Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2018

Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao ?

Hòa Ái

Phần I

Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó

Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

congnghe1

Hình minh họa : Chủ tịch Foxconn Terry Gou (bìa phải) hướng dẫn Tống thống Donald Trump (người thứ nhì từ phải sang) tham quan trụ sở Foxconn tại bang Wisconsin hồi tháng 6/18. AFP

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?

Cơ hội

Hãng thông tấn Reuters vào đầu tháng 12 loan tin đại diện của Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm Iphone lớn nhất của Apple, cho biết tập đoàn này cân nhắc Việt Nam và Thái Lan là những nơi có thể giúp tránh tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như những trở ngại về công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng.

Reuters còn dẫn nguồn từ Báo mạng Vietnam Investment Review đăng tải thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội và vấn đề này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ vào hạ tuần tháng 11 vừa qua. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng lên tiếng xác nhận với Reuters rằng Việt Nam đang thảo luận với Foxconn về vấn đề này.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, còn có tên gọi là Tập đoàn Hồng Hải có hơn 100 công ty và chi nhánh trên thế giới, chuyên về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Foxconn xây dựng một số nhà xưởng ở các tỉnh thành của Việt Nam từ hồi tháng 3 năm 2007.

Một số chuyên gia kinh tế ở trong nước cho rằng nếu như Foxconn thành lập nhà máy lắp ráp Iphone tại Hà Nội thì điều này cho thấy cánh cửa cơ hội của Việt Nam được mở ra để chào đón những tập đoàn gia công lắp ráp của thế giới dịch chuyển từ Trung Quốc sang, hay các nhà sản xuất với công nghê tiên tiến từ Châu Âu, Châu Mỹ đến và thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 mà Chính phủ Hà Nội đề ra.

Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nhận định với RFA :

"Điều này thấy rất là rõ, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì một số nhà đầu tư vào Trung Quốc rút về và chẳng hạn như định hướng của Foxconn đưa lắp ráp Iphone sang Việt Nam. Đây là một cơ hội nên tận dụng vì ngoại lực cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. "

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được xem là mở màn hồi đầu tháng 7 năm 2018, khi Mỹ ra quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 34 tỷ đô la Mỹ (USD) hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục công bố danh sách chính thức áp dụng mức thuế 25% lên 279 mặt hàng, tương ứng 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kể từ ngày 23 tháng 8. Vào ngày 24 tháng 9, Mỹ tuyên bố áp mức thuế quan bổ sung 10% lên 200 tỷ USD các sản phẩm từ Trung Quốc và sẽ tự động tăng lên 25% từ năm 2019.

Trong năm 2017, phần lớn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là mặt hàng điện tử, đồ gia dụng và quần áo. Và trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, các tập đoàn sản xuất thế giới, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ đầu tư ở Trung Quốc lên kế hoạch di chuyển sang Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á để tránh ảnh hưởng tác động bởi mức thuế mới của Mỹ.

Một số các tập đoàn như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản hồi tháng 7 cho biết có kế hoạch di chuyển sản xuất. Tập đoàn GoerTek, chuyên sản xuất thiết bị điện tử thông minh cho Apple, có trụ sở ở Sơn Đông-Trung Quốc vào tháng 10 thông báo sẽ chuyển nhà máy sản xuất thiết bị tai nghe không dây qua Việt Nam.

Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 04/10/18, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI 3 thập niên qua.

Những số liệu được trưng dẫn tại Hội nghị cho thấy từ năm 1987 đến năm 2018, Việt Nam thu hút được tổng số vốn FDI đăng ký hơn 334 tỷ USD với gần 27 ngàn dự án và khu vực FDI liên tục phát triển cho đến thời điểm hiện tại chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Điểm đáng chú ý trong đầu tư FDI tại Việt Nam là đầu tư trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 190,8 tỷ USD) và những công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất toàn cầu, như Samsung, Sony, Intel, Microsoft… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Tận dụng thế nào ?

Trong cuộc trao đổi với RFA vào tối ngày 12 tháng 12, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển thêm một bước trong vòng 30 năm trở lại đây cùng với chủ trương của Chính phủ Hà Nội là thu hút FDI ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao thì Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và tạo ra được môi trường thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, chẳng hạn như Foxconn đầu tư vào Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :

congnghe2

Số liệu về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm (1998-2018).Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn

"Theo tôi, Việt Nam rất có thiện chí để thu hút còn điều kiện mà các tập đoàn đó yêu cầu hoặc mong đợi thì không thể nào nghĩ rằng Việt Nam có thể sẵn sàng đáp ứng ngay. Nhưng nếu với sự hợp tác một cách có thiện chí của các tập đoàn đó với các cơ quan của Việt Nam thì tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thể tạo ra được các sức hút đáng kể và có được những năng lực ngày càng tăng để thu hút và tiếp thu công nghệ của các tập đoàn lớn".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên trong trường hợp Foxconn đầu tư công nghệ vào Việt Nam thì Foxconn có thể tận dụng được lợi thế ưu đãi về thuế cũng như lực lượng lao động trẻ, giá rẻ với năng suất lao động cao và dễ dàng đào tạo trở thành công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu của Foxconn ; về phía Việt Nam bên cạnh việc hưởng lợi từ giá trị gia tăng của sản phẩm do Foxconn tạo ra, Việt Nam còn tận dụng được công nghệ của Foxconn và Foxconn có thể sẽ chuyển giao một phần công nghệ trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cũng có những ý kiến của giới chuyên gia khẳng định qua thực tiễn hoạt động và cơ sở hạ tầng của các khu công nghệ cao tại Việt Nam, điển hình 3 khu công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 2 thập niên cùng những rào cản về cơ chế thì Việt Nam thật sự đối mặt với rất nhiều thách thức trong thu hút FDI về công nghệ cao mặc dù cánh cửa cơ hội dành cho Việt Nam có thể xem là đang rộng mở trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

**********************

Phần II

Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực-Thách thức

Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?

congnghe3

Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : shtp.hochiminhcity.gov.vn

Tiềm lực

Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam 3 thập niên qua và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên vào công nghệ cao thân thiện môi trường. Ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một trong những điểm chính của ‘Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới" của Việt Nam là chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng yếu tố lợi thế mạnh nhất của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI công nghệ cao là yếu tố về nhân lực. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với RFA :

"Đặc biệt Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm giỏi và có uy tín trên thế giới, có khả năng giúp cho các hãng như Foxconn hay Samsung soạn thảo các văn bản phần mềm mới để điều hành các hệ thống smart phone mới. Tôi cũng rất hy vọng rằng Việt Nam sẽ phát huy được những lợi thế đó. Và muốn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị, sự nỗ lực, hợp tác giữa các bộ, ngành với các địa phương để sớm có thể cung ứng những lao động có chất lượng và có thể khuyến khích chuyển giao một số công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gia tăng giá trị gia tăng của Việt Nam bằng cách là tăng số doanh nghiệp Việt Nam cung ứng các sản phẩm và dịch vụ để sản xuất cho những tập đoàn đầu tư FDI đó".

Truyền thông trong nước, vào hạ tuần tháng 9, đăng tải số liệu thống kê không chính thức hiện có khoảng 400 ngàn trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Nguồn nhân lực này được xem là tài sản quý giá của quốc gia, góp phần cho sự phát triển của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một số chuyên gia kinh tế mà Đài RFA trao đổi khẳng định trong bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như chủ trương của Chính phủ Hà Nội nhắm vào ưu tiên thu hút FDI công nghệ cao thì cần nên có cái nhìn lạc quan cho mục tiêu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng cảnh báo Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc quyết định các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao. Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nêu lên quan điểm của ông :

"Việt Nam cần phải xem xét ngoài mặt được thì những mặt không được là gì ? Vấn đề có chuyển giao công nghệ được hay không ? Vấn đề có đào tạo được đội ngũ để sau này phát huy được hay không ? Và ngoài vấn đề kinh tế thì đối với vấn đề xã hội liên quan môi trường thì đấy là những vấn đề hiện nay Việt Nam cần xem xét".

Thách thức

Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia nhận định để thực hiện mục tiêu thu hút FDI công nghê cao thì Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Trong 30 năm qua, đa số các dự án đầu tư vào Việt Nam là những dự án có công nghệ lạc hậu. Điển hình, Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, dự án lớn thứ nhì trong danh sách tốp 7 FDI đầu tư ở Việt Nam, với mức đầu tư 7,9 tỷ USD đã gây ra hệ quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.

congnghe4

Tình trạng bò ăn cỏ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội trong nhiều năm. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thiennhien.net

Bên cạnh đó, số dự án công nghệ tiên tiến hiện đại được đầu tư tại Việt Nam trong 3 thập niên chỉ chiếm 5-6%. Ba khu công nghệ cao tại Việt Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được đánh giá là hoạt động "èo uột" kể từ khi được Chính phủ phê duyệt gần 20 năm trước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội là một dẫn chứng cụ thể. Được xem như là thành phố khoa học và công nghệ của Việt Nam, tuy nhiên khu công nghệ này được truyền thông quốc nội mô tả là "chỉ lấy cỏ nuôi bò" trong nhiều năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi tháng 2 năm 2017, từng lên tiếng rằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc "20 tuổi vẫn còn bú sữa", một dự án trọng điểm mà giải phóng mặt bằng mãi vẫn không xong.

Tại miền Trung, Khu công nghệ cao Đà Nẵng được cho là hội tụ nhiều lợi thế, với tên gọi "mảnh đất vàng" để thu hút nhà đầu tư. Thế nhưng, tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017, chỉ có 2 dự án hoạt động tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, với tổng số vốn gần 400 tỷ đồng.

Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đạt kết quả tốt nhất so với 2 khu công nghệ cao còn lại, sau 15 năm hoạt động. Mặc dù vậy, hiệu quả vẫn không được như mong đợi so với tiềm lực của khu công nghệ cao này.

Trả lời câu hỏi của RFA về những rào cản và khó khăn khi các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là gì, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na-Uy, qua ứng dụng Messenger đưa ra nhận định của ông :

 "Có 4 khó khăn chính, bao gồm :

- Hạ tầng còn yếu kém. Mạng viễn thông đắt đỏ. Hệ thống truyền Internet tốc độ chậm. Hệ thống cầu cảng, bốc dỡ còn chậm.

- Thiếu mạng lưới các công ty cung cấp linh kiện, bộ phận đủ chất lượng.

- Việt Nam thiếu lực lượng nhân lực có tay nghề và thạo tiếng Anh để có thể nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới. Thiếu cả các quản lý bậc trung và cao cấp có kinh nghiệm quốc tế.

- Tình trạng tham nhũng lan tràn, hệ thống hành chính nhiêu khê và không rõ ràng. Điều này làm nản lòng những nhà đầu tư ở Âu Mỹ, nhất là khi mà luật pháp nước sở tại của họ cấm đút lót, hối lộ".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ và một số các chuyên gia Đài RFA có dịp trao đổi nêu vấn đề cánh cửa cơ hội thu hút FDI về công nghệ cao của Việt Nam được xem như đang rộng mở, tuy nhiên viễn ảnh cho mục tiêu đề ra của Việt Nam không phải là một bức tranh màu hồng tươi sáng.

*********************

Phần III

Thu hút FDI công nghệ cao : Giải pháp-Viễn ảnh

Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

congnghe5

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào ngày 04/10/18, cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?

Giải pháp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tuyên bố tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút FDI thời kỳ mới cần sự dịch chuyển trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, đồng thời phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài cùng phát triển. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng Chính phủ Việt Nam cần phải bắt tay làm :

"Vấn đề của Việt Nam bây giờ phải nâng quy mô cũng như trình độ của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lên đến một tầm thích hợp để có thể hợp tác và có thể cung ứng các trang thiết bị và dịch vụ cho các hãng có công nghệ cao như Foxconn hay Samsung. Và, đấy là một nỗ lực mà chính quyền địa phương, các bộ ngành cần phải giúp đỡ các doanh nghiệp để họ có thể vươn lên được".

Nhằm thực hiện mục tiêu thu hút FDI thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn đề cập đến việc chú trọng tăng cường khâu thực thi pháp luật ở tất cả các ngành, các cấp, nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát đối với cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI. Tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ quan điểm của ông trong yếu tố vừa nêu :

"Nói chung một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho đầu tư tại Việt Nam là vấn đề tham nhũng, quan liêu, cửa quyền của các cơ quan và những người thực thi pháp luật Việt Nam. Vấn đề này tất nhiên tạo ra những rào cản và một môi trường không tốt cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cả một quá trình thì Việt Nam đã cải cách thể chế, đặc biệt trong môi trường chống tham nhũng. Hiện nay, cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy ! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".

Bên cạnh đó, yếu tố nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho phù hợp với điều kiện làm việc của các nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam cũng được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên.

Truyền thông trong nước, hồi đầu tháng 10 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần phải đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này qua thực tế, được làm việc tại các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, tiếp thu kiến thức lẫn kinh nghiệm và có thể quay trở lại làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có những quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng cũng đưa ra giải pháp Việt Nam cần nên có chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia ; đồng thời phải nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ trong nhập khẩu và vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.

Viễn ảnh

Trong khi đó, không ít ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn sẽ mãi loay hoay trong mục tiêu ưu tiên thu hút FDI về công nghệ cao. Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh :

"Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn so với các nước khác. Vấn đề chính của Việt Nam, tức là Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển".

congnghe6

Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa, dự án FDI lớn thứ nhì đầu tư vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 04/16. AFP

Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng Tập đoàn Foxconn đầu tư vào Việt Nam với mục đích chỉ gia công lắp ráp hay sẽ hoạt động về công nghệ cao, cũng như có ý định chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam hay không ? Tiến sĩ Vũ Quang Việt còn nêu lên trường hợp Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, nhận được nhiều ưu đãi lớn về miễn giảm thuế, hoạt động từ tháng 4 năm 2009 với mức doanh thu hàng năm tăng trưởng cao. Năm 2017, Samsung xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đạt mức kim ngạch xuất khẩu khẩu "ngoạn mục" mà chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt được. Tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung trong năm 2017 tăng 40% so với năm 2016. Tập đoàn Samsung được ghi nhận đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích :

"Phần Việt Nam có được là chỉ trong GDP, là phần trả lương cho công nhân của Việt Nam. Còn phần tiền lương rất cao trả cho chuyên gia của Nam Hàn thì sau đó chuyển ra nước ngoài và lợi nhuận của Samsung chuyển về nước ngoài. Tôi tính sơ lược là số tiền Samsung chuyển ra nước ngoài hàng năm lớn hơn số tiền đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hằng năm".

Các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc nêu lên vấn đề chính của Việt Nam trong thu hút FDI về công nghệ cao là cần phải cân nhắc thận trọng và chọn lọc đối với các dự án nào có lợi về lâu dài, có lợi cho phát triển công nghệ tại Việt Nam hay không ? Một số vị chuyên gia cho rằng với bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì mục tiêu thu hút FDI về công nghệ cao như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố sẽ còn lâu lắm mới có thể được thực hiện, như nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt :

"Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi".

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 19/12/2018

Tham khảo

Phần I : Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó

Phần II : Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực và Thách thức

Phần III : Thu hút FDI công nghệ cao : Giải pháp-Viễn ảnh

Quay lại trang chủ
Read 886 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)