Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2018

"Đi bão" bóng đá, mặt trái "Việt Nam vô địch !"

Trần Tiến Dũng

Buổi sáng Sài Gòn sau ‘siêu bão’ bóng đá mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 2, đường phố vắng lặng và đầy rác. Ở sân tập thể dục Phú Thọ, quận 11, người đàn ông trung niên nói. "Tôi thông cảm với tụi nhỏ đi bão nhưng vẫn thấy sợ. Ăn mừng đá banh mà như lên cơn thần kinh, bất bình thường quá".

dibao1

Một em nhỏ được ông bố cho 'đi bão' ở Hà Nội vào đêm 15 tháng 12 năm 2018. (Hình : Getty Images)

"Đi bão", là từ người dân Việt Nam dùng gần đây để chỉ hiện tượng hàng trăm ngàn người ở các thành phố, đặc biệt là Sài Gòn hay Hà Nội, đổ ra đường ăn mừng bằng nhiều cách, bất chấp luật lệ giao thông.

Chỉ riêng môn thể thao bóng đá mới có chuyện người hâm mộ đổ ra đường đi bão, và cấp độ bão tùy vào ý nghĩa của từng giải đấu, vòng đấu, nhưng kỳ cục thay khi vô mùa tranh cúp ‘ao làng’ bóng đá Đông Nam Á thì khỏi cần dự báo cũng biết có bão nhỏ, bão lớn hoặc siêu bão.

Chế độ Hà Nội mặc nhiên cho phép các cơn bão bóng đá càn quét các đô thị lớn, tỉnh lẻ và cả vùng quê, hay nói cách khác là chế độ cài cắm động lực cho các cơn bão bóng đá nổ ra để đám đông, nhất là giới trẻ ‘xả xú bắp’ để quên đi các vấn nạn xã hội, kinh tế, chính trị và vận mệnh quốc gia dân tộc ngày một bếp bênh tồi tệ.

Một bà mẹ trẻ đơn thân đến từ vùng quê miền Tây, bất chấp chuyện an toàn bà rất thích thú khi đưa đứa con trai mới ba tuổi của mình "đi bão". Bà cho biết. "Cắm đầu làm hoài cũng vậy hà, thấy người ta bão mình cũng bão luôn chớ có biết coi bóng đá đâu".

Trong số cả triệu người "đi bão" đêm mừng Việt Nam vô địch cúp Đông Nam Á hôm 15 tháng Mười Hai 2018, thì ý nghĩa và tinh thần thể thao chỉ là bèo bọt, cái chính mà đám đông biết coi đá banh được thỏa mãn cơn khát chiến thắng, vô địch, nhưng số đông lớn hơn có cơ hội được biểu lộ niềm vui tập thể, thứ niềm vui duy nhất chế độ độc tài không cấm đoán bắt bớ.

Không cần phải lên mặt đặt đánh giá đám đông được cho phép vui mừng tập thể đó đáng thương hại hay đáng khinh thường. Vấn đề là gần nửa thế kỷ với mấy thế hệ sinh ra dưới ách độc tài, thì đám đông hoặc là biểu lộ vui mừng tập thể theo áp chế tuyên truyền chính trị của chế độ, hoặc tùy tiện vui mừng tập thể, tùy tiện "đi bão" mừng thắng trận đá banh, đó là tất cả quyền con người mà hơn 90 triệu công dân Việt Nam được chế độ cho phép có.

Đâu phải các công dân thích môn bóng đá và ủng hộ đội tuyển Việt Nam không biết đoạt chức vô địch ở vùng trũng bóng đá thế giới chẳng đáng giá gì. Sau trận chung kết với Malaysia, một người hâm mộ bóng đá bày tỏ : "Giá mà được đá trận chung kết với Thái, thắng cái nước đè đầu mình mới sướng !"

Cái thời dư luận các thế hệ trước lấy Nhật Bản, Đại Hàn làm chuẩn về thể thao, văn hóa… để phấn đấu bằng hoặc vượt qua đã rơi vào tuyệt vọng lâu rồi. Ở các giải tranh cúp bóng đá khu vực trước trước đây, dân mê bóng đá Việt Nam coi chuyện quật ngã được đội tuyển Thái Lan là xứng tầm để nổi "siêu bão", nhưng ngày nay được thắng Cambodia, Lào hay Philippines cũng đủ : "Tự hào quá Việt Nam ơi !"

Như vậy cơn "siêu bão" lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam đêm 15 tháng 12, mừng đội tuyển Việt Nam vô địch còn cho thấy sự biểu lộ niềm vui tập thể xuống hạng thấp hơn, và có thể đưa ra nhận xét không hề quá đáng, người hâm mộ bóng đá hay chỉ là người ăn theo niềm vui bóng đá, mượn chiến thắng bóng đá mà họ biết chỉ là chiến thắng hạng bét, nhất thời làm điểm tựa để lừa dối sự mặc cảm tự ti đang chế ngự trong từng cá nhân và cả đám đông.

Lịch sử ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước đây, cho thấy cách họ biến thành tựu thể thao thành nội dung tuyên truyền kích động và cả ru ngủ công dân như thế nào. Các cơn bão người ăn mừng chiến thắng bóng đá ở mọi cấp độ tràn xuống đường khắp Việt Nam hôm qua và sắp tới, hoàn toàn khác với việc thể hiện niềm vui tập thể ăn mừng chiến thắng thề thao ở các nước văn minh.

Như vậy các cơn bão bóng đá ở Việt Nam dưới chế độ độc tài hiện hành, với các khẩu hiệu tự phát đi kèm với màu cờ sắc áo đỏ chói như "Việt Nam Vô Địch" hay "Tự Hào Quá Việt Nam Ơi" ngày càng cho thấy không phải là biểu hiện cảm xúc hướng về về sự thành công của giá trị cộng đồng, mà chỉ là một trạng thái chân không tập thể cứ cố níu kéo chộp bắt bất cứ thứ gì có thể có để khỏi bị nhận chìm vào vũng lầy hèn nhược, thua kém. 

Trần Tiến Dũng

Nguồn : Người Việt, 17/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 561 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)