Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2019

60 năm kêu oan cho chồng, Thiếu tướng Đặng Kim Giang : Bà Nguyễn Thị Mỹ

Nhiều tác giả

Tiền vàng & đàn bà nước Việt

Tưởng Năng Tiến, RFA, 01/07/2019

Bọn nào mỗi khi tụ họp, không biết suy nghĩ gì khác ngoài việc bàn mưu tính kế để moi tiền, lấy tiền của bá tánh ? Chỉ có thể là bọn cướp !

FB Nguyễn- Chương Mt

tien1

Tôi xem Hồi Ký  của Trần Thư, Đèn Cù của Trần Đĩnh, Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, và Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đến năm lần (bẩy lượt) nên cứ tưởng rằng mình cũng tường tận về Vụ Án Xét Lại chả khác gì người trong cuộc. Bữa rồi, tình cờ, coi được "Điếu văn bà Nguyễn Thị Mỹ" (thứ nam Đặng Kim Sơn đọc trước mộ thân mẫu hôm 25/05/2019) mới biết đúng là Tưởng Tầm Bậy. Nước mắt của những nạn nhân (tràn lan) nhiều hơn tôi tưởng.

Theo nhà báo Huy Đức : "Điếu văn này có giá trị như một sử liệu". Nói thế (e) ông có hơi quá lời chút xíu, và cũng chỉ chút xíu thôi, chứ không nhiều lắm :

Bà Nguyễn Thị Mỹ, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1919, mất ngày 22 tháng 5 năm 2019 (tức ngày 18 tháng 4 âm lịch) tròn 100 tuổi đời đóng góp cho đất nước, hi sinh vì gia đình.

Tốt nghiệp Thành chung năm 1937, cô giáo Mỹ bắt đầu nghề dạy học từ năm 18 tuổi, 7 năm dạy dỗ những trò nhỏ xứ Xiêng Khoảng và Thà Khẹt. Trở về quê hương bà tiếp tục dạy học ở thị xã Hà Đông. Suốt 7 năm đầu kháng chiến, bà giáo tiếp tục dạy các trường vùng tự do Thanh Môn, Nho Quan, nữ trung học Liên khu 3 và Nguyễn Thượng Hiền ở Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Cách mạng tháng Tám, như ngàn vạn trí thức đến với cách mạng, bà diện áo dài thêu hoa, đeo đồ trang sức xuống đường tham gia tuần hành giành chính quyền rồi làm việc tại Ủy ban Lâm thời Đà Lạt và tham gia ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc thành phố. Hưởng ứng "tuần lễ vàng" năm 1945, bà dốc hết đồ trang sức và của nả đóng sạch cho ngân khố.

Cuối năm 1946, bà lập gia đình với ông Đặng Kim Giang. Năm 1967, cụ ông đang là thứ trưởng Bộ Nông trường Quốc doanh thì lâm nạn chính trị. Gia đình đang là cán bộ cao cấp trở thành đối tượng thù địch. Trong gian khó thời chiến tranh và kinh tế bao cấp, mọi người dân đều khổ, các đối tượng bị phân biệt đối xử lại càng gian nan hơn.

tien2

Ảnh : Wikipedia tiếng Việt

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - dường như - đã không tiện nói rõ cha ông "lâm nạn chính trị" trong hoàn cảnh nào, cả gia đình đã "trở thành đối tượng thù địch" của chế độ, và bị "phân biệt đối xử" ra sao ? Qua điếu văn (thượng dẫn) ông chỉ cho quan khách đến tham dự tang lễ biết rằng : thân mẫu đã "bị cách chức hiệu phó trường làng (sau 40 năm dậy học) bị đưa ra khỏi Đảng, và ngoài việc phải chạy chợ, nấu ăn, chăm sóc cả nhà, bà còn lo kiếm thêm tiền bằng trông trẻ, khâu vá thuê…" để sinh tồn.

Bạn bè của tướng Đặng Kim Giang ghi nhận mọi sự kiện đầy đủ và chi tiết hơn :

Tháng 10/1967, Đặng Kim Giang bị bắt ở Lim. Một trung đội lính súng ống tua tủa nhảy cả từ sau nhà vào trói nghiến rồi lôi đi ông tướng hậu cần từng lo cơm nước, súng đạn, thuốc men… cho mấy chục vạn quân lính và dân cồng ở Điện Biên Phủ. Tù ra, về lại Lim. Rồi chuyển tất cả nhà ra sống trong một túp nhà con ở góc sau chùa Liên Phái…

Tối hôm ấy tôi đến. Mất điện sau cơn mưa dữ. Cả khu chùa mù mịt, thê lương. Oàm oạp tiếng ễnh ương đòi trả lại chúng cái gì không rõ. Một ngọn đèn dầu với chị Mỹ lo lắng ngồi canh bên màn phủ kín. Oi nồng, ngột ngạt. Căn nhà rộng độ mười mét vuông tối tăm, ẩm ướt. "Li bì suốt thôi chú ạ… Thỉnh thoảng mới tỉnh một tí. Chả đâu nhận chữa. Vào đâu được bây giờ ?

Tôi về, chị Mỹ nói : ‘Những người theo anh đến đây đang lởn vởn ở sân chùa đấy. Khéo họ húc đổ xe’. Hai hôm sau đưa ma Đặng Kim Giang. Nghĩa trang Văn Điển. Lèo tèo hai chục người.

Hạ huyệt rồi, chị Mỹ đứng đầu huyệt khẽ nói :

- Thôi, chào vĩnh biệt người chồng tội nghiệp của tôi…

(Trần Đĩnh, Đèn Cù II, Westminster, CA, Người Việt, 2014).

Tướng Đặng Kim Giang qua đời năm 1983 nhưng oan khiên thì vẫn cứ tiếp tục theo đuổi gia đình và vợ con của ông mãi mãi. Mười hai năm sau, năm 1995, bà gửi "Thư Kêu Oan" đến các ông Tổng bí thư, Chủ tịch quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao :

Thưa các ông, tôi là Nguyễn Thị Mỹ, 77 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, tại phòng 20, nhà C2 Khu tập thể Nghĩa Tân, Từ Liêm, Hà Nội, xin khiếu oan với các ông việc sau đây : Nếu ngày nay còn cái "trống kêu oan" của xưa kia thì tôi cũng xin đội đơn này đến gióng ba hồi trống như bà Bùi Hữu Nghĩa để "kêu oan" cho chồng tôi. Oan khuất này tồn tại đã gần 30 năm nay nhưng vẫn chưa được ai khui ra và giải oan cho gia đình tôi cùng với nhiều gia đình khác.

Đối với những đồng chí cấp cao kể trên thì khoảng thời gian 30 năm (chắc) chưa đủ dài. Do thế, sau khi đợi thêm mười hai năm sau nữa - vào ngày 27/07/2017, khi sắp tròn trăm tuổi - bà Nguyễn Thị Mỹ (cùng "những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử 50 năm trước") lại tiếp tục lên tiếng qua một văn bản khác, dài 3.382 chữ :

Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà :

- Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam

- Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là "Vụ án Xét lại chống Đảng", một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

Cũng như những đồng chí tiền nhiệm, quí vị lãnh đạo hiện hành (Tổng bí thư, Thủ tướng, và Chủ tịch quốc hội) không hề có chút mảy may khái niệm gì về công lý và pháp luật nên tất cả đều vẫn cứ im thin thít, vẫn nhất định không ai chịu trả lời (hay trả vốn) gì ráo trọi. Sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi một phiên tòa công khai trong vô vọng, ngày 22/05/2019 thì bà Nguyễn Thị Mỹ từ trần, giữa một xứ sở mà nhìn đâu người dân cũng thấy những khẩu hiệu ("Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật") ̣đỏ rực khắp nơi.

 Hình ảnh đẹp nhất mà bà để lại cho hậu thế - theo tôi - có lẽ là hôm "bà diện áo dài thêu hoa, đeo đồ trang sức xuống đường, hưởng ứng Tuần Lễ Vàng Năm 1945, và dốc hết đồ trang sức và của nả đóng sạch cho ngân khố".

Tôi nghe người ta nói là "lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà". So với hằng chục ngàn lượng vàng của của bà Nguyễn Thị Năm, và bà Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ cho Chính Quyền Cách Mạng (vào cùng thời điểm) thì đôi ba món tư trang chắt chiu của bà Nguyễn Thị Mỹ - tất nhiên - chả có gì đáng kể nhưng cũng đủ để "thử" tấm lòng của riêng một cô giáo trường làng đối với quê hương đất nước.

Ôi, những người đàn bà cao quí (và tội nghiệp) nơi xứ Việt khốn khổ khốn nạn của tôi - nơi mà xương máu cũng như tài sản của người dân bị coi như là của riêng trong túi của một nhóm người. Họ đã từng có thể "huy động" bất cứ lúc nào, vào bất cứ việc gì (hoàn toàn) hoàn toàn tùy thích.

Năm 1945 vì quốc khố trống rỗng nên Chủ tịch nước Hồ Chí Minh phát động Tuần Lễ Vàng để tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Vì đất nước không chịu phát triển nên hai phần ba thế kỷ sau ngân khố quốc gia vẫn rỗng và nợ công thì vượt ngưỡng. Thế là bổn cũ bèn mang soạn lại :

- Người Lao Động : Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước nghiên cứu sớm có giải pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Tuổi Trẻ : Đề xuất huy động đất, vàng trong dân chuyển thành cổ phiếu chứng khoán.

- Dân Trí : Đại biểu quốc hội kiến nghị sớm tính giải pháp huy động vàng, USD trong dân.

- VnExpress : Thủ tướng nhắc ngân hàng huy động vàng, đô la trong dân.

Tiền vàng trong dân nhiều ít cũng vẫn còn nhưng những người phụ nữ Việt Nam chân chất như quí bà Hoàng Thi Minh Hồ, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Mỹ… thì đã khuất núi từ lâu. Với con cháu của họ ngày nay thì "giải pháp huy động vàng trong dân" e sẽ vô phương thực hiện. Ăn cháo đá bát là thứ hành vy khó có thể thực hiện được đến hai lần.

Bạn có thể lừa gạt tất cả mọi người vào một lúc nào đó, và lừa gạt một số người suốt đời nhưng không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được - Abraham Lincoln(1) .

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/07/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time. 

**********************

Điếu văn bà Nguyễn Thị Mỹ - quả phụ tướng Đặng Kim Giang

Kính thưa các ông bà, cô bác họ hàng, láng giềng, quí vị quan khách. Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích được đón tiếp quí vị đến vĩnh biệt Mẹ, Bà, Cụ của chúng tôi : Nguyễn Thị Mỹ, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1919, mất ngày 22 tháng 5 năm 2019 (tức ngày 18 tháng 4 âm lịch), tròn 100 tuổi đời đóng góp cho đất nước, hi sinh vì gia đình.

Một đời làm mẹ. Ông ngoại tôi sang Lào làm việc, sinh ra mẹ tôi ở thành phố Luang Pharabang. Gia đình về Việt Nam để lại bà khi đó mới mười mấy tuổi, suốt 7 năm một mình thay bố mẹ nuôi dạy hai em trên xứ người. Năm 1944, bà về Đà Lạt học trường cao đẳng nữ công thì chiến tranh nổ ra, mất liên lạc với lũ em nhỏ, bà trở về quê hương ở làng Kim Lũ, phủ Hà Đông.

Cuối năm 1946, bà lập gia đình với ông Đặng Kim Giang. Hạnh phúc đến đúng lúc toàn quốc kháng chiến, bà phải làm mẹ từ lúc chưa sinh con. Chồng gánh nhiệm vụ chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Hà Đông, bà phải một mình nuôi con chồng, nuôi cháu chồng, chạy giặc từ quê hương Hà Đông đi xa dần ra Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa rồi lên Việt Bắc. Kiếm sống gian nan mà mẹ vẫn mở lòng đón thêm con nuôi đang cảnh bơ vơ.

Đàn con đầu đã lớn lên đi học và tham gia kháng chiến. Bà một mình sinh con gái ở vùng tự do Thanh Hóa trong lúc chồng đang đánh chiến dịch Biên Giới, sinh con trai trong khi ông đang chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, Hà Nội hòa bình, hai ông bà được ở bên nhau khi hai con giai và gái ra đời và đón thêm con gái chồng về cùng gia đình, tưởng như phúc phận người mẹ đã đủ đầy nhưng những biến động chính trị một lần buộc bà tiếp tục thiên chức làm mẹ.

Năm 1967, cụ ông đang là thứ trưởng Bộ Nông trường Quốc doanh thì lâm nạn chính trị. Gia đình đang là cán bộ cao cấp trở thành đối tượng thù địch. Trong gian khó thời chiến tranh và kinh tế bao cấp, mọi người dân đều khổ, các đối tượng bị phân biệt đối xử lại càng gian nan hơn. Con cái phải phiêu bạt đào than ngoài mỏ Quảng Ninh, đi xuất khẩu lao động xứ người, lên nông trường trên Yên Thế, vào khai hoang trong Hà Tiên… Bà chìa đôi vai nhỏ bé gánh mọi sức nặng, làm trụ cột cho cả nhà.

Bà một mình chăm ông và làm mẹ nuôi dạy cả lũ 6 đứa cháu nội, cháu ngoại. Chăm cháu ốm, dạy cháu học, chạy chợ, nấu ăn, chăm sóc cả nhà, bà còn lo kiếm thêm tiền bằng trông trẻ, khâu vá thuê. Đúng lúc gia cảnh tối tăm, người ngoài xa lánh, bà vẫn dang tay cưu mang thêm con nuôi - con người bạn chiến đấu đang gặp nạn là cháu Tân con bác Kỳ Vân.

Tình mẹ nhân hậu và vô tư ấy đã làm rung động mọi trái tim của 9 người con và dâu rể, cháu, chắt và làm chúng tôi thay đổi dù rất khác nhau về tính cách. Trong gia đình chúng tôi, mẹ là mẹ chung. Di chúc của mẹ kể tên cả 9 đứa con và căn dặn : "Mẹ không có tiền của để lại cho các con nhưng để lại cho các con muôn vàn tình thương yêu và nếu quả thật có linh hồn và có quyền lực thì sẽ hết sức giúp đỡ con cái sau khi chết". Cả đến khi đã đi xa mẹ vẫn dốc lòng chăm sóc đàn con.

Suốt đời làm thầy. Tốt nghiệp Thành chung năm 1937, cô giáo Mỹ bắt đầu nghề dạy học từ năm 18 tuổi, 7 năm dạy dỗ những trò nhỏ xứ Xiêng Khoảng và Thà Khẹt. Trở về quê hương bà tiếp tục dạy học ở thị xã Hà Đông. Suốt 7 năm đầu kháng chiến, bà giáo tiếp tục dạy các trường vùng tự do Thanh Môn, Nho Quan, nữ trung học Liên khu 3 và Nguyễn Thượng Hiền ở Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Năm 1953, kháng chiến trở nên quyết liệt, bà tạm biệt học trò, theo chồng lên chiến khu.

Hòa bình lập lại, tháng 11 năm 1954 bà rời quân ngũ với tấm Huy chương kháng chiến hạng nhất và huy chương Chiến Thắng hạng nhì, về với bục giảng Hà Nội. Cô giáo Mỹ dạy trường Thanh Quan, Đống Đa, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Năm 1966, gia đình lại rời Hà Nội về Bắc Ninh, bà dạy học sinh nông thôn ở trường cấp 2 Việt Đoàn, trường Hiên Vân. Dù trường tỉnh, thủ đô hay trường làng, ở đâu những bài giảng văn học, những câu chuyện lịch sử, những kiến thức địa lý của cô giáo Mỹ cũng thổi vào hồn học sinh tình người, nghĩa nước.

Cuộc chiến cam go nhất cho sự nghiệp giáo dục của bà là đòi quyền học hành cho con mình. Suốt 40 năm "trồng người" nhưng bà bị cách chức Hiệu phó trường làng, bị đưa ra khỏi Đảng. Người phụ nữ gày yếu, nhỏ bé kiên cường gõ mọi cánh cửa từ trung ương đến địa phương đòi quyền học hành cho con cái. Chỉ nhờ sự dũng cảm của mẹ và lòng tử tế của những người trong cuộc mà cánh cửa đại học, cao đẳng tưởng như đã sập lại hẳn, mới hé mở cho 3 người con nhỏ nhất trong nhà.

Thật vinh hạnh là anh chị em nhà tôi có những ngày được học lớp do mẹ mình truyền dạy. Trước lớp, con cái vẫn "thưa cô" với mẹ. Người thày trong mẹ đã nâng giữ nhịp cầu để chúng tôi tiếp cận nền học vấn hiện đại, có cơ hội thành đạt bằng trí tuệ. Điều quan trọng hơn cả là truyền thống văn hóa của Bố, gương sống của Mẹ đã hướng cho đội ngũ học trò và các lớp cháu con lẽ đời tử tế, tiếp sức mạnh của tình người mà chẳng một ngôi trường danh tiếng nào khắp thế giới truyền dạy nổi.

Một lòng giữ nước, cứu nhà.

Đến Đà Lạt học đúng lúc miền Bắc chìm trong nạn đói 1945, cô nữ sinh trường Pháp ngày đêm đi quyên tiền cứu giúp người. Cách mạng Tháng Tám, như ngàn vạn trí thức đến với cách mạng, bà diện áo dài thêu hoa, đeo đồ trang sức xuống đường tham gia tuần hành dành chính quyền rồi làm việc tại Ủy ban Lâm thời Đà Lạt và tham gia ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc thành phố. Hưởng ứng "tuần lễ vàng" năm 1945, bà dốc hết đồ trang sức và của nả đóng sạch cho ngân khố.

Hồ hởi đến với cách mạng, bà giáo vào quân ngũ và thấm dần nỗi đớn đau cùng cực của chiến tranh. Ngày Hà Nội chìm trong lửa kháng chiến 1947, bà trực tiếp giữ kho vũ khí 300 ở Hà Đông và dẫn dắt đám học trò nhỏ đẩy toa tàu điện chở đạn từ Hà Đông ra tiếp tế cho mặt trận. Khi cuộc chiến trở nên quyết liệt năm 1953, bà gia nhập quân đội, đánh máy cho Tổng cục Hậu cần và làm báo địch vận tiếng Pháp trên chiến khu Việt Bắc.

Nhân thế đảo lộn dạy bà rằng cách mạng là hy sinh chứ không phải là ngày hội và phải cuộc chiến áo cơm tàn ác chẳng kém đạn bom. Nhà tan cửa nát, kiếm ăn từng bữa, bà vẫn kiên cường trước đe dọa, dụ dỗ quyền lợi, một lòng bảo vệ chồng con. Lũ con đi xuất khẩu lao động xa xứ đổi mồ hôi, nước mắt gửi hàng hóa về, bà ở nhà một mình nhận hàng, bán đồ, tả xung hữu đột với đám buôn bán giang hồ, tích cóp cho con cái về mua xong nhà, xin được việc.

Một chiều năm 1996, cuối cùng gánh nặng công việc, sức ép chính trị, nỗi lo gia đình đã xô ngã bà giáo già 77 tuổi, bà gục xuống một mình trong căn bếp nhỏ. Mấy tiếng mê man, đợi cháu đi học về, bà còn cố bò ra, đu lên mở cửa, hoàn thành nhiệm vụ cuối. Suốt 23 năm nằm liệt, bà kiên cường chiến đấu với bệnh tật, vẫn vui vẻ bình luận thời sự, nói chuyện đời xưa cho đến ngày im lặng, nhẹ nhàng ra đi.

Mẹ yêu quí của chúng con, nhìn lại 100 năm cuộc đời, đi qua 2 cuộc chiến tranh, chịu đựng bao biến động bể dâu, chứng kiến nhiều lẽ đời ngang trái nhưng không ai hiểu nổi người mẹ vóc hạc, sức mây làm sao có được sức lực, tinh thần để vượt qua sóng gió, chịu bao tủi nhục, xây hậu phương vững chắc cho bố yên tâm chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lẽ phải ; cho 16 con cái, dâu rể và 59 cháu chắt nội ngoại lớn khôn và rộng đường tiến tới tương lai.

Mẹ Mỹ yêu thương. Lũ con cháu chúng con bình sinh tầm thường : thấy thiếu lo đói, thấy nguy sợ hãi, lúc vinh kiêu ngạo, lúc nhục trốn tránh, có lúc ham chơi lười học, có lúc chìm đắm chức quyền, chăm con cái hơn phụng dưỡng thân sinh, tham vật chất hơn trau dồi trí tuệ, nhiều lúc không nghe lời cha, lắm lúc làm buồn lòng mẹ, may mắn thay có được đấng sinh thành là Bố Mẹ. Chính gương sống đẹp đẽ, nhân cách sáng trong của Người đã giúp lũ chúng con biết hổ thẹn, sửa đổi mình, đoàn kết lại thành một gia đình hạnh phúc, và kì diệu thay, đã hình thành gốc rễ vững chắc để cháu con vượt qua muôn ngàn bất định tương lai.

Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Của cải, chức tước, quan hệ, sức khỏe, sắc đẹp không phải là đặc ân người trước truyền mãi được cho đời sau. Trước biến động thế gian, biết bao kẻ đang chết trên quyền lực, sẽ khóc giữa bạc tiền. Chỉ có lẽ sống mà bố mẹ để lại cho chúng con mới thực sự là giá trị vĩnh cửu!. Con cháu sẽ đời đời khắc ghi lời mẹ di chúc : "Các con ! các cháu ! Hãy thương yêu đùm bọc nhau cố phấn đấu vươn lên, sống tử tế nhân hậu. Có tài có đức sẽ thành đạt".

Chúng con, các cháu, xin vâng lời mẹ dạy !

Mẹ hãy yên tâm mà siêu thoát.

(Đặng Kim Sơn, thứ nam,  đọc trước mộ mẹ ngày 25/05/2019)

********************

Chỉ huy hậu cần Điện Biên Phủ : Chuyện 60 năm mới kể

Trần Thanh Hằng, Khampha.vn, 05/05/2014

Để theo sát việc cung ứng hậu cần toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, vị Chủ nhiệm hậu cần liên tục phải đi lại trên địa bàn chiến trường núi non trải rộng. Vì quá mệt, hễ leo lên xe là ông ngủ gà ngủ gật, bất kể lên dốc xuống đèo. Xe không có cửa, lái xe phải lấy dây buộc chặt ông vào ghế.

tien3

Thiếu trướng Đặng Kim Giang (1910 – 1983). (Ảnh tư liệu : Kiều Mai Sơn).

Sinh thời, Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang, rất ít kể về mình, dù ước nguyện cuối cùng của ông trước khi nhắm mắt là được đeo trên ngực tấm "Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên".

tien4

Bộ chỉ huy kiêm Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại sở chỉ huy Mường Phăng. Từ trái sang phải: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh kiêm Bí thư Võ Nguyên Giáp. (Ảnh VNTTX).

Cứ tưởng là người phụ trách dân công

Năm nay, ngày giỗ của ông Đặng Kim Giang trùng với dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dù năm nay, người bạn đời của vị chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã 96 tuổi và phải ngồi xe lăn, con cháu của ông vẫn cố đưa bà tới để thắp hương tưởng nhớ ông. Như mọi lần, bà lại khóc. Chỉ có điều, năm nay bà nói : "60 năm rồi ông ạ, các con của ông đã lớn, đã trưởng thành, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, chúng nó đã tìm lại bạn bè ông năm ấy để nghe lại chuyện xưa...".

Đặc biệt, dự ngày giỗ năm nay có hai vị khách đặc biệt : ông Nguyễn Bội Giong và ông Đỗ Ca Sơn, những chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm về trước.  

Nhang vừa thắp lên thì trời mưa. Khi các vị khách đến chào và "báo cáo" với người đồng đội, người cấp trên cũ của mình thì cả không gian mênh mông của nghĩa trang như dồn nén vào khu mộ đơn sơ có ngôi mộ chí với tấm bia đề Thiếu tướng Đặng Kim Giang...

Trò chuyện với hai cựu chiến binh Điện Biên Phủ, những ký ức xúc động về người chỉ huy hậu cần lại ùa về, trong đó có những chi tiết mà gia đình Tướng Đặng Kim Giang cũng chưa bao giờ được nghe.

Ông Nguyễn Bội Giong, từng là Bí thư quân sự của Tham mưu trưởng chiến dịch, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, lời nói khúc chiết, rõ ràng. Ông Bội Dong khẳng định đã thường xuyên gặp gỡ ông Giang trong những ngày tháng cam go nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể rành rọt về sự kiện 26/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Tướng Giáp đã đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong đời" : Thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết ban đầu.

Từ chuyện thay đổi cách đánh, ông Giong dẫn đến chuyện ông Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp tiền phương. Ông Giong nhớ lại, khi nhận lệnh chuyển sang phương án tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" có nghĩa là hậu cần phải đáp ứng nhu cầu của bộ đội trong 3 đêm 2 ngày sang một chiến dịch kéo dài cả vài tháng trời. Thế là cả một núi việc ập đến.

Điều hành hơn 33.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong để vận chuyển hơn 20.000 tấn hàng hóa vượt hàng trăm kilomet đường núi dưới bom đạn, phục vụ cho gần 54.000 bộ đội chiến đấu trên một địa bàn rộng 120km2 là một nhiệm vụ tưởng như khó có thể làm được. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên huy động hàng trăm xe ô tô làm lực lượng vận tải chủ lực. Phải tổ chức bố trí xăng dầu, trạm sửa chữa, cung tuyến vận tải, tổ chức kho, rải trạm vận tải, kết hợp với những phương thức vận chuyển cổ truyền hơn như xe đạp thồ, hay sáng tạo mới như mở đường sông vận chuyển hàng, tổ chức các hình thức vận tải đa dạng mà người thời nay khó hình dung được. "Ông Giang bàn bạc với các cán bộ địa phương tổ chức huy động lương thực, thực phẩm tại chỗ. Cứ ngỡ là vùng núi, đồng bào dân tộc nghèo khổ rất khó huy động, nhưng kết quả lại rất tốt. Chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được 6.000 tấn gạo thịt, hiệu quả rất cao vì không phải nuôi dân công dọc đường vận chuyển dài.

tien5

Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang (ngoài cùng bên phải) họp tại Sở chỉ huy chiến dịch. (Ảnh trong phim tài liệu của Cacmen).

Trong ký ức của ông Giong, Chủ nhiệm hậu cần Đặng Kim Giang là chỉ huy có bản lĩnh, tài đức, sáng tạo. "Chẳng thấy khi nào ông ấy phàn nàn. Khó mấy vẫn lặng lẽ làm. Vì phải bảo đảm hậu cần trải rộng trên khắp địa bàn nên ông ấy phải liên tục đi công tác... Mỗi khi gặp ông xuống từng đơn vị kiểm tra, chỉ đạo, thoạt trông cứ ngỡ là một đồng chí cán bộ phụ trách dân công. Chỉ huy Sở Hậu cần nằm gần tuyến vận chuyển, xa khỏi Sở Chỉ huy chiến dịch. Ngay tại Sở Chỉ huy cũng gắn với bộ phận của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Lai Châu. Làm thì phối hợp với đồng chí, nhân dân nhưng khi đi công tác thì lặn lội một mình. Khi ông đến Sở Chỉ huy, chào hỏi xong là vào bàn luận với ông Thành (Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch), rồi qua báo cáo anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), xong lại một mình ra đi. Ông ấy không có thư ký giúp việc nên đi đâu cũng chỉ một mình...", ông Giong kể lại.

tien7

Dân công tải gạo bằng xe đạp thồ lên Điện Biên. Ảnh : Internet. 

Chuyện này, các con cháu trong nhà đã được chú Việt, lái xe cho ông kể lại. Rằng để theo sát việc cung ứng hậu cần toàn chiến dịch trong điều kiện thông tin liên lạc khó khăn, địa bàn chiến trường trải rộng, nhiều ngày đêm chú phải lái xe đưa ông đi đốc chiến tại các cung đường giao thông, các kho đạn, bệnh viện dã chiến… bằng chiếc xe Jeep lấy được của địch. Vì quá mệt, hễ leo lên xe là ông Giang ngủ gà ngủ gật bất kể đường xóc, ngoằn nghèo lên dốc xuống đèo, mưa rừng hay nắng bụi. Xe mui trần, không có cửa, chú lấy dây buộc chặt ông vào ghế để thủ trưởng ngủ, chỉ tháo ra khi đến nơi hoặc khi bị máy bay tấn công.

Lo quân lương đạn dược… và cả vải liệm cho liệt sĩ

Người khách đặc biệt thứ hai trong buổi lễ hôm đó là ông Đỗ Ca Sơn. 60 năm trước, ông mới 23 tuổi, là chiến sĩ trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1.

Ông kể rằng, những người đồng đội còn sống sót của Trung đoàn 174 khi ấy, giờ đây tuổi đều đã ngoại bát tuần, vẫn còn điều khắc khoải vì thấy những người như ông Giang và những chiến sỹ hậu cần, công lao thì thật lớn mà vắng bóng: "Anh em chúng tôi truyền rằng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ba người phó đều tài ba, như ba cánh tay, mà đều mạnh như cánh tay phải. Vì thế nên thắng lợi mới lớn đến vậy. Công lao của họ lớn lắm. Phải nói rõ điều này với mọi người".

Đã nhiều năm, ông và anh em cựu binh Điện Biên tìm mọi cách liên lạc với các thành viên trong gia đình chỉ huy hậu cần Đặng Kim Giang và đến hôm nay ông đã toại nguyện. Ông nói rằng, thật cảm động khi được đến tham gia nghi lễ viếng mộ Chủ nhiệm Hậu cần Đặng Kim Giang để nói lên những lời tri ân của mình, nói lên suy nghĩ của những người lính dưới chiến hào về những người phục vụ công tác hậu cần ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông nói rằng, chuyện hậu cần ở Điện Biên Phủ không chỉ là lo ăn, lo mặc.... "Mà trong trận đánh đồi A1, bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bị thương thì phải có người tải về tuyến sau, còn anh em hy sinh thì phải khâm liệm rồi chôn cất tại chỗ. Chiến sỹ hậu cần không chỉ có lo cơm ăn, áo mặc, lo đạn dược mà phải lo bao thứ khác. Như lo đủ hàng vạn cuốc xẻng cho bộ đội đào hầm, đào hào vây lấn ròng rã suốt hai tháng trời, lo thuốc men cho thương binh  và phải lo chuẩn bị đủ cả vải liệm cho liệt sĩ. Đây là cái lo đau đớn nhất. Nào ai dự trù được vải liệm mà chuẩn bị. Có đêm, đơn vị hàng trăm người hy sinh thì lấy đâu ra vải liệm. Chúng tôi biết ông Giang vất vả và khổ tâm lắm..." - người lính già 83 tuổi khóc nấc lên khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

tien6

Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang (thứ 3 từ trái sang), đồng chí Việt lái xe (thứ 4 từ trái sang) và các chiến sỹ trên chiến trường Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng.

Hãy làm điều gì đó để tri ân

Trải qua biến cố phi thường và sau đó là những ngày tháng gian lao cùng cực, người vợ hiền và 7 người con của ông Giang vẫn giữ vững niềm tin và phấn đấu vươn lên… Thay mặt gia đình, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, người con trai thứ 5 của ông, nay là Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, cảm ơn những người đồng đội cũ của cha về những câu chuyện về cha mình mà lần đầu tiên cả nhà mới được nghe.

Hóa ra, sinh thời, ông Giang rất ít kể về mình, kể về những ngày gian lao và vinh quang ở Điện Biên Phủ. Mặc dù ước nguyện cuối cùng trước khi ông nhắm mắt là được đeo trên ngực tấm "Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên". Cả hai người lính già Nguyễn Bội Giong và Đỗ Ca Sơn đều mong muốn gia đình thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng… để có thể làm điều gì đó tri ân Thiếu tướng Đặng Kim Giang và bày tỏ, nếu cần gì thì các "thân già" đều sẵn sàng hỗ trợ…

Thiếu tướng Đặng Kim Giang

Thiếu tướng Đặng Kim Giang tên thật là Đặng Rao, quê tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1928. Năm 1930, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Bị thực dân Pháp kết án 12 năm tù giam, giam tại các nhà lao: Hoả Lò, Hoà Bình, Sơn La. Ông vượt ngục Sơn La, tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông năm 1945, sau đó trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ sau: Ủy viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Khu 2, Phó bí thư khu ủy Khu 2, Thường vụ khu ủy, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 3. Năm 1949, ông chuyển sang quân đội. Năm 1951, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, tham gia các chiến dịch Thượng Lào, Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Chủ nhiệm hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp tiền phương, là một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.

Năm 1954, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1958, ông được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1959 - 1960 ông giữ cương vị Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ông mất năm 1983.

Trần Thanh Hằng 

Nguồn : Khampha.vn, 05/05/2014

Quay lại trang chủ
Read 815 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)