Vào những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, tuổi tác của những nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam dao động từ 70 đến 80 tuổi.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, đến nay ông đã gần 80 tuổi.
Ông Đỗ Mười năm 1997 rời bỏ chức Tổng bí thư lúc tuổi tròn 80. Ông Lê Đức Anh cũng rời bỏ chức Chủ tịch nước cùng năm 1997, khi 78 tuổi. Ông Võ Chí Công 80 tuổi được bầu làm Chủ tịch nước vào năm 1992. Ông Trường Chinh thôi làm Tổng bí thư năm 1986 khi ông 80 tuổi, nhường chức cho ông Nguyễn Văn Linh 72 tuổi làm Tổng bí thư. Ông Võ Văn Kiệt về hưu năm 1997 lúc 75 tuổi. Ông Phạm Văn Đồng về hưu năm 81 tuổi. Ông Lê Duẩn làm Tổng bí thư đến chết, khi ông 81 tuổi.
Như vậy, các lãnh đạo cao cấp Việt Nam chưa ông nào làm đến 82 tuổi. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, đến nay ông đã gần 80 tuổi. Nếu ông ngồi hết nhiệm kỳ này, ông sẽ về hưu ở tuổi 83, ông giữ kỷ lục về tuổi tác trong lịch sử các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên thì việc nhắc lại tuổi tác này là để nhắc lại thời kỳ 80 – 90, khi mà lứa tuổi 70 – 80 là lớp lãnh đạo, thì có một người 70 tuổi lại phải chấm dứt sự nghiệp đang thành công của mình. Đó là nhà ngoại giao lỗi lạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 35 vào tháng 8/1980 (Ảnh tư liệu : TTXVN)
Ông Thạch buộc phải về hưu năm 1991 vì tư tưởng ngoại giao tiến bộ, mà các đồng chí bảo thủ của ông không hiểu được. Vào những năm Việt Nam chống cuộc xâm lược của Trung Quốc, ông Thạch trong chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ông đã đi lại liên tục các nước, các diễn đàn ngoại giao, để tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ông đã dành được nhiều sự ủng hộ của các nước, để họ lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.
Tháng 9 năm 1990, ông Thạch tiếp xúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Trước đó 15 ngày, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng cũng ký thỏa thuận quan hệ Việt – Trung giữa hai đảng và bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay sau đó ít tháng, Đảng cộng sản Việt Nam đã loại ông Thạch ra khỏi Bộ Chính trị, cho về hưu. Quan hệ Việt Mỹ phải 5 năm sau mới bình thường hóa lại được.
Quan hệ Việt – Trung được bình thường hóa chỉ trong một lần gặp giữa các lãnh đạo cao cấp, thỏa thuận mất 2 ngày. Còn quan hệ Việt Mỹ phải cần đến cả chục lần và mất đến tận 5 năm mới thỏa thuận xong.
Cuộc đời của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, không để lại tai tiếng gì, ngay cả khi ông làm phụ trách công tác ngoại giao chống Mỹ. Trái lại, phóng viên quốc tế còn đánh giá ông là người có những tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại. Ông sinh ở miền Bắc, thời thanh niên tham gia Cách mạng chống Pháp và bị bắt đi tù tại Sơn La. Năm 1945, ông ra tù và làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến năm 1954 chuyển sang ngành ngoại giao. Không biết ông học tiếng Anh lúc nào, nhưng ông có thể trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế bằng tiếng Anh khá thành thạo. Cho thấy ông thực sự là người có tâm huyết và trách nhiệm với công việc mình phụ trách.
Con trai ông Thạch là Phạm Bình Minh được đào tạo về ngành ngoại giao bài bản hơn ông rất nhiều. Ông Minh học Đại học Quan hệ Quốc tế, học Luật Quốc tế, thuộc lớp sinh viên đầu tiên nhận học bổng của Fulbright – Mỹ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Trong suốt quá trình làm việc dài đến 40 năm, ông cũng như cha mình, không để lại điều tiếng gì xấu trong dư luận, người ta nhận định ông là người có trình độ, học thức và trong sạch.
Cuối năm 2022, ông xin từ chức Phó Thủ tướng Thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị cùng ngày với Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Đức Đam. Lý do từ chức vì những tiêu cực xảy ra trong vụ các chuyến bay giải cứu, mà các cấp dưới quyền của ông đã nhận hối lộ. Nhiều người bàng hoàng cho rằng, ông Minh khó có thể là người tham lam đến mức ăn tiền từ những cuộc giải cứu, có lẽ ông quá chuyên về công việc chuyên môn, mà để trợ lý hay cấp dưới của mình làm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Dũng, người đang bị công an bắt và giam cầm, đã khai rằng, khi vợ ông Minh chữa bệnh ung thư tại Nhật, ông Tô Dũng đã bay sang và biếu tiền cho bà ta chữa bệnh. Nguồn tin không nói là bao nhiêu tiền, nhưng ước đoán khoảng một đến hai trăm ngàn USD.
Đây là lý do mà ông phải từ chức, thế nhưng, phía công an còn đang muốn cáo buộc rằng, ông có biết đến việc này, có nghĩa ông đồng ý để vợ ông nhận tiền, hòng đưa ông ra tòa cùng với ông Vũ Đức Đam. Trợ lý của ông Đam là ông Nguyễn Văn Trịnh đã khai với cơ quan công an, rằng, ông Trịnh có đưa tiền cho ông Đam. Ông Trịnh bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ để giúp đỡ Việt Á.
Ông Đam và ông Minh bị bãi chức cùng ngày, nhưng đánh giá của dư luận về hai ông khá khác nhau, ông Minh nhận được sự ái ngại khá nhiều, còn ông Đam, bởi những phát ngôn đao to, búa lớn nên chẳng mấy ai cảm thông khi ông bị bãi chức vụ. Làm việc với cơ quan công an, ông Đam khẳng định mình không hề nhận tiền từ ông Trịnh.
Hai ông Minh và Đam đều giỏi ngoại ngữ, các ông có thể nói chuyện trực tiếp với quan khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Về đường hướng ngoại giao, cả hai ông đều cởi mở với phương Tây.
Ông Minh đã từng ước mơ học Đại học Bách khoa, nhưng cha của ông đã bày tỏ tha thiết muốn ông nối nghiệp ngoại giao, vì muốn thực hiện mong ước của cha, ông đã thi vào ngành ngoại giao.
Và rồi, cũng như cha ông, có cuộc đời và sự nghiệp phải nói không điều tiếng gì, đến lúc cuối cùng, mỗi người đều bị loại khỏi chính trường vì những lý do khác nhau. Các con trai của ông Minh cũng đang theo ngành của ông cha, học Quan hệ Quốc tế, Luật Quốc tế.
Chẳng biết ông Minh giờ còn tha thiết cho con mình theo ngành ông cha trong chế độ này nữa không ?
Người Buôn Gió
Nguồn : Thoibao.de, 30/01/2023
Những thông điệp Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh chuyển tải tại khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 23/9 là khá khúc chiết. Phát biểu tuy không vạch mặt chỉ tên, nhưng gián tiếp toát lên lập trường phản đối Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đơn phương đe dọa Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp UNLOS-1982… Có phải vì thế mà cho đến nay, sau một tuần lễ (29/9), truyền thông Hà Nội vẫn chưa cho phép báo chí Nhà nước đăng tải toàn văn bài phát biểu đã gây bất ngờ tại Khóa họp ?
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9/2022 - AFP
Cảm ơn hai nhà báo từ Mỹ – Đỗ Dũng và Derek Phạm – đã phát YouTube : "Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại khóa 77 của Liên Hiệp Quốc". Mở đầu, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang ở thời khắc "bước ngoặt của lịch sử" khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương. Tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đẩy lùi nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Các thông điệp ông Minh "trình lên" Liên Hợp Quốc lần này là khá "sòng phẳng, rõ ràng, mẹ nó… sợ gì" (Trích đúng nguyên văn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong một phút "xao lòng", đã thốt lên trước phòng làm việc của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hồi mùa hè năm nay). "Rõ ràng, sòng phẳng…" ở bốn nội dung chủ yếu sau đây :
Thứ nhất, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề cao chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa. Chính sách này, từ uyên nguyên, vốn không phải sinh ra từ Đảng cộng sản Việt Nam. Nó là con đẻ của thế hệ ngoại giao cùng thời với bố ông Minh – cựu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch – từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Đảng cộng sản Việt Nam chỉ là người "ăn theo" sáng kiến ấy, và sau đó, tự nhận là sáng kiến của riêng mình. Trong khi triết lý đối ngoại của Đảng là "hai phe bốn mâu thuẫn" (1). Nền tảng của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến lúc bấy giờ vẫn là đu dây giữa :
"ông Liên Xô bà Trung Quốc
ông đi guốc bà đi giày".
Một triết lý nhìn quan hệ đối nội lẫn đối ngoại chỉ qua lăng kính "địch – ta" thì làm sao có thể đẻ ra được một đứa con tinh thần "khôi ngô, tuấn tú" là đa dạng hóa - đa phương hóa được ? Kiểu đề cao của ông Minh là một cách vinh danh thế hệ ngoại giao "cha anh" đã để lại một di sản hiếm có cho Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn, ông Minh muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, đa dạng hóa - đa phương hóa đang bị đe dọa ở Việt Nam, bởi tính chất "hai mặt" trong chính sách đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nói như trên nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một sự thật đang bị Đảng che đậy. Vấn đề nó nằm trong triết lý đối ngoại. đa dạng hóa - đa phương hóa đã không thể thành tựu, nếu như không có "bà đỡ" của nó là "tư duy mới" từ kỷ nguyên Gorbachev. Đứa con tình thần ấy của thế hệ Nguyễn Cơ Thạch hoàn toàn không thể tách rời công cuộc "công khai" và "cải tổ". Nhưng ngày nay, quan điểm chính thống hoàn toàn xổ toẹt các động lực mà nhờ đó, Việt Nam mới có Đổi mới. Một khi Putin, ông chủ Điện Kremlin coi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20", thì Việt Nam không bao giờ dám nhắc lại những năm tháng không thể nào quên ấy, dù nó rất sát sườn với lịch sử của mình. Điều ông Minh tôn vinh còn tiềm ẩn một nghịch lý nữa : Trong cục diện quốc tế sau chiến tranh Ukraine và Covid-19, nhất là khi ông Tập và ông Putin tuyên bố sẽ kiến tạo một "trật tự thế giới mới", không loại trừ Việt Nam sẽ bị Nga và Trung Quốc ép phải đi theo quỹ đạo mà Hà Nội vẫn phụ thuộc từ xưa đến nay. Những lá phiếu của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc mùa hè vừa qua về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, cũng như sự "tụt dốc" trong quan hệ Việt – Mỹ là những chỉ dấu cho thấy đa dạng hóa - đa phương hóa có nguy cơ bị trật đường ray.
Thứ hai, Phó Thủ tướng phê phán cả Mỹ lẫn Trung Quốc trong chủ trương chạy đua vũ trang và chính sách cường quyền (hàm ý đối với tất cả mọi nước lớn). Sự phê phán khách quan này phản ánh các mối quan ngại có thật của các quốc gia vừa và nhỏ. Ông Minh chỉ rõ, trong khi ngân sách chạy đua vũ trang tăng trên 2.000 tỷ USD thì cả thế giới chưa huy động nổi 100 triệu USD để gây dựng Quỹ chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Không nêu đích danh bất cứ cường quốc nào (luật bất thành văn ở Liên Hiệp Quốc là như thế), nhưng Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Những trải nghiệm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua cho thấy đoàn kết và hợp tác quốc tế chính là "chìa khóa" quan trọng cho quá trình này. Phó Thủ tướng đề xuất cần loại bỏ xu hướng đối đầu, tư duy "được – mất", đồng thời thay vào đó cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi.
Thứ ba, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, ông Minh cũng kêu gọi cần xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để ứng phó với các thách thức chung. Lời kêu gọi này của ông Phó Thủ tướng rõ ràng ngầm chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga chống lại đất nước và người dân Ukraine. Lời kêu gọi này rõ ràng có một giá trị "đúp". Nó vừa gián tiếp phê phán chính sách của Nga, nhưng đồng thời cũng cảnh báo Trung Quốc chớ động đến Việt Nam. Bởi vì, "độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia" là những giá trị trường tồn, nó mang lại tính chính danh cho mọi chế độ. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của ông Minh phản ánh cả tính chất "hai mặt" giữa tuyên bố và ứng xử trên thực tế của chính quyền Việt Nam không phải lúc nào cũng nhất quán (2).
Thứ tư, nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Đại hội đồng/Liên Hiệp Quốc khóa 32 rằng "việc Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc là bước tiến quan trọng củng cố hòa bình và an ninh trên thế giới", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng nhận định đó vẫn còn nguyên giá trị. Đóng góp của Hà Nội vào công việc của Liên Hiệp Quốc thể hiện qua nỗ lực của Việt Nam trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng và xây dựng, cùng tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những vấn đề quốc tế, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên. Đặc biệt, Việt Nam đã/đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết, có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác. Ông Minh đề cao nỗ lực của ASEAN nhằm tìm giải pháp toàn diện cho các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình Myanmar. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS 1982.
*
Nếu quý vị chăm chú nghe YouTube của nhà báo Đỗ Dũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn đề cập đến nhiều vấn đề khác trong bài phát biểu có ý nghĩa lịch sử đối với cá nhân ông tại Liên Hiệp Quốc. Sở dĩ nói đối với cá nhân ông, bời vì rồi đây, không biết, ông Minh còn ngồi lại cái ghế "Phó Thủ tướng thường trực" bao lâu ? Những ngày ông hoạt động trên đất Mỹ, Bộ Công an đã khẩn cấp bắt hai trợ lý trực tiếp dưới quyền ông. (Người thứ ba là một Thứ trưởng Ngoại giao thì đã "vào lò" cách đây mấy tháng) (3). Không có nguồn tin xác tín về số phận của ông Minh tại Hội nghị Trung ương 6 sắp tới. Tất cả từ nay đến đó, thậm chí cả về sau đấy nữa, mọi hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, vốn được cho là "do dân, vì dân… bla…bla" đã và đang diễn ra trong một "hộp đen". Ông Minh là một trong 18 Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực cao nhất nước. Ấy vậy mà ông Phó Thủ tướng thường trực cũng không biết cái số phận "bèo dạt mây trôi" của mình rồi sẽ vào đâu trong "cơn can qua" hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam. Quyết định về ông có khi chỉ diễn ra trong một nhóm người, thậm chí tùy thuộc vào một người duy nhất là ông Tổng bí thư. Đảng và Nhà nước độc tài toàn trị là vậy. Dân nào thì thể chế ấy. Ông Phó Thủ tướng thường trực hãy ráng chịu !
Nguyễn Ngọc Cúc (Hà Nội)
Nguồn : RFA, 29/09/2022
Chú thích :
(1) "Hai phe bốn mâu thuẫn" là gì ? Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia gồm cả Việt Nam đã say sưa với học thuyết này. Theo đó, thế giới chia làm hai phe : chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc ; còn động lực của chính trị quốc tế là bốn mâu thuẫn. Mâu thuẫn 1 giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc ; Mâu thuẫn 2 giữa phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa đế quốc ; Mâu thuẫn 3 giữa chủ nghĩa tư bản và giai cấp công nhân ở các nước đế quốc ; Mâu thuẫn 4 giữa các nước đế quốc với nhau. Pe-rơ-đam này thậm chí được nâng lên thành "phương pháp luận" của người cộng sản. Ngày nay "pe-rơ-đam" này đã hết thời, song "di căn" của nó vẫn nằm sâu trong não trạng của rất nhiều người, nhất là các vị lãnh đạo.
(2) Theo thống kê, xu hướng bỏ phiếu của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc thường trùng khớp với các nước như Bắc Triều Tiên (82,7%), Libya (84%), Zimbabwe (83,6%). Tại sao đại diện cho một Nhà nước "của dân, do dân.. tuyên bố một đằng như khi bỏ phiếu thì lại theo mấy nước ấy ?
(3) Các Trợ lý trực tiếp của Phạm Bình Minh bị bắt gồm : Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (từ tháng 4/2022) ; Vụ trưởng Văn phòng chính phủ Nguyễn Quang Linh (mới đây)…
Phạm Bình Minh, sang nhiệm kỳ thứ 2 làm ủy viên Bộ Chính Trị đã nắm chức phó thủ tướng thường trực. Trong các phó thủ tướng, nếu không có gì đột biến thì chiếc ghế thủ tướng cho nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ là của Phạm Bình Minh. Rất thuận lợi.
Ông Phạm Bình Minh, sang nhiệm kỳ thứ 2 làm ủy viên Bộ Chính Trị đã nắm chức phó thủ tướng thường trực.
Cho tới nay, Phạm Bình Minh là thái tử đảng có lý lịch minh bạch mà tiến thân cao nhất trong bộ máy chính quyền cộng sản. Đến con ông Lê Duẩn, con ông Lê Đức Anh còn chưa tiến thân cao đến thế.
Từ xưa đến nay, để tiến thân cao hầu hết là những thái tử đảng có lý lịch mơ hồ thôi như ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và mới đây là ông Võ Văn Thưởng.
Trước ông Phạm Bình Minh thì thái tử đảng có lí lịch minh bạch thường tiến không cao, ví dụ như Nguyễn Chí Vịnh, Lê Mạnh Hà, Nguyễn Xuan Anh vv vì sao có những trường hợp trớ trêu như vậy ?
Bởi đơn giản lý lịch ngầm thừng là được cha mẹ thật gởi gắm cho một ai đó. Và chỉ người đó biết và nâng đỡ. Lý lịch ngầm của những thái tử đảng không được ghi ra giấy trắng mực đen nên không bị soi xét kỹ. Ví dụ như sự tiến thân của ông Nguyễn Tấn Dũng là do bàn tay ông Võ Văn Kiệt và ông Lê Đức Anh. Trong lý lịch công khai, người ta ghi cha của ông Nguyễn Tấn Dũng là người tên Nguyễn Tấn Thủ nào đó, một nhân vật vô danh. Tuy nhiên nhận vật vô danh đó lại gởi gắm tương lai con mình cho cả ông Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh chăm sóc ? Thấy vô lý không ?
Khi có một lý lịch ngầm như vậy thì Nguyễn Tấn Dũng sẽ né được bàn tay đối thủ cha mình đì. Trong khi đó những nhân vật mà nhận lời gởi gắm cứ nâng đỡ và Nguyễn Tấn Dũng đã tiến thân không ai cản nổi là vậy. Nguyễn Tấn Dũng có lí lịch mơ hồ, nhưng ông lại tiến thân nhanh hơn cả con trai ông sau này. Nguyễn Thanh Nghị có lý lịch công khai, nhưng khổ nỗi, ông Dũng bị ông Trọng xem là cái gai nên ông Trọng đổ hết những sự bực tức đó lên đầu cậu con. Thế là Nguyễn Thanh Nghị tiến thân cứ trầy trật, đến giờ vẫn chưa và Bộ Chính Trị.
Nguyễn Thanh Nghị thì có tiến sĩ tại Hoa Kỳ, còn Nguyễn Tấn Dũng thì là y tá thời chiến. Nguyễn Thanh Nghị có cha làm thủ tướng nhưng Nguyễn Tấn Dũng có cha là một người vô danh.
Đấy ! Yếu tố nào Nguyễn Thanh Nghị cũng hơn nhưng Nghị tiến thân trầy trật hơn Nguyễn Tấn Dũng.
Cha của Phạm Bình Minh là ai ?
Cha của Phạm Bình Minh là Nguyễn Cơ Thạch. Cha họ Nguyễn nhưng con họ Phạm là tại sao ? Có nhiều ý kiếny, có ý kiến thì cho rằng, ông tiên Nguyễn Cơ Thạch là bí danh hoạt động cách mạng. Ông ta lấy tên như vậy để tránh mật thám theo dõi và điều tra. Nghe có vẻ đúng nhưng có một điều phi lý là khi đã hòa bình, không còn sự đe dọa của kẻ thù, ông Nguyễn Cơ Thạch đã làm đến chức bộ trưởng, vậy mà ông vẫn không lấy tên gốc của mình là Phạm Văn Cương. Đây là dấu hỏi to tướng.
Cố Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Cơ Thạch. Khuôn mặt rất giống ông Phạm Bình Minh
Có ý kiến cho rằng, các lãnh đạo cộng sản họ noi gương ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ Chí Minh vốn là họ Nguyễn, sau rất nhiều lần dùng bí danh thì khi ông lên đỉnh cao quyền lực, lúc mà hết hoạt động cách mạng ông lại lấy họ Hồ và không dùng đến họ Nguyễn nữa. Đặc điểm này làm nhiều nhà nghiên cứu và cả nhiều người dân muốn tìm hiểu nguyên nhân vẫn không sao lý giải nổi. Đó là chuyện của ông Hồ Chí Minh, còn chuyện đổi họ của ông Nguyễn Cơ Thạch là do ông học theo Hồ Chí Minh là lí do thuyết phục hơn hết. Tuy nhiên, khi sinh con, ông Nguyễn Cơ Thạch vẫn lấy họ gốc cho con trai ông là Phạm Bình Minh.
Ông Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, sinh năm 1921. Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng Chính phủ), kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Tức là chức vụ mà Phạm Bình Minh nắm nhiệm kỳ 2016-2021 là ngang bằng với chức vụ mà cha của ông đã từng nắm.
Ngành ngoại giao là một ngành đòi hỏi phải có trình độ thực sự. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã dẫn dắt con trai của ông theo đúng ngành mà ông là sở trường. Vì vậy không thể có chuyện để Phạm Bình Minh học qua quýt rồi nối nghiệp cha là không thể mà phải có thực học mới theo ngành được, và nếu theo được ngành này thì ít bị cạnh tranh, vì hat giống đỏ càng về sau càng trở nên đông đúc.
Vậy nên, tuy ông Phạm Bình Minh là thế hệ 6X nhưng ông được ông Nguyễn Có Thạch cho học hành khá bài bản và hiện nay ông Phạm Bình Minh đã leo lên bằng với những gì mà ông Nguyễn Cơ Thạch trước kia đã từng.
Nguyễn Cơ Thạch và điểm sáng
Ông Nguyễn Cơ Thạch nắm chứ bộ trưởng bộ ngoại giao từ năm 1980 đến 1991, trong lúc đất nước có nhiều biến động. Năm 1990, dưới thời ông Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí Thư, ông Đỗ Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức là thủ tướng) thì hai ông này đã đưa đất nước trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc bằng hội nghị Thành Đô năm 1990. Phụ thuộc Trung Quốc đó là thực tế lịch sử ghi nhận từ năm 1990 đến nay chứ nội dung của Hiệp ước Thành Đô đến nay vẫn là bí mật.
Từ hàng ngàn năm nay, người dân Việt Nam không muốn đất nước phụ thuộc vào Trung Quốc, đó là ưu điểm của người dân Việt. Người dân Việt Nam không ngại xương máu hy sinh để đuổi quân Trung Quốc về nước năm 1979. Và điều cần thiết là sau năm 1979, nhân dân cần Việt Nam độc lập với Trung Quốc. Tuy Việt Nam và Trung Quốc cùng ý thức hệ nhưng Việt Nam không được rơi vào quỹ đạo Trung Quốc. Ấy vậy mà năm 1990, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng đã sang Thành Đô – Trung Quốc ký hiệp ước bí mật giữa hai đảng. Và cho đến nay, Việt Nam đã ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị. Ba con người đã ký hiệp định đó là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sẽ được lịch sử phán xét.
Tuy những lãnh đạo thời đó làm mất lòng dân về vấn đề quan hệ với Trung Quốc, nhưng ông Nguyễn Cơ Thạch lại có được điểm sáng đáng ghi nhận. Đó là ông không ủng hộ việc ký kết hiệp ước Thành Đô.
Theo cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Vĩnh, thì việc ông Nguyễn Cơ Thạch mất ghế bộ trưởng bộ ngoại giao là do áp lực của Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô 1990, điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước. Được biết, lúc đó ông Nguyễn Cơ Thạch với tư cách bộ trưởng bộ ngoại giao đã phản đổi một số nội dung về thỏa thuận Thành Đô 1990 mà ông cho là nhân nhượng Trung Quốc trong vấn đề Campuchia.Tuy nhiên, sau một cuộc dàn xếp khôn khéo, ngày 29/9/1990, 3 tuần sau Hội nghị Thành Đô, chính Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại New York, bắt đầu việc đám phán bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông tham gia nghiên cứu Tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và chiến lược đối ngoại (tháng 10 năm 1991 – 1998).
"Cha làm thầy, con bán sách"
Sắp tới Phạm Bình Minh sẽ nắm phó thủ tướng thường trực, vị trí cao hơn cha của ông đã từng nắm một bậc. Như vậy là Phạm Bình Minh là hạt giống đỏ đầu tiên vượt mặt cha mình trên con đường quan lộ. Tuy nhiên con đường đi lên của Phạm Bình Minh để lại tiếng không tốt trong lòng dân. Nghĩa là đối với dân thì ông Phạm Bình Minh đã thua cha của ông rất xa.
Ông Nguyễn Cơ Thạch là người can đảm, ông dám trái ý Bắc Kinh và can đảm đi ngược lại ý muốn của cấp trên, đó là Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Điểm này là điểm mà người ta cho rằng, ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị thất sủng và ông phải mất chức là vì lí do như vậy. Trong bộ máy nhà nước cộng sản thời đó, có thể nói ông Nguyễn Cơ Thạch là điểm sáng.
Còn ông Phạm Bình Minh thì từ khi làm bộ trưởng đến nay, ông không có chính kiến gì. Tất cả những lần lấn tới của phía Trung Quốc thì ông hoặc im tiếng, hoặc cho bà Lê Thị Thu Hằng lên truyền thông phát biểu một cách chiếu lệ để đối phó với dư luận trong nước thôi.
Được biết chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, thì vẫn nhường nhịn là chính dù cho Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện ra tòa án quốc tế thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không làm để mua lấy "tình hữu nghị" đấy là điều đáng buồn.
Năm 2019, sau nhiều tháng Trung Quốc cho gây hấn ở các giàn khoan ngoài biển nằm trong thềm lục địa Việt Nam, cả xã hội bức xúc. Thì ngày 28/9/2019, nhân dịp được phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 74, ông Phạm Bình Minh với tư cách là bộ trưởng Bộ Ngoại giao đại điện cho nhà nước Việt Nam mà ông không dám nhắc tên Trung Quốc. Thậm chí sự gây hấn, đe dọa đến chủ quyền quốc gia mà ông chỉ dùng từ "sự cố" để nói lên hành động đó. "Sự cố" là những gì thuộc về những gì xảy ra ngoài ý muốn. Ở đây Trung Quốc có chủ ý muốn lấn chiếm chủ quyền đất nước thì đấy không phải là sự cố nữa mà là "sự đe dọa". Đấy là một sự thất vọng đối với nhân dân và là vết nhơ ngoại giao mà ông Phạm Bình Minh đã để lại.
Hành động đó mất lòng dân, nhưng được lòng đảng, đặc biệt là được lòng ông Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy mà ông Phạm Bình Minh đã được cất nhắc tiến xa hơn trên con đường quan lộ. Đó là lí do, dù cha của ông mất lòng đảng, mất lòng Bắc Kinh nhưng ông vẫn tiến xa hơn cha. Bởi ông đã thức thời không vì chủ quyền mà vì địa vị.
Hương Nhung (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 16/03/2021
Trái với dự đoán của một số nhà quan sát chính trị, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã biệt tăm tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Phạm Bình Minh, chứ không phải Nguyễn Phú Trọng, đại diện Việt Nam tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Thay cho sự trống vắng của Trọng chỉ là Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng giao Việt Nam.
Phạm Bình Minh đã làm gì ở đó ?
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Thay vì tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính, Minh chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này.
Chóp bu Việt Nam cũng bởi thế đã thêm một lần nữa bị vuột cơ hội vận động quốc tế về vụ Bãi Tư Chính, nhưng bởi chính thói đớn hèn đã trở thành nan y của chế độ này.
Từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc, chóp bu Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế, cũng là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó.
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Đưa đầu chịu báng
Ngay sau hiện tượng câm nín tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh đã bị rất nhiều người dân trong nước và hải ngoại chỉ trích và lên án dữ dội.
Hệ lụy quá rõ rệt là Phạm Bình Minh đã phải đưa đầu chịu báng. Thay cho Nguyễn Phú Trọng.
Bởi nếu Nguyễn Phú Trọng đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông ta chắc chắn cũng phải nhận rất nhiều phản ứng của dư luận bởi không mấp máy nổi một từ về Trung Quốc.
Đã ba tháng lao qua kể từ khi Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam như vào chốn vô chủ quyền, Nguyễn Phú Trọng vẫn ‘trốn biệt’ mà không một lần xuất hiện để cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông ta không phải quá sợ hãi mà chẳng dám hé miệng về vụ việc đáng tầm nhục quốc thể đó.
Sau Trọng, chỉ có hai quan chức là Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh ‘dám’ đề cập đến vụ Bãi Tư Chính, nhưng lại không hề dám nêu tên Trung Quốc.
Cũng đã rất rõ về tính tinh ranh của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta ‘đẩy’ Phạm Bình Minh đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, khiến Minh phải trực tiếp nhận búa rìu dư luận, thay vì Trọng.
Còn gì nữa ?
Việc Nguyễn Phú Trọng cử Phạm Bình Minh đi New York khiến nổi lên một dấu hỏi : vì sao cử Minh mà không cử Phúc, trong khi Phúc là thủ tướng và ‘xứng đáng’ đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hơn là Minh ?
Dấu hỏi trên có thể được giải mã phần nào nếu đối chiếu với những thông tin không chính thức về chuyến đi Washington của Nguyễn Phú Trọng có thể diễn ra vào tháng 10 năm 2019 hoặc sau đó, cùng những cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Việt vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó Việt Nam đang cố gắng gia tăng nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD hàng hóa Mỹ để giảm giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam sang Mỹ và làm cho Trump bớt giận dữ bởi tình trạng Mỹ bị thặng dư xuất siêu quá lớn từ Việt Nam.
Tức ngoài việc ‘đọc bài’ công khai về vụ Bãi Tư Chính ở phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh còn có thể có một nhiệm vụ khác và không công khai : bí mật làm việc với giới chức Mỹ để thu xếp cho cuộc gặp Trọng - Trump.
Tất nhiên, tin tức về cuộc gặp trên là tuyệt mật đối với phía Việt Nam, bởi giới chóp bu Hà Nội luôn sợ ‘đảng anh’ Trung Quốc sẽ nổi đóa nếu biết ‘đảng em’ tìm cách dựa dẫm vào Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc ở Biển Đông.
Và đặc biệt giữ tuyệt mật với bất kỳ động thái đi Mỹ nào của Nguyễn Phú Trọng, cùng ý đồ nâng cấp lên ‘đối tác chiến lược’ giữa hai quốc gia này.
Vào tháng 5 năm 2019, Phạm Bình Minh đã từng đi Washington với tư cách Bộ trưởng ngoại giao và tiền trạm cho chuyến đi Mỹ Nguyễn Phú Trọng, khi đó dự kiến là vào tháng 7 năm 2019. Chuyến tiền trạm đó cho thấy lần đầu tiên kể từ khi bị thất sủng trước Trọng tại hội ngị trung ương 6 vào cuối năm 2017, Phạm Bình Minh đã được ‘phục hồi nhân phẩm’, được Trọng lựa chọn là người bắc cầu với giới chức Mỹ và còn được làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, chứ không phải là Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc - bị xem là quá háo danh, tham vọng chính trị và ‘nổ bán trời không văn tự’.
Tuy nhiên có vẻ tình trạng sức khỏe của Trọng không thật khả quan nên chuyến đi Mỹ của ông ta đã liên tục phải dời lại, kể cả ngay vào lúc này điều đó vẫn có thể xảy ra.
Trong khi đó, nội tình chính trường Việt Nam ngày càng xung khắc, tiểm ẩn bên trong lẫn sôi trào trên bề mặt. Cũng ngày càng rộ lên những thông tin không chính thức và đồn đoán về việc Nguyễn Xuân Phúc bị thất sủng trước Nguyễn Phú Trọng, khiến cung đường giành chiếm ngôi vị tổng bí thư đảng của Phúc tại đại hội 13 ngày càng dài dằng dặc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 02/10/2019
Tại sao Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ?
VOA, 01/10/2019
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là cơ hội tốt cho Việt Nam "quốc tế hóa việc tranh chấp" trên Biển Đông với Trung Quốc và việc ông Phạm Bình Minh không chỉ đích danh Trung Quốc thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam về đối sách với Bắc Kinh, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales.
Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) - trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Hà Nội hồi tháng 4/2018 - đã gây thất vọng cho nhiều người khi không nhắc tới Trung Quốc ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9.
Đồng thời, nhiều người Việt bày tỏ thất vọng khi ông Minh không nêu tên Trung Quốc trong bài phát biểu trước Đại hội đồng dù Hà Nội trong những tháng qua nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của mình cũng như tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.
Trong bài phát biểu hôm 28/9 tại New York, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam "kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982".
Ông Minh nói "Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam" và rằng "các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển".
Bài phát biểu dài khoảng 16 phút của ông Minh không nêu tên Trung Quốc cũng như không đề cập đến vụ 'đối đầu' đang diễn ra tại Bãi Tư Chính.
"Thận trọng" và "chia rẽ"
Theo nhận định của Giáo sư Thayer, chuyên gia phân tích các vấn đề Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã "rất thận trọng" trong việc ứng xử với vụ việc này.
Quang cảnh buổi họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu.
Vị giáo sư của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc của Đại học NSW cho rằng, mặc dù Việt Nam đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ tranh chấp với Trung Quốc, việc không chỉ đích danh Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là vì các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, "chia rẽ về việc Việt Nam nên theo đuổi chính sách nào" để ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông trong khi Bắc Kinh "không muốn danh thế hay vị thế của họ bị chỉ trích" trên trường quốc tế.
"Nguyên nhân của việc thiếu sự thống nhất là do Việt Nam không có những lựa chọn tốt", theo Giáo sư Thayer và ông cho rằng "Trung Quốc hoàn toàn rõ ràng cho thấy họ muốn Rosneft Việt Nam ngừng khai thác dầu và Việt Nam không may là đã phải ngừng lại với Repsol trước sự đe dọa ở Bãi Tư Chính".
Vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Việt Nam được cho là đã ngừng hai dự án khai thác dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha. Hiện Việt Nam đang hợp tác với tập đoàn Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đến thăm dò.
Luật sư Vũ Đức Khanh, người thường xuyên theo dõi chính trường Việt Nam, cũng cho rằng một trong những lý do Việt Nam vẫn ‘chưa’ nêu đích danh Trung Quốc là vì "vẫn cảm thấy cô đơn nếu có một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam không tin bất cứ ai có thể đứng ra giúp họ và càng không tin Hoa Kỳ sẽ sát cánh chiến đấu bên cạnh họ vì giữa họ và Hoa Kỳ cũng như thế giới vẫn chưa có sự chia sẻ vào những giá trị nền tảng chung".
Mỹ cho tới nay là quốc gia duy nhất nêu đích danh Trung Quốc khi cáo buộc nước này "bắt nạn" Việt Nam và các nước láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí Biển Đông.
"Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Mỹ và Việt Nam cũng như lòng tin trong vấn đề này", Giáo sư Thayer nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có những quan điểm khác nhau về mối quan hệ chiến lược, và Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam trên Biển Đông chừng nào Việt Nam không phải là một đồng minh của họ.
Thất vọng
Từ Việt Nam, luật sư Lê Công Định viết trên Facebook : "Những ai quan tâm đến tình hình quốc gia hiện nay đều trông đợi (ông) Phạm Bình Minh lên án (Trung Quốc) thực hiện chính sách gây hấn trên Biển Đông và xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên (ông) Phạm Bình Minh đã nói gì ? Ông cũng nêu vấn đề mà mọi người quan tâm, nhưng tuyệt nhiên không dám nhắc đến (Trung Quốc) như kẻ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam".
Nhiều người Việt, trong và ngoài nước, dùng từ "thất vọng" về bài phát biểu của ông Minh, cũng là bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
"Cá nhân tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam khác trong lẫn ngoài nước cùng nhiều bạn bè của Việt Nam trên thế giới đều rất thất vọng" về bài phát biểu của ông Minh trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9, Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA từ Canada.
Tiến sỹ Mạc Văn Trang, hiện đang sống ở Hà Nội, cũng chia sẻ chung quan điểm này. Ông nói với VOA rằng ông "quá thất vọng" vì cho rằng Việt Nam là "chính nghĩa, bị hại, mà không dám nêu tên kẻ cướp và lên án (Trung Quốc)".
Trong số những người bày tỏ sự thất vọng qua các đăng tải trên Facebook cá nhân, một người dùng có tên Nguyen Ngoc Chu viết rằng "Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam, đem tàu đến thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam, mà Việt Nam không dám chỉ mặt gọi tên lên án Trung Quốc tại ĐHĐLiên Hiệp Quốc thì ai sẽ lên án Trung Quốc giúp Việt Nam?"
Theo dữ liệu hành trình mới nhất mà chuyên gia hàng hải của Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, cập nhật hôm 30/9, hai ngày sau khi ông Minh phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần thứ 4. Cho tới lúc này Việt Nam chưa có phản ứng gì về lần trở lại mới nhất của tàu Trung Quốc.
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc như Philippines đã làm để có được sự ủng hộ chính thức của cộng đồng quốc tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông về lâu dài.
Nguồn : VOA, 01/10/2019
*****************
Vì sao Việt Nam chưa thể tố cáo Trung Quốc xâm lược trước Liên Hiệp Quốc ?
Mai Vân, RFI, 30/09/2019
Ngày 28/09/2019, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm lược với hành động cho tàu công vụ của họ vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính (Biển Đông), diễn văn của ngoại trưởng Việt Nam không hề nói đến Trung Quốc, cũng không nhắc một cách cụ thể đến Bãi Tư Chính và các hành vi phi pháp cụ thể của Trung Quốc.
Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 28/09/2019. Reuters/Brendan McDermid
Những hành động xâm lấn của Trung Quốc ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông trong ba tháng đã được gợi lên trong nhóm từ "những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có những vụ vi phạm chủ quyền và quyền tài phán tại vùng biển của Việt Nam", còn thủ phạm thì được gọi là "các bên liên quan".
Lời lẽ tại Liên Hiệp Quốc của Việt Nam khác xa với tuyên bố ngày 12/09 vừa qua của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, đã nêu đích danh Trung Quốc để "kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình,được xác định phù hợp với các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)".
Tuyên bố "rất ngoại giao" của ngoại trưởng Việt Nam đã không đáp ứng mong đợi của nhiều chuyên gia ở trong nước cũng như ngoài nước, cho rằng Việt Nam cần phải mạnh dạn nêu bật các hành vi xâm lược của Trung Quốc ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đã công khai tố cáo ngược lại rằng chính Việt Nam mới là bên đã vi phạm vùng biển của Trung Quốc và đòi phía Việt Nam phải đình chỉ toàn bộ các hoạt động dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính.
Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng ngày 24/09/2019 trên trang mạng của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thỉnh giảng tại Trường Luật Đại học New York, đã nêu bật một số yếu tố khiến cho việc vạch mặt chỉ tên Trung Quốc trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc không có lợi cho Việt Nam.
Khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng, nhưng…
Mở đầu bài phân tích, tác giả xác nhận rằng hiện có ý kiến cho rằng Việt Nam nên mạnh dạn phơi bày các "hành vi bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông ra trước mắt cộng đồng quốc tế. Khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là thời cơ lý tưởng.
Trên nguyên tắc Đại hội đồng và Hội Đồng Bảo An là các định chế quan trọng nhất Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia thành viên thường đưa ra các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế ra trước Đại hội đồng thay vì Hội Đồng Bảo An, vì lẽ ở đó các quyết định không bị vướng phải quyền phủ quyết của một trong năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Một nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua có thể mang lại những hậu quả chính trị và pháp lý nhất định mà nhiều quốc gia hy vọng có thể giúp giải quyết xung đột.
Sức mạnh của Đại hội đồng nằm ở chỗ định chế này bao gồm tất cả các quốc gia thành viên, và mọi quốc gia đều có một phiếu bầu bình đẳng với nhau. Một nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua được cho là phản ánh quan điểm của cộng đồng quốc tế, và các quốc gia thường tìm kiếm một nghị quyết như vậy tạo tính chính đáng cho hành động của họ.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên về mặt chính trị và do đó ảnh hưởng đến các lựa chọn về chính sách đối ngoại. Chẳng hạn như các khuyến nghị do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra đã được Hoa Kỳ công nhận làm nguyên tắc đàm phán với Trung Quốc trong Chiến Tranh Triều Tiên.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng có thể mang lại một số hiệu lực pháp lý…
Một số học giả thậm chí còn coi các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là đại diện cho sự đồng thuận toàn cầu, có thể được coi là một yếu tố của luật tập quán quốc tế (customary international law). Theo hướng này, nhiều nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã được trích dẫn tại các tòa án quốc tế...
Đưa Biển Đông ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc : Có thể lợi bất cập hại
Theo tác giả bài phân tích, chính vì những tác động tiềm tàng trên đây của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải cân nhắc khi đem vấn đề Biển Đông ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Căn cứ vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn có quyền đưa vấn đề Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Việt Nam ra trước Đại hội đồng. Điều 11 và 14 của Hiến Chương quy định rằng chức năng chủ chốt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bao gồm việc thảo luận và ra khuyến nghị về những vấn đề có tác hại đến an ninh và hòa bình thế giới.
Với thực tế là Biển Đông bao gồm các vùng biển quốc tế và quan trọng đối với hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, Việt Nam có thể dễ dàng lập luận rằng tình hình ở Biển Đông đã vượt quá phạm vi tranh chấp giữa một số quốc gia hay thậm chí xung đột khu vực và nên được coi là một vấn đề của hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, hiện có những trở ngại nghiêm trọng khiến Việt Nam khó có thể đạt được một chiến thắng đáng kể nếu bạo dạn đưa vấn đề Biển Đông ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Khó khăn chủ yếu là làm sao vận động được đại đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ mình. Đã đành là các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đã bày tỏ thái độ quan ngại trước các hành động của Trung Quốc, nhưng hậu thuẫn này có thể không đủ để thông qua nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nhiều nước còn ủng hộ Trung Quốc…
Về phía Trung Quốc, số lượng các quốc gia trước đây từng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông không phải là ít. Ảnh hưởng của Trung Quốc trên các nước châu Phi phải được đặc biệt tính đến. Hơn nữa, Bắc Kinh dường như đang trong quá trình đàm phán với Malaysia và Philippines, và hai nước này có thể sẽ không muốn phá hỏng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Kịch bản này khiến Việt Nam khó thuyết phục các nước khác trong Liên Hiệp Quốc, kể cả các nước láng giềng Biển Đông, nhiệt tình ủng hộ mình tại Đại hội đồng.
Vào năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HD-981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, sự kiện này đã chiếm lĩnh tựa lớn trên báo chí quốc tế, và thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Lần này, tình thế đã khác đi, hành động của Trung Quốc đã không làm dấy lên những phản ứng quốc tế tương tự.
Trong tình hình đó, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang, khả năng Việt Nam thắng lớn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm này khá xa vời.
Do việc một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Biển Đông sẽ có một tác động chính trị và pháp lý sâu sắc, Việt Nam nên giữ khả năng này trong danh sách các chiến lược khả thi, nhưng cần thực hiện một số bước sơ bộ để huy động hậu thuẫn quốc tế và tăng cơ hội thành công.
Theo tác giả bài viết, một tuyên bố của các nước ASEAN hoặc của toàn khối ASEAN chẳng hạn, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, có thể khiến vấn đề được thông suốt hơn tại các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Một tuyên bố chung được Việt Nam và các quốc gia có quan tâm đến Biển Đông như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng soạn thảo và ký kết cũng có thể giúp ích cho Việt Nam.
Trong cả hai trường hợp trên, Hà Nội phải đóng vai trò tích cực và áp dụng một chiến thuật ngoại giao khéo léo.
Tóm lại, đưa vấn đề về Biển Đông ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ không chỉ đòi hỏi một chiến lược tỉ mỉ, mà còn cần đến rất nhiều nỗ lực và thời gian. Hiện tại, khả năng thành công có lẽ không đủ cao để Việt Nam chấp nhận rủi ro. Nhưng với một công cuộc vận động thích hợp, một nghị quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vẫn là một lựa chọn có giá trị cho các nước nhỏ như Việt Nam, đang tìm cách kháng cự lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 30/09/2019
*********************
Vì sao Phạm Bình Minh không dám nêu tên Trung Quốc ?
Trúc Giang, VNTB, 30/09/2019
"Người Việt Nam nghĩ gì về bài phát biểu bằng Anh ngữ của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ?" là chủ đề ghi nhận của một kênh truyền thông nước ngoài đã ‘đặt hàng’ với nhóm thông tín viên tại Việt Nam.
không dám nêu tên Trung Quốc
Sau đây là một số ghi nhận được nhóm thông tín viên truyền hình nói trên gửi cộng tác trang Việt Nam Thời Báo.
Trúc Giang trích băng, và ghi lại phù hợp với văn phong chuyển tải của bài viết trên trang báo.
+ Ông Nguyễn Cẩm Tú, cộng tác viên mảng quốc tế, báo Đồng Tháp : Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bị chê là hèn khi ông không hài tên Trung Quốc là kẻ xâm lược biển đảo Việt Nam ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên chê khen ở đây là người ta chủ yếu đọc lại bài phát biểu này của ông Minh qua tường thuật bằng Việt ngữ của báo chí.
Có lẽ ở đây người dân xứ mình vẫn còn ngây ngất trước phát biểu thẳng độp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/09, khi tổng thống Trump nói : "Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ vì một điều duy nhất: quyền lực của giai cấp thống trị".
Trung Quốc và Việt Nam đều là nước cộng sản. Trên cương vị là người đứng đầu ngành ngoại giao và phó thủ tướng chính phủ, có lẽ ông Phạm Bình Minh không thể khẩu khí như ông Trump được.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh về chính sách ‘đa phương’ trong mối quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đa phương là điều mà ai cũng biết rõ rằng phía đảng cộng sản Trung Quốc không hề muốn. Lâu nay Bắc Kinh đã cố trói Hà Nội vào những văn bản thỏa thuận khẳng định về ‘song phương’, về mối quan hệ của chính sách hữu nghị 16 vàng – 4 bạc.
Nếu tôi nhớ không lầm, ông Minh dành phần lớn thời gian trong bài phát biểu để nói về ‘đa phương’, và hình như còn là vấn đề ‘đa nguyên’ vốn tối kỵ của đảng cộng sản Việt Nam.
Trung Quốc là nước chống lại việc giải quyết Biển Đông theo nguyên tắc đa phương. Bó đũa và chiếc đũa. Trung Quốc thích tách chiếc đũa ra khỏi bó đũa. Và lần này thì Ngoại trưởng Phạm Bình Minh khẳng định là Việt Nam đa phương trong vấn đề Biển Đông.
Dĩ nhiên trong thời gian có hạn của bài phát biểu, dù đến hơn 15 phút, ông Minh chủ yếu đề cập các vấn đề mang tính nguyên tắc, trong đó hình như là Hà Nội muốn tỏ rõ việc đang tiến tới đoạn tuyệt chính sách đu dây trong đối ngoại.
Ngoài ra tôi nghĩ rằng cho công bằng, thì cũng nên lưu tâm đến ý kiến xâm lược biển đảo của Việt Nam không chỉ mỗi mình Trung Quốc, dẫu họ là kẻ hung hãn, tham lam nhất. Xâm lược, chiếm giữ trái phép biển đảo của Việt Nam, cụ thể là ở khu vực Trường Sa còn có Philipines, Malaysia, Brunei và Taiwan.
Bởi vậy, nếu ông Phạm Bình Minh mà lên án Trung Quốc có hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, trong khi không nhắc đến mấy nước còn lại kia thì sẽ bị Trung Quốc bất bình, cho là Việt Nam không công bằng.
Trong bối cảnh cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trước một Trung Quốc hung hăng nhất, thì Việt Nam không dại dột mở rộng số lượng các nước cần tranh chấp là điều dễ hiểu.
+ Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên tiếng Anh, giảng dạy tại một số Trung tâm Ngoại ngữ ở Sài Gòn : Đúng là hầu như mạng xã hội hiện đủ kiểu chê bai về bài phát biểu dáng dấp "Hèn đại nhân" của bộ trưởng Phạm Bình Minh hôm rồi ở Liên Hợp Quốc.
Cá nhân tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một trong năm quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Việt Nam cũng là nước cộng sản đúng như lời của tổng thống Mỹ hôm 24/09, do đó khó thể đòi hỏi ông Phạm Bình Minh mạnh miệng tố cáo đích danh Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Dĩ nhiên về cảm tính, tôi muốn Việt Nam dõng dạc minh định kẻ xâm lược mình với tên tuổi đầy đủ ngay tại diễn đàn quốc tế, nhất là cận kề ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thế nhưng tôi cũng liên tưởng đến số phận chính trị của ông Nguyễn Cơ Thạch, thân phụ ông Phạm Bình Minh. Hồi đó bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tên trong giấy tờ là Phạm Văn Cương) đã rắn ra mặt với Trung Quốc, nên ông ấy nhanh chóng bị cho về vườn.
Tôi cũng nghe trước đây hồi còn làm bộ trưởng, ông Đinh La Thăng cũng rắn với Trung Quốc trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh, nên về sau này ông ấy bị đánh tời bời qua mấy vụ án ‘làm trái’ mà báo chí có đăng.
Nói đâu xa, ngay cả ông Lê Thanh Hải với đồn đoán là anh em kết nghĩa với Chu Vĩnh Khang – tay trùm mật vụ bị thất sủng của Trung Quốc, mặc dù được công luận tố cáo là sâu dân mọt nước, nhưng mãi đến nay có ai dám làm gì hắn…
Tôi nghĩ ông Phạm Bình Minh hiểu rất rõ về hệ thống chân rết chằng chịt của Trung Quốc tại Việt Nam. Dẫn chứng rất dễ, mấy chục năm qua, rất nhiều phòng mạch Trung Quốc từ đông y đến tây y tha hồ mở tại Sài Gòn với đầy dẫy tai tiếng, thế nhưng có dẹp được đâu ?
Cốt lõi ở đây là cần có sự tự chủ trong quản trị quốc gia. Bên ngành giáo dục, tôi biết rằng trường đại học khi muốn mở ngành phải xin ý kiến, và chờ sự gật đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là điều thậm vô lý, vì trường tự biết nên và không nên mở ngành gì. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ lo kiểm soát về mặt quản lý cho đúng chức trách là tốt lắm rồi.
Tương tự, nguyên tắc ở đại học phải được tự chủ về học thuật. Điều này không còn được thực hiện kể từ sau năm 1975. Lâu nay những nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học đàng hoàng, song vẫn không được quyền nói ngược lại chủ trương cơ chế chính sách của nhà nước; dĩ nhiên tôi cũng hiểu nhà nước vốn chỉ được phép thực hiện quyền lực gói gọn trong các nguyên tắc được ghi trong những nghị quyết Đảng. Các trường không chỉ bị trói buộc trong chương trình đào tạo, mà ngay cả nhân sự của trường cũng phụ thuộc vào lựa chọn từ cấp trên, bao gồm cả cấp gọi là Đảng ủy ngành.
Tôi dám cược một ăn một ngàn rằng bài phát biểu của bộ trưởng Phạm Bình Minh phải được bút phê duyệt của mấy vị trong Bộ Chính trị. Còn vì sao bộ trưởng Phạm Bình Minh lại hèn với Bộ Chính trị thì chắc ai cũng hiểu…
+ Luật gia Lê Đức Du, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh : Tôi cũng từng kỳ vọng ông Phạm Bình Minh sẽ rửa hận thù nhà, nhất là sẳn đà lên án cộng sản của tổng thống Mỹ, để xướng danh tánh Trung Quốc bá đạo trong vụ Bãi Tư Chính.
Rồi tôi lại ngẩm nghĩ đến những cái chết đầy khó hiểu của một vài quan chức chóp bu trong bộ máy cầm quyền, thậm chí chưa chết như Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh. Có lẽ ông Phạm Bình Minh là người trong cuộc, nhất là bản tính cẩn trọng của dân ngành ngoại giao, ông hiểu giờ chưa đến lúc.
Chắc có người sẽ thắc mắc vậy phải chờ đến bao giờ? Hãy thử hỏi vì sao từ trước tới nay chưa có một lãnh đạo quốc gia nào, kể cả các đời tổng thống Mỹ, dám chửi Trung Quốc như tát vào mặt vậy ngay tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kiểu hôm 24/09 rồi ? Thông thường họ dùng những từ ngữ ngoại giao lịch sự để thể hiện các bất đồng.
Tôi có coi trên kênh truyền hình của Liên Hợp Quốc tường thuật về bài phát biểu của ông Phạm Bình Minh [*], thấy khi nhà ngoại giao Việt Nam nói tới "các diễn biến phức tạp" này, theo đoạn video đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc, máy quay lia tới khu vực ngồi có bản ghi tên của phái đoàn Trung Quốc, nơi một đại diện đang ngồi nghe, chăm chú nhìn xuống màn hình trước mặt, kéo dài từ phút 10'31 đến 10'47.
Tôi có cảm giác là ông Phạm Bình Minh bắt đầu ngã bài theo Mỹ và thoát Trung. Chuyện này tới đâu chắc còn chờ chuyến đi Hoa Kỳ sắp tới đây của ông Nguyễn Phú Trọng, mà kỳ vọng gần nhất là nghe nói theo lịch thì tháng 10/2019 có bàn thảo gì đó về các vấn đề thuộc về pháp lý, gọi là Đệ lục Ủy ban của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nếu ông Trọng đến Mỹ để phát biểu trên cương vị chủ tịch nước Việt Nam, về thông điệp tố cáo Trung Quốc vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông, thì tôi sẽ khui rượu champagne ăn mừng ngay…
Dĩ nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng cũng giống như Nguyễn Xuân Phúc, ông sẽ đọc bài bằng tiếng Việt trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và phần tiếng Anh là chuyển ngữ, có nội dung đại khái của phần tiếng Việt xin được gợi ý: "Tôi muốn được chia sẻ với quan điểm của ngài tổng thống Hoa Kỳ lời nhận xét về chủ nghĩa cộng sản ở tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước.
Chúng tôi cũng là nước cộng sản, và chúng tôi đã bị một quốc gia cũng cộng sản khác ở sát biên giới đất liền, liên tục đe dọa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, cũng như việc họ từng xâm chiếm biên giới đất liền của Việt Nam.
Đất nước cộng sản đó cũng đã ngang ngược tự vẽ lại bản đồ địa lý, và cho rằng rất nhiều vùng biển của Việt Nam là thuộc quyền quản lý của họ. Điều này không những là hành vi xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác, mà còn đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Tại diễn đàn này, tôi kêu gọi sự ủng hộ của ngài tổng thống Hoa Kỳ cùng tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc, trong một đồng thuận ban hành nghị quyết về việc vi phạm luật pháp quốc tế của quốc gia cộng sản đó!".
Phát biểu như trên hoàn toàn không gọi tên Trung Quốc. Nếu ông Trọng cùng dàn cố vấn ngoại giao của mình đủ sức để đạt được sự đồng thuận của các quốc gia, trong việc yêu cầu Đệ lục Ủy ban thuộc Liên Hợp Quốc ban hành một nghị quyết về việc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, thì có lẽ tôi sẽ mở luôn bàn tiệc khao bè bạn nhậu suốt tuần luôn.
Sống trong chế độ cộng sản cần phải biết luôn hy vọng sẽ thoát cộng trước khi thoát Trung!
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 01/10/2019
Chú thích :
******************
Biển Đông : Việt Nam tố cáo Trung Quốc biến nơi không tranh chấp thành tranh chấp
Thanh Phương, RFI, 30/09/2019
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India ngày 29/09/2019, trả lời phỏng vấn riêng cho tờ báo này, đại sứ Việt Nam tại New Dehli Phạm Sanh Châu khẳng định là tại Biển Đông, Trung Quốc "đang biến các vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp".
Vị trí lô dầu khí 6.01 (màu tím) của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính (Biển Đông). Bản đồ do AMTI - CSIS công bố. Copie écran
Ông Phạm Sanh Châu tuyên bố là , Việt Nam "sẽ dùng mọi phương tiện hòa bình được quy định trong luật pháp quốc tế để bảo vệ các lợi ích chính đáng của chúng tôi (…) Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào để bảo vệ những lợi ích chính đáng của chúng tôi".
Theo đại sứ Châu, Việt Nam đang đối đầu với một trong những khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông trong vòng 8 năm qua. Ông nhắc lại : "Vào năm 2011, Trung Quốc đã vào vùng biển của chúng tôi để cắt dây cáp ngầm của chúng tôi. Rồi đến năm 2014, Trung Quốc đã điều một giàn khoan khổng lồ đến vùng biển của chúng tôi. Năm 2019, Trung Quốc lại đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng biển của chúng tôi. Nhưng lần này, tàu Trung Quốc ra vào nhiều lần, làm như đây là vùng biển của họ và họ muốn đến, muốn đi lúc nào tùy thích".
Đại sứ Việt Nam còn lưu ý "điều nguy hiểm nhất đó là họ có một đảo nhân tạo được quân sự hóa ở kế bên. Cho nên, họ không cần trở về Hoa lục hay đảo Hải Nam ( để được tiếp tế )".
Ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh là những hành động của Trung Quốc diễn ra không chỉ vào dịp kỷ niệm 70 năm ( thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ), mà còn trùng hợp với dịp kỷ niệm 3 năm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này.
Trong khi đó, nhật báo The Economic Times, cũng của Ấn Độ, hôm nay đăng một bài viết cho rằng Việt Nam có lý khi phản đối hành động của Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính, nơi mà tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã xâm nhập từ đầu tháng 7 cùng với nhiều tàu hộ vệ. Tờ báo trích lời các chuyên gia hàng hải cho rằng Trung Quốc không được quyền tiến hành bất cứ hành động này làm phức tạp thêm tình hình và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cũng đã kêu gọi quốc tế can thiệp để ngăn chặn các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông để "duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực". Nhưng cho tới nay, Việt Nam có vẻ đơn độc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở vùng biển này, tuy Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Ấn Độ và một số nước khác đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh.
Thanh Phương
Viễn Đông, VOA, 29/09/2019
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 28/9 lên tiếng về "diễn biến phức tạp ở Biển Đông" cũng như việc "vi phạm" các vùng biển của Việt Nam, nhưng không nêu cụ thể Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương của Biển và Đại dương’", ông Minh nói.
Quan chức ngoại giao cấp cao của Việt Nam nói thêm rằng Biển Đông "có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới" và "các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp".
"Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982", ông Minh nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng khi nhà ngoại giao Việt Nam nói tới "các diễn biến phức tạp" này, theo đoạn video đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc, máy quay lia tới khu vực ngồi có biển ghi tên của phái đoàn Trung Quốc, nơi một đại diện đang ngồi nghe, chăm chú nhìn xuống màn hình trước mặt.
"Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982", ông Minh nói.
Quan chức cấp cao của Việt Nam lên tiếng trước cuộc họp của tổ chức lớn nhất thế giới trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông nhiều tháng qua vì vụ "đối đầu" của tàu hải cảnh hai nước láng giềng phương bắc ở Bãi Tư Chính, cũng như việc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào lãnh hải mà Hà Nội nói là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
Trong bài phát biểu dài gần 16 phút, ông Minh nói rằng "Việt Nam hoan nghênh tất cả các nỗ lực đối thoại, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình ở các khu vực" và rằng "hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".
"Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế", ông Minh nói.
Nhiều học giả và các nhà hoạt động Việt Nam lâu nay đã kêu gọi Hà Nội theo chân Philippines, kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, nhưng Hà Nội chưa đưa ra các quan điểm cụ thể về khả năng này.
Viễn Đông
********************
Biển Đông : Ngoại trưởng Việt Nam cảnh báo căng thẳng leo thang
Tú Anh, RFI, 29/09/2019
"Những hành động đơn phương vi phạm chủ quyền tại Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng". Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố như trên tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/09/2019, gián tiếp lên án Trung Quốc nhưng tránh nêu đích danh quốc gia muốn chiếm Biển Đông làm ao nhà.
Ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh ngày 28/09/2019.Reuters
Theo hãng tin Bloomberg, trong thông điệp đọc tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh không giấu mối lo ngại tình hình Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp, sẽ căng thẳng thêm vì những hành động đơn phương của một bên tranh chấp. Tuy nhiên, đại diện của Hà Nội tránh nêu đích danh Bắc Kinh.
Trước khi nói về Biển Đông, ngoại trưởng Phạm Bình Minh cho là Việt Nam ủng hộ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp lâu bền giải quyết các tranh chấp và xung đột.
Nhắc đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông, ông Phạm Bình Minh lưu ý là Việt Nam "đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có những vụ vi phạm chủ quyền và quyền tài phán tại vùng biển của Việt Nam".
Không gọi đích danh Trung Quốc, ngoại trưởng Việt Nam kêu gọi "các bên kiềm chế, tránh hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, (thay vào đó) nên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển gọi tắt là UNCLOS 1982".
Tú Anh
***************
Dân mạng bất mãn vì Phạm Bình Minh ‘không dám nhắc tên Trung Quốc’ tại Liên Hiệp Quốc
T.K, Người Việt, 29/09/2019
Hôm 29/09/nhiều blogger bày tỏ sự bất mãn xen lẫn thất vọng đối với bài diễn văn của ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam. (Hình chụp qua màn hình)
Vào đêm hôm trước, cộng đồng mạng đã chờ xem video phát trực tiếp bài phát biểu bằng tiếng Anh của ông Minh trên kênh YouTube của Liên Hợp Quốc. Hầu hết đều ngạc nhiên khi ông Minh kết thúc phần đăng đàn mà không nhắc gì chữ "Trung Quốc" hay "bãi Tư Chính".
Báo điện tử VnExpress ghi lại phát ngôn của ông Minh : "Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm những sự cố nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các khu vực hàng hải của chúng tôi theo định nghĩa của UNCLOS [Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982]. Các quốc gia có liên quan nên kiềm chế các hành vi đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS".
Nhà văn, nhà báo tự do Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân : "Trong hơn 15 phút nói chuyện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Phạm Bình Minh nhắc tới luật quốc tế sáu lần, Biển Đông ba lần, một lần Indo-Pacific, một lần vùng đặc quyền kinh tế. Không nhắc tới Tàu một lần nào. Ông có nói tới một ‘incident’ (sự cố). Tôi nghĩ những người ngồi dưới chẳng hiểu sự cố gì".
Cùng thời điểm, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng công tác tại báo Thanh Niên, bình luận trên trang cá nhân về phát ngôn "chung chung", không rõ "quốc gia có liên quan" của ông Minh : "Đã xác định được thủ phạm xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông : Lào ! Hãy tự kiềm chế nghe Lào !".
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang có những hành động uy hiếp bãi Tư Chính, việc ông Minh cũng như các lãnh đạo chủ chốt của Đảng cộng sản Việt Nam không dám nhắc tên Trung Quốc hay đề cập đến vụ căng thẳng tại bãi Tư Chính là điều dễ hiểu và dễ tiên liệu. Vì đây có thể là sự định hướng và nhất quán về phát ngôn chung chung khi ám chỉ Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam.
Gần đây nhất, một người đồng cấp với ông Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được các báo nhà nước trích lời khi dự lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc tại Hà Nội : "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đảng, hai nước trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới".
Trước đó, một phó thủ tướng khác, ông Vũ Đức Đam được trang tiếng Việt của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc dẫn lời hôm 21/09 : "Việt Nam nguyện cùng Trung Quốc sâu sắc tin cậy lẫn nhau về chính trị, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước, và dốc sức thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác, cộng đồng mạng đang dấy lên lời kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước phải có "phản ứng thích hợp" khi được mời tới dự khán buổi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc tại Bắc Kinh. Vì hình ảnh được rò rỉ từ buổi tổng duyệt sự kiện này cho thấy có màn những người tham gia đồng diễn xếp hình Trung Quốc và đường lưỡi bò ở Biển Đông. (T.K.)
Gần đây xảy ra sự kiện, ngày 28 tháng 9 tại Liên Hiệp quốc, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu 15 phút. Ông Minh nói chung chung về thành tích của Việt Nam, về căng thẳng ở Biển Đông, kêu gọi đa phương hóa quan hệ, không dám đụng đến tên Trung Quốc.
Không biết Bộ Chính trị của Đảng đã bàn bạc và chỉ thị như thế nào, có những mưu lược cao cường gì trong chuyện này, nhưng việc ông Minh không dám nói đến Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc đã làm cho phần đông dân Việt Nam thất vọng.
Không những dân Việt mà chắc rằng Chính phủ nhiều nước cũng thất vọng. Họ chờ đợi sự lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ của Việt Nam để tỏ rõ sự ủng hộ, để thể hiện sự đoàn kết chống bọn bành trướng. Nhưng họ đã không được nghe sau thời gian dài chờ đợi.
Nhiều người bỏ phòng họp khi Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu
Bên cạnh những bài phê phán sự hèn nhát của Phạm Bình Minh, có vài ý kiến khuyên rằng, nên thông cảm cho ông ta, vì ông ta không được tự do ăn nói, mà phải chịu sự chỉ đạo của cấp trên.
Tôi không tán thành với sự thông cảm đó. Trước hết, phải biết ý kiến cá nhân của ông. Với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Minh có thấy cần phải nêu tên Trung Quốc ra không. Nhiều người cho rằng, không nêu ra thì toàn thế giới cũng đã biết rõ. Vâng, người ta biết rõ, nhưng việc nêu hay không nêu tên Trung Quốc có tác dụng khác nhau rất lớn.
Khi ông Minh cho rằng không cần nêu, thế thì ông đồng lõa với cấp trên, không thể nói là ông bị người ta ép buộc. Khi ông thấy cần phải nêu, phải chỉ thẳng vào mặt Trung Quốc, vậy ông có đề xuất và trao đổi với cấp trên không, có dám thuyết phục để họ chấp nhận ý kiến của ông không, hay ông chỉ ngoan ngoãn một lòng nghe theo họ, chỉ biết vâng dạ ?
Cha của ông Minh là Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) một Bộ trưởng Ngoại giao khá cứng rắn với Trung Quốc, vì thế đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười loại bỏ. Không biết ông Minh có nghĩ tới cha hay không, có nghĩ rằng gặp trường hợp này Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sẽ hành động như thế nào, giữ nguyên ý kiến để thể hiện, để bảo vệ tinh thần dân tộc và đồng thời giữ khí tiết, hay là chịu rụt cổ cúi đầu, bên ngoài nói là để giữ đoàn kết, thống nhất tư tưởng mà thực ra là che giấu sự tham quyền cố vị, không dám dũng cảm bảo vệ chính nghĩa.
Nếu quả thật ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị là không dám chỉ rõ tên Trung Quốc, thì tất cả họ đã nấp sau bức màn đen và đẩy một mình Phạm Bình Minh ra trước công luận để hứng chịu búa rìu của dư luận.
Theo lời khuyên "nên thông cảm với Phạm Bình Minh", tôi tạm đặt vào vị trí của ông và thấy rùng mình. Theo trên thì tạm giữ được địa vị và giàu sang, nhưng… Quyết vạch rõ bộ mặt xâm lược của Trung Quốc thì…Đúng là tiến lên vướng núi, trở lại gặp sông. Nếu là tôi, tôi sẽ noi theo gương cha, thà bị mất chức tước, mất quyền lợi vật chất, thậm chí bị khai trừ khỏi Đảng như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hồng Hà, Trần Xuân Bách v.v… còn hơn ra giữa Liên Hiệp Quốc phơi bày sự hèn kém của cá nhân và của Nhà nước.
Phải chăng Phạm Bình Minh đã vì quá sợ cấp trên, hay vì ý thức hệ cộng sản mà phản lại cha ông ? Liệu những người có lương tri có thể thông cảm ? Nếu Phạm Bình Minh bị ép quá mức, tại sao không dám tuyên bố từ chức để chống lại ?
Khi Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố từ chức để phản đối việc không dám đụng đến Trung Quốc xâm lược thì đó là một quả bom nổ giữa trời quang. Việt Nam đang rất cần những quả bom như thế để thức tỉnh. Xem trong các quan chức cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam chưa thấy ai có được dũng cảm để làm việc như vậy.
Nguyễn Đình Cống
(30/09/2019)
4 năm sau chuyến đi Úc thất bại của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đến lượt một phó thủ tướng hiện thời là Phạm Bình Minh phải mở miệng ‘mong Australia tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam’ khi tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/03/2018.
Vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi Úc để "khuyến mãi" nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) đối với Việt Nam.
Từ đó đến nay đã không có bất kỳ công ty Úc nào quan tâm đến núi nợ xấu lên đến hàng triệu tỷ đồng trong các ngân hàng Việt Nam, trong khi phần ODA của Úc cấp cho Việt Nam hàng năm cứ teo tóp theo thời gian.
Từ trước tới nay, ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế "đúng quy trình" của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng", nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".
Sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công lên đến ít nhất 210% GDP - vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế thì thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể vừa hoan hỉ nhận tín dụng quốc tế vừa thẳng tay đàn áp nhân quyền.
Dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi. Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì vào năm 2018 này, có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh… đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.
Thông báo mới nhất từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vào ngày 20/2/2019 cho thấy cuộc đàm phán về vụ Trịnh Xuân Thanh giữa Việt Nam và Đức đã một lần nữa nhuốm chút hy vọng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’ giữa hai nước - quan hệ mà Nhà nước Đức đã tuyên bố tạm ngừng vô thời hạn vào tháng 9 năm 2017 - 2 tháng sau khi ra thông báo phản đối Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Ngày 20/11/2017 Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar - Ảnh Việt Nam và Thế Giới
Sẽ phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức ?
Sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Đức đã ra một bản tin và một Thông cáo báo chí, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas đã nhấn mạnh mối quan tâm của ông đến một sự hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung :
"Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát" (Thoibao.de).
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’.
Tuy nhiên theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Đức và được giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm.
Sẽ đặt nhân quyền ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược ?
Vào tháng 11 năm 2017, lần đầu tiên phía Đức bắn tiếng ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược’, cùng lúc với quá trình đàm phán vụ Trịnh Xuân Thanh tưởng đâu đã có lối ra. Nhưng sau đó phía Việt Nam lại ngậm miệng và tất cả chìm vào bóng tối.
Vào lần này - lần đầu tiên mà cấp bộ trưởng ngoại giao như Phạm Bình Minh công cán đến Đức kể từ vụ khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh, những điều kiện cho triển vọng phục hồi đối tác chiến lược đã không còn dễ thở như năm 2017.
Một từ ngữ đặc biệt mà Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dùng là ‘điều chỉnh’ trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu quan hệ này được phục hồi. Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi, thậm chí là thay đổi đáng kể về nội dung quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Một trong những thay đổi đó đã lộ diện ngay trong thông báo của ông Maas : "Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát".
Hoàn toàn có thể hiểu rằng kể từ nay trở đi và chỉ sau khi Trịnh Xuân Thanh được trao trả lại cho Đức, quan hệ đối tác chiến lược mới được đàm phán lại, nhưng sẽ được bổ sung vào đó ít nhất nội dung nhân quyền.
Cũng hoàn toàn có thể hiểu rằng với vai trò một quốc gia có tác động mạnh mẽ nhất tới Liên minh Châu Âu (EU) liên quan đến số phận EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam), Đức cũng như EU đều đang đặc biệt quan ngại về những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam, và cả EU lẫn Đức đã chuyển quan điểm từ ‘EVFTA trước, nhân quyền sau’ sang ‘nhân quyền trước, EVFTA sau’. Có đến hai bằng chứng gần nhất và rõ nhất của quan điểm mới mẻ này : vào giữa tháng 11 năm 2019, lần đầu tiên nghị viện Châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn ; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng Châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
Sẽ đàm phán lại EVFTA ?
Không chỉ đàm phán lại quan hệ đối tác chiến lược, mà "Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam có thể sẽ phải đàm phán trở lại. Chúng tôi cũng thúc đẩy cho việc kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam" - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói.
Đây là thông tin về lộ trình mới nhất cho EVFTA hiện ra sau khi hiệp định này bị hoãn và khiến cho hy vọng của giới chóp bu Việt Nam về một ‘EVFTA sắp được ký kết, phê chuẩn và thông qua’ mòn mỏi theo ngày tháng. Đức, với tư cách là đầu tàu kinh tế và chính trị ở Châu Âu, cũng như có quyền quyết định lớn nhất trong việc có thông qua EVFTA hay không, không còn nghi ngờ gì nữa, đang quyết định lộ trình cần phải có của hiệp định này cũng những điều kiện then chốt mà chính quyền Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ. Thông điệp của Đức cũng là thông điệp của EU.
Hiệp định EVFTA đã được phía Việt Nam đàm phán từ những năm 2013 và đã được hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, hiệp định này đã phải trải qua đến hai năm rưỡi cho giai đoạn rà soát pháp lý, trong khi những hiệp định cùng loại chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Vào tháng 10 năm 2018, tại trụ sở của EU ở Brusells đã diễn ra một cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền, với kết quả là Ủy ban Châu Âu đã cho Việt Nam ‘qua cầu’ và làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu, để hội đồng này quyết định phê chuẩn EVFTA.
Theo lịch trình trước đây của EU, nếu EVFTA được Hội đồng Châu Âu phê chuẩn và nhận dược sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (một cơ quan tham mưu rất quan trọng của Nghị viện Châu Âu về các hiệp định thương mại), EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện Châu Âu để xem xét bỏ phiếu thông qua vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, giớp chóp bu Việt Nam chỉ muốn ăn sẵn và ăn ngay đã bị một cú sốc thình lình khi nhân quyền - yếu tố mà trước đây chỉ là một điều kiện không ưu tiên trong EVFTA và bị chính quyền Việt Nam xem thường, đã trở nên chính yếu và tạo ra cú knock-out hoãn EVFTA ngày vào lúc Hà Nội sắp mở tiệc ăn mừng ‘thoát nạn’.
Thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas về khả năng ‘đàm phán lại’ EVFTA cũng có nghĩa là sẽ chẳng có cuộc họp nào của Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm 2019 để phê chuẩn hiệp định này, và càng không có cuộc họp chuyên biệt nào của Nghị viện Châu Âu vào tháng 5 năm 2019 để bỏ phiếu thông qua EVFTA.
Mà phía Việt Nam sẽ phải quay lại gần như điểm xuất phát của nó : ngồi vào bàn đàm phán với EU, nhưng trước hết là với một số nước quan trọng trong khối EU, để chỉ nói về… nhân quyền.
Từ trước và sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brusells vào tháng 10 năm 2019, chính quyền Việt Nam đã và vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào dù chỉ mang tính tượng trưng hay mang tính đối phó. Thậm chí chính quyền này vẫn tiếp tục bắt bớ những người bất đồng chính kiến và đàn áp các cuộc biểu thị lòng yêu nước của người dân phản đối Trung Quốc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/02/2019
Dàn loa tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam bỗng dưng lên đồng hát bài Việt Nam không có về "Quyền con người" (1), vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10/12/1948 - 10/12/2018).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh minh họa
Tiêu biểu của loạt bài "tự biên, tự diễn" là bài viết được phổ biến rộng rãi ngày 10/12/2018 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (1). Ông Minh khoe :
"Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình".
Nói mà không nghĩ
Ông Phạm Bình Minh viết vậy mà không phải vậy. Người dân Việt Nam, sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975) lại bị nhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của Đảng cộng sản mang danh "thống nhất" từ năm 1976 nên chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình.
Bằng chứng là tất cả mọi chuyện, từ A đến Z của đất nước và của con người Việt Nam đều do Đảng giành làm hết. Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc nhưng bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, dù Đảng không do dân bầu hay được dân giao quyền cai trị mà vẫn ngang nhiên tự nhận mình là :
"Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013).
Hành động tiếm đoạt phản dân chủ này của Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa đến hậu quả là tuy có hòa bình và độc lập, nhưng Việt Nam chưa giây phút nào thoát khỏi lo sợ bị Trung Quốc đánh úp bất kỳ lúc nào cả trên đất liền lẫn ở Biển Đông. Để được yên thân, nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ thời Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI (1986 -1991) đã cam tâm ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mọi yêu cầu chính trị, kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc và làm theo phương châm gọi là 16 vàng, 4 tốt do Bắc Kinh trao cho Việt Nam thi hành là :
"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Tiếc thay, những chữ đầu môi chót lưỡi cạm bẫy của Trung Quốc đã không được hàng ngũ lãnh đạo phương Bắc áp dụng để chấm dứt tham vọng bành trướng và bá quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Sau đó, lại xua quân đánh chiếm 7 bãi và đá khác của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Từ đó đến đầu năm 2018, Trung Quốc đã dùng áp lực chính trị và kinh tế ép chế Việt Nam phải từ bỏ một số dự án khai thác dầu khí với nước ngoài, trong đó có hãng dầu Tây Ban Nha, Repsol. Bắc Kinh tự nhận khu khai thác nằm trong vùng tranh chấp Lưỡi Bò của tổ tiên họ để lại, chiếm 2/3 diện tích hay khoảng 3.447.000 cây số vuông, Biển Đông.
Ngoài việc hoàn tất quân sự hóa 7 vị trí chiến lược qua bồi đắp, tân tạo thành đảo quốc phòng, Hải quân Trung Quốc còn không ngừng khống chế, xua đuổi và đàn áp, đôi khi xẩy ra án mạng và cướp tài sản của ngư phủ Việt Nam đánh bắt tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
Vậy mà, quân đội cộng sản Việt Nam dù đang có mặt ở 21 vị trí ở Trường Sa đã không dám có hành động nào để bảo vệ chủ quyền và mạng sống ngư dân.
Sự khiếp nhược của chế độ cộng sản Việt Nam trước Trung Quốc ở Biển Đông, là một bằng chứng nhân dân Việt Nam chưa được sống trong hòa bình như ông Phạm Bình Minh rêu rao.
Tự do trong lồng
Song song với sự tiếm nhận có quyền lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản còn cướp các quyền tự do của dân, dù đã được quy định rõ ràng trong Điều 25 Hiến pháp, đó là các quyền : "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".
Nhưng muốn được hưởng các quyền này, Điều 25 lại buộc rằng : "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Cho đến nay, người dân, trên nguyên tắc, mới có hai Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin. Nhưng tư nhân lại không được quyền ra báo. Khoảng 849 tờ báo, tạp chí in đang hoạt động đều của các tổ chức đảng.
Đảng cũng làm chủ luôn 195 báo điện tử, đa phần của báo in. Tài liệu của Chính phủ cũng cho biết :
"Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương" (riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hai đài : Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)".
Những con số trên đây, tuy không biết nói, đã phản ảnh đầy đủ tính độc tài và chủ trương độc quyền báo chí và truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bởi vì Điều 14 của Luật Báo chí đã quy định rõ "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí" gồm :
1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Tài liệu chính thức cũng cho biết có khoảng 18.000 người "gọi là nhà báo" đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ lại không được phép tự do viết điều mình muốn viết hay suy nghĩ.
Bởi vì Điều 25 của Luật Báo chí buộc nhà báo phải :
"Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…".
Như thế khác nào là làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng.
Về quyền hội họp, lập hội và biểu tình ghi trong Điều 25 Hiến pháp thì chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam muốn cho dân được hưởng các quyền này. Nhiều năm qua chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Luật lập hội và biểu tình cho Quốc hội cứu xét để rảnh tay xua công an đi phá các cuộc họp hay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đòi công bằng, chống áp bức và chống Trung Quốc của công dân.
Như vậy khi tình hình nhân quyền bị chà đạp công khai và trắng trợn như thế mà ông Phạm Bình Minh vẫn có thể ngây ngô viết rằng :
"Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân".
Quyền dân hay của Đảng ?
Nói năng văng mạnh như thế mà ông Minh không sợ bị co lưỡi hay sao ?
Trước hết, nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay chưa bao giờ là "của dân", "do dân" hay "vì dân" mà là "của đảng", "do đảng" và "vì đảng" mà thôi. Từ lập pháp, hành pháp và tư pháp, tất cả đều không có độc lập và do đảng cầm quyền duy nhất cơ cấu nhân sự để thi hành chính sách, chủ trương của đảng thì làm gì có thượng tôn luật pháp.
Quyền bầu chọn trực tiếp của dân cũng đã bị đảng tước bỏ khi nhà nước chỉ muốn có một Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đại diện qua lối "đảng cử dân bầu" thì những "dân cử" này, hầu hết là đảng viên : có nên bị gọi là bù nhìn ?
Do đó, khi có các vụ người dân bị bắt vào đồn công an, bị bức tử xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam, hay những vụ người dân kéo nhau đi khiếu kiện lâu ngày mà vẫn không được giải quyết là bằng chứng pháp luật không nằm trong tay dân mà thuộc về những kẻ có chức, có quyền.
Như vậy khi ông Phạm Bình Minh khoe Hiến pháp 2013 đã có riêng Chương II quy định về Quyền Con Người là bằng chứng Việt Nam "bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân" là ông đã quay lưng với thực tế không phải như vậy.
Là Bộ trưởng ngoại giao, hẳn ông Minh phải rành rọt hai nghĩa "trắng" và "đen" của các văn kiện quốc tế. Vậy liệu ông có thể giải nghĩa cho minh bạch thế nào là "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" ghi trong khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, theo đó :
"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Sự mù mờ của Điều này chỉ giúp cho nhà nước được quyền suy diễn tùy tiện để hạn chế quyền của công dân.
Càng dễ lạm dụng và tiếp tay thao túng hơn cho nhà nước khi trong khoản 4, Điều 15 Hiến pháp chỉ viết chung chung rằng : "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".
Nhưng "lợi ích quốc gia, dân tộc" là lợi ích gì, ai đặt ra ? Và những thứ gọi là "lợi ích" này có quan hệ đến quyền lợi của đảng không ?
Ngoài ra, những hành động phạm luật của lực lượng Công an đối với người dân khi bị bắt đã từng bị các gia đình nạn nhân và các tù nhân chính trị và lương tâm tố cáo nhưng chưa bao giờ được làm sáng tỏ.
Hình ảnh người dân bị Công an và Công an giả dạng Côn tấn công, đánh đập dã man trong các cuộc biểu tình chống thảm họa môi trường của Formosa Hà Tình, chống dự án Đặc khu và chống Luật An ninh mạng xuất hiện đầy rẫy trên Internet là bằng chứng nhà nước Việt Nam đã vi phạm nghiệm trọng Điều 20 Hiến Pháp.
Điều này viết :
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định".
Nhà nước cộng sản Việt Nam còn bị tố cáo vi phạm cả Điều 21 quy định :
"(Khoản2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Tất cả những quyền Hiến định này đã được minh thị và được Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh lấy làm hãnh diện để ca tụng như một thành công khởi sắc của việc thực thi Quyền con người của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhưng ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam.
Phạm Trần
(13/12/2018)
----------------
Ngay sau khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được Đại hội đồng (Liên Hiệp Quốc thông qua là Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948.
Sự ra đời của bản tuyên ngôn thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế hướng tới những giá trị chung của nhân loại sau hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc với hàng triệu người thiệt mạng, bị mất người thân, nhà cửa, phương tiện sinh sống, bị buộc phải di cư, tị nạn… Bản tuyên ngôn nhân quyền là văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện quyền con người (quyền con người), từ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền được hưởng an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công, quyền làm việc, nghỉ ngơi, quyền học tập, quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt với bà mẹ và trẻ em… Bên cạnh đó, tuyên ngôn cũng khẳng định mọi người đều phải có nghĩa vụ với cộng đồng, tôn trọng thích đáng các quyền và tự do của người khác, đáp ứng những yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung. Những nội dung này đã tạo nền tảng quan trọng cho sự ra đời của các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người sau này, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và các công ước khác về quyền trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật…
Nhìn lại 70 năm qua, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Người dân trên hàng chục quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã giành được quyền dân tộc tự quyết, tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Hàng triệu người lao động trên thế giới đã được bảo đảm về giờ lao động và các quyền khác của người lao động; hàng triệu phụ nữ đã được bảo đảm quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và tham gia vào đời sống chính trị, xã hội… Nhìn nhận một cách khách quan, chính Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) đã có đóng góp rất lớn vào những tiến bộ chung của nhân loại về quyền con người, bảo đảm đầy đủ hơn công bằng xã hội.
Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn. Các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thụ hưởng quyền con người. Chính trị cường quyền, tình trạng áp đặt, tiêu chuẩn kép vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn thể chế chính trị và con đường phát triển của các dân tộc. Việt Nam luôn đấu tranh không ngừng trước tình trạng đó; đồng thời đóng góp tích cực vào việc làm giàu những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng những giá trị quyền con người đó cũng phải được áp dụng cho mọi người dân, mọi dân tộc, kể cả ở các nước thuộc địa. Người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới.
Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Chính vì vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng, khích lệ cho cuộc đấu tranh của hàng chục quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh trong những năm 1960-1970.
Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017. Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh, thành phố đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới, với 50 triệu người sử dụng internet.
Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu… Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng Nhân quyền thông qua hai nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ.
Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc. Vừa qua, Việt Nam đã nộp Hội đồng Nhân quyền báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III và dự kiến sẽ tham gia phiên đối thoại với các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2019. Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã cập nhật những nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền con người, thành tựu bảo đảm quyền con người trong thực tiễn, đồng thời thông tin, chia sẻ về kết quả thực hiện các khuyến nghị.
Trong thời gian tới, để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "Chính phủ kiến tạo vì người dân", cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế trong thế kỷ 21.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
PHẠM BÌNH MINH
Nguồn : Tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương, 10/12/2018
Ngoại trưởng Slovakia, Miroslav Lajcak, trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm thứ Ba 25/09, bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 73 tại New York, đã hầu như chỉ đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Phó Thủ tướng-Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak (trái) bắt tay với Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một cuộc họp ở Hà Nội năm 2014.
Ông này cho rằng những giải thích của Việt Nam đối với các nghi vấn nghiêm trọng trên lãnh thổ Slovakia liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cho đến nay, là không thỏa đáng.
Phải trả lời thế nào ?
Ông Miroslav Lajcak nói :
"Nếu quý vị tiếp tục nói rằng quý vị không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của quý vị không có mặt trên chuyến phi cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu quý vị hãy đưa ra lời giải thích không sai sót về việc quý vị đã đưa ông ta từ Đức về Việt Nam bằng cách nào".
Ai cũng có thể trả lời dễ dàng yêu cầu này, trừ những nhà cầm quyền Việt Nam cộng sản ở Hà Nội.
Không biết rõ ông Minh đã trả lời như thế nào, nhưng báo ‘Thế giới và Việt Nam’ chỉ nói :
"Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak, hai bên cho rằng cần tiếp tục có các biện pháp duy trì và thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước" (BBC).
Người ta nhớ lại khi trả lời phỏng vấn : Việt Nam có bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin không, bà Lê Thị Thu Hằng, cũng nói :
"Việt Nam luôn coi trọng và sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Cộng Hòa Liên bang Đức".
Trả lời nhưng không trả lời gì cả. Đó là giọng của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn không bao giờ phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Phỏng phấn bà Thu Hằng xong, nhiều nhà báo quay sang, nói với nhau, "vạch đầu gối ra mà hỏi cũng có câu trả lời tương tự".
Chuyện chủ quyền Biển Đông cũng vậy, mỗi lần Tàu xây cất thêm một cái gì đấy, đem một thứ vũ khí gì đấy ra Trường Sa là y như rằng người ta lại thấy bà Hằng lên đài, tivi : "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền", như một con vẹt, xong rồi thôi, coi như hoàn thành nhiệm vụ "giữ nước và cứu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Hà Nội có thói quen trả lời mập mờ, không ai hiểu gì, nhưng lại có thể hiểu kiểu gì cũng được, một thói quen của những người luôn làm những điều ám muội, không trung thực và thiếu can đảm. Thói quen này không hợp với tập quán ngoại giao văn minh. Người ta cho rằng đó là thói quen của các quốc gia chưa phát triển, của các lãnh đạo quốc gia còn dấu vết tư duy phong kiến trung cổ, ấu trĩ, thấp kém và lạc hậu.
Ông Minh hiểu và biết thừa điều đó nhờ những từng trải của nghề Ngoại giao suốt 36 năm. Nhưng cái vị trí ủy viên Bộ chính trị đã buộc ông không thể làm theo ý ông, thậm chí phản lại chính ông.
Ông Minh đã bị loại ?
Nhiều tin thất thiệt đồn đoán ông Minh đã bị thất sủng. Chữ thất sủng này ngụ ý bị ông Trọng trừng phạt, hay bị ông Trọng loại. Ông Minh vào được Bộ chính trị là vì Việt Nam vào được WTO, Việt Nam đắc cử thành viên không thường trực Hội Đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, trúng cử Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc... Người ta nói ông Minh có khiếu ngoại giao, có gien ngoại giao từ ông bố bậc thầy ngoại giao của Việt Nam, nguyên bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Nhưng ông Minh không che đậy được thái độ thù ghét Tàu, không giấu giếm được thiện cảm với hệ thống chính trị Châu Âu, không che giấu tình thân đặc biệt với John Kerry, bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Minh hình như không nhất trí cách giải thích về lý thuyết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu nghị quyết Đại hội XII, ông Minh giữ thái độ im lặng và có phần co cụm trước quyết định và hành vi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nếu thân thiện với Tàu là một chính sách lớn nhất và quan trọng nhất của Đảng cộng sản do ông Trọng đứng đầu. Nếu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một quyết định để chứng tỏ sức mạnh trấn áp đối thủ của chính ông Trọng, thì ông Minh bị loại dần ra khỏi bộ máy quyền lực là chuyện không thể tránh khỏi. Ông bị cho là "thiếu nhiệt tâm bảo vệ chế độ (xã hội chủ nghĩa)", hiểu theo nghĩa bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là quyết tâm bảo vệ chế độ.
Người ta nghi, nếu sang Tàu và ăn cơm Tàu, thì ông Minh thuộc những người có thể không có khẩu phần thuốc giải độc hàng ngày, và ngày giờ còn thở bắt đầu phải đếm ngược (?!).
Giữa lúc Tòa án Đức đưa ra xét xử vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và đang xác định vai trò cầm đầu của trung tướng công an Đường Minh Hưng, dẫn hướng điều tra tới việc xác minh người ra lệnh ở cấp cao nhất, mở đầu một cơn đại khủng hoảng ngoại giao, thì ông Minh, trong Hội nghị trung ương 6, được phân công đọc báo cáo về dân số. Người ta đã xì xào về sự lặp lại chuyện đại tướng làm chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch của ông Giáp. Sự lặp lại sự khốn nạn của nền văn hóa chính trị cộng sản.
Cách đây vài tháng, nếu quan sát các buổi giao ban chính phủ hàng tháng, người ta còn thấy ông Minh ngồi ở vị trí đối xứng với ông Trương Hòa Bình, bên phải ông Phúc, tức là người thứ ba trong Chính phủ. Nhưng hiện nay, vị trí đó thuộc về ông Vương Đình Huệ.
Trong đám tang ông Trần Đại Quang, người ta không tìm được hình của ông Minh trong đoàn Chính phủ do ông Phúc dẫn đầu. Trong buổi họp Bộ chính trị nghe và phê chuẩn các báo cáo sẽ trình Hội nghị Trung ương 8 ngày 19/09, ông Minh bị đẩy lùi xuống hàng ghế sau lưng. Trên hàng ghế đầu xuất hiện ông Vương Đình Huệ ở bên trái ông Phúc và ông Hoàng Trung Hải phía bên phải ông Trương Hòa Bình.
Có thể phỏng đoán sự lên ngôi sắp tới của phe ông Trọng, cũng là phe thân Tàu, hay là phe nằm trong sự kiểm soát của Tàu.
Nếu đi theo đúng ý ông Trọng (có lẽ cũng là ý Bắc Kinh) thì tại Hội nghị trung ương 8 sắp tới, ông Minh sẽ nhận sự phân công khác, ra khỏi ngành ngoại giao, thậm chí sau đó vào Quân y viện 108 và bị "máu ác tính", không ra nữa.
Trạng chết chúa cũng băng hà
Trong đám tang ông Trần Đại Quang, người ta không tìm được hình của ông Minh trong đoàn Chính phủ. Ảnh minh họa
Khó biết được sự thật những gì đang diễn ra phía sau sân khấu Hà Nội hiện nay. Việc ông Võ Văn Thưởng lên vị trí liền kề ông Phạm Minh Chính, cho thấy thông tin sẽ được siết chặt và xáo xào kỹ hơn nữa. Gần đây đã thấy, sự kiện chỉ được đăng tít, còn nội dung thì chỉ có vài chữ kết luận, giống kiểu đăng tin nội bộ trên Sputnik và China news.
Ông Thưởng đã chính thức trở giáo, hay đi bài "thao quang dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình ? Có biết được không ?
Nhìn ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng đứng đối diện hai phía quan tài của ông Quang, những tia mắt của gia quyến ông Quang hướng về đoàn ông Trọng, bà Ngân, ánh mắt không yên tĩnh của ông Trọng khi tay cắm nhang lên bát hương ông Quang, giọng đọc hụt khí bài điếu văn, chữ G rơi xuống giữa chừng... người ta thấy như đang chứng kiến một cơn cuồng phong đầy bụi, lá rụng và đồ hàng mã.
Nhìn những quan chức Đảng và Nhà nước cộng sản tham dự đám tang, người ta cảm thấy như đang chứng kiến một cơn cuồng phong đầy bụi, lá rụng và đồ hàng mã.
Ông Quang là tội phạm, hay vừa là tội phạm vừa là nạn nhân ? Nếu là nạn nhân thì là nạn nhân của ai? chế độ này ở đâu ra, ai đang cố níu giữ nó ?
Ông Minh nếu không còn nguyên chỗ, có phải đang bị "đi" ? Nếu ông Minh mà "đi" thì không phải chỉ có mình ông Minh, vì chính cha của ông, ông Nguyễn Cơ Thạch cũng từng bị phải "đi" bởi cùng một thứ bùa có cùng xuất xứ từ phương bắc.
Nhưng vật cùng tất biến, già néo đứt dây. tức nước vỡ bờ.
Ngày xưa, khi Trạng Quỳnh bị vua ép thuốc độc chết, đã không chết cho đến khi vua tự ăn cái thứ ép Quỳnh ăn, rồi cùng "đi" với Quỳnh.
Dân gian mới có vè rằng : "Trạng chết chúa cũng băng hà, dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn".
Paris, 28/09/2018
Bùi Quang Vơm