Khi đất nước còn chia hai chế độ ở miền Nam-Bắc, các báo cáo cho thấy nhiệt tình lao động của cán bộ Hà Nội cao gấp 4 lần một viên chức một chính phủ Sài Gòn. Lối năm 1967, triết gia Lương Kim Định đang làm giáo sư giảng dạy của đại học Văn khoa Sài Gòn dự đoán trước rằng đến một ngày nào đó, họ (cán bộ Hà Nội) sẽ hết nhiệt tình.
Vừa rồi, Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam than : "người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ, chính sách...". Có lẽ anh Thưởng đang nhắc tới đội quân dư luận viên và lực lượng 47, gọi chung là 3 củ, tức là 3 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam khẳng định : không có hoặc chậm 3 củ là những lực lượng này không còn động lực để làm việc và sẽ không làm việc. Dự đoán 50 năm trước của triết gia Lương Kim Định đã được thực tế chứng minh là trúng.
Cả chủ nghĩa chọn lọc giai cấp lẫn chủ nghĩa chọn lọc chủng tộc đều nằm trong chỗ quá đáng tức là :
- chối bỏ một cách triệt để chủ thuyết hay ý hệ chỉ đạo cũ
- tuyên truyền một cách có hệ thống chủ thuyết hay ý hệ chỉ đạo mới và
- kèm theo sự ép buộc bằng bạo hành.
Võ Văn Thưởng cũng giống như Paul Joseph Goebbels-Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và tuyên truyền của Đức Quốc xã, đã tận dụng triệt để ba điểm này. Dư luận viên được huấn luyện để chỉ thấy là giá trị những gì theo chiều ý hệ của họ, người cuồng tín cũng chỉ coi là giá trị những gì theo chiều tin tưởng của họ. Đó quả là một thứ tù ngục che lấp không cho con người trông thấy được gồm muôn khía cạnh. Không để thì giờ cho suy nghĩ riêng tư thì tất nhiên phải nhờ người khác suy nghĩ hộ, để rồi không ai có quyền suy nghĩ nữa vì đã có đảng và bác suy tư : tất cả chỉ có việc theo lý trí của người trên.
Vì vậy ta thấy đám quân dư luận viên có cùng luận điệu na ná như nhau, nói năng như bầy rô-bốt được giật dây để đồng loạt phát ra một luận điệu inh ỏi. Binh tốt, công an xã, huyện đội cùng trở thành những tên đao phủ của ý hệ. Nếu có ai suy tư thì Đảng vẫn đang bắt phải từ khước những ý nghĩ đó. Bao nhiêu người cộng sản Việt đời đầu đón rước chủ nghĩa cộng sản vào như để mở rộng đường suy tư, có ngờ đâu đến lúc nó thắng thế thì dù muốn dù chăng mình cũng phải suy nghĩ một chiều như nó.
Nhưng, như người cộng sản quen nói "hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng". Với những quan niệm quá bé nhỏ về con người như vậy, nhỏ đến nỗi còn bên dưới cả sự vật, đúng hơn chính là con của sự vật thì đừng trách họ giá áo túi cơm. Tiền hết-tình tan-tư tưởng tàn. Đến khi dư luận viên, hồng vệ binh lương thấp đòi nghỉ việc thì cũng đừng trách họ, có trách thì trách nguyên lý thiếu chiều sâu, nền móng xây trên cát thì chỉ cần gặp một trận gió hay một trận mưa tất yếu đã đổ sụp. Vào thời chính quyền Sài Gòn, cán bộ ngoài Hà Nội còn hùng hục làm việc như trâu, tất yếu đến một ngày họ nhìn ra bên ngoài thì sẽ hết nhiệt tình, như ngày hôm nay. Biết bao người Việt-cộng ngày nay thỉnh thoảng đã nghĩ tới tình đồng bào, tình cha con, muốn ngừng tay đâm chém phá hoại. Nhiều người tan vỡ lý tưởng, lao vào nhậu nhẹt, rượu bia sau giờ làm như cơn sốt rét để khỏi nghe tiếng lòng. Nhiều nhân viên từng thề trung thành với chủ nghĩa Marx thì nay cũng không thể giả điếc trước tiếng nói của tâm tình, của lương tâm. Lúc về nhà, họp mặt gia tộc thì ai cũng là người.
Muốn sai khiến thuộc cấp tiếp tục hăng say làm việc như trước thì kẻ đứng đầu ngành tuyên truyền phải sửa nguyên lý tự nền móng. Nhưng, "trò không lớn hơn thầy, đầy tớ không lớn hơn chủ". Võ Văn Thưởng không dám sửa nguyên lý của Marx-Lenin, cũng giống như Joseph Goebbels không dám sửa thuyết của Hitler. Nếu động đậy muốn sửa thì đồng chí sẽ thanh trừng. Giả thiết vậy cho vui, trong thực tế trình độ của Võ Văn Thưởng còn xa lắm mới xây dựng được một nền triết mới, có căn cơ.
Goebbels cùng vợ và sáu đứa con - Ảnh minh họa
Theo như bản di chúc của Hitler, Goebbels lên kế nhiệm trong vai trò Thủ tướng Đức trong vòng một ngày, rồi sau đó cùng vợ hạ độc sáu đứa con rồi tự sát.
Ở Đức, Hitler tự sát vào ngày 30 tháng 4 năm 1945, trùng hợp thay cũng đúng ngày 30 tháng 4 người cộng sản Hà Nội đại thắng Sài Gòn. Theo như bản di chúc của Hitler, Goebbels lên kế nhiệm trong vai trò Thủ tướng Đức trong vòng một ngày, rồi sau đó cùng vợ hạ độc sáu đứa con rồi tự sát. Cả hai chủ thuyết đã gây nên sự phân tán đến cùng tột trong dân nước. Kết cục của bộ trưởng tuyên truyền cuối cùng của Đức quốc xã báo trước một tương lai ảm đạm cho Võ Văn Thưởng của chúng ta.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 10/07/2019
Trải qua thời bị xâu xé vì những ý hệ đủ loại trong thế kỷ XX, ngày nay con người bị lo âu hơn bao giờ hết. Truy tầm cho thật sâu vì không có thể chế bảo vệ sự quân phân tài sản, quyền tự do tư duy, sáng tạo... Càng rơi vào trạng huống ấy, mỗi dân tộc càng cần nhiều nghiệp đoàn độc lập mọc ra để tái phân phối của cải, tái phân phối công ăn việc làm trong xã hội.
Quì gối xin việc làm - Ảnh minh họa
Thế giới hiện đại đang bị nô lệ cho kỹ thuật. Nước Anh là nước đầu tiên phát minh ra máy hơi nước. Phát minh này đẩy mạnh ngành công nghiệp may mặc từ cây bông của nước Anh. Thế là địa chủ, giới chủ công nghiệp Anh đuổi nông dân ra khỏi những cánh đồng trồng lúa mì để nhường chỗ cho trồng bông. Nông dân đang có đất canh tác bỗng trở thành tứ cố vô thân. Liền sau đó nông dân Anh đã liên kết với nhau thành nghiệp đoàn. Nơi nào kỹ thuật phát triển mạnh, nơi đó sớm xuất hiện nghiệp đoàn, nếu không hết thảy đều chết đói hay vất vưởng ngoài đường phố.
Chính vì không có nghiệp đoàn nên con người đối xử với nhau như cướp giật, cũng chính vì không có nghiệp đoàn nên mới có những câu nói lạnh lùng kiểu : "Đời không có ai đúng ai sai.."., "Mạnh thì sống, yếu thì chết". Còn khi có nghiệp đoàn thì khác, mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại, người mạnh giúp người yếu, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Có thời các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn chuyển đổi từ hình thức nghiệp đoàn sang hình thức hội tương thân để lánh nạn. Vào thời ấy, người dân Anh quốc ai ai cũng được nghiệp đoàn cố gắng sắp xếp cho được một việc làm, nếu gấp quá thì hỗ trợ lương ăn. Làm nghiệp đoàn là đòi lại nhân phẩm cho người lao động. Mọi khóa đào tạo nghiệp đoàn đều coi Anh quốc là quê hương của các nghiệp đoàn là vậy.
Ở Hàn Quốc từng có chuyện, có những thanh niên to khỏe đi xin việc mười một, mười hai công ty cũng không có nơi nào nhận. Cuối cùng các thanh niên này phải đầu quân cho các băng đảng xã hội để mưu sinh. Chỉ vì mặt các thanh niên này có một vết sẹo nhỏ, hay có bố mẹ làm chuyện gì đó tai tiếng trong làng mà cả làng ghét, nên không một nơi nào nhận họ, không ai cho họ một công ăn việc làm. Trong khi đó có những nơi thì thiếu người làm công lại đợi mãi không thấy có người đến xin việc. Lại có trường hợp, thanh niên gọi điện phỏng vấn thành công, ông chủ nhận vào làm, nhưng thanh niên đó lại không có tiền bắt xe đò lên thủ đô Xê-un (Seoul), nên lại lỡ hẹn với công việc.
Xét những trường hợp trên, nếu có nghiệp đoàn, nghiệp đoàn sẽ tài trợ tiền xe đò lên Xê-un cho người thanh niên, rồi sau này đi làm tháng lương đầu tiên sẽ bù lại cho công quỹ của nghiệp đoàn. Cho nên nói nghiệp đoàn rất nhân bản. Như vậy, nghiệp đoàn vừa có thêm thành viên, vừa có thêm quỹ. Quỹ giàu thêm, có thêm tiền họ lại giúp thêm một người nữa có được việc làm. Chính vì vậy có thể nói nghiệp đoàn rất đắc lực trong vai trò gây dựng tình huynh đệ phổ biến, tái phân phối của cải xã hội.
Chính phủ Hàn Quốc cũng biết điều này nhưng hơi muộn, cho nên xã hội Hàn từng tràn ngập các băng đảng xã hội đen. Được trả độc lập từ năm 1945 từ tay Nhật Bản, tuyên bố độc lập vào năm 1948, hết nội chiến năm 1953 nhưng đến năm 1995 Hàn Quốc mới có một Tổng liên đoàn lao động được kể là lớn ( Liên hội các nghiệp đoàn Hàn Quốc - Korean Confederation of Trade Unions). Sau đó nhiều nghiệp đoàn mới được mọc lên sau, càng dẫn đến sự thịnh vượng đồng đều của người dân nước này.
Một câu hỏi nhỏ, rằng các nước giàu Tây phương tặng tiền, thức ăn cho các nước nghèo châu Phi thì có phải là làm từ thiện không ? Trả lời câu hỏi này, theo quan điểm của tỷ phú Bill Gates là không, người châu Phi ngồi không chơi, người châu Âu phải mang thực phẩm đến cho người châu Phi. Bởi, các nước giàu hút dầu trong lòng đất, làm cho nước ngọt ngầm ở châu Phi khô cạn. Nghĩa là, châu Âu có cho châu Phi tiền thì chỉ là đền bù thiệt hại chứ chẳng phải ban ơn. Cũng vậy, người đi làm giàu có mà đưa chút hỗ trợ cho người nghèo thì đừng nên tự hào gọi đó là từ thiện, anh có việc làm thì anh gửi chút đền bù cho những người đã vô tình phải nhường chỗ ăn làm cho anh. Tất nhiên là cuộc đời vốn không bao giờ công bằng, theo Bill Gates. Nếu chính phủ Việt Nam trung thực như chính phủ Pháp thì phải có trợ cấp xã hội phổ biến. Chính phủ Việt Nam phải tài trợ mức sống tối thiểu cho những thanh niên không có hoặc chưa có việc làm, và đây là nghĩa vụ chứ không phải ân huệ xin-cho. Còn như tình hình Việt Nam hiện nay thì đừng mong vào chính phủ, ngược lại chúng ta có thể bỏ qua chính phủ để tự thành lập các nghiệp đoàn độc lập, hầu cho tái phân phối của cải và bảo đảm công bằng xã hội.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 23/06/2019
Mô hình nào cho tổ chức công đoàn độc lập ở thể chế chính trị độc đảng ? Nhiều người cho rằng cần thử đưa ra vài giải pháp, gợi ý đề xuất, qua đó sẽ có thêm cứ liệu cho việc thực hiện chủ đề liên quan đến nghiệp đoàn độc lập. Đây là câu hỏi vừa khó vừa dễ. Khó vì Hiến pháp cho làm nhưng Luật pháp thì chưa.
EVFTA đòi hỏi Việt Nam thay đổi luật hoặc ra luật mới cho phép công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập - Ảnh minh họa công nhân công ty Pouchen đình công
Đấy là lý luận chung chung, còn sau đây là một giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta cần một tổ chức để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Giả thuyết làm việc đặt ra là cần một nghiệp đoàn thực phẩm. Làm thế nào để có nghiệp đoàn này, trong nước ai cũng sợ lập nghiệp đoàn sẽ bị bắt. Vậy thì hãy đi tìm những người có tâm huyết ở hải ngoại. Trong số những du học sinh Việt Nam tại các nước Tây phương hay Hàn Quốc, Nhật Bản, có nhiều người tài giỏi học ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Trong số đó nhiều những người đạt trình độ tiến sĩ, và trong số tiến sĩ đó có không ít người đã xin được thẻ xanh, thậm chí là quốc tịch của nước người, nghĩa là đã định cư an toàn. Nếu những đồng bào đó đứng ra lập một nghiệp đoàn thực phẩm để chuyền tải các tư tưởng, kiến thức về thực phẩm qua lại với Việt Nam thì đó là một tổ chức mang lại ơn ích cho xã hội, chẳng bao lâu sẽ có đông người tham gia.
Khi đã có nghiệp đoàn thực phẩm rồi, còn có nhà hàng nào dám ép đầu bếp nấu thịt lợn bẩn cho khách ăn, trừ khi họ không sợ bêu tên lên cơ quan ngôn luận của nghiệp đoàn thực phẩm ? Những hành động nhỏ nhưng có nơi gom góp lại thì sẽ tạo ra những hiệu ứng lớn trong xã hội. Hữu xạ tự nhiên hương, từ đó sẽ có thành viên, đầu bếp trong nước sẽ bắt liên lạc với đầu bếp hải ngoại để ghi danh tham gia nghiệp đoàn thực phẩm.
Tổ chức được vài ba cuộc biểu tình son đẹt là phương tiện chứ không phải là mục đích căn cốt của một tổ chức nghề nghiệp. Chẳng cần rủ tất cả đầu bếp các nhà hàng trong thành phố đình công, chỉ cần tạo ra sân chơi cho các đầu bếp tố cáo chủ nhà hàng mua thịt lợn bẩn về cho khách ăn đã là thành công lắm rồi. Nghiệp đoàn online tỏ ra ưu thế hơn nghiệp đoàn offline tập trung cùng một khu vực địa lý. Các sinh viên Trung Quốc đã trả giá khá đắt khi tụ tập lại một nơi để cho an ninh Trung Quốc quăng một mẻ lưới là bắt được hết những người chủ chốt.
Về kinh phí, tưởng rằng lập nghiệp đoàn online chẳng là bao, nhưng không có tiền cũng khó xoay sở. Ít nhất cũng phải có một trang cơ quan ngôn luận, sau đó chỉ cần mỗi người một cái smartphone hay laptop là liên kết được với nhau. Cần thiết ban đầu, như lời giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, là phải có một website. Nhiều người lo không có tiền làm website, cũng rất dễ, có đầy những tổ chức sẵn sàng tặng website nếu có một nhóm bạn lập nghiệp đoàn đề nghị giúp đỡ. Đài Á Châu tự do là một ví dụ, họ có tổ kỹ thuật làm xong website chỉ trong một ngày cho tổ chức xã hội dân sự. Người trong ngành nào lên mạng, đi vào website, thấy có nghiệp đoàn tương ứng thì sẽ đăng ký tham gia nghiệp đoàn ấy.
Trong hoạt động cần có bảo mật, đã có một số tổ chức sẵn sàng giúp bạn về bảo mật, chẳng hạn như nhóm Que Diêm (đã có mặt tại Việt Nam), Biên giới điện tử, Phóng viên không biên giới... Dầu sao cũng phải thừa nhận rằng, sớm hay muộn an ninh cũng sẽ tìm ra danh tính của một số đoàn viên trong nước, rồi bóp chẹt đường sinh sống của người ấy. Nào là tới công ty yêu cầu sếp đuổi việc, có bạn đi gia sư cũng bị phụ huynh đuổi khéo sau khi công vụ đến nhà. Cho nên, thay cho những người còn đang ở nhà trọ bấp bênh, cần những người có kinh tế ổn định, có nhà cửa đàng hoàng đứng ra gánh trọng trách thành lập nghiệp đoàn cho đất nước.
Cho đến bây giờ, nói về "công đoàn" thì người dân đã nghe qua, chứ nói về "nghiệp đoàn" thì mọi người mới nghe lần đầu, cứ như là từ mới ở Việt Nam. Đa số nghĩ bên Tây mới có nghiệp đoàn, ta làm gì đã có. Tìm về lịch sử dân tộc, nếu gọi phường nghề là nghiệp đoàn thì Việt Nam đã có nghiệp đoàn trước cả vương quốc Anh, phố Hàng Bạc, Hàng Mã... đã là nghiệp đoàn trước cả Luân-đôn.
Tất cả những nghiệp đoàn này đều là nghiệp đoàn độc lập, các đời vua Việt Nam hết sức tạo điều kiện cho phường nghề hoạt động. Còn gì đáng tự hào hơn như vậy ? Con người tự bản năng đã có nhu cầu liên kết với nhau, nhất là trong công việc ăn làm, là thiên luật mà không một người nào có thể cấm cản. Con người đặt ra trăm ngàn thủ tục hành chính lầy lội và tình chơi chữ để cấm cản nghiệp đoàn độc lập của nhau thì cũng chỉ là luật của một vài người, trong khi luật của người thì không cao hơn luật của Trời.
Ai ở hải ngoại và ai ở trong nước sẽ làm đầu cầu để kết nối các đồng nghiệp, để thành lập nghiệp đoàn độc lập ngành nghề ? Có nhiều cơ quan báo chí đang hiện diện ngay tại Việt Nam sẵn sàng đăng tải thông tin để đồng nghiệp biết đến và tham gia nghiệp đoàn của bạn.
Ông Lê Thân, lãnh đạo phong trào sinh viên ở Đà Lạt trước 1975, nay là chủ tịch câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ở độ tuổi bô lão vẫn khuyến khích giới trẻ hình thành các nghiệp đoàn cho Việt Nam : "Dù biết có sai sót vẫn cứ làm. Không làm thì sao biết cách để mà làm ?".
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 11/06/2019
Tổ chức lao động quốc tế ILO có bề dày lịch sử bảo vệ quyền lợi công nhân toàn thế giới. Việt Nam, là thành viên của ILO, hơn nữa đã cam kết thỏa thuận CPTPP nên cần thiết thực hiện mở cửa cho người lao động tự do thành lập nghiệp đoàn, công đoàn. Điều này còn phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp mà tổng bí thư-chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn đang làm trưởng ban.
Công nhân Pouyuen Việt Nam đình công để phản đối quy định mới về Bảo hiểm xã hội gần đây.
Trong một nhà máy, có cả trăm công nhân thì cần bao nhiêu công đoàn ? Trong một ngành nghề cần bao nhiêu nghiệp đoàn là đủ ? Một hay hai hay ba, chúng tôi có cuộc tổng hợp ý kiến của nhiều người dân xung quanh vấn đề nhạy cảm này.
"Nói theo kiểu Việt Nam : "Có hai thằng để chọn chẳng sướng hơn ư ?", bạn đọc Võ Hoàng Tùng của Việt Nam Thời Báo trả lời nhanh gọn.
Phản đối ý kiến của anh Võ Hoàng Tùng, một bạn nữ nặc danh không dùng tên thật bình luận : "Tôi thì thấy Việt Nam mình đâu cần cái gọi là công đoàn độc lập, công đoàn hiện nay đã có chức năng nhiệm vụ rõ ràng rồi, cái gọi là công đoàn độc lập được tổ chức ra trong tình hình hiện nay thì ai quản lý, lấy cái gì mà hoạt động. Hơn nữa cũng như tôi coi công đoàn là người bảo vệ chính đáng của mình thì cái thứ mà các người gọi là công đoàn độc lập là cái thứ gì, đại diện cho ai ?".
Ý của bạn nữ này là chỉ cần công đoàn quốc doanh theo ý hệ Marx-Lenin là đủ rồi. Lưu ý rằng bạn nữ này dùng tài khoản ảo để bình luận chứ không tự tin sử dụng tên thật.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Lã Minh Luận cho hay : "Luật mà cộng sản ra là không bao giờ đúng với người lao động". Còn cô giáo Lã Minh Luận quả quyết : "Mình hơn chục năm làm chủ tịch Công đoàn rồi. Tay sai cho chúng mà thôi. Công đoàn phải thật sự đứng về người lao động".
Từ nước Pháp, giáo sư Nguyễn Thái Sơn nhận định : "Thiếu pháp trị và một nền báo chí tư do, xã hội ta khó thăng tiến lên đươc vị thế của các nước phát triển ! E rằng Việt Nam sẽ còn mãi lẹt đẹt trong vị trí của một nền kinh tế với thu nhập trung bình thấp làm gia công cấp thấp !".
Có nhiều câu hỏi phải chất vấn Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Chủ tịch Quốc hội là biết. Bà từng là bộ trưởng Lao động. Chẳng có mánh khóe ăn chặn chấn lột nào của bọn đầu nậu môi giới xuất khẩu lao động mà bà Kim Ngân không biết. Bảo kê làm ngơ cho bọn trộm cướp cũng là một cách ngồi lu loa mà ăn tiền to trở thành dịch bệnh trong bộ này. Các đời bộ trưởng lao động, trước khi hết nhiệm kỳ sắp bị đuổi về hưu nên ra sức bảo kê, tham ăn cuồng điên.
Một tờ báo có thế mạnh về công đoàn là báo Lao động thì dường như ngại phải đề cập đến danh từ "nghiệp đoàn độc lập". Thay vào chỗ trống là những nội dung chẳng mấy liên quan : bóng đá, chân dài...".
Tổ chức lao động quốc tế ILO có bề dày lịch sử bảo vệ quyền lợi công nhân toàn thế giới. Việt Nam, là thành viên của ILO, hơn nữa đã cam kết thỏa thuận CPTPP nên cần thiết thực hiện mở cửa cho người lao động tự do thành lập nghiệp đoàn, công đoàn. Điều này còn phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp mà tổng bí thư-chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn đang làm trưởng ban.
Người Việt phải đi mưu sinh vật vờ ở xứ người, mà còn bị bọn quan tham, bọn môi giới cò mồi liên quan đến bộ lao động-thương binh-xã hội, những cán bộ công đoàn quốc doanh con ông cháu cha... ăn chặn và ăn bớt. Những người xuất khẩu lao động dám nói thẳng nói thật, nếu không có nghiệp đoàn độc lập thì ai sẽ bảo vệ họ khi về Việt Nam ?
Một bạn đọc của Việt Nam Thời Báo, anh Trần Vinh đề nghị rằng : "Công đoàn độc lập cần tuyên truyền và giải thích cho người lao động, dám bảo vệ những quyền lợi thiết thân cho người lao động. Dần dần họ sẽ nhận ra, và khi đã nhận ra thì họ sẽ ủng hộ".
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 06/06/2019
Không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân, các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, như vậy mới có thân ái hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai chân thật. Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời, bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ.
Bé 12 tuổi ở Hà Tĩnh bị công an xã đánh đập vì nghi ngờ lấy cắp 50.000 đồng.
Trong bài này, từ "hành chính" được hiểu theo nghĩa rộng.
Xưa, hiền triết Mạnh Tử viết : "Nếu nền hành chính thối nát để dân đói khổ, tức là nhà cầm quyền xô dân vào tội ác. Thế mà khi dân phạm tội, lại trừng phạt thẳng tay, thì có khác nào nhà cầm quyền bủa lưới bắt dân đâu ! Nếu có một bạc nhân đức lên ngôi vị, người há nỡ bủa lưới, gài bẫy dân sao ?" (Mạnh Tử Đằng-văn-Công chương cú thượng- tiết 3).
Câu chuyện em bé 12 tuổi ở Hà Tĩnh bị viên công an xã đánh đập vì nghi ngờ lấy cắp 50 ngàn đồng chỉ là một ví dụ nhỏ. Vì quá quen dùng hình pháp trong những lần trước, nên theo kinh nghiệm, trong lần mới này, người công an lại dùng hình pháp theo thói quen. Ấy là biểu hiện của một nền hành chính lạm dụng hình pháp. Càng nhiều hình pháp thì càng ít hòa hợp. Cho nên các bậc thánh vương xưa không quên lập ra những lễ tiết, những dịp vui chung, để dân tỏ tình quý mến nhau, thắt chặt lại mối giây thân ái, tạm quên mọi chia phôi ngăn cách trong xã hội, để sống vui tươi, cởi mở.
Văn hóa Việt Nam có hai phần lý nhưng có đến ba phần tình, đã được đúc kết trong những thành ngữ : "tình lý tương tham", "tham thiên lưỡng địa". Đây là thành ngữ cực kỳ minh triết, không thể chối cãi được vì đã đóng ấn lên văn hóa dân tộc. Dòng băng rôn cổ động làng xã "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" nghe có vẻ hợp lô-gic, nhưng đó một cách tinh ranh nhằm xóa bỏ truyền thống cha ông ta. Không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân, các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, như vậy mới có thân ái hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai chân thật. Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời, bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ.
Tư tưởng này đúng cho mọi thời, mọi nơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, một trí thức tên tuổi, có nhiều sách in ở nhà sách Khai Trí có sức lan tỏa nhất nhì khắp Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhận xét giống hệt Mạnh Tử. Theo ông, "Gia hình, phạt tội tuy cần, nhưng tìm hiểu lý do khiến dân phạm tội, còn cần hơn gấp bội. Nếu vì chính quyền thất thố, thối nát khiến dân đói khát, khổ sở, sa ngã vào vòng tội lỗi, mà không thay đổi đường lối cai trị, cứ lo phạt dân, hành dân thì sao phải".
Tư tưởng này, vì là đúng đắn nên cũng đã thể hiện trong các tòa án ở mọi nơi khi đã đạt trình độ cao. Chẳng hạn nước Pháp khi tòa án phải xử án một người về một hành động tội phạm, tòa sẽ tỉ mỉ tìm hiểu hành trình của người đó từ khi mới lọt lòng cho đến khi trưởng thành, xem thử anh đã hưởng nền giáo dục như thế nào, đã đọc những cuốn sách gì, gặp những ai, trong đời đã tiếp xúc với những luồng tư tưởng gì trước khi biến thành hành động. Nghĩa là, phiên tòa không phải bỏ túi xử một buổi sáng là xong như Việt Nam, mà có khi kéo dài đến hàng tháng, tái hiện lại cuộc đời của anh tội phạm trong vòng 20, 30 năm. Tòa tận tình tận lực nỗ lực tìm hiểu con người. Bên Mỹ cũng tái hiện tư tưởng này. Ví dụ, nếu thấy một người thanh niên đi xe máy nhưng không có bằng, một cảnh sát giao thông ở Việt Nam chỉ biết chạy đến phạt tiền người thanh niên. Đáng lẽ ra phải tìm hiểu xem tại sao người đó không có bằng lái xe, do lười đi học hay không có tiền để đóng lệ phí thi lấy bằng, đó mới là hành chính biết suy nghĩ sâu xa.
Người xưa trị dân, thích thưởng, ngại phạt. Thưởng mùa xuân hạ, phạt mùa thu đông. Khi tới kỳ thưởng, bữa ăn bày thê món, và cho tả hữu ăn uống thỏa thích, để tỏ lòng ham thưởng. Khi tới kỳ phạt, bữa ăn, rút bớt món, bỏ âm nhạc, để tỏ lòng ngại phạt. Hành chính trị dân bằng lễ nhạc đã mất đi, còn hành chính ngày nay trị dân bằng hình luật, cho nên mới sinh ra những câu giáo trình sắt máu : "Phi khảo bất thành cung" (Không tra tấn thì không có biên bản cung khai). Nếu tiếp tục như thế này thì tương lai còn có nhiều vụ công an viên Nguyễn Song Thao và bé thiểu năng trí tuệ Cẩm Giang nữa, chỉ khác ở tên riêng.
Nền hành chính của nước Việt đã bị bật rễ kể từ khi nào ? Có lẽ kể từ khi văn hóa cái đình yếu đi. Các thể chế chính trị, từ đầu thế kỷ XX đến thế kỷ XXI, một cách công khai hoặc lộ liễu đều ra sức đập bể, thu hẹp đình làng. Mục đích của họ là tước lấy quyền lực của các cụ già làng mà trao cho chú cán bộ trung ương cử xuống. Cái đình vừa là nơi trường học của trẻ con trong làng, những vụ xô xát thì giải quyết trong làng, các cụ bô lão đạo đức phán quyết và dàn hòa, việc nào quá khó mới đưa lên quan huyện. Nhờ sự che chở của làng, chẳng phải đưa nhau lên hình pháp ở huyện, văn hóa hành chính đình làng là nơi có tác dụng giáo dục con người rất lớn. Muốn người dân không rơi vào tội ác, không hại nhau vì những lỗi cỏn con, bắt buộc phải quay lại truyền thống, sớm khôi phục lại triết lý cái đình.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 03/06/2019
Không có tòa bảo hiến, các điều luật dễ bị xuyên tạc khiến chỉ áp dụng cho những người yếu thế mà bỏ qua những kẻ cậy quyền cậy chức. Không có tòa bảo hiến thì đương nhiên cũng thiếu cả sự quan trọng nhất : không cơ quan nào giám sát Thực thi Hiến pháp. Hiến pháp bị vi phạm cũng không ai xử lý. Nhất là đối với những người lao động ở tầng dưới xã hội, mãi mãi họ bị đè đầu cưỡi cổ mà chả biết kêu ai.
Công đoàn khối Cơ quan PVN tổ chức đối thoại với NLĐ vào tháng 12/2018 - Ảnh minh họa
Theo chủ nghĩa hợp hiến, không một ai được thiên vị trong hiến pháp của một nước, để đảm bảo công bằng. Điều 10 Hiến pháp về lao động đã không tôn trọng chủ nghĩa hợp hiến khi đưa một tổ chức công đoàn riêng rẽ vào trong Hiến pháp. Điều này làm cho một công đoàn được nuông chiều, nâng đỡ, thiên vị. Khi một cá nhân tổ chức nào được thiên vị ở trong hiến pháp thì sẽ làm việc toàn tâm cho kẻ tạo ra sự thiên vị gây nên bất công xã hội.
Trích nguyên văn điều quy định về công đoàn trong Hiến pháp năm 2013 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :
"Điều 10 : Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Điều 10 này của Hiến pháp gây bức xúc rất lớn trong quần chúng, khi đã được bóc mẽ ra. Họ nói rằng họ phải đưa tiền ( một cách cưỡng ép thụ động) để nuôi một tổ chức không có hoạt động thực chất, trừ ăn chơi nhậu nhẹt và mấy cuộc đi tham quan, hỏi thăm và lễ hội nhảy múa gọi là. Những việc chính yếu, thiết thực thì công đoàn nhà nước thì họ không làm, dù đã được thế độc quyền trong hiến pháp. Một nhà tranh đấu vận động thành lập các nghiệp đoàn độc lập cho Việt Nam, ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội cho rằng vì công đoàn theo chủ nghĩa Marx đã chết một nửa còn một nửa. Ông Hùng tái khẳng định công đoàn nhà nước chỉ còn hình thức và đã chết về linh hồn, chỉ còn nước giải tán và rút khỏi Hiến pháp là bản hợp đồng giữa người dân và nhà nước. Khi bên kia không thực hiện được hợp đồng thì hoặc là bên này xóa bỏ cuốn hợp đồng đó, hoặc là hai bên ngồi với nhau để làm lại một bản hợp đồng mới khác.
Hồi cuối năm 2018, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước CPTPP, lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam chủ động và nâng cao kiến năng của mình !
Anh Trương Li bình luận :
"Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được cải tiến với 10 nước khác và sẽ vận hành từ năm 2019, hoặc Hiệp định với Liên hiệp Âu châu. Giới đầu tư nhìn vào khuôn khổ luật chơi quốc tế và mong Việt Nam sẽ chấp hành như cam kết, nhất là về quyền lợi đích thực của người lao động Việt".
Không có tòa bảo hiến, các điều luật dễ bị xuyên tạc khiến chỉ áp dụng cho những người yếu thế mà bỏ qua những kẻ cậy quyền cậy chức. Không có tòa bảo hiến thì đương nhiên cũng thiếu cả sự quan trọng nhất : không cơ quan nào giám sát Thực thi Hiến pháp. Hiến pháp bị vi phạm cũng không ai xử lý. Nhất là đối với những người lao động ở tầng dưới xã hội, mãi mãi họ bị đè đầu cưỡi cổ mà chả biết kêu ai. Công đoàn nhà nước thì ở quá xa, còn nghiệp đoàn độc lập thì chưa có điều kiện để hiện diện thường trực. Chẳng hạn, các tài xế Grabbike phải trả phí môi giới 25% cho nhà cung cấp ứng dụng trung gian, suốt ngày họ phải lo nơm nớp bị đuổi việc vô lý mà chẳng thấy công đoàn nào xông pha bảo vệ quyền lợi của họ. Luật pháp nước Việt Nam chẳng lẽ bảo vệ công ty Grab từ nước ngoài vào thay vì bảo vệ chính những người lao động trong nước ?
Đã vậy, nghe đâu sắp có thêm một điều luật ngớ ngẩn khác, phải cố gắng lắm mới hiểu được dụng ý người ra luật :
"...Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động…" (trích Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019).
Anh Nguyễn Vũ Hiệp, biên tập viên của trang tin Mạng lưới nghiệp đoàn (unionsnetwork.org) nhận xét : Với dự luật này thì người lao động cũng coi giống như bột giặt, luôn được chia thành bột giặt OMO và bột giặt thường.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 20/05/2019
Gần đây một bài tiểu luận của học giả pháp lý Xu Zhangrun của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã gây trang luận lớn trên mạng internet Trung Quốc về việc xóa bỏ các đặc quyền cho cán bộ.
Sự xa xỉ dành cho cán bộ cũng không thua kém gì sự ngang ngược trong hành động của họ.
Điều đáng chú ý là giáo sư Xu đã lên tiếng vào thời điểm mà hầu như tiếng nói của trí thức Trung Quốc đang dần lụi tàn dưới sự đàn áp mạnh mẽ của chế độ Tập Cận Bình. Dưới đây là một số ý nghĩ của ông về các đặc quyền dành cho các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Xu đề nghị rằng các đặc quyền ưu tú cho cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nên được loại bỏ. Hệ thống của triều đại hiện tại cho phép nhà nước cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho các cán bộ cấp cao từ khi nghỉ hưu cho đến khi họ chết. Sự cung cấp dịch vụ nầy theo một tiêu chuẩn vượt xa mức tưởng tượng của một người dân thường. Những cán bộ này giữ lại những đặc quyền mà họ được hưởng trong khi đi làm, bao gồm chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các khu nghỉ dưỡng sang trọng để nghỉ ngơi và thụ hưởng.
Mọi người dân thường đều nhận thức được gánh nặng phi thường và chi phí tài chính nơi mà họ phải gánh chịu cho các đặc quyền nầy. Họ lại càng căm phẫn khi các chi tiết về chi tiêu cho các đặc quyền nầy được Đảng giữ như "bí mật nhà nước" và Đảng không bao giờ công bố các bí mật nầy vì sợ gây ra sự phẫn nộ trong công chúng. Hệ thống đặc quyền này tiếp tục các loại đặc quyền được trao cho dòng dõi hoàng tộc trong triều đại nhà Minh và các nhóm cai trị triều đại nhà Thanh. Cán bộ đảng có vẻ còn là "vua" hơn thái thượng.
Các đặc quyền nầy không chỉ đơn thuần là sự phản bội của tinh thần tự quảng cáo, tinh thần cách mạng của Đảng cộng sản. Nó còn vi phạm các tiêu chuẩn của đời sống công dân. Đây là tàn dư của chế độ cũ. Đây là một ví dụ hoàn hảo về chế độ phong kiến !
Mọi người dân thường bị xúc phạm về các đặc quyền kinh khủng nầy nhưng họ bất lực để làm bất cứ điều gì về các đặc quyền nầy. Đây cũng chính là lý do mọi người coi cán bộ với sự khinh miệt. Đây là một ví dụ tuyệt vời của đấu tranh giai cấp - Ở một bên của bệnh viện, thường dân phải đối mặt với thách thức và muôn vàn khó khăn để xin nhập bệnh viện để điều trị, trong khi mọi người đều biết các phòng lớn được dành riêng ở phía bên kia để chăm sóc cán bộ cấp cao. Mọi người coi thường cán bộ vì điều đó. Mỗi tế bào của cơn giận dữ đè nén này có thể bùng nổ tại một số thời điểm với cơn giận dữ sấm sét.
Ông Xu cũng ủng hộ việc loại bỏ hệ thống Cung cấp Nhu cầu Đặc biệt cho cán bộ. Bắt đầu từ bảy mươi năm trước, hệ thống này tiếp tục ngay cả trong thời kỳ toàn dân đói kém hàng loạt và thiếu thốn trầm kha. Nó vẫn tiếp tục ngay cả bây giờ khi dân thường ngày càng quan tâm đến chất lượng và khả năng tiếp cận các sản phẩm sữa cho trẻ em và vệ sinh cũng như an toàn của thực phẩm hàng ngày. Hệ thống Cung cấp Nhu cầu Đặc biệt cho phép giới quý tộc cán bộ cấp cao tiếp cận với một loạt các sản phẩm đặc sản vượt ra ngoài giấc mơ của người dân bình thường. Không có quốc gia nào làm điều này như Trung Quốc (ngoại trừ một số nước theo chế độ cộng sản). Sự xa xỉ dành cho cán bộ cũng không thua kém gì sự ngang ngược trong hành động của họ. Họ xem như là họ có đặc quyền mà dân phải nuông chiều họ. Họ đã làm gì để xứng đáng với các đặc quyền nầy ?
Tất nhiên, sự bất bình đẳng tồn tại trong tất cả các xã hội và sự chênh lệch về khả năng và sự giàu có giữa các cá nhân là điều tự nhiên, nhưng dân thường không có hy vọng gì để có cơ hội tương tự như các cán bộ. Những người dân thường bắt đầu đời sống của họ với vạn phần khó khăn trong khi con cháu cán bộ nhởn nhơ ngồi trên lấn trước trong mọi đặc quyền – sự thiên vị lại được thể chế hóa bởi đảng. Điều nầy thậm chí còn kích động sự phẫn nộ trong người dân khi đảng tự phép cán bộ và con cháu họ liên tục được cung cấp từ các kho bạc và tiền thuế của nhà nước.
Dưới hệ thống này, các cửa hàng có quyền truy cập đặc biệt cho giai cấp mới được tạo ra bởi nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa ! Tác động của hệ thống nầy trên dân thường đã trở nên gay gắt hơn trong khi Đảng lại bảo vệ các đặc quyền nầy với các kế hoạch toàn vẹn, và Đảng còn có vẻ ghen tị với công chúng vì họ bất mãn với hệ thống nầy. Đảng đã đầu tư lớn cơ năng của cán bộ vào phát triển các qui chế về quyền truy cập đặc biệt vào nhu yếu phẩm và hàng hóa xa xỉ. Chừng nào quyền truy cập đặc biệt vẫn chưa được kiểm soát, an toàn thực phẩm thực sự ở Trung Quốc sẽ không bao giờ được thực hiện bởi vì các cán bộ không mua thực phẩm cùng nơi dân thường phải mua.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 27/04/2019
Nguồn tham khảo :
- Xu Zhangrun’s China : ‘Licking Carbuncles and Sucking Abscesses’, China Change, 01/08/2018
Tại Việt Nam, nhiều người không biết vượt tường lửa, sinh ra bực bội. Những người già rất chậm tiếp thu công nghệ mới, nói về VPN, Proxy hay DNS lại càng không khả thi…
Sơ đồ vai trò của tường lửa - Tranh biếm họa
Trước kiểm duyệt tường lửa ngày càng gắt gao đối với các trang mạng tự do có bàn về chính trị, nhiều trang mạng chọn giải pháp đăng bài trên Facebook hoặc liên kết sang những nền tảng không bị chặn tường lửa như Google, trước khi dẫn đến trang Website của tổ chức mình. Anh Phan Yên, một IT cho biết : Đổi DNS thực ra không có tác dụng đáng kể. DNS chỉ như một "file host" khổng lồ với hàng tỉ dòng như : 83.68.31.244 luatkhoa.org, và làm nhiệm vụ phân giải luatkhoa.org sang chuỗi số 83.68...
Nhiều năm trước, nhà mạng (Viettel, Vinaphone...) chặn-sơ-sơ, thực ra không phải chặn, mà chỉ XÓA vài dòng trong DNS của nhà mạng thôi : lúc ấy chỉnh file host hay đổi DNS là ok (vào được trang).
Nhưng hiện nay các nhà mạng thường chặn-thực-sự, chặn hẳn kết nối đến máy chủ/IP, ví dụ chặn 83.68.31.244, thì đổi DNS không có tác dụng gì.
"Đổi DNS mất tác dụng khá lâu rùi, ít nhất là từ hồi biển độc cá chết 2017. Sau đó toàn phải chạy VPN nóng cháy điện thoại". Anh Nguyễn Cương, một độc giả hay đọc tin các trang bằng smart phone cho biết. Kể cả nếu đổi được DNS thì cũng không nên lạm dụng mà lướt net, bởi DNS không giúp giấu những gì bạn truy cập trên không gian. Nói cách khác, nhà mạng cố tình cho bạn đổi DNS thành công để vào các trang mà thông thường cấm, nhưng nhất cử nhất động của bạn trên đó nhà mạng hầu như nắm hết được.
Nhưng không phải các trang bị chặn liên miên. Anh Phan Yên cho biết tiếp : "Lúc ấy thì bắt buộc phải dùng proxy/VPN như Hola, Ultrasurf, Tunnelbear, proxysite.com chẳng hạn. Mà nhà mạng chặn cũng tùy mạng, tùy nơi, tùy lúc ; như tuần này Viettel ở chỗ mình không chặn BBC hay Luatkhoa nữa".
Hiện nay, mọi người đang rủ nhau rằng có thể dùng phần mềm đổi VPN, chẳng hạn như HMA pro VPN, key (mã khóa) chia sẻ rất nhiều. Cách làm này phù hợp với máy tính cá nhân. Đối với các máy tính ở nơi công cộng, nhà quản trị cài đặt một phần mềm gọi là Deep Freeze, không cho ai cài đặt thêm bất kỳ phần mềm nào vào máy. Chẳng hạn, bạn đến máy tính công cộng thuộc trường đại học, rồi tải xuống phần mềm vượt tường lửa như Avast Secure Line và cài đặt, chạy lên, nhập đúng mã vào và vẫn vào được các trang bị chặn. Sang ngày mai khi bạn đến thư viện, ngồi đúng chiếc máy vi tính đó, tìm sẽ không thấy phần mềm vượt tường lửa hôm qua đâu. Deep Freeze không cho lưu lại bất kỳ sự thay đổi nào trong ổ đĩa mà nó đóng băng, bao gồm ổ đĩa C trong máy tính là nơi lưu dữ liệu để khởi động Avast Secure Line VPN.
Tại Việt Nam, nhiều người không biết vượt tường lửa, sinh ra bực bội. Những người già rất chậm tiếp thu công nghệ mới, nói về VPN, Proxy hay DNS lại càng không khả thi. Càng ngạc nhiên hơn, khi nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin hệ đại học chính quy vẫn không biết sử dụng VPN. Những người già rất mưu trí. Họ ra lệnh cho nhân viên Viettel, Vinaphone nếu lắp đặt mạng thì phải vượt tường lửa sẵn cho laptop của họ. Mặc dù có lệnh cấm chung chung, nhưng vì lợi nhuận, vì doanh số, các kỹ thuật viên lắp mạng Viettel, FPT vẫn xé luật này để giúp các cụ già vượt tường lửa sẵn, để lần sau cụ lên thì vẫn vào được mọi trang trên thế giới.
Nhóm Que Diêm, một tổ chức xã hội dân sự độc lập chuyên về an toàn kỹ thuật số ở Việt Nam. Nhóm này cung cấp kỹ năng, kiến thức thực hành cho các hội đoàn và nhà hoạt động độc lập, nếu cần. Nhiều phần mềm diệt Virus, nhiều phần mềm vượt tường lửa cùng bản quyền Windows được nhóm Que Diêm hỗ trợ miễn phí cho các nhà đấu tranh ở Việt Nam khắp ba miền. Ngoài ra, còn những tổ chức khác như Quỹ Biên Giới Điện Tử (EFF-Electronic Frontier Foundation) là một tổ chức quốc tế cũng đang rất quan tâm đến tình hình Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể chọn liên lạc với một trong các tổ chức trên để được trang bị thêm kiến thức bảo mật, vô hiệu hóa kiểm duyệt từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 18/04/2019
Vừa qua, những tấm hình cho thấy ngư dân Việt Nam bị đánh đập bởi cảnh sát biển Thái Lan, Indonesia khi xâm phạm chủ quyền biển của họ được chuyển đến nhiều người. Những nghiệp đoàn nghề cá ở đâu để cho thành viên của mình bảy nổi ba chìm như vậy ? So sánh với sự thành công của các thương hội người Hoa Chợ Lớn- Sài Gòn, người ta không khỏi suy tư về sự khác biệt quá đỗi ly kỳ của hai dân tộc ngay trong một đất nước.
Góc nhìn từ một ngã tư đường phố trong khu vực Chợ Lớn trước 1975. Ảnh minh họa (Courtesy of Đồng hương Kontum)
Vấn đề nghiệp đoàn nghề cá
Hiện tại, số liệu chưa đầy đủ cho biết cả nước có 78 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở ; trong đó, hầu hết do liên đoàn lao động các huyện quản lý ; nhưng cũng có nghiệp đoàn nghề cá cơ sở thuộc liên đoàn lao động tỉnh quản lý ; có những nghiệp đoàn nghề cá cơ sở lại thuộc công đoàn Bộ/ sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương quản lý.
Đang có đề xuất thành lập Liên hiệp các nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam (giao cho Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam làm cơ quan thường trực) để thực hiện tiếng nói chính trị ; tham gia xây dựng, tham mưu với Đảng, Nhà nước những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân ; kêu gọi hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn…
Sở dĩ phải nhấn mạnh đến ‘tiếng nói chính trị’ vì 15 năm qua, Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc đang thực thi. Liên hiệp các nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam phải có tiếng nói liên quan trong vấn đề này.
Có nhiều nghiệp đoàn nghề cá như vậy, và các nghiệp đoàn không phải bị kìm kẹp đến mức câm lặng, tại sao người lao động trong nghề đánh bắt cá lại yếu tiếng nói đến thế ?
Thứ nhất, tâm thức người ngư dân còn chưa biết liên kết với nhau.
Thứ hai, đánh mất đi lòng tự tín.
Thương hội người Hoa
Ở Chợ Lớn- Sài Gòn, các thương hội người Hoa không quảng cáo rùm beng trên ti-vi như chính quyền các tỉnh miền biển đã làm với nghiệp đoàn nghề cá của họ. Ấy mà người Hoa Chợ Lớn đang điều khiển các mối làm ăn chủ yếu tại Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây (1).
Đường Hải Thượng Lãn Ông, Sài Gòn ngày nay.
Về sự thành công này, trước hết phải kể đến văn minh thương nghiệp đã được người Hoa nâng lên thành một nghệ thuật. Óc kinh doanh là niềm tự hào của người Hoa. Họ biết cách áp-phe, cách làm giá, cách thao túng thị trường... Đi đến đâu trên thế giới, người Hoa thâu tóm dần các ngành trọng yếu đến đó. Người Hoa giấu tiền rất kỹ, đo lượng lưu thông hàng hóa không thể biết họ nhiều tiền cỡ nào, một gia đình người Hoa ở nhà cấp bốn lụp xụp có thể có đến hàng trăm cây vàng giấu trong nhà. Đến nỗi, cố tổng bí thư Đỗ Mười của nhà cầm quyền Hà Nội vừa mới qua đời, thời còn sống đã kịch liệt đi đánh tư sản, mà gay cấn nhất là đánh tư sản gốc Hoa Chợ Lớn. Sau trận đánh long trời lở đất đó, tưởng là đã lấy được hết tiền vàng của khu Chợ Lớn, chẳng mấy chốc lại thấy họ giàu lên nhanh chóng. Đó là do họ rất đoàn kết.
Ví dụ, một gia đình người Hoa từ đâu đến khu chợ Lớn, hoặc bỗng dưng có một gia đình phá sản kinh doanh, họ liền đến thương hội người Hoa. Thương hội này rất kín, tên thật là gì cũng như ai là người đứng đầu thì chuyện tùy phụ. Thương hội cấp tiền cho gia đình đó tái lập mối làm ăn, mở lại cửa hàng, đến khi có tiền thì lại nộp lại về thương hội mỗi tháng một số tiền bao nhiêu, tùy theo tình hình làm ăn. Nếu uy tín lâu dài thì được nhập hội, còn không thì khó mà làm ăn về sau. Có thể gọi, hình thức thương hội của người Hoa chính là một hình mẫu nghiệp đoàn của giới chủ. Ở Pháp hay Australia... cũng có những nghiệp đoàn của giới chủ, hoạt động na ná giống thương hội người Hoa chợ Lớn, chỉ khác nhau ở mặt hàng bán ra.
Thương hội của người Hoa mạnh thế, mà nghiệp đoàn của người Việt lại kém hoạt lực như thế. Đó là chưa kể việc các công ty ngoại ồ ạt đầu tư sang Việt Nam, kéo theo một lượng đáng kể lao động người nước ngoài. Không chấn chính triết lý điều hành, các nghiệp đoàn Việt Nam không còn chỗ đứng nữa, ngay trên chính quê hương mình, cho dù có được chính phủ bảo trợ.
Các nghiệp đoàn của người Việt sẽ làm gì để cạnh tranh với ngoại quốc trong thời buổi mới khốc liệt này ?
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 08/04/2019
Đọc thêm :
Trong tiểu luận khoa học "Nghề nghiệp và Sứ mệnh" thuyết trình trước đông đảo sinh viên Đức, nhà xã hội học người Max Weber đã cảnh báo tình trạng các trường đại học ở nước Đức đang chạy theo mô hình đại học Mỹ và càng ngày càng giống tập đoàn tư bản nhà nước. Cùng học theo Mỹ tổ chức học chế tín chỉ, các trường đại học Việt Nam còn giống tư bản Mỹ hơn các trường đại học Berlin nhiều lần.
Bảng xếp hạng đại học Châu Á của tổ chức QS sẽ công bố kết quả xếp hạng năm 2019. Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường Việt Nam với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018)
Hậu quả của tư bản nhà nước
Các tập đoàn tư bản nhà nước có xu hướng giấu nghề, mà họ sẽ gọi là bí mật kinh doanh. Ở Mỹ đã xảy ra vụ các hãng sản xuất điện làm giá với nhau, tự thỏa thuận trong bóng đêm để tự định giá điện, ăn chênh lệch. Cũng một phương thức ấy, các hiệu trưởng đại học ở Việt Nam cũng họp với nhau trong bóng đêm để thỏa thuận thu chi và tự định ra mức thu học phí trên từng tín chỉ. Thực tế chưa ai thấy cách thu như vậy dựa vào căn cứ khoa học nào.
Để tỏ ra chi đúng cách, các trường thường mở ra một, hai viện nghiên cứu đi kèm, dưới sự bảo trợ của trường. Bước tiếp theo, các hiệu trưởng luồn nguồn tiền từ ngân sách trường sang ngân sách viện. Khoản chênh lệch và rò rỉ ấy hoàn toàn xứng đáng gọi là giá trị thặng dư theo kinh tế học marxist. Sinh viên đóng học phí nhưng không biết bao nhiêu phần trăm chi cho giảng viên, bao nhiêu phần trăm chi cho các viện nghiên cứu hay các khoản chi không tên khác.
Khác với các tập đoàn tư bản Tây phương, báo chí khó lòng thâm nhập được vào các trường đại học ở Việt Nam, nếu có thì cũng chỉ ở bề mặt. Chất lượng học thuật của các trường - do có thỏa thuận trong hệ thống - có khi nhiều năm không được cải tiến. Trong một thời gian dài, nhiều luận điểm học thuật trung thực không được đưa ra mổ xẻ, sự giấu nhẹm này là có sắp xếp hẳn hoi chứ không phải trình độ nhận thức chưa đạt đến.
Câu chuyện sửa sách giáo khoa sử của giáo sư Phạm Hồng Tung là một ví dụ. Nội dung, lược sử, các con số thương vong... của hai bên trong chiến tranh biên giới Việt-Trung không được đưa ra thảo luận trong trường. Chất lượng sinh viên ngành sử tốt nghiệp do đó là chất lượng cầu âu. Người ta không bới móc vấn đề lên làm gì, miễn là điểm khá, điểm giỏi qua môn và ra trường. Trong ngành sử còn dễ nhận ra những nội dung bị lướt, bị xem nhẹ, còn trong triết thì còn che giấu tinh vi hơn nữa.
Trong các ngành như y sinh, vật lý, tính khép kín tư bản thân hữu càng nghiêm ngặt hơn. Duy nhất nhà trường có các thiết bị và phương tiện phục vụ cho công việc học tập, ông hiệu trưởng như ông vua con, các trưởng khoa như lãnh chúa vùng và có quyền cất nhắc người kế vị - một lựa chọn dựa trên cảm tính và sự trung thành nhiều hơn là dựa trên tiềm năng khai phá học thuật của ứng viên đó.
Sự đấu tranh của giới sinh viên
Trong khoảng vài năm trở lại đây, giới sinh viên đang vùng lên mạnh mẽ. Khoảng trống dân chủ được mở ra trong các tranh luận học thuật. Có sinh viên ngành sử công khai phản đối lối dạy nhẹ về sự kiện mà nặng về tuyên truyền của giảng viên. Ở các ngành khác như Mỹ thuật, có sinh viên còn ký tên dưới thư gửi cho hiệu trưởng yêu cầu trả lời những thắc mắc của người học, dù hiệu trưởng có trả lời hay không.
Dưới sự hỗ trợ lan tỏa tin tức từ mạng toàn cầu internet, một vụ việc xảy ra trong một trường thì khoảng trong vòng 24 tiếng đồng hồ khắp cả nước được biết. Những lý lẽ kiểu như em đừng nói xấu trường, thực ra là người học đừng có bới móc tập đoàn tư bản nhà nước dường như hết còn được áp dụng. Về điều này, sinh viên Việt Nam may mắn hơn sinh viên Trung Quốc, nhiều vụ việc xảy ra ở Trung Quốc ở một tỉnh thì lập tức bị bịt, tỉnh khác không biết, mỗi tỉnh như một vương quốc riêng.
Còn ở Việt Nam, chẳng hạn như vụ sinh viên trường Hutech bị tảng bê-tông rơi đè chết trong trường thì liền sau đó cả nước đưa tin. Tập đoàn tư bản nhà nước chạy 200 triệu cho báo Công an thành phố cũng không thể làm nhẹm đi được sự việc. Các sinh viên Việt Nam đang đấu tranh với tập đoàn tư bản nhà nước rất khốc liệt. Lợi thế của họ là sinh viên trường này liên kết được với sinh viên trường kia, sinh viên trong Sài Gòn liên kết được với sinh viên ngoài Hà Nội để bàn chuyện của mình. Trong khi đó, giảng viên trường này không dám liên kết với giảng viên trường kia, sợ làm lộ bí mật của trường.
Do Việt Nam nằm ở "ngã tư" của thế giới cho nên thế giới lên tiếng cho các sự việc liên quan đến sinh viên Việt Nam, dễ dàng hơn nhiều so với việc can thiệp cho một sinh viên Trung Quốc.
Trong một vài năm tới, do sự cạnh tranh của ít nhất 3 luồng tư tưởng, chưa biết là nền đại học Việt Nam sẽ chuyển mình theo hướng nào. Một điều chắc chắn là, các trường đại học Việt Nam, còn gọi là các tập đoàn tư bản nhà nước như trên phân tích, chắc chắn là phải cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh thu hút sinh viên.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 11/03/2019