Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2018

Bỗng dưng ca hát cái mình có đâu

Phạm Trần

Dàn loa tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam bỗng dưng lên đồng hát bài Việt Nam không có về "Quyền con người" (1), vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10/12/1948 - 10/12/2018).

qcn0

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh minh họa 

Tiêu biểu của loạt bài "tự biên, tự diễn" là bài viết được phổ biến rộng rãi ngày 10/12/2018 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (1). Ông Minh khoe :

"Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình".

Nói mà không nghĩ

Ông Phạm Bình Minh viết vậy mà không phải vậy. Người dân Việt Nam, sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975) lại bị nhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của Đảng cộng sản mang danh "thống nhất" từ năm 1976 nên chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình.

Bằng chứng là tất cả mọi chuyện, từ A đến Z của đất nước và của con người Việt Nam đều do Đảng giành làm hết. Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc nhưng bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, dù Đảng không do dân bầu hay được dân giao quyền cai trị mà vẫn ngang nhiên tự nhận mình là :

"Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013).

Hành động tiếm đoạt phản dân chủ này của Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa đến hậu quả là tuy có hòa bình và độc lập, nhưng Việt Nam chưa giây phút nào thoát khỏi lo sợ bị Trung Quốc đánh úp bất kỳ lúc nào cả trên đất liền lẫn ở Biển Đông. Để được yên thân, nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ thời Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI (1986 -1991) đã cam tâm ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mọi yêu cầu chính trị, kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc và làm theo phương châm gọi là 16 vàng, 4 tốt do Bắc Kinh trao cho Việt Nam thi hành là :

"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai""láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tiếc thay, những chữ đầu môi chót lưỡi cạm bẫy của Trung Quốc đã không được hàng ngũ lãnh đạo phương Bắc áp dụng để chấm dứt tham vọng bành trướng và bá quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Sau đó, lại xua quân đánh chiếm 7 bãi và đá khác của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.

Từ đó đến đầu năm 2018, Trung Quốc đã dùng áp lực chính trị và kinh tế ép chế Việt Nam phải từ bỏ một số dự án khai thác dầu khí với nước ngoài, trong đó có hãng dầu Tây Ban Nha, Repsol. Bắc Kinh tự nhận khu khai thác nằm trong vùng tranh chấp Lưỡi Bò của tổ tiên họ để lại, chiếm 2/3 diện tích hay khoảng 3.447.000 cây số vuông, Biển Đông.

Ngoài việc hoàn tất quân sự hóa 7 vị trí chiến lược qua bồi đắp, tân tạo thành đảo quốc phòng, Hải quân Trung Quốc còn không ngừng khống chế, xua đuổi và đàn áp, đôi khi xẩy ra án mạng và cướp tài sản của ngư phủ Việt Nam đánh bắt tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.

Vậy mà, quân đội cộng sản Việt Nam dù đang có mặt ở 21 vị trí ở Trường Sa đã không dám có hành động nào để bảo vệ chủ quyền và mạng sống ngư dân.

Sự khiếp nhược của chế độ cộng sản Việt Nam trước Trung Quốc ở Biển Đông, là một bằng chứng nhân dân Việt Nam chưa được sống trong hòa bình như ông Phạm Bình Minh rêu rao.

Tự do trong lồng

Song song với sự tiếm nhận có quyền lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản còn cướp các quyền tự do của dân, dù đã được quy định rõ ràng trong Điều 25 Hiến pháp, đó là các quyền : "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".

Nhưng muốn được hưởng các quyền này, Điều 25 lại buộc rằng : "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Cho đến nay, người dân, trên nguyên tắc, mới có hai Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin. Nhưng tư nhân lại không được quyền ra báo. Khoảng 849 tờ báo, tạp chí in đang hoạt động đều của các tổ chức đảng.

Đảng cũng làm chủ luôn 195 báo điện tử, đa phần của báo in. Tài liệu của Chính phủ cũng cho biết :

"Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương" (riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hai đài : Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)".

Những con số trên đây, tuy không biết nói, đã phản ảnh đầy đủ tính độc tài và chủ trương độc quyền báo chí và truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam.

Bởi vì Điều 14 của Luật Báo chí đã quy định rõ "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí" gồm :

1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

Tài liệu chính thức cũng cho biết có khoảng 18.000 người "gọi là nhà báo" đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ lại không được phép tự do viết điều mình muốn viết hay suy nghĩ.

Bởi vì Điều 25 của Luật Báo chí buộc nhà báo phải :

"Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…".

Như thế khác nào là làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng.

Về quyền hội họp, lập hội và biểu tình ghi trong Điều 25 Hiến pháp thì chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam muốn cho dân được hưởng các quyền này. Nhiều năm qua chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Luật lập hội và biểu tình cho Quốc hội cứu xét để rảnh tay xua công an đi phá các cuộc họp hay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đòi công bằng, chống áp bức và chống Trung Quốc của công dân.

Như vậy khi tình hình nhân quyền bị chà đạp công khai và trắng trợn như thế mà ông Phạm Bình Minh vẫn có thể ngây ngô viết rằng :

"Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân".

Quyền dân hay của Đảng ?

Nói năng văng mạnh như thế mà ông Minh không sợ bị co lưỡi hay sao ?

Trước hết, nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay chưa bao giờ là "của dân", "do dân" hay "vì dân" mà là "của đảng", "do đảng" và "vì đảng" mà thôi. Từ lập pháp, hành pháp và tư pháp, tất cả đều không có độc lập và do đảng cầm quyền duy nhất cơ cấu nhân sự để thi hành chính sách, chủ trương của đảng thì làm gì có thượng tôn luật pháp.

Quyền bầu chọn trực tiếp của dân cũng đã bị đảng tước bỏ khi nhà nước chỉ muốn có một Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đại diện qua lối "đảng cử dân bầu" thì những "dân cử" này, hầu hết là đảng viên : có nên bị gọi là bù nhìn ?

Do đó, khi có các vụ người dân bị bắt vào đồn công an, bị bức tử xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam, hay những vụ người dân kéo nhau đi khiếu kiện lâu ngày mà vẫn không được giải quyết là bằng chứng pháp luật không nằm trong tay dân mà thuộc về những kẻ có chức, có quyền.

Như vậy khi ông Phạm Bình Minh khoe Hiến pháp 2013 đã có riêng Chương II quy định về Quyền Con Người là bằng chứng Việt Nam "bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân" là ông đã quay lưng với thực tế không phải như vậy.

Là Bộ trưởng ngoại giao, hẳn ông Minh phải rành rọt hai nghĩa "trắng" và "đen" của các văn kiện quốc tế. Vậy liệu ông có thể giải nghĩa cho minh bạch thế nào là "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" ghi trong khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, theo đó :

"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Sự mù mờ của Điều này chỉ giúp cho nhà nước được quyền suy diễn tùy tiện để hạn chế quyền của công dân.

Càng dễ lạm dụng và tiếp tay thao túng hơn cho nhà nước khi trong khoản 4, Điều 15 Hiến pháp chỉ viết chung chung rằng : "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

Nhưng "lợi ích quốc gia, dân tộc" là lợi ích gì, ai đặt ra ? Và những thứ gọi là "lợi ích" này có quan hệ đến quyền lợi của đảng không ?

Ngoài ra, những hành động phạm luật của lực lượng Công an đối với người dân khi bị bắt đã từng bị các gia đình nạn nhân và các tù nhân chính trị và lương tâm tố cáo nhưng chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Hình ảnh người dân bị Công an và Công an giả dạng Côn tấn công, đánh đập dã man trong các cuộc biểu tình chống thảm họa môi trường của Formosa Hà Tình, chống dự án Đặc khu và chống Luật An ninh mạng xuất hiện đầy rẫy trên Internet là bằng chứng nhà nước Việt Nam đã vi phạm nghiệm trọng Điều 20 Hiến Pháp.

Điều này viết :

"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định".

Nhà nước cộng sản Việt Nam còn bị tố cáo vi phạm cả Điều 21 quy định :

"(Khoản2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".

Tất cả những quyền Hiến định này đã được minh thị và được Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh lấy làm hãnh diện để ca tụng như một thành công khởi sắc của việc thực thi Quyền con người của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhưng ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam.

Phạm Trần

(13/12/2018)

----------------

(1) Phạm Bình Minh : 70 năm Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12/1948 - 10/12/2018) :

Việt Nam nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền của mọi người dân, đóng góp vào những giá trị chung của nhân loại về quyền con người

Ngay sau khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được Đại hội đồng (Liên Hiệp Quốc thông qua là Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948.

qcn2

Sự ra đời của bản tuyên ngôn thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế hướng tới những giá trị chung của nhân loại sau hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc với hàng triệu người thiệt mạng, bị mất người thân, nhà cửa, phương tiện sinh sống, bị buộc phải di cư, tị nạn… Bản tuyên ngôn nhân quyền là văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện quyền con người (quyền con người), từ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền được hưởng an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công, quyền làm việc, nghỉ ngơi, quyền học tập, quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt với bà mẹ và trẻ em… Bên cạnh đó, tuyên ngôn cũng khẳng định mọi người đều phải có nghĩa vụ với cộng đồng, tôn trọng thích đáng các quyền và tự do của người khác, đáp ứng những yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung. Những nội dung này đã tạo nền tảng quan trọng cho sự ra đời của các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người sau này, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và các công ước khác về quyền trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật…

Nhìn lại 70 năm qua, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Người dân trên hàng chục quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã giành được quyền dân tộc tự quyết, tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Hàng triệu người lao động trên thế giới đã được bảo đảm về giờ lao động và các quyền khác của người lao động; hàng triệu phụ nữ đã được bảo đảm quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và tham gia vào đời sống chính trị, xã hội… Nhìn nhận một cách khách quan, chính Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) đã có đóng góp rất lớn vào những tiến bộ chung của nhân loại về quyền con người, bảo đảm đầy đủ hơn công bằng xã hội.

Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn. Các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thụ hưởng quyền con người. Chính trị cường quyền, tình trạng áp đặt, tiêu chuẩn kép vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn thể chế chính trị và con đường phát triển của các dân tộc. Việt Nam luôn đấu tranh không ngừng trước tình trạng đó; đồng thời đóng góp tích cực vào việc làm giàu những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng những giá trị quyền con người đó cũng phải được áp dụng cho mọi người dân, mọi dân tộc, kể cả ở các nước thuộc địa. Người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới.

Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Chính vì vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng, khích lệ cho cuộc đấu tranh của hàng chục quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh trong những năm 1960-1970.

Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.

Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017. Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh, thành phố đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới, với 50 triệu người sử dụng internet.

Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu… Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng Nhân quyền thông qua hai nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ.

Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc. Vừa qua, Việt Nam đã nộp Hội đồng Nhân quyền báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III và dự kiến sẽ tham gia phiên đối thoại với các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2019. Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã cập nhật những nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền con người, thành tựu bảo đảm quyền con người trong thực tiễn, đồng thời thông tin, chia sẻ về kết quả thực hiện các khuyến nghị.

Trong thời gian tới, để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "Chính phủ kiến tạo vì người dân", cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.

Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế trong thế kỷ 21.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

PHẠM BÌNH MINH

Nguồn : Tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương, 10/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 777 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)