Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2018

Vụ Thủ Thiêm : Vì sao xuất hiện của ‘Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ ?

Thiền Lâm

Chỉ sau 5 ngày từ thời điểm một phóng viên ‘vô tình’ đặt câu hỏi đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tại sao không thấy tồn tại Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ – một cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của các cử tri tại thành phố này – đã hiện ra trong một cuộc tiếp xúc với dân oan Thủ Thiêm.

daibieu1

Người dân tiếp tục cung cấp bản đồ về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước để chỉ ra phần đất bị thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm. Ảnh : H.T.

Điều đáng nói , đây là lần đầu tiên ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ đến làm việc một cách chính thức với dân oan Thủ Thiêm, cho dù khoảng thời gian khiếu nại và tố cáo của người dân nơi đây đã kéo dài suốt từ mười mấy năm qua mà chẳng có cơ quan chính quyền hay ‘đoàn đại biểu quốc hội’ nào thèm đoái hoài.

Vụ việc đang được xới tung lên và trở nên ồn ào một cách đầy chủ ý. Báo chí nhà nước ồ ạt vào cuộc và tung tin bài như thể vô số bất công của vụ Thủ Thiêm mới được phát hiện lần đầu tiên.

Cũng khá nhanh chóng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.

Một số tờ báo nhà nước cũng đã bắt đầu chỉ đích danh Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã ‘dọn đường’ cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 ha đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.

Cứ nhìn vào cái cách báo chí nhà nước ồ ạt nhảy vào xới tung vụ ‘mất bản đồ thủ Thiêm’, không chỉ những quan chức đương nhiệm và cả những cựu quan chức của Thành phố Hồ Chí Minh – từ chủ tịch thành phố đến giám đốc các Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng ủy ban nhân dân thành phố… đều có thể cảm nhận rõ vụ xới tung tấm bản đồ biến mất không thể là vô tình, và rằng rất có thể hơi nóng hầm hập của cái ‘lò’ Nguyễn Phú Trọng đang phả vào gáy những ai đó ở Sài Gòn.

Cú nước rút thần tốc của ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ và báo chí nhà nước là hai dấu hiệu không thể hồ nghi về vụ Thủ Thiêm đang bị ‘hồi tố’ và thậm chí còn có thể trở thành một đại án quốc gia trong năm 2018.

Cái cách báo chí nhà nước đăng bài ồ ạt như trên lại khá giống với vụ ‘xe Lexus’ của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh – cũng được báo chí làm đậm vào tháng Sáu năm 2016. Tháng Sáu ấy lại được đặc thù bởi ‘việc cần làm ngay’ của Nguyễn Phú Trọng.

Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang đi một nước cờ chưa từng có kể từ lúc khởi động chiến dịch ‘đốt lò" : xới tung hồ sơ một vụ việc gây ảnh hưởng diện rộng đối với dân chúng và do đó vừa diệt cả quan chức tham nhũng cấp ‘tập đoàn quân’, vừa thu hồi tài sản tham nhũng, vừa được tiếng lo cho dân ?

Khởi đi từ vụ ‘mất bản đồ Thủ Thiêm’, hiện tượng ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ đang cho thấy có thể sẽ dẫn đến một đại án quốc gia về tham nhũng, trực chỉ ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ và phe cánh chính trị mà quan chức ‘đại gia tư bản đỏ’ này đã dày công gây dựng từ vài chục năm qua ở Sài Gòn.

Chỉ từ đầu tháng Ba đến nay, đã có 3 người thân của Lê Thanh Hải bị ‘lên thớt’ : Lê Tấn Hùng – em ruột ông Hải – với vụ chi khống 13,3 tỷ đồng, Lê Trương Hải Hiếu – con trai ông Hải – với vụ ‘có con ngoài giá thú không báo cáo với tổ chức đảng’, và gần đây nhất là Tất Thành Cang.

Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh – sẽ chắc chắn mất chức vì chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép 32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Khi con bài này bị ‘cháy’, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một lá chắn mạnh nhất trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, và do vậy ông Hải sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn hẳn khi bị kiểm tra, thanh tra và điều tra trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, sau khi tiếp xúc dân oan Thủ Thiêm và kiểm tra lại hồ sơ khiếu nại tố cáo, ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’ sẽ báo cáo vụ việc này cho Quốc hội – dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp quốc hội từ ngày 20/5 tới.

Cứ theo cách đó, vụ việc Thủ Thiêm sẽ được đẩy lên tầm mức quốc gia, nhưng không phải được khởi động ngay bằng hoạt động thanh tra, kiểm tra hay điều tra, mà bằng ‘tiếng nói dân cử’.

Một khả năng có thể là sau khi nghe báo cáo của ‘Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh’, Quốc hội – mà cụ thể là Ủy ban Thường vụ quốc hội – sẽ đặt vấn đề cần có một văn bản hoặc quan trọng hơn hẳn là một nghị quyết để yêu cầu chính phủ phải ‘vào cuộc’ nhằm thanh tra toàn diện vụ quy hoạch và đền bù giải tỏa ở Thủ Thiêm để ‘chống tham nhũng’ và ‘lấy lại niềm tin của nhân dân’.

Và sau thanh tra, hầu như chắc chắn sẽ là điều tra, tức vụ việc Thủ Thiêm sẽ được chuyển sang chân Bộ Công an…

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 10/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 787 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)