Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế trung ương. Ông cho rằng Ban Kinh tế đã hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ được giao và hiện đang chủ trì, chuẩn bị 7 đề án quan trọng về việc tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Việt Nam hiện đứng đầu Ban Kinh tế trung ương của Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, ông cũng nêu những câu hỏi, vấn đề cần giải quyết, như… đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa ? Nhanh và bền vững ở mức nào ? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu ? Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường... ?
Đảng đã ban hành Nghị quyết trung ương 3 khoá 9 vì sao thực hiện không tốt, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn, với những công trình hàng nghìn tỉ đồng bị "đắp chiếu"... ?
Tái lập Ban Kinh tế trung ương
Theo Wikipedia tiếng Việt, Ban Kinh tế trung ương Đảng cộng sản còn được gọi Ban Kinh tế trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng là người đã cho tái lập và thúc đẩy vị thế của Ban Kinh tế trung ương Đảng ở nhiệm kỳ đầu của ông trên cương vị này.
Đây là một trong những tổ chức quan trọng để cụ thể hóa và thực thi đường lối 'đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước'.
Ban Kinh tế trung ương được thành lập ngày 30 tháng 9 năm 1950. Tên gọi và chức năng nhiệm vụ của nó được thay đổi, mở rộng hay thu hẹp, qua mỗi thời kỳ, theo tình hình thực tế và đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản, như Ban Kinh tế - tài chính trung ương, Ban Công nghiệp trung ương, Ban Nông nghiệp trung ương, Ban Kinh tế - Kế hoạch trung ương… Tên gọi 'Ban Kinh tế trung ương' được giữ lâu nhất, từ tháng 8/1982 đến 4/2007, sau đó hợp nhất về Văn phòng trung ương Đảng cho đến năm 2012.
Trong thời kỳ từ khởi điểm đổi mới, năm 1986 đến trước khủng hoảng kinh tế, năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì mức cao từ trên 7% đến 9%, chính vì vậy Ban Kinh tế của Đảng giữ một vị trí 'khiêm tốn' như trên là có cơ sở.
Có chính khách trong một cuộc hội thảo về 30 năm đổi mới đã khái quát rằng một trong những cải cách chính trị quan trọng là Đảng không trực tiếp tham gia điều hành kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam xảy ra khủng hoảng, đỉnh điểm là 2010 -2012. Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 "về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội". Nghị quyết này được nhận định là 'nền tảng cho mọi cơ chế, chính sách của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội năm 2011 và có tính xuyên suốt cho các năm tiếp theo.
Sau đó, Hội nghị trung ương 6 của Đảng cộng sản được tổ chức từ ngày 01 đến 15/10/2012 tại Hà Nội, như phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhiều nội dung 'rất quan trọng, khó và nhạy cảm', trong đó có việc phân tích, đánh giá tình hình, hậu quả, giải pháp cho 'bất ổn kinh tế vĩ mô', xem xét kỷ luật người đứng đầu Chính phủ về những yếu kém trong điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng…
Theo tinh thần Nghị quyết trung ương 6 nêu trên, Ban Kinh tế trung ương được thành lập trở lại theo Quyết định số 160/QĐ-trung ương ngày 28/12/2012. Ban này có các chức năng nhiệm vụ chủ yếu : Tham mưu, thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội, giám sát việc thực hiện chính sách về kinh tế - xã hội của Đảng và tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc khối kinh tế - xã hội… Quyền hạn và trách nhiệm của Ban Kinh tế trung ương là rất lớn, trưởng ban là Ủy viên Bộ chính trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Liệu có tạo được chính sách tốt ?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa), nguyên Bộ trưởng Tài chính, từng nắm chức Trưởng Ban Kinh tế trung ương trước ông Nguyễn Văn Bình.
Liệu việc tái lập Ban Kinh tế trung ương được coi như như một giải pháp tình huống, cấp bách đối phó với 'bất ổn kinh tế vĩ mô' hay đó là sự nỗ lực của Đảng nhằm tăng cường cơ chế kiểm soát lĩnh vực kinh tế, từ chính sách đến sự điều hành ?
Có lẽ cả hai. Tổng bí thư kỳ vọng vào cơ quan này.
Nhìn lại quá trình 30 năm đổi mới, đứng trước sự sụp đổ của chế độ kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, Đảng cộng sản Việt Nam đã mở cửa ra thế giới và chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, coi đó là cứu cánh vượt khó, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đổi mới thực sự đã mang lại những thành công, giúp Việt Nam thoát khủng khoảng và nghèo đói, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Khủng hoảng kinh tế đang để lại những hậu quả nặng nề, ngoài những câu hỏi do người đứng đầu Đảng cộng sản dẫn ra ở trên, thì các vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, tha hóa quyền lực đã trở thành quốc nạn và niềm tin dân chúng, xã hội giảm sút nghiêm trọng …đang đe dọa 'sự tồn vong của chế độ'. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng thốt lên : 'Đổi mới hay là chết', 'thể chế cũng do con người tạo ra'… Các nhà nghiên cứu cho rằng tư duy giáo điều về chủ nghĩa xã hội cản trở phát triển, không còn dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng, thể chế hiện tại đang cản trở tiếp tục phát triển kinh tế thị trường…
Quá trình đổi mới vừa qua cho thấy xu hướng rõ ràng rằng kinh tế thị trường càng 'mạnh', càng 'mở rộng', thì 'vị trí, vai trò' của Ban Kinh tế trung ương càng 'thu hẹp'. Tuy nhiên, cách điều hành kinh tế - xã hội như hiện nay đang tạo ra 'khoảng trống', 'lỗi hệ thống' mà nếu khắc phục theo cách đối phó sẽ không mang lại hiệu quả bền vững.
Cách lãnh đạo kinh tế - xã hội của đất nước, theo truyền thống, vẫn là bằng các nghị quyết của Đảng thông qua các kế hoạch 5 năm, hàng năm với các chỉ tiêu 'pháp lệnh'. Chính phủ, dường như, có 'khoảng trống' cho việc lựa chọn cách thức điều hành.
Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục lãnh đạo đường lối kinh tế của nhà nước nh lâu nay hay không, hay sẽ từ bỏ và chuyển giao vai trò này có thể vẫn còn là một câu hỏi lớn ở Việt Nam.
Đã có lúc chính phủ, dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, 'Tổ tư vấn cải cách' (theo Quyết định số 494/TTg ngày 5-10-1993) và 'Ban nghiên cứu' (theo Quyết định số 473/QĐ-TTG ngày 30/5/1998) được thành lập để trực tiếp giúp Thủ tướng trong việc hoạch định chương trình cải cách, kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới, tham gia soạn thảo hoặc giám định và hoàn chỉnh các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới chính sách. Tuy nhiên, ngày 28 tháng 7 năm 2006, nguời kế nhiệm, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nắm quyền (28/06/2006) được gần 1 tháng, đã ký Quyết định Giải thể (Quyết định 1008/QĐ-TTg năm 2006).
Lấp đầy được khoảng trống ?
Sau đó, Chính phủ đã 'lựa chon' các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như là 'quả đấm thép', thúc đẩy tăng trưởng qua khai thác tài nguyên, tăng đầu tư công qua tăng nóng tín dụng, bùng nổ thị trường bất động sản… dẫn đến mất kiểm soát, gây nên khủng khoảng kinh tế, để lại hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề mà đến nay vẫn tiếp tục khắc phục với chi phí cao…
Như đã biết, Hội nghị trung ương 6 khóa 11, nêu ở trên, đã xem xét kỷ luật nguyên thủ tướng Dũng về những yếu kém trong điều hành kinh tế - xã hội và những 'khuyết điểm' khác, nhưng ông đã 'không bị', khi các Ủy viên trung ương không nhất trí với Bộ Chính trị khi số phiếu 'không quá bán'.
Sự lãnh đạo của Đảng là toàn diện và tuyệt đối, song sự điều hành của Chính phủ luôn có những 'khoảng trống', mà nó chỉ có thể được 'lấp đầy' khi 'kinh tế vĩ mô được ổn định và tăng trưởng nhanh'.
Đảng cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đối phó với 'hạ cánh cứng', chống tham nhũng… bằng cách thâu tóm và củng cố quyền lực tuyệt đối với 'lãnh đạo hạt nhân, nòng cốt'. Với hoàn cảnh cụ thể, thực tế hiện nay Việt Nam liệu có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm này.
Người ta nói : 'Đó là lỗi hệ thống' của các nhà nước toàn trị, các nỗ lực chỉ là đối phó, nhất thời, và câu hỏi về tính bền vững của mô hình thể chế này sẽ không có câu trả lời thỏa đáng.
Đổi mới thực sự đã mang lại những thành công, giúp Việt Nam thoát khủng khoảng và nghèo đói, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, theo tác giả.
Các nhà nghiên cứu chính sách công chỉ ra rằng, một khi 'cam kết' với kinh tế thị trường hiện đại, cần xây dựng thể chế 'dễ nhận biết', tuân thủ các nguyên tắc thị trường, trong đó quyền tự do kinh doanh, quyền cá nhân, và cạnh tranh bình đẳng được coi là phương thức khám phá và công cụ kiểm soát hữu hiệu nhất của quỹ đạo phát triển của nhân loại. Một thể chế có thể loại được thông tin bất đối xứng, thấu đáo vấn đề thân chủ - đại diện để loại bỏ cách hành xử cơ hội, ngăn ngừa được 'rủi ro đạo đức'…
Trong bối cảnh này, Ban Kinh tế trung ương liệu có thể trả lời câu hỏi Đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào, và để 'đưa' ra được chính sách hữu hiệu, lâu dài hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn) có bài viết : 'Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai', đăng trên 'An ninh thế giới cuối tuần' - ấn phẩm của cơ quan Công an nhân dân, ngày 19/02/2017.
Ông cho rằng cần 'vượt qua sợ hãi của chính mình' để có 'mệnh lệnh' cho đổi mới lần hai. Bài học kinh nghiệm từ Đổi mới lần một, thì 'Cuộc đổi mới lần hai tuy cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng vẫn hy vọng sẽ thực hiện được, nếu đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và nếu có 'ai đó sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm…'
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 04/03/2017
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.