Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2019

Trường đại học hay là tập đoàn tư bản nhà nước ?

Kiều Phong

Trong tiểu luận khoa học "Nghề nghiệp và Sứ mệnh" thuyết trình trước đông đảo sinh viên Đức, nhà xã hội học người Max Weber đã cảnh báo tình trạng các trường đại học ở nước Đức đang chạy theo mô hình đại học Mỹ và càng ngày càng giống tập đoàn tư bản nhà nước. Cùng học theo Mỹ tổ chức học chế tín chỉ, các trường đại học Việt Nam còn giống tư bản Mỹ hơn các trường đại học Berlin nhiều lần.

giaoduc1

Bảng xếp hạng đại học Châu Á của tổ chức QS sẽ công bố kết quả xếp hạng năm 2019. Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất trong các trường Việt Nam với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018)

Hậu quả của tư bản nhà nước

Các tập đoàn tư bản nhà nước có xu hướng giấu nghề, mà họ sẽ gọi là bí mật kinh doanh. Ở Mỹ đã xảy ra vụ các hãng sản xuất điện làm giá với nhau, tự thỏa thuận trong bóng đêm để tự định giá điện, ăn chênh lệch. Cũng một phương thức ấy, các hiệu trưởng đại học ở Việt Nam cũng họp với nhau trong bóng đêm để thỏa thuận thu chi và tự định ra mức thu học phí trên từng tín chỉ. Thực tế chưa ai thấy cách thu như vậy dựa vào căn cứ khoa học nào. 

Để tỏ ra chi đúng cách, các trường thường mở ra một, hai viện nghiên cứu đi kèm, dưới sự bảo trợ của trường. Bước tiếp theo, các hiệu trưởng luồn nguồn tiền từ ngân sách trường sang ngân sách viện. Khoản chênh lệch và rò rỉ ấy hoàn toàn xứng đáng gọi là giá trị thặng dư theo kinh tế học marxist. Sinh viên đóng học phí nhưng không biết bao nhiêu phần trăm chi cho giảng viên, bao nhiêu phần trăm chi cho các viện nghiên cứu hay các khoản chi không tên khác. 

Khác với các tập đoàn tư bản Tây phương, báo chí khó lòng thâm nhập được vào các trường đại học ở Việt Nam, nếu có thì cũng chỉ ở bề mặt. Chất lượng học thuật của các trường - do có thỏa thuận trong hệ thống - có khi nhiều năm không được cải tiến. Trong một thời gian dài, nhiều luận điểm học thuật trung thực không được đưa ra mổ xẻ, sự giấu nhẹm này là có sắp xếp hẳn hoi chứ không phải trình độ nhận thức chưa đạt đến. 

Câu chuyện sửa sách giáo khoa sử của giáo sư Phạm Hồng Tung là một ví dụ. Nội dung, lược sử, các con số thương vong... của hai bên trong chiến tranh biên giới Việt-Trung không được đưa ra thảo luận trong trường. Chất lượng sinh viên ngành sử tốt nghiệp do đó là chất lượng cầu âu. Người ta không bới móc vấn đề lên làm gì, miễn là điểm khá, điểm giỏi qua môn và ra trường. Trong ngành sử còn dễ nhận ra những nội dung bị lướt, bị xem nhẹ, còn trong triết thì còn che giấu tinh vi hơn nữa. 

Trong các ngành như y sinh, vật lý, tính khép kín tư bản thân hữu càng nghiêm ngặt hơn. Duy nhất nhà trường có các thiết bị và phương tiện phục vụ cho công việc học tập, ông hiệu trưởng như ông vua con, các trưởng khoa như lãnh chúa vùng và có quyền cất nhắc người kế vị - một lựa chọn dựa trên cảm tính và sự trung thành nhiều hơn là dựa trên tiềm năng khai phá học thuật của ứng viên đó.

Sự đấu tranh của giới sinh viên

Trong khoảng vài năm trở lại đây, giới sinh viên đang vùng lên mạnh mẽ. Khoảng trống dân chủ được mở ra trong các tranh luận học thuật. Có sinh viên ngành sử công khai phản đối lối dạy nhẹ về sự kiện mà nặng về tuyên truyền của giảng viên. Ở các ngành khác như Mỹ thuật, có sinh viên còn ký tên dưới thư gửi cho hiệu trưởng yêu cầu trả lời những thắc mắc của người học, dù hiệu trưởng có trả lời hay không. 

Dưới sự hỗ trợ lan tỏa tin tức từ mạng toàn cầu internet, một vụ việc xảy ra trong một trường thì khoảng trong vòng 24 tiếng đồng hồ khắp cả nước được biết. Những lý lẽ kiểu như em đừng nói xấu trường, thực ra là người học đừng có bới móc tập đoàn tư bản nhà nước dường như hết còn được áp dụng. Về điều này, sinh viên Việt Nam may mắn hơn sinh viên Trung Quốc, nhiều vụ việc xảy ra ở Trung Quốc ở một tỉnh thì lập tức bị bịt, tỉnh khác không biết, mỗi tỉnh như một vương quốc riêng.

Còn ở Việt Nam, chẳng hạn như vụ sinh viên trường Hutech bị tảng bê-tông rơi đè chết trong trường thì liền sau đó cả nước đưa tin. Tập đoàn tư bản nhà nước chạy 200 triệu cho báo Công an thành phố cũng không thể làm nhẹm đi được sự việc. Các sinh viên Việt Nam đang đấu tranh với tập đoàn tư bản nhà nước rất khốc liệt. Lợi thế của họ là sinh viên trường này liên kết được với sinh viên trường kia, sinh viên trong Sài Gòn liên kết được với sinh viên ngoài Hà Nội để bàn chuyện của mình. Trong khi đó, giảng viên trường này không dám liên kết với giảng viên trường kia, sợ làm lộ bí mật của trường.

Do Việt Nam nằm ở "ngã tư" của thế giới cho nên thế giới lên tiếng cho các sự việc liên quan đến sinh viên Việt Nam, dễ dàng hơn nhiều so với việc can thiệp cho một sinh viên Trung Quốc.

Trong một vài năm tới, do sự cạnh tranh của ít nhất 3 luồng tư tưởng, chưa biết là nền đại học Việt Nam sẽ chuyển mình theo hướng nào. Một điều chắc chắn là, các trường đại học Việt Nam, còn gọi là các tập đoàn tư bản nhà nước như trên phân tích, chắc chắn là phải cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh thu hút sinh viên.

Kiều Phong

Nguồn : VNTB, 11/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)