Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2019

Vì sao Phó Thủ tướng Minh phải ‘mong Australia tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam’ ?

Minh Quân

4 năm sau chuyến đi Úc thất bại của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, đến lượt một phó thủ tướng hiện thời là Phạm Bình Minh phải mở miệng ‘mong Australia tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam’ khi tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

oda0

Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 15/03/2018.

Vào đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi Úc để "khuyến mãi" nước ngoài mua nợ xấu. Nhưng có vẻ gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi Thủ tướng Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) đối với Việt Nam.

Từ đó đến nay đã không có bất kỳ công ty Úc nào quan tâm đến núi nợ xấu lên đến hàng triệu tỷ đồng trong các ngân hàng Việt Nam, trong khi phần ODA của Úc cấp cho Việt Nam hàng năm cứ teo tóp theo thời gian.

Từ trước tới nay, ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế "đúng quy trình" của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.

Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức.

Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng", nhưng việc này dường như cũng không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam.

Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".

Sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ", ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công lên đến ít nhất 210% GDP - vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế thì thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể vừa hoan hỉ nhận tín dụng quốc tế vừa thẳng tay đàn áp nhân quyền.

Dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.

Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi. Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì vào năm 2018 này, có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.

Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh… đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 01/07/2019

Quay lại trang chủ
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)