Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/12/2018

Nghiệp đoàn xuất bản loại bỏ văn hóa sử dụng sách phô-tô ?

Kiều Phong

Năm 2018, mặc dù đã là nhiều năm sau khi Bộ giáo dục và đào tạo tuyên truyền chỉ sử dụng sách in, sách có bản quyền, thì sinh viên nhiều trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng sách phô-tô.

xuatban1

Vấn nạn sử dụng sách phô-tô có thể được giải thích một cách đơn giản là do sinh viên thiếu tiền.

Vấn nạn bản quyền

Vấn nạn sử dụng sách phô-tô có thể được giải thích một cách đơn giản là do sinh viên thiếu tiền. Những sinh viên được gia đình chu cấp tiền ăn học ở thành phố. Trong khi giá cả nhà trọ, tiền ăn uống và học phí ngày càng tăng phi mã thì số tiền dành cho sách đương nhiên bị cắt ngắn lại. Những người hàng ngày đến trường đại học lại phải sử dụng nhiều sách phô-tô, với chi phí chỉ bằng 50%, nghĩa là khoảng chỉ một phần hai so với mua sách in, sách có bản quyền.

Ghi nhận tại quán photocopy ngay trong trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh- là một trường lớn cấp quốc gia, tiệm công khai bày bán các đầu sách lậu đã phô-tô sẵn, chỉ cần đợi sinh viên đến mua là bán ngay, với giá rẻ bất ngờ so với sách in ở nhà xuất bản đàng hoàng.

Xuatban2

Quán photocopy ngay trong trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Một lý do khách quan hơn, đó là các sinh viên không thể tìm đâu cho được những cuốn sách in. Ví dụ, tại các thư viện các trường đại học lớn, có những cuốn sách nhập từ nước ngoài về, số lượng bản in của những sách này rất hạn chế, không thể dễ dàng tìm được ở hiệu sách gần nhà sinh viên. Trong một vài trường hợp, sinh viên lấy cuốn sách ấy và chấp nhận đền cho thư viện với giá tiền từ 3 lần đến 10 lần so với giá bìa cuốn sách, tùy theo mức độ quý hiếm của đầu sách ấy. Đó là trường hợp sinh viên con nhà giàu, sẵn sang thanh toán cho thư viện, số trường hợp như vậy là ít. Còn đối với đa số sinh viên con nhà nghèo, hoặc nhà trung lưu ( theo cách hiểu chung của người dân Việt Nam), không đủ tiền và cũng không đủ điều kiện để tìm ra sách gốc nên các em vẫn phải sử dụng sách phô-tô. Mặc dù biết đó là hành vi không chính đáng nhưng để duy trì cuộc sống, sinh viên Việt Nam vẫn phải làm những việc mà họ không muốn.

Giải pháp nghiệp đoàn xuất bản

Giữa tình thế này, nhiều người đã nghĩ đến giải pháp là có ngay các nghiệp đoàn xuất bản. Một mô hình có thể tham khảo là nghiệp đoàn xuất bản Mỹ. Ngoài việc cung ứng sách với tốc độ nhanh nhạy, nghiệp đoàn xuất bản còn ngăn không cho các nhà xuất bản ấy viết bài quảng cáo ( reviews) thổi phồng quá so với nội dung cuốn sách để câu khách, một tình trạng hay xảy ra ở các nhà sách Việt Nam không được ai điều chỉnh. Nói cách khác, Nghiệp đoàn xuất bản kiểm soát đạo đức của các nhà xuất bản thành viên, hối thúc các nhà xuất bản ấy hiệu đính sách liên tục và công phu để giảm thiểu các lỗi vụn vặt, nâng cao chất lượng sách cho cộng đồng. Các đoàn viên của nghiệp đoàn xuất bản là các trí thức lão làng, thiên kinh vạn quyển, cho nên có trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong việc kiểm soát tầng vận động ngầm trong xã hội hơn bất kỳ cơ quan công an ngành xuất bản hay mật vụ văn hóa nào. 

Chẳng hạn, khi một sinh viên yêu cầu một cuốn sách tiếng Việt rất hiếm, thay vì liên hệ với trường thì anh ta có thể liên hệ với Nghiệp đoàn xuất bản. Nghiệp đoàn xuất bản, bằng lợi thế truyền thông nhanh nhạy của mình, sẽ hỏi các nhà xuất bản thành viên, rằng có nhà nào có cuốn sách đó không, thì hãy gửi đến cho em sinh viên ấy. Như vậy, nguồn sách trở nên dồi dào hơn đối với sinh viên, và giảm tải được cho các nhà trường vốn đã lo ngập đầu trong các thủ tục hành chính, không còn thời gian chăm chút cho văn hóa đọc sách của sinh viên. Trường đại học sẽ nhường cho một bên chuyên nghiệp hơn là nhà xuất bản. 

Bằng cách tạo lập nhanh chóng nghiệp đoàn xuất bản như vậy , sinh viên Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung mới mong được có trên tay những cuốn sách in phong phú và chất lượng, thay vì sử dụng sách phô-tô khốn khổ như hiện nay. 

Kiều Phong

Nguồn : VNTB, 08/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)