Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2017

Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam : Bến đỗ công nghệ cũ

Hoàng Nam

Chất lượng các dòng vốn từ Trung Quốc không cao do đó việc quốc gia này dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam chưa hẳn là niềm vui.

Không phải niềm vui

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam khi đầu tư tổng cộng 608 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký cấp mới, bỏ xa nhà đầu tư lớn thứ hai là Singapore tới 167 triệu USD.

Đáng chú ý, trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành đối tác lớn thứ 2 về FDI của Việt Nam.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính khẳng định không quá bất ngờ về những con số được công bố.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Thịnh, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một việc cực kỳ quan trọng. Do đầu tư công của chúng ta hạn hẹp, mức bội chi tương đối lớn, lĩnh vực ngân hàng lâu nay khó khăn và nhạy cảm do vấn đề nợ xấu đang tăng lên nhanh chóng nên để nền kinh tế có thể tăng trưởng được rất cần đầu tư nước ngoài.

congnghe1

Chất lượng các dòng vốn từ Trung Quốc không cao do đó việc quốc gia này dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam chưa hẳn là niềm vui.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua Việt Nam chưa thu hút được nhiều nguồn vốn có chất lượng, công suất cao và dồi dào đến từ các quốc gia như Mỹ và Châu Âu. Vốn đầu tư chủ yếu vẫn từ các quốc gia Châu Á. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2017 nguồn vốn từ Trung Quốc tăng lên rất nhanh.

"Điều này phản ánh sự chuyển hướng của nền kinh tế Trung Quốc. Ở đây Trung Quốc tìm cách hạ thấp dự trữ ngoại tệ và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc có một chuyển biến mạnh, đó là giảm các doanh nghiệp gây phác thải môi trường hoặc ảnh hưởng đến môi trường lớn hoạt động trong nước.

Trung Quốc sẽ chuyển các ngành nghề này ra nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cho nên việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm không hẳn là niềm vui. Thực tế về mặt lịch sử, chúng ta cũng phải thấy rằng chất lượng của các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc không cao. Công nghệ họ sử dụng thường thấp và có rất nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện", ông Thịnh nêu thực trạng.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến, đó là thời điểm năm 2015 và 2016, các khoản đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có nhiều dự án sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà. Tiếp theo là lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Nhìn nhận về động cơ của doanh nghiệp Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quốc gia này muốn lấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm chính quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Việc Trung Quốc vẫn đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo chế biến tại Việt Nam vào thời điểm này, ông Thịnh cho rằng hoàn toàn nằm trong toan tính của quốc gia này.

"Thứ nhất, để phát triển nền kinh tế của mình, Trung Quốc rất cần nguyên liệu. Cho nên hầu hết các đầu tư của họ là đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những mặt Trung Quốc chú tâm, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới để từ đó nâng cao khả năng cung ứng các nguyên vật liệu cho nền kinh tế nước này.

Thứ hai, Trung Quốc muốn đẩy các công nghệ tương đối lạc hậu sang các quốc gia khác. Tuy nhiên nếu so với Việt Nam thì những công nghệ này vẫn cao hơn một chút. Dễ dàng nhận thấy, trong lĩnh vực dệt may hay các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đều công nghệ cũ. Đây là một trong những điều cực kỳ quan trọng chúng ta phải lưu tâm.

Thứ ba, đây là những ngành có phần lợi nhuận khổng lồ. Trung Quốc có những lợi thế nhất định nên hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngành sản xuất của chúng ta ở nội địa.

Ngoài ra, có 1 số dự án về bất động sản hay trồng rừng, Trung Quốc lại thường lựa chọn những địa điểm mang tính nhạy cảm và có vị trí an ninh quốc phòng. Đây là một trong những vấn đề chúng ta phải hết sức đề phòng với hoạt động của các nhà đầu tư Trung Quốc", ông Thịnh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

Tiếp tục phân tích, vị giảng viên trường Học viện Tài chính đặc biệt chú ý đến 2 dự án lớn về nhựa của các nhà đầu tư Trung quốc được cấp phép tháng 2/2017 tại Việt Nam. Đó là nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) đầu tư tại Tây Ninh và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) đầu tư tại Bắc Giang.

Ông Thịnh khẳng định, với việc triển khai 2 dự án trên, về lâu dài các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ bị cạnh tranh và gặp nhiều bất lợi.

Theo vị chuyên gia, công nghiệp phụ trợ đã được Trung Quốc chú ý phát triển cách đây 15 -20 năm. Ngay trong quy hoạch FDI họ đã buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải phát triển công nghiệp phụ trợ bằng cách giúp đỡ công nghệ phụ trợ trong nước của Trung Quốc hoặc nhập các dây truyền, công nghệ hiện đại để sản xuất nhằm tạo ra nguồn cung cấp các nguyên vật liệu, sản phẩm, bán thành phẩm trong nước để có thể nội địa hóa sản phẩm.

"Công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc tương đối phát triển, kể cả mặt hàng tiêu dùng cũng như công nghệ cao như hàng điện tử.

Khi Trung Quốc chuyển các nhà máy sang thì dù công nghệ của họ không phải mới nhưng xét trong chừng mực nào đó vẫn cao hơn Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Trung Quốc ngoài phần vốn tích lũy còn được nhà nước tạo điều kiện với nhiều ưu tiên, ưu đãi khi đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy khi đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc nhiều vốn hơn các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.

Với một nền kinh tế đang bắt đầu phát triển như chúng ta, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97-98%, nguồn vốn mỏng và trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao nếu gặp phải sức cạnh tranh như thế thì khó lòng chiến thắng được. Khi doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được thị trường, tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể ngóc đầu lên được. Về lâu dài những doanh nghiệp này chỉ có cách phá sản", ông Thịnh lo lắng.

Với những nguy cơ trên, vị chuyên gia khẳng định, bài toán đặt ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam là phải đi tắt đón đầu, nhập các công nghệ hiện đại của các quốc gia khác thì mới có thể cạnh tranh được với đối tác Trung Quốc.

"Nhưng việc này đòi hỏi vốn lớn, đòi hỏi sự xông pha của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra thị trường quốc tế để nắm bắt được các công nghệ, kỹ thuật cao. Từ sự thay đổi trên mới có thể đem lại chất lượng và hiệu quả cao hơn trong kinh doanh và tạo ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc", ông Thịnh nêu quan điểm.

Tìm nguồn vốn chất lượng cao

Một vấn đề khác được Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thinh nhắc đến, đó là thời gian vừa qua đã có nhiều lời cảnh báo về các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta cũng có nhiều bài học cay đắng khi sử dụng các nguồn vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Vì vậy trước dòng đầu tư mới trên, vị chuyên gia cho rằng phải quy hoạch được các doanh nghiệp trong một thể thống nhất đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như có sự lựa chọn phù hợp, chặt chẽ.

"Vấn đề quan trọng nhất của thu hút vốn FDI là các nhà đầu tư nước ngoài tự mang vốn đến và tự tổ chức đầu tư xây dựng cũng như kinh doanh sau này. Chính vì lẽ đó, điều quan trọng nhất đối với chúng ta đó là làm thế nào để quy hoạch được các doanh nghiệp này trong một cái thể thống nhất với nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai là chúng ta phải xem xét việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Đặc biệt phải chú trọng đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường, khí thải, rác thải, các vấn đề có liên quan đến bảo vệ và an toàn lao động.

Thứ ba, yêu cầu trình độ công nghệ mà các nhà đầu tư FDI mang vào Việt Nam. Quốc gia nào có trình độ khoa học kỹ thuật cao thì chúng ta mới cho đầu tư. Việc này đòi hỏi các cán bộ quản lý của Việt Nam phải hiểu biết về mặt khoa học công nghệ ở nhiều ngành nghề khác nhau", ông Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh các yếu tố trên, vị chuyên gia cũng đề nghị phải kiểm soát kỹ đó là đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tìm những nguồn vốn FDI có chất lượng, mang lại hiệu quả thật sự cho nền kinh tế Việt Nam.

"Nếu đầu tư chỉ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp nước ngoài thì cũng khó lòng chấp nhận. Ở đây lợi ích của nước chủ nhà Việt Nam phải được đề cao. Doanh nghiệp nước ngoài phải tạo ra được hiệu quả kinh tế cho nền kinh tế Việt Nam thì chúng ta mới chấp nhận cho vào đầu tư. Hiệu quả này phải tính tổng thể từ hiệu quả trực tiếp của quá trình đầu tư lẫn hiệu quả gián tiếp trong các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Nếu thu hút tràn lan như trước đây thì không ổn nữa. Vì nhà đầu tư nước ngoài có thể có lợi nhuận nhưng họ không đóng góp gì cho chúng ta cả hoặc hiệu quả không tương xứng với những gì chúng ta kỳ vọng", ông Thịnh nêu quan điểm.

Hoàng Nam

Nguồn : Đất Việt, 04/03/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Nam
Read 766 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)