháp luật (ngoài các luật chuyên ngành liên quan đến ngành nghề kinh doanh và luật doanh nghiệp áp dung chung cho mọi thành phần kinh tế).

Việc kiểm soát vốn, sử dụng lợi nhuận có được, thù lao người đại diện vốn, quản lý điều hành cũng như việc ra quyết định tại các doanh nghiệp này do chủ sở hữu - các cơ cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định. Các cơ quan này quy định như thế nào thì người dân cũng không được biết để giám sát vì đây là quy định của nội bộ Đảng !

cam3

Đất tại xã Phước Kiển được coi là "đất vàng" vì nằm sát khu đô thị Phú Mỹ Hưng

BBC : Về quyết định hủy hợp đồng của vụ Tân Thuận thì có gì giống và khác thương vụ Mobifone - AVG ?

Phùng Thanh Sơn : Vụ Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32,4 ha đất với giá rẻ và vụ Mobifone mua cổ phần AVG với giá cao có một điểm chung là gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý thì hai vụ này thì khác nhau. Vụ Mobifone thì gây thiệt hại cho nhà nước còn vụ Công ty Tân Thuận thì không gây thiệt hại cho nhà nước mà gây thiệt hại cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Bởi Công ty Tân Thuận là công ty của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mà tổ chức này không phải là cơ quan nhà nước mặc dù trên thực tế lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước. Còn Mobifone là công ty của Bộ Thông tin và truyền thông - một cơ quan trong bộ máy nhà nước nên thiệt hại của chủ sở hữu chính là thiệt hại cho nhà nước.

Việc đầu tư vốn của Mobifone phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong khi việc đầu tư vốn của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các doanh nghiệp thì đang bị bỏ ngỏ !

BBC : Theo ông, mục đích của việc thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc các tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì ? Có phải là vì thực mệnh sứ mệnh của một doanh nghiệp nhà nước ? Nếu vậy thì tại sao không trao sứ mệnh này cho các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành, địa phương mà lại giao cho các tổ chức của Đảng ?

Phùng Thanh Sơn : Theo tôi, "sứ mệnh" duy nhất của các công ty do Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra là để kiếm tiền nuôi bộ máy của mình. Việc này sẽ tạo ra những hệ luỵ khó lường cho tài sản, nguồn lực nhà nước và tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua. Với danh nghĩa là công ty "bình phong" của Bộ Công an, Công ty Nova 79 của ông Vũ Nhôm đã làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước thông qua việc mua rẻ công sản là các khu đất vàng của nhà nước không thông qua đấu giá và bán lại giá cao mà báo chí đăng tải trong thời gian vừa qua. Công ty Nova 79 chỉ mới là công ty "bình phong" của ngành Công an - không chi phối trực tiếp đến người có quyền ra các quyết định tại các cơ quan hành chính nhà nước nhưng đã được ưu ái đến như vậy.

Liệu các công ty của Đảng Cộng sản Việt Nam - cơ quan chi phối toàn diện và trực tiếp đối với người ra quyết định tại các cơ quan hành chính sẽ nhận được các ưu đãi khủng đến mức độ nào ? Điều gì đảm bảo rằng các nguồn lực nhà nước trong đó có đất đai, tài nguyên sẽ được phân phối đúng nơi, đúng chỗ và được khai thác sử dụng hiệu quả ?

Theo tôi, các doanh nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam không cần đến các ưu đãi bằng hiện vật hay hiện kim. Các doanh nghiệp này chỉ cần ưu đãi trong chính sách ; ưu đãi về thời gian như rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, không bị hạch sách, không phải tiếp và "chống chọi" hết đoàn thanh tra này đến đoàn thanh tra khác ; không phải mất tiền bôi trơn để có dự án, có hợp đồng… thì đã là một ưu đãi đáng kể so với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Không chỉ vậy, khi có tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có lợi thế và luôn ở thế trên. Mặc dù về hình thức và ở góc độ pháp lý thì đó chỉ đơn thuần là tranh chấp kinh tế giữa hai pháp nhân. Nhưng đứng về bản chất thì nó là tranh chấp giữa một bên là cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam và một bên là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

Theo tôi, để tài sản nhà nước không bị thất thoát thông qua các doanh nghiệp của Đảng cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cần cấm các cơ quan của Đảng thành lập các đơn vị kinh tế. Những đơn vị kinh tế đang tồn tại hiện nay của các cơ quan Đảng cần được sáp nhập vào các doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh tương tự.

Nguồn : BBC, 10/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 707 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)