Tại Việt Nam, nhiều người không biết vượt tường lửa, sinh ra bực bội. Những người già rất chậm tiếp thu công nghệ mới, nói về VPN, Proxy hay DNS lại càng không khả thi…
Sơ đồ vai trò của tường lửa - Tranh biếm họa
Trước kiểm duyệt tường lửa ngày càng gắt gao đối với các trang mạng tự do có bàn về chính trị, nhiều trang mạng chọn giải pháp đăng bài trên Facebook hoặc liên kết sang những nền tảng không bị chặn tường lửa như Google, trước khi dẫn đến trang Website của tổ chức mình. Anh Phan Yên, một IT cho biết : Đổi DNS thực ra không có tác dụng đáng kể. DNS chỉ như một "file host" khổng lồ với hàng tỉ dòng như : 83.68.31.244 luatkhoa.org, và làm nhiệm vụ phân giải luatkhoa.org sang chuỗi số 83.68...
Nhiều năm trước, nhà mạng (Viettel, Vinaphone...) chặn-sơ-sơ, thực ra không phải chặn, mà chỉ XÓA vài dòng trong DNS của nhà mạng thôi : lúc ấy chỉnh file host hay đổi DNS là ok (vào được trang).
Nhưng hiện nay các nhà mạng thường chặn-thực-sự, chặn hẳn kết nối đến máy chủ/IP, ví dụ chặn 83.68.31.244, thì đổi DNS không có tác dụng gì.
"Đổi DNS mất tác dụng khá lâu rùi, ít nhất là từ hồi biển độc cá chết 2017. Sau đó toàn phải chạy VPN nóng cháy điện thoại". Anh Nguyễn Cương, một độc giả hay đọc tin các trang bằng smart phone cho biết. Kể cả nếu đổi được DNS thì cũng không nên lạm dụng mà lướt net, bởi DNS không giúp giấu những gì bạn truy cập trên không gian. Nói cách khác, nhà mạng cố tình cho bạn đổi DNS thành công để vào các trang mà thông thường cấm, nhưng nhất cử nhất động của bạn trên đó nhà mạng hầu như nắm hết được.
Nhưng không phải các trang bị chặn liên miên. Anh Phan Yên cho biết tiếp : "Lúc ấy thì bắt buộc phải dùng proxy/VPN như Hola, Ultrasurf, Tunnelbear, proxysite.com chẳng hạn. Mà nhà mạng chặn cũng tùy mạng, tùy nơi, tùy lúc ; như tuần này Viettel ở chỗ mình không chặn BBC hay Luatkhoa nữa".
Hiện nay, mọi người đang rủ nhau rằng có thể dùng phần mềm đổi VPN, chẳng hạn như HMA pro VPN, key (mã khóa) chia sẻ rất nhiều. Cách làm này phù hợp với máy tính cá nhân. Đối với các máy tính ở nơi công cộng, nhà quản trị cài đặt một phần mềm gọi là Deep Freeze, không cho ai cài đặt thêm bất kỳ phần mềm nào vào máy. Chẳng hạn, bạn đến máy tính công cộng thuộc trường đại học, rồi tải xuống phần mềm vượt tường lửa như Avast Secure Line và cài đặt, chạy lên, nhập đúng mã vào và vẫn vào được các trang bị chặn. Sang ngày mai khi bạn đến thư viện, ngồi đúng chiếc máy vi tính đó, tìm sẽ không thấy phần mềm vượt tường lửa hôm qua đâu. Deep Freeze không cho lưu lại bất kỳ sự thay đổi nào trong ổ đĩa mà nó đóng băng, bao gồm ổ đĩa C trong máy tính là nơi lưu dữ liệu để khởi động Avast Secure Line VPN.
Tại Việt Nam, nhiều người không biết vượt tường lửa, sinh ra bực bội. Những người già rất chậm tiếp thu công nghệ mới, nói về VPN, Proxy hay DNS lại càng không khả thi. Càng ngạc nhiên hơn, khi nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin hệ đại học chính quy vẫn không biết sử dụng VPN. Những người già rất mưu trí. Họ ra lệnh cho nhân viên Viettel, Vinaphone nếu lắp đặt mạng thì phải vượt tường lửa sẵn cho laptop của họ. Mặc dù có lệnh cấm chung chung, nhưng vì lợi nhuận, vì doanh số, các kỹ thuật viên lắp mạng Viettel, FPT vẫn xé luật này để giúp các cụ già vượt tường lửa sẵn, để lần sau cụ lên thì vẫn vào được mọi trang trên thế giới.
Nhóm Que Diêm, một tổ chức xã hội dân sự độc lập chuyên về an toàn kỹ thuật số ở Việt Nam. Nhóm này cung cấp kỹ năng, kiến thức thực hành cho các hội đoàn và nhà hoạt động độc lập, nếu cần. Nhiều phần mềm diệt Virus, nhiều phần mềm vượt tường lửa cùng bản quyền Windows được nhóm Que Diêm hỗ trợ miễn phí cho các nhà đấu tranh ở Việt Nam khắp ba miền. Ngoài ra, còn những tổ chức khác như Quỹ Biên Giới Điện Tử (EFF-Electronic Frontier Foundation) là một tổ chức quốc tế cũng đang rất quan tâm đến tình hình Việt Nam. Bạn đọc quan tâm có thể chọn liên lạc với một trong các tổ chức trên để được trang bị thêm kiến thức bảo mật, vô hiệu hóa kiểm duyệt từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 18/04/2019