Giới đầu tư nước ngoài cảnh báo ngưng bỏ thêm tiền nếu Việt Nam không có chính sách hỗ trợ về thuế
RFA, 08/03/2024
Các nhà đầu tư đa quốc lớn lên tiếng có thể ngưng bỏ thêm tiền cho những dự án mới tại Việt Nam do không được hỗ trợ thuế theo quy định mới.
Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% ; tuy nhiên để thu hút đầu tư nước ngoài, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho "trường hợp đặc biệt". AFP
Reuters ngày 7/3 dẫn nguồn từ nhân vật tham gia đàm phán giữa giới đầu tư và Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.
Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam bắt đầu đánh thuế Tối thiểu Toàn cầu ở mức 15% đối với các tập đoàn đa quốc lớn đang có những dự án đầu tư tại Việt Nam. Quyết định đánh thuế này được Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2023.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa, dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia với doanh thu hơn 20 tỷ USD/năm và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên.
Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các nước (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate) tối thiểu.
Việt Nam định thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% ; tuy nhiên để thu hút đầu tư nước ngoài, mức này có thể chỉ là 5% và thời gian ân hạn được kéo dài cho "trường hợp đặc biệt". Đơn cử Samsung trong năm 2019 chỉ đóng 5,1% tại một tỉnh thôi.
Thống kê cho thấy, với mức thuế mới, chi phí thuế của 122 công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng đáng kể. Phía Nhà nước Việt Nam sẽ thu thêm hơn 601 triệu USD tiền thuế mỗi năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách thuộc Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, lên tiếng sau khi thông qua nghị quyết đánh thuế tối thiểu toàn cầu rằng "Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi mới để có thể duy trì là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài".
Nguồn : RFA, 08/03/2024
****************************
Doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo dừng đầu tư tại Việt Nam nếu không được bù khoản thuế mới
Reuters, VOA, 07/03/2024
Các công ty đa quốc gia lớn của nước ngoài cho biết họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam trong trường hợp không có trợ cấp để giúp bù đắp chi phí của khoản thuế bổ sung mới, một người tham gia đàm phán về vấn đề này giữa các nhà đầu tư và chính phủ nói với Reuters.
Việt Nam được là một trong những điểm đến hưởng lợi từ làn xóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ - Trung, nhưng mức thuế tối thiểu toàn cầu mới đang được xem là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam, trung tâm sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư, được xem là một trong những nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ tình trạng các công ty chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động của căng thẳng Trung-Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc tăng thuế cùng với các vấn đề về cung cấp điện, các rào cản pháp lý và tăng lương có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của quốc gia Đông Nam Á.
Năm nay, Việt Nam đã áp dụng Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn, một sáng kiến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì. Theo đó, các biện pháp khuyến khích giảm thuế suất xuống chỉ còn 5% sẽ không còn nữa, có nghĩa là một số công ty đa quốc gia sẽ phải nộp thuế bổ sung để đáp ứng mức thuế suất 15%.
Nguồn tin của Reuters cho biết một số công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã kêu gọi chính phủ tôn trọng các cam kết về mức thuế thấp mà họ đã đưa ra để thu hút đầu tư hiện có, đồng thời nói thêm rằng đầu tư mới sẽ khó khăn nếu không có biện pháp bù đắp khoản thuế bổ sung.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết trợ cấp mới trong nửa đầu năm ngoái nhưng lại chậm đưa ra bất kỳ khoản trợ cấp nào.
Vào tháng 12, Việt Nam ban hành dự thảo nghị định nêu rõ các khoản trợ cấp và các điều kiện mới để đủ điều kiện được trợ cấp, chẳng hạn như được phân loại là công ty công nghệ cao. Nhưng nhiều khía cạnh quan trọng vẫn chưa được xác định, chẳng hạn như quy mô của quỹ trợ cấp mới và không có thời gian biểu rõ ràng để phê duyệt các phương thức này.
Đại diện của các công ty đa quốc gia hôm thứ Ba đã nêu lên mối lo ngại với các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy mô, phạm vi và khả năng tiếp cận các ưu đãi theo kế hoạch, một người tham dự cuộc họp nói với Reuters với điều kiện giấu tên vì cuộc họp không công khai.
Một đại diện của Tập đoàn Lego, công ty đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, đã đặt câu hỏi liệu các công ty không được xếp vào loại công nghệ cao như Lego có đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào được nêu trong dự thảo nghị định hay không. Các quan chức trả lời là không, vẫn theo nguồn tin của Reuters.
Nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch xác nhận với hãng thông tấn Anh rằng một trong những đại diện của họ đã đặt câu hỏi về vấn đề này trong cuộc họp.
Người đại diện của công ty Amkor Technology của Hoa Kỳ, công ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn, cho biết họ đã phải vật lộn để được phân loại là một công ty công nghệ cao.
Người này cho biết đại diện của Samsung Electronics, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đã không can dự vào cuộc họp. Công ty Hàn Quốc là một trong những công ty có tiếng nói nhất về các biện pháp nhằm bù đắp gánh nặng thuế gia tăng.
Amkor Technology và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Samsung từ chối bình luận với hãng tin Anh.
Thông qua thuế bổ sung, chính phủ Việt Nam ước tính doanh thu thuế bổ sung hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (591 triệu USD) từ 122 công ty nước ngoài, và cho biết họ có ý định sử dụng số tiền thu được này để cung cấp tiền mặt cho các công ty đầu tư.
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp mới sẽ không được bù trực tiếp cho gánh nặng thuế gia tăng, theo quy định của sáng kiến Thuế tối thiểu toàn cầu, các quan chức chính phủ nói với các đại diện công ty hôm thứ Ba, theo nguồn tin của Reuters.
Theo các quan chức OECD, mối liên hệ trực tiếp sẽ vi phạm thỏa thuận quốc tế đằng sau sáng kiến này và có thể dẫn đến việc chuyển doanh thu bổ sung sang nước sở tại của các công ty đa quốc gia, mặc dù các biện pháp thực thi hiện vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, đối với một số công ty, các khoản trợ cấp mới có thể chi trả một phần lớn, nếu không phải là tất cả, chi phí thuế bổ sung, các chuyên gia am tường các cuộc thảo luận về vấn đề trợ cấp cho biết.
Reuters
Nguồn : VOA, 07/03/2024
Trung Quốc bắt một nhà tư vấn nước ngoài bị nghi làm gián điệp cho Anh
Thùy Dương, RFI, 08/01/2024
Tại Trung Quốc, vụ việc được báo chí đưa lên trang nhất ngày hôm nay, 08/01/2024, là thông báo của an ninh Trung Quốc phá vỡ một âm mưu gián điệp và bắt giữ một nhà tư vấn nước ngoài bị tình nghi làm việc cho tình báo Anh.
Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/03/2021. AP - Mark Schiefelbein
AFP vẫn chưa kiểm chứng được thông tin một cách độc lập. Về phía Luân Đôn, khi được AFP liên lạc, Bộ Ngoại giao Anh cũng chưa hồi đáp về những cáo buộc của Bắc Kinh. Xin nhắc lại là từ nhiều tháng nay, Luân Đôn và Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc nhau về các âm mưu gián điệp.
Lần này, theo Bộ Công an Trung Quốc, một nhà tư vấn ngoại quốc có bí danh là Hoàng, bị tình nghi làm gián điệp cho cơ quan mật vụ Anh MI6, đã chuyển cho cơ quan này 17 thông tin tình báo, kể cả các vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước Trung Quốc, trước khi bị phát giác.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde giải thích :
Một lần nữa, có một nhân viên của một công ty tư vấn nước ngoài là mục tiêu bị nhắm đến trong vụ việc được báo chí nhà nước Trung Quốc mô tả là hoạt động gián điệp. Chuyên gia tư vấn này, đến từ "một nước thứ ba", bị nghi ngờ đã được các cơ quan tình báo của Anh tuyển dụng để thực hiện nghiên cứu về một lĩnh vực mà chính quyền Trung Quốc xếp vào diện an ninh quốc gia và để tuyển mộ các liên lạc viên ở Trung Quốc.
Thông cáo chính thức không nêu rõ "nước thứ ba" là nước nào và cũng không nói đến ngành công nghiệp có liên quan, nhưng cáo buộc người bị xem là gián điệp đã cung cấp các bí mật nhà nước cho Anh Quốc. Có bí danh là Hoàng (Huang), nghi phạm được cho là đã được tình báo đối ngoại Anh MI6 tiếp cận vào năm 2015 để nhờ thực hiện một nhiệm vụ tình báo. Người này cũng được cho là đã được đào tạo và trang bị phương tiện để thực hiện nhiệm vụ.
Các vụ bắt giữ "gián điệp nước ngoài" đã tăng nhanh kể từ khi Bắc Kinh sửa đổi luật phản gián hồi mùa xuân năm 2023. Những người bị nghi ngờ làm việc cho Mỹ hoặc cho Nhật và nay là cho Anh đều bị cáo buộc là hoạt động gián điệp chiếu theo luật mới.
Thùy Dương
************************
Trung Quốc trừng phạt các công ty quốc phòng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Minh Phương, RFI, 07/01/2024
Hôm nay 7/1/2024, chính quyền Trung Quốc công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào 5 công ty quốc phòng của Mỹ nhằm đáp trả việc các doanh nghiệp này bán vũ khí cho Đài Loan.
Gian hàng của các tập đoàn quốc phòng Mỹ tại triển lãm vũ khí Eurosatory, Villepinte, bắc Paris, Pháp, ngày 14/06/2022. AP - Michel Euler
Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, danh sách 5 công ty quốc phòng bị đưa vào lệnh trừng phạt lần này gồm BAE Systems Land and Armament, Alliant Techsystems Operation, AeroVironment, ViaSat và Data Link Solutions. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước đã phê duyệt chương trình vũ khí trị giá 300 triệu đô la, nhằm tăng cường hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến đấu của Đài Bắc.
Cụ thể, các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm đóng băng tài sản của các công ty này ở Trung Quốc, cấm các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc thực hiện giao dịch hay hợp tác với các doanh nghiệp này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói thêm : "Việc Mỹ bán vũ khí cho khu vực Đài Loan của Trung Quốc (…) gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".
Kể kể từ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, Bắc Kinh đã thường xuyên đưa máy bay và tàu chiến đến gần hòn đảo. Căng thẳng càng lên cao khi gần đây, Trung Quốc liên tục tạo áp lực nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, dự kiến diễn ra vào ngày 13 tháng 1 tới. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng nhiều lần lên án Trung Quốc thả các khinh khí do thám trên khu vực đường trung tuyến giữa hòn đảo với Hoa lục.
Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã tuyên bố sẽ kiểm soát hòn đảo thậm chí có phải sử dụng tới vũ lực.Hôm qua, phát biểu trong lễ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định "hợp tác là lựa chọn đúng đắn nhất" cho hai nước. Ông cũng nói thêm rằng hai nước không nên chỉ vì những khác biệt mà đối đầu nhau, không nên sử dụng các lệnh trừng phạt hay tham gia vào các "trò chơi quyền lực, nơi mà không ai là kẻ thắng cuộc".
Minh Phương
Doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Việt Nam
Minh Anh, RFI, 11/04/2023
Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương Mại Châu Âu công bố hôm 11/04/2023, các nhà đầu tư nước ngoài không kỳ vọng có sự thay đổi lớn nào trong đầu tư tại Việt Nam trong qúy II này, sau khi dòng vốn bị suy giảm trong ba tháng đầu năm.
Một công nhân đang may quần áo tại nhà máy Pro Sports ở tỉnh Nam Định, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 24/10/2017 - AP - Hậu Đình
Nếu như chỉ số môi trường kinh doanh hàng qúy xác nhận Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài, thì 58% trong số 200 công ty và cá nhân Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định không dự trù thay đổi kế hoạch đầu tư ở Việt Nam trong qúy II.
Khảo sát cũng cho thấy, 55% các nhà quản lý nước ngoài không có ý định tăng số nhân viên và 16% dự định cắt giảm bớt việc làm. Chỉ còn khoảng ¼ số người được hỏi là vẫn tỏ ra lạc quan về kế hoạch tuyển dụng.
Theo nhận định của Phòng Thương Mại Châu Âu, nguyên nhân một phần là do nhu cầu toàn cầu giảm, nhưng mặt khác, những bất ổn về chính trị gần đây như việc bãi nhiệm chủ tịch nước và nhiều quan chức chính phủ cao cấp trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, cũng như tình trạng pháp lý ở Việt Nam khiến nhiều nhà quản lý nước ngoài phải tỏ ra thận trọng.
Do vậy, khảo sát khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài – FDI.
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại, Hà Lan, Pháp, Luxembourg và Đức là những nhà đầu tư hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt quá 20 tỷ đô la. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với các khoản đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tăng trưởng của Việt Nam trong qúy I/2023 là 3,32% giảm nhiều so với mức 5,92% cùng kỳ năm 2022. Hàng nghìn lao động đã bị cắt giảm trong các ngành gia công giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những điểm gia công hàng đầu thế giới cho các hãng lớn như Adidas và Nike của Đức.
Minh Anh
*************************
Nhà đầu tư nước ngoài thận trọng khi rót tiền vào Việt Nam
Reuters, VOA, 11/04/2023
Giới kinh doanh nước ngoài không có thay đổi lớn nào trong đầu tư vào Việt Nam trong qúy này, sau khi dòng vốn đầu tư giảm trong 3 tháng đầu năm 2023, Reuters dẫn kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hôm 11/4 cho biết.
Một xưởng may mặc ở Việt Nam.
Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) Quý I cho thấy cường quốc sản xuất Đông Nam Á này vẫn là điểm đến hàng đầu của đầu tư doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhu cầu toàn cầu giảm đi và sự không chắc chắn về tình hình chính trị và pháp lý trong nước khiến hầu hết các nhà quản lý vẫn thận trọng.
Cuộc khảo sát tập trung vào các công ty và cá nhân Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 58% trong số hơn 200 nhà quản lý được khảo sát không có kế hoạch thay đổi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong qúy này.
Việt Nam tiếp nhận 4,3 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong qúy đầu tiên, giảm 2,2% so với một năm trước đó, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ được công bố vào cuối tháng 3.
Đa số các nhà quản lý cho rằng Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm FDI. Đất nước này đã chứng kiến những cuộc cải tổ chính trị lớn gần đây, bao gồm cả việc bãi nhiệm chủ tịch nước và các quan chức cấp cao khác như một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn do đảng Cộng sản cầm quyền dẫn đầu.
Trong khi đó, 55% các nhà quản lý cho biết họ không mong đợi tuyển dụng thêm lao động trong qúy này và 16% dự báo sẽ cắt giảm việc làm. Khoảng ¼ vẫn lạc quan về kế hoạch nhân sự của họ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 3,32% trong qúy đầu tiên, giảm từ mức 5,92% trong qúy IV năm 2022, trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Tuần qua,truyền thông trong nước dẫn lời ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam cho biết trong qúy I vừa qua, kinh tế Việt Nam đối mặt với vô vàn thách thức như lạm phát gia tăng, đơn hàng từ các đối tác lớn của Việt Nam như Châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ suy giảm.
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh có chiều hướng giảm sút, hôm 10/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ký ban hành mộtcông điện nhằm "thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu" với việc "tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp".
Hàng nghìn việc làm đã bị cắt giảm trong năm nay trong ngành giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới của những gã khổng lồ như Adidas của Đức và Nike.
(Reuters)
Mai Vân, 21/12/2020
Trước thềm năm 2021, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất ngờ lâm vào cảnh không có chủ tịch. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhóm nước Châu Á, đến lượt lên làm chủ tịch luân phiên của Hội Đồng, đã không nhất trí được về người được toàn nhóm đề cử. Trung Quốc bị nghi ngờ là tìm cách gạt bỏ ứng viên không vừa ý để đưa người thân Bắc Kinh lên thay.
Ngày 16/12/2020 vừa qua, chủ tịch mãn nhiệm của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève (Thụy Sĩ), nhà ngoại giao Áo Elisabeth Tichy-Fisslberger, đã lên tiếng kêu gọi cơ chế Liên Hiệp Quốc này khẩn cấp chọn ra một chủ tịch mới ngay từ đầu năm 2021 để điều hành Hội Đồng.
Hội đồng Nhân quyền là một cơ chế của Liên Hiệp Quốc, bao gồm 47 thành viên do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu lên và được phân bổ theo 5 khu vực địa lý : Châu Á -Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh và Caribê, Châu Phi, Đông Âu và Tây Âu. Các nhóm nước này luân phiên giữ chức chủ tịch trong vòng một năm.
Năm 2021 tới đây, chức lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền về tay nhóm nước Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do những bất đồng trong nội bộ, cho đến cuối năm 2020, nhóm nước này vẫn chưa nhất trí được về đại diện cho nhóm ra ứng cử chức chủ tịch, thay thế nữ chủ tịch người Áo mãn nhiệm.
Đây là một sự kiện tương đối bất thường, vì nhìn chung cho đến nay, các khối nước thường thống nhất được ý kiến một cách dễ dàng về người đại diện để đảm nhận chức chủ tịch Hội Đồng. Nguyên nhân, theo một số nhà quan sát, là do Trung Quốc muốn thao túng cơ chế này.
Trong một bài phân tích ngày 16/12/2020, mang tựa đề : "Thấy Washington sắp thay đổi, Trung Quốc đang tập hợp đồng minh tại Liên Hiệp Quốc", tuần báo Anh The Economist đã gắn liền động thái của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền với khả năng tổng thống Mỹ tương lai là ông Joe Biden quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo tuần báo Anh, khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2018, Trung Quốc đã bày tỏ tiếc nuối, một thái độ mà chẳng ai tin.
Đối với mọi người, diễn đàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc chuyên trách một vấn đề luôn luôn khiến Trung Quốc cực kỳ khó chịu, thành ra sự vắng mặt của Mỹ tại các cuộc thảo luận sẽ có lợi cho Bắc Kinh, tránh được rất nhiều chỉ trích công khai về những hành vi chà đạp nhân quyền của Trung Quốc.
Thế nhưng, Joe Biden chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ, có rất nhiều khả năng Washington quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây chính là điều mà Bắc Kinh lo ngại và họ đã bắt đầu chuẩn bị đối phó ngay trong Hội Đồng.
Theo phân tích của The Economist, ý đồ của Trung Quốc có thể được thấy qua những cuộc đấu đá ở hậu trường về việc ai sẽ lên làm chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới đây.
Trước tiên, tuần báo Anh nêu bật nỗ lực của Trung Quốc, với sự tiếp tay của Nga và Ả Rập Xê-Út - nhằm hạ bệ nước được cho là có triển vọng giành ghế chủ tịch, quốc đảo Fiji nhỏ bé ở Thái Bình Dương, và thúc đẩy một nước thích hợp hơn với Bắc Kinh vào vị trí đó. (Trung Quốc và Nga trong năm 2020 không phải là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhưng đã được bầu vào cơ chế này với một nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1 tháng 1 sắp tới).
Một cách cụ thể, vào năm 2021, chức vụ chủ tịch dự kiến sẽ do Fiji, một thành viên của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương đảm nhiệm. Đại diện của Fiji rất được tôn trọng nhờ lập trường về nhân quyền, và hầu như không ai chống việc Fiji làm chủ tịch Hội Đồng.
Thế nhưng vào tháng 11, Bahrain chính thức đệ đơn tranh cử chức chủ tịch. Syria sau đó đã phản đối sự ứng cử của Fiji. Giới ngoại giao cho rằng những động thái này được Trung Quốc và các nước thân Bắc Kinh khuyến khích.
Tuy nhiên, qua tháng 12, khoảng 20 tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi các nước Châu Á bác đơn ứng cử của Bahrain vì những vi phạm nhân quyền tại nước này. Trong tình hình đó, Uzbekistan, một ứng cử viên thứ ba xuất hiện, và cũng được Trung Quốc chấp nhận.
Mưu toan của Trung Quốc đã bị các thành viên dân chủ trong Hội Đồng phản đối và các nước này đang hậu thuẫn cho Fiji, với hy vọng rằng ông Biden sẽ sớm đưa nước Mỹ trở lại Hội Đồng.
Các nước Châu Á - Thái Bình Dương đã không thống nhất được sự lựa chọn. Vì vậy, toàn bộ thành viên chính thức của Hội Đồng sẽ chọn một chủ tịch vào tháng Giêng. Điều này có thể có lợi cho Fiji.
Vai trò chủ tịch Hội đồng Nhân quyền thoạt nhìn không mấy quan trọng vì chương trình hoạt động của cơ chế này do 47 thành viên ấn định chứ không phải chủ tịch, và rất nhiều thành viên Hội Đồng không dám thách thức Trung Quốc.
Ví dụ rõ nhất là cho đến lúc này, Hội đồng Nhân quyền vẫn chưa ra một nghị quyết nào về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc tước bỏ các quyền tự do của người dân Hồng Kông. Vào năm 2018, chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi cơ chế này sau khi không thuyết phục được Liên Hiệp Quốc đề ra những tiêu chuẩn cho thành viên của Hội Đồng.
Tuy nhiên, trong thực tế, chủ tịch hội đồng là người có quyền bổ nhiệm các báo cáo viên đặc biệt, những người có nhiều quyền tự chủ và có thể trở thành cái gai trong mắt các chế độ độc tài.
Vào tháng 6 vừa qua, hơn 50 báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia do Hội đồng Nhân quyền chỉ định đã ký một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Trung Quốc đã nổi cơn giận dữ, cáo buộc những người này vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Gần đây hơn, ngày 16/12/2020, bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, một chuyên gia được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm, đã tố cáo Bắc Kinh về chiến dịch đàn áp kéo dài từ 5 năm nhắm vào giới luật sư đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc, với những biện pháp như "buộc tội, bỏ tù, bắt đi mất tích và tra tấn".
Nhìn chung, theo The Economist, đối với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hiện nay, nếu bổ nhiệm vào ghế chủ tịch một người xuất xứ từ một quốc gia mang tiếng về nhân quyền có thể làm sứt mẻ thêm hình ảnh vốn đã không mấy tốt của định chế này trong công luận phương Tây. Mọi người đều nhớ là vào năm 2003, tiền thân của Hội Đồng là Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã bầu Libya làm chủ tịch.
Nếu điều tương tự xảy ra một lần nữa, ông Biden sẽ gặp khó khăn trong việc đưa Mỹ trở lại Hội Đồng.
Mai Vân
**********************
Thanh Hà, RFI, 20/12/2020
Vào lúc Bắc Kinh hy vọng nhanh chóng hoàn tất hiệp định bảo vệ đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu trước cuối năm 2020, cơ quan đặc trách về các kế hoạch kinh tế NDRC của Trung Quốc thông báo chuẩn bị công bố các điều lệ giới hạn đầu tư ngoại quốc trong các lĩnh vực "nhậy cảm".
Thông báo hôm 19/12/2020 của cơ quan NDRC nói rõ các điều khoản mới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 18/01/2021. Theo quy định mới, mọi dự án đầu tư nước ngoài vào công nghiệp Trung Quốc sẽ phải trải qua nhiều cuộc "kiểm tra thấu đáo" và phải có sự chấp thuận của chính quyền. Bắc Kinh quy định các lĩnh vực từ nông nghiệp đến năng lượng giao thông, internet và các ngành dịch vụ tài chính đều thuộc diện "nhậy cảm".
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tại Trung Quốc từ đầu năm tới nay đã có một đạo luật bảo đảm "đối xử công bằng" với các nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc hoạt động. Giới quan sát cũng ngạc nhiên cho rằng Bắc Kinh đưa ra các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát các luồng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đang ráo riết chạy nước rút để hoàn tất về hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và Liên Âu.
Tới nay Bruxelles luôn đòi Bắc Kinh tôn trọng các thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Châu Âu và chấm dứt chính sách trợ giá, một biện pháp bảo hộ trá hình.
Thanh Hà
Điều kiện sống cho công nhân, tính bền vững trong cộng đồng, cơ sở vật chất hay yếu tố chuỗi liên kết là những điều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến khi quyết định bỏ tiền vào Việt Nam
Ông Nguyễn Trần Bạt, người được báo Dân Trí phỏng vấn ở bài báo "Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt : Apple bỏ chọn Việt Nam là bài học rất đau xót", đăng hôm 22/8/2020, đã có đoạn nhận xét như trên.
Phóng viên báo Dân Trí nêu câu hỏi : Điều kiện sống cho công nhân, tính bền vững trong cộng đồng, cơ sở vật chất hay yếu tố chuỗi liên kết là những điều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến khi quyết định bỏ tiền vào Việt Nam, ông có cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi thu hút những con đại bàng lớn với triết lý và văn hóa kinh doanh khác biệt ?
Ông Nguyễn Trần Bạt, trả lời như sau :
"Chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là ‘du thủ du thực’ về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người.
Chúng ta đừng quên rằng người ta cần tìm kiếm là con người có giáo dục, có năng lực nghề nghiệp. Việt Nam không đủ điều kiện để quyến rũ các công ty ồ ạt chạy vào, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Như trường hợp Apple, nguyên nhân thiếu chỗ ở cho công nhân thì không thể tiến hành sản xuất ở đây được là sự thật đáng buồn ! Việc Apple bỏ đi không chọn Việt Nam cho thấy, chúng ta đã chưa thực sự chuẩn bị kỹ "tổ" để đón đại bàng. Nhất là về vấn đề con người" (dừng trích).
Ông Nguyễn Trần Bạt, được báo Dân Trí giới thiệu là doanh nhân, nhà tư vấn, luật sư, người sáng lập Invest Consult Group, công ty tư vấn chuyên nghiệp về đầu tư tại Việt Nam. Từ năm 1975 đến 1984, ông Nguyễn Trần Bạt từng là quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải.
Theo lý lịch khoa học, thì thân phụ của ông Nguyễn Trần Bạt là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám, nhưng vì ông nội và ông ngoại của ông Bạt là các địa chủ, nên thân phụ của ông đã bị tạm dừng sinh hoạt Đảng cho tới năm 1960.
Với những trích ngang lý lịch nói trên cho thấy ông Nguyễn Trần Bạt rất hiểu đâu là điểm yếu mang tính ‘căn cơ’ của trách cứ "Chúng ta đã không chuẩn bị cho con người".
Bài phỏng vấn trên báo Dân Trí, có đoạn ông Nguyễn Trần Bạt kể :
"Những năm đầu tiên của đầu tư nước ngoài, tôi từng tham dự những lớp tập huấn của các giáo sư người Mỹ tại văn phòng Chính phủ. Có buổi một vị giáo sư hỏi một quan chức cấp Thứ trưởng của Việt Nam : "Trâu bò ở nước các anh thuộc tài sản cố định hay lưu động ?". Vị thứ trưởng trả lời tỉnh bơ là "tài sản lưu động vì nó đi lại và dịch chuyển được" !
Có những lúc ngớ ngẩn như vậy mà chúng ta còn mở cửa và thu hút được các doanh nghiệp FDI thì nay chúng ta đã khác rồi, tại sao không kéo họ vào được. Người đòi hỏi chúng ta mở cửa khôn hơn chúng ta nhiều, họ đặt tiền cho chúng ta rồi, họ cần chúng ta làm thật, nghĩ thật. Chúng ta dốt cũng được nhưng phải thật !".
Ban biên tập báo Dân Trí có rào trước đón sau rằng chỉ "xin trích đăng cuộc trò chuyện" với ông Nguyễn Trần Bạt. Như vậy, với việc bỏ lửng đoạn tiếp theo mà người đọc không khó để suy diễn, là có phải giờ đã là giai đoạn mà Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận thương mại FTA thế hệ mới, thì các nhà đầu tư ngoại quốc cần những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải "nói được – làm được" bằng cụ thể luật pháp, chứ không phải là các nghị quyết duy ý chí giai cấp.
Người viết bài này còn nhớ là chỉ thời gian ngắn sau khi Việt Nam mở cửa mời gọi đầu tư ngoại quốc, khi bắt đầu thu hút kha khá doanh nghiệp vào Việt Nam làm ăn, thì bất ngờ Việt Nam đưa ra yêu cầu là "thí điểm thành lập tổ chức Đảng" trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dĩ nhiên là vấp phản ứng, vì đơn giản thôi, thời gian lao động khép kín, chẳng còn quỹ thời gian nào để dành cho chuyện "sinh hoạt chi bộ". Hơn nữa, việc có thêm một hội đoàn chính trị trong môi trường sản xuất, kinh doanh của đồng vốn tư bản, là những khiên cưỡng.
Người viết cho rằng với sự dũng cảm thật sự của ban biên tập báo Dân Trí khi cho duyệt đăng nhận xét sau đây của ông Nguyễn Trần Bạt : "Hy vọng các công ty Mỹ từ Trung Quốc chạy về Việt Nam là không thực tế. Chúng ta thấy công ty Mỹ ở đây đa số chỉ có văn phòng đại diện, số công ty Mỹ hoạt động thật ở Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp trong khi doanh số của Mỹ ở khu vực Châu Á rất lớn. Thực tế này buộc Việt Nam phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự giải đáp", thì phía Đảng – Nhà nước Việt Nam cần tử tế nhìn lại mình, tránh ảo tưởng "mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam", để có thể đưa ra những quyết sách thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 24/08/2020
Chú thích :
Tham khảo bài báo tạihttps://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-nguyen-tran-bat-apple-bo-chon-viet-nam-la-bai-hoc-rat-dau-xot-20200822072610977.htm
Chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước ngoài chệch hướng
Hiện nay có nhiều vấn đề phải bàn trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Nhưng có hai vấn đề chính cần tháo gỡ để phát triển bền vững là chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước ngoài chệch hướng. Nếu không tháo gỡ vấn đề thân hữu thì chống tham nhũng bất khả thi. Nếu đầu tư nước ngoài không đúng hướng thì khó phát triển bền vững.
Có hai vấn đề chính cần tháo gỡ để phát triển bền vững là chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước ngoài chệch hướng.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương), chủ nghĩa tư bản thân hữu thực chất là sự bành trướng và biến tướng của nhóm lợi ích. Ở Việt Nam, nhóm lợi ích đang chuyển biến dần sang chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ (1).
Chủ nghĩa tư bản thân hữu đã ăn sâu bám rễ ở Việt Nam do các nhóm lợi ích liên kết giữa các quan chức suy thoái và các doanh nghiệp nhà nước (State-owned enterprise-SOE) đã thao túng "định hướng xã hội chủ nghĩa". Nhưng khi các SOE (như Vinashin và Vinalines) chỉ còn là những đống đổ nát do thua lỗ, thì họ sẽ bị lấn át dần bởi các tập đoàn tư nhân (như Vingroup và Sungroup).
Theo ông Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng), hầu hết các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đều rất nhỏ, trừ một số ngoại lệ như Minh "Him Lam" hay Vũ "Trung Nguyên". Ngoài ra là các các "đại gia" xuất thân là "tướng soái" làm giàu và đi lên từ buôn lậu tại thị trường Liên Xô và Đông Âu cũ.
Các "đại gia" đó đã trở về Việt Nam từ thập niên 1990 khi đất nước bắt đầu mở cửa để đổi mới. Họ đầu tư chủ yếu vào bất động sản và xây dựng quan hệ là hai thứ tài sản có lợi nhất trong thời quá độ. Với túi tiền và kinh nghiệm tham nhũng ở Liên Xô và Đông Âu cũ, họ là những người cơ hội (như "carpetbaggers") đặc trưng của thời kỳ tích tụ tư bản hoang dã.
Đó là vắn tắt bối cảnh thời kỳ quá độ của kinh tế thị trường và chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn tư nhân đầu tư vào bất động sản, tuy một số đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực khác như ngân hàng (VP, VIB, Liên Việt), hàng không (Vietjet), thực phẩm (Masan), siêu thị (Vinmart), y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), và xe hơi (Vinfast).
Các tập đoàn này đã đóng góp đáng kể vào xây dựng hạ tầng, đặc biệt là bất động sản (property development). Từ các triệu phú, nay một số đã nhanh chóng trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý đáng buồn là trong khi họ làm giàu nhanh thì đa số người dân nghèo đi, và đất nước vẫn tụt hậu, với năng xuất lao động càng thấp.
Tại một xã hội chuyển đổi như Trung Quốc và Việt Nam, người ta quen thu tô (rent seeking). Đó là miếng đất màu mỡ cho chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng, nên khó phát triển bền vững. Theo Minxin Pei (2), "gốc rễ của chủ nghĩa tư bản thân hữu nói chung và tham nhũng nói riêng đã ăn sâu".
Ông lý giải "sự tương tác của các thay đổi về thể chế trong quyền sở hữu nhà đất và phản ứng thuận chiều của giới tinh hoa đã sinh ra chủ nghĩa tư bản thân hữu". Một phát hiện quan trọng của ông là chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc do đặc tính phân cấp. Các doanh nghiệp tư nhân có năng lực vượt trội so với nhà nước trong việc khai thác tài sản công.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng một khi các doanh nghiệp tư nhân đã giàu có về kinh tế và có quyền lực chính trị thì họ sẽ theo chủ nghĩa tư bản tự do thay vì chủ nghĩa tư bản thân hữu. Sự trỗi dậy và cố thủ của chủ nghĩa tư bản thân hữu trong kinh tế chính trị Trung Quốc là hệ quả tất yếu của mô hình chuyên chế để hiện đại hóa kinh tế của Đặng Tiểu Bình.
Khi giới tinh hoa nắm quyền lực không hạn chế thì họ sẽ dùng nó để chiếm đoạt thành quả của tăng trưởng kinh tế, làm cho quá trình chuyển đổi khó khăn và bất ổn hơn. Hệ lụy của chủ nghĩa tư bản thân hữu (như bất bình đẳng về tài sản, thế lực mafia địa phương, sự cố thủ của giới tài phiệt có đặc quyền) tạo điều kiện cho những kẻ chiếm được nhiều tài sản bất minh trong xã hội có thế lực chính trị mạnh hơn trong một nền dân chủ mới còn đầy bất ổn.
Khi quyền lực không bị kiểm soát thì các nhóm lợi ích thân hữu là "bên thắng cuộc" sẽ coi thường dư luận và thao túng báo chí như công cụ của họ. Vụ AVG là một ví dụ điển hình, khi hai bộ trưởng phụ trách truyền thông phải vào tù. Nhưng AVG chỉ là phẩn nổi của tảng băng chìm, vì tập đoàn Masan có thể thuê báo chí để diệt nước mắm truyền thống. Sungroup có thể thao túng các quan chức để phạt báo Phụ Nữ thành phố vì dám điều tra các dự án nghỉ dưỡng của họ xâm phạm rừng quốc gia Tam Đảo và quy chế bảo vệ môi trường.
Đầu tư nước ngoài chệch hướng
Đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) là một nhân tố quan trọng để giúp các nước chuyển đổi như Việt Nam phát triển. Nhưng muốn phát triển bền vững thì chính sách thu hút FDI của Việt Nam phải cài đặt đúng hướng. Theo giáo sư Trần Văn Thọ (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam), có bốn tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng FDI.
Một là FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh. Hai là phải tạo điều kiện để các dự án FDI theo mô hình liên doanh với các đối tác trong nước. Ba là phải liên kết giữa FDI với các công ty trong nước để hỗ trợ nhau. Bốn là phải đánh giá xem các dự án FDI đến từ các nước tiên tiến hay từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam (3).
Trong thời kỳ bắt đầu đổi mới (thập niên 1990) cho đến khi gia nhập WTO (2006) Việt Nam còn sợ FDI chi phối nền kinh tế nên luật đầu tư nước ngoài chưa thông thoáng, và khi áp dụng lại gây khó dễ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Quy trình xét duyệt để cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Sau này, người ta nhớ tới giai đoạn mở cửa ban đầu đó như là "bình minh ảo" (false dawn).
Nhưng từ khi gia nhập WTO, Việt Nam lại quá dễ dãi trong quy chế phân quyền xuống các địa phương (decentralization). Vì vậy, các tỉnh thường tranh nhau dự án, và chạy dự án bằng mọi giá, thậm chí bất chấp rủi ro về môi trường và an ninh quốc gia. Khi đánh giá về FDI, Việt Nam thường chỉ chú ý đến số vốn, chứ ít khi chú ý đến chất lượng.
Dự án thép Formosa và đường sắt Cát Linh-Hà Đông là những ví dụ điển hình và bài học đau đớn. Cũng may mà dư luận phản đối mạnh làm Thủ tướng chính phủ phải dừng lại không cho làm dự án thép Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng số vốn ảo 10 tỷ USD mà ông Lê Phước Vũ chủ tập đoàn Hoa Sen đã từng tuyên bố "ngu gì mà không làm thép".
Gần đây, thế giới cảnh giác hơn vì Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ chi phối nền kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư, và họ đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa. Ví dụ, Nhật Bản vừa mới sửa luật về ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.
Các nước phương Tây khác như Mỹ, Úc, Pháp, cũng đang tìm cách ngăn ngừa Trung Quốc mua bán và sát nhập (M&A) những công ty thuộc diện có ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và an ninh quốc gia. Họ đã thông qua việc ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi các đạo luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Việt Nam là một nước đang phát triển và đang chuyển đổi, có vị trí địa lý liền kề Trung Quốc, nên việc cảnh giác và đối phó với ý đồ thao túng của Trung Quốc lại càng hệ trọng hơn so với các nước tiên tiến nói trên. Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách sở hữu các vị trí đất nhạy cảm đối với an ninh của Việt Nam.
Với tham vọng lãnh thổ và "kinh tế cưỡng đoạt", hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn ẩn tàng âm mưu bành trướng của chính quyền Trung Quốc. Gần đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nói rõ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thường núp bóng để thâu tóm các bất động sản có vị trí quân sự xung yếu (tại Vân Đồn, Phú Quốc, Đà Nẵng, v.v).
Tuy Quốc hội không thông qua Luật Đặc khu vì sức ép dư luận, nhưng các nhóm lợi ích gắn với đặc khu không chịu bỏ cuộc, mà sẽ lặng lẽ vận động Quốc hội và Chính Phủ tìm cách khác. Theo báo Dân Trí (25/11/2019), Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tới các "khu kinh tế đặc biệt". Với quy định này, Vân Đồn và Phú Quốc sẽ biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần thông qua luật.
Do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Covid-19, nhiều doanh nghiệp Mỹ và phương Tây sẽ rút khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước để họ chọn. Việt Nam không nên lo ngại rằng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không đến, thì các nước khác cũng không đến, vì có nhiều doanh nghiệp khác nhau. Nay hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập đa dạng hơn, để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Đối với các nước phương Tây như Mỹ, EU và Nhật Bản, ngoài vốn đầu tư thì họ có công nghệ cao, văn hóa kinh doanh lâu đời, và trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp các nước mới phát triển như Trung Quốc hay Đài Loan vẫn thiếu hụt văn hóa và đạo đức kinh doanh, cũng như trách nhiệm xã hội cần thiết.
Nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế phụ thuộc cao độ vào FDI. Khu vực FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu, nhưng không giúp Việt Nam chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, không đưa Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị, trong khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Tuy Việt Nam thu hút nhiều FDI, nhưng xét theo bốn tiêu chí của giáo sư Trần Văn Thọ về FDI thì Việt Nam không thành công.
Theo giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam phải kịp thời cài đặt lại toàn bộ chiến lược thu hút FDI. Đã đến lúc Việt Nam phải sửa lại luật đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế để ngăn ngừa người nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng, và có các điều khoản cụ thể để xử lý người trong nước tiếp tay cho người nước ngoài lách luật (4).
Lời cuối
Muốn đổi mới thể chế cần đồng thuận quốc gia, muốn chống tham những cần minh bạch. Đáng mừng là quá trình "chống dịch như chống giặc" đã giúp Việt Nam kiến tạo được đồng thuận quốc gia và minh bạch thông tin, là hai tài sản qúy hiếm để đổi mới thể chế. Nếu không đổi mới thể chế kịp thời thì Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội đón nhận sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, và làm triệt tiêu luôn cả hai tài sản quý hiếm nói trên.
Gần đây, Việt Nam hay nói đến "dọn tổ để đón đại bàng". Đúng là có nhiều đại bàng đang rời Trung Quốc, nhưng tại sao 27 đại bàng Mỹ vừa rời Trung Quốc lại không đến Việt Nam ? Nếu không trả lời được câu hỏi đó để kịp thời tháo gỡ ách tắc, thì nhiều đại bàng khác sắp rời Trung Quốc sẽ đến Indonesia hay Ấn Độ, chứ không đến Việt Nam. Nếu chỉ chú trọng dọn tổ ở Vân Đồn và Phú Quốc thì Việt Nam chỉ đón được kền kền Trung Quốc.
Thế giới phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhất là về thiết bị y tế và dược phẩm. Đó là một nghịch lý và tử huyệt mà Mỹ và phương Tây đã nhận ra sai lầm vì dính líu quá nhiều và quá lâu với Trung Quốc, nhưng vẫn "đồng sàng dị mộng". Nay Mỹ đang cố đảo ngược thực trạng đó bằng cách "tách đôi" (decoupling), nhưng đây là một bài toán nói thì dễ nhưng làm rất khó, vì Mỹ-Trung đã mắc kẹt vào cái "bẫy phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế".
Đối đầu Mỹ-Trung khác với đối đầu Mỹ-Xô thời chiến tranh lạnh. Nếu trước đây Mỹ-Xô chỉ đối đầu về quân sự và ý thức hệ, thì nay Mỹ-Trung còn đối đầu về kinh tế và công nghệ, vì Trung Quốc là siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Trong khi thế giới phải đối phó với đại dịch, thì Việt Nam có cơ hội "biến nguy thành cơ". Tuy Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ngã ba đường ý thức hệ, nhưng cơ hội này có thể mất nốt nếu đổi mới thể chế quá chậm và quá ít.
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Viet-studies, 20/06/2020
(1) Nguy cơ lợi ích nhóm bao trùm lên mọi nguy cơ khác, Vũ Ngọc Hoàng, Nhân dân, 28/7/2016
(2) China’s Crony Capitalism, Harvard University Press, 2016
(3) FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam, Trần Văn Thọ, the Leader, 21/5/2020
(4) Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc, BBC, 7/6/2020
Kinh tế Việt Nam sẽ ra sao sau nhiều năm có đầu tư nước ngoài ? (VOA, 26/03/2019)
Việt Nam không biết đi theo hướng nào sau thời kỳ phụ thuộc vào nhân công rẻ trong nhiều thập kỷ để phát triển kinh tế
Công nhân làm tôm tại Công ty Hải sản Khánh Sủng ở Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng.
Nhân công rẻ của Việt Nam có thể không còn là ưu thế nổi trội nữa : giá lao động rẻ đã đẩy quốc gia cộng sản tăng trưởng với một trong những tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng các nhà phân tích nói rằng Việt Nam giờ đây cần có một mô hình phát triển kinh tế mới.
Sau một thời gian hồi phục chậm chạp sau chiến tranh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á đã tăng liên tục từ thập niên 1990. Sự tăng trưởng đó đạt được dựa vào lao động giá rẻ và xuất khẩu, cũng như mối lên kết ngày càng tăng giữa các công ty với đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi, giữa việc nhìn lại các mặt hàng xuất khẩu đơn giản như gạo và đồ thể thao gia công cho Reeboks, vốn là nhừng mặt hàng xuất khẩu giúp nền kinh tế phát triển, với việc hướng tới một nền kinh tế tiên tiến hơn như của Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Người dân trong nước không muốn sản phẩm "Made in Vietnam" là dấu hiệu của chất lượng kém. Họ cũng muốn hòa nhập vào thương mại toàn cầu, mà không muốn vấp phải phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa được cho là của những cử tri theo chủ nghĩa dân túy từ Châu Âu và Mỹ.
"Những gì đã phát huy tác dụng trong 30 năm qua không nhất thiết sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong tương lai", Ousmane Dione, giám đốc Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Việt Nam. "Những tác động của các cải cách thể chế và cơ cấu ban đầu dường như đã đạt tới giới hạn của chúng".
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới muốn nói tới công cuộc cải cách kinh tế được biết với cái tên Đổi Mới bắt đầu ở Việt Nam cách đây hơn 3 thập kỷ, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa cho kinh tế thị trường đi vào hệ thống của họ, gồm có việc tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước. Hà Nội đang tiến hành rà soát lại xem chính sách Đổi Mới đã đem lại hiệu quả như thế nào và làm thế nào để đưa ra một đường hướng phát triển kinh tế trong 3 thập kỷ tới.
Các chuyên gia tư vấn đã đưa ra những ý tưởng cho triển vọng phát triển nền kinh tế mới của Việt Nam, trong đó có ba chủ đề chính : internet và các ngành công nghệ cao khác sẽ chiếm lĩnh ; doanh nghiệp sẽ hướng vào kinh tế dịch vụ và những ngành công nghiệp giá trị gia tăng khác hơn là sản xuất hàng tiêu dùng ; và người lao động sẽ thường xuyên nâng cao kỹ năng qua những chương trình đào tạo bền vững.
Ví dụ, công nhân ở các nhà máy quen với việc lắp ráp điện thoại và ô tô, nhưng liệu một ngày nào đó họ có thể tiến lên bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị, chẳng hạn như đảm nhận công việc hỗ trợ về công nghệ cho những người mua các sản phẩm đó, hay không ?
Về mặt công nghệ, Việt Nam có thể làm nhiều hơn để hợp tác với các nước Đông Nam Á, theo CEO của HSBC Việt Nam, Phạm Hồng Hải. Điều đó có thể bao gồm từ việc đảm bảo thanh toán điện tử xuyên biên giới không gặp trở ngại nào, đến việc hợp tác để đối phó với các mối đe dọa trên mạng, theo ông Hải.
"Các doanh nghiệp muốn có những phát triển thực tế giúp xúc tiến thương mại thuận lợi trong khối ", ông Hải nói. Việt Nam "nên tiếp tục đà hội nhập sâu hơn vào khu vực và tận dụng các ích lợi từ toàn cầu hóa".
Bỏ lại phía sau ?
Chủ đề quan trọng khác phải là lực lượng lao động cũng như đảm bảo năng suất và kỹ năng của họ được cải thiện. Hàng triệu người lao động Việt Nam đang dựa vào các kỷ năng sơ khởi để kiếm sống, chẳng hạn như làm công việc dán keo trong dây chuyền sản xuất ví tiền hay thu hái cà phê nơi trang trại.
Đó là nhân công có giá rẻ vốn đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, nhưng không phải tất cả các công việc đó sẽ kéo dài. Vì vậy, từ các nhóm làm việc của các cơ quan chính phủ đến các tổ chức từ thiện đang đưa ra các chương trình giáo dục và đào tạo để trang bị cho người dân địa phương các kỹ năng cho tương lai.
Điều này có nghĩa không chỉ là để bảo đảm cho công ăn việc làm bền vững, mà còn để người Việt Nam không cảm thấy bị bỏ lại phía sau hoặc cay đắng nếu các công việc mà họ làm bị chuyển sang các nước có giá lao động rẻ hơn. Việt Nam hy vọng sẽ tránh được sự phẫn nộ của chủ nghĩa dân túy ở các khu vực khác trên thế giới, cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Vì vậy, Việt Nam đang chuyển sang các đối tác như Úc, nơi đã hỗ trợ các dự án cho phép thành quả kinh tế được lan rộng hơn.
Craig Chittick, đại sứ Úc tại đất nước 100 triệu dân này, cho biết, Việt Nam đã đề ra một "chương mới trong đó nắm bắt sự đổi mới, thúc đẩy cải cách táo bạo và giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình".
Chính phủ của ông Chittik đã đứng đằng sau các chương trình tại Việt Nam như trung tâm KOTO, nơi dạy các kỹ năng lao động cho trẻ em lang thang, cũng như một cuộc thi phát minh ra các công nghệ hữu ích cho phụ nữ nông thôn và một diễn đàn để thúc đẩy đầu tư tác động. Không phải tất cả các nhóm đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế trong quá khứ, nhưng vẫn có cơ hội để thay đổi điều đó trong một Việt Nam mới.
Ha Nguyen
*******************
Bến Tre : Thanh niên treo cổ chết trong buồng giam bằng "những sợi vải xé ra từ quần thun" (RFA, 25/03/2019)
Thêm một người dân thứ 2 được ghi nhận chết trong đồn công an Việt Nam chỉ trong vòng tháng 3 của năm 2019.
Thanh niên treo cổ chết trong buồng giam bằng "những sợi vải xé ra từ quần thun" - Ảnh minh họa. AFP
Lần này, nạn nhân là ông Dương Văn Lợi sinh năm 1980, sinh sống ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được phát hiện chết trong tư thế treo cổ vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25/03/2019 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bến Tre.
Báo Tuổi trẻ Online dẫn thông tin ghi nhận hiện trường ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre, thì ông Dương Văn Lợi được phát hiện trong tư thế treo cổ bằng những sợi vải xé ra từ chiếc quần cũ (dùng để chùi chân) treo lên những thanh lam (chỗ thông gió trong phòng tạm giam).
Trong khi đó mạng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng nạn nhân kết liễu đời mình bằng chiếc quần thun của một người bị tạm giữ trước đó bỏ lại trong tủ.
Trước đó, ngày 4/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Dương Văn Lợi và sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi giết người.
Theo truyền thông trong nước, vụ việc xuất phát từ chiều 3/3 khi anh Huỳnh Văn Thanh tổ chức nhậu tại nhà cùng với 4 người khác. Cuộc nhậu kéo dài khoảng 30 phút thì Dương Văn Lợi đến tham gia. Đến 21g cùng ngày, Lợi về nhà mở tivi xem nhưng bị âm thanh loa karaoke át tiếng nên yêu cầu nhóm nhậu xoay loa về hướng khác thi xảy ra mâu thuẫn với nhóm bạn nhậu, sau đó xảy ra xô xát. Dù được can ngăn nhưng sau đó Lợi vẫn cầm dao chém các bạn nhậu trước đó khiến một người tên Huy tử vong.
Trước đó, một người khác tên Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1977, tử vong sau 5 ngày bị giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về hành vi đánh bạc.
"Theo lời khai cán bộ công an đi cùng, bệnh nhân ở phòng tạm giam cả tối qua tự đập đầu, người vào tường.
Đến khoảng 11g30 ngày 13/3, được phát hiện trong tình trạng hôn mê, được đưa vào Bệnh viện Nam Đàn cấp cứu, chuyển viện trong tình trạng chấn thương sọ não...
Chẩn đoán hôn mê chấn thương sọ não", Giấy chuyển viện của BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ở phần tóm tắt bệnh án ghi rõ.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc về công ước chống tra tấn hôm 11/03/2019, đại diện Bộ Công an tiết lộ rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do "phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử".
Năm 2018, theo ghi nhận trên truyền thông của Đài Á Châu Tự Do có ít nhất 11 trường hợp người dân Việt Nam chết trong nơi tạm giam, tạm giữ mà phần lớn trong số đó được thông báo là "tự tử" hoặc "tử vong do bệnh lý".
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc hết là "công xưởng toàn cầu" nhờ nhân công nhiều và rẻ. Nhưng đà tăng trưởng suy giảm và viễn ảnh thương chiến dai dẳng với Hoa Kỳ còn khiến giới đầu tư nước ngoài đi tìm thị trường kế cận là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trào lưu này.
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, giới quan sát tài chính có thấy một trào lưu mới trong khu vực Đông Nam Á, gồm hơn 650 triệu dân và có sản lượng kinh tế tổng cộng chừng 3000 tỷ đô la một năm, là nơi tiếp nhận rất nhiều đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và hiện tượng đó còn tăng tốc rất mạnh trong năm 2018 vừa qua. Đáng chú ý không kém là lượng đầu tư ấy còn cao hơn số đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, phải chăng giới đầu tư quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc mà dồn tiền vào các nước Đông Nam Á ?
Công nhân tại nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử Samsung Electronics Vietnam - Vietnamnet
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn về dài thì khu vực Đông Nam Á được giới đầu tư quốc tế chú ý từ lâu, với lượng đầu tư tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, trung bình là 7% một năm. Chiều hướng đó được đẩy mạnh từ năm sáu năm trước, khi kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò "công xưởng toàn cầu" nhờ có dân số đông và nhân công rẻ. Diễn đàn này của chúng ta dự báo sự kiện đó hơn năm năm về trước và nói đến triển vọng cho Việt Nam. Ngày nay, nhiều chuyển động khác còn đẩy mạnh chiều hướng đó hơn nữa.
Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng mạnh như xưa ; thứ hai, khó khăn chính trị bên trong và nhiều mâu thuẫn đa diện với Hoa Kỳ ở bên ngoài khiến thị trường Trung Quốc hết là nơi đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, trong năm 2018 vừa qua, lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Đông Nam Á lại cao hơn số đổ vào Trung Quốc… Xin nói thêm rằng người ta quen gọi tắt "đầu tư trực tiếp của nước ngoài" bằng Anh ngữ là FDI.
Thanh Trúc : Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc mắc là vì sao kinh tế Trung Quốc có một tỷ 400 triệu dân với đà tăng trưởng dù có sụt và chỉ còn dưới 7% và sản lượng kinh tế chừng 13 ngàn tỷ một năm, lại không thu hút được đầu tư của quốc tế ngoài bằng các nước Đông Nam Á dầu sao cũng chỉ có 650 triệu dân, và sản lượng chừng ba ngàn tỷ, với đà tăng trưởng coi như cao nhất là Việt Nam thì cũng chừng 7% một năm mà thôi ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi rất hay vì cho chúng ta thấy lối tính của các doanh nghiệp khi chọn nơi đầu tư. Về bối cảnh chumg thì năm ngoái, lượng đầu tư trực tiếp của quốc tế ra ngoài giảm gần 20%. Tại sao như vậy ? Thứ nhất, vì Hoa Kỳ dưới chính quyền của ông Donald Trump thay đổi đạo luật thuế khóa và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản để đầu tư ở nhà hầu tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Thứ hai, trận thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh khiến hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập nội cao hơn. Thứ ba là mâu thuẫn Mỹ-Hoa sẽ chi phối các nghiệp vụ đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc, nên họ phải tìm bãi đáp ở nơi khác, nơi đó là khu vực Đông Nam Á gần Trung Quốc. Và yếu tố thứ tư là khả năng xuất khẩu của Đông Nam Á khi mà sức nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm dần.
Thành thử khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành bệ phóng cho việc xuất cảng ra ngoài, cho nên dù lượng đầu tư trực tiếp FDI toàn cầu có giảm 19% năm ngoái, đầu tư vào Đông Nam Á vẫn tăng đến hơn 10% lên tới 145 tỷ đô la, tương đương với 20% của tổng số đầu tư quốc tế. Nói cho gọn thì khu vực Đông Nam Á đang có thế mạnh khi đàm phán và tiếp nhận đầu tư của các nước khác.
Thanh Trúc : Nói về thế mạnh đó của Đông Nam Á, ông cho rằng những yếu tố nào là đáng kể nhất ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung thì thị trường hơn 650 triệu dân có mãi lực cao, lợi tức trung bình một đầu người là 4.600 đô la một năm chứ không ít. Thứ hai là phí tổn trong ngành chế biến tương đối vẫn còn thấp nên đầu tư dễ có lời cao trong một chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiều nước cùng góp phần ráp chế một sản phẩm. Yếu tố thứ ba là 10 nước trong Hiệp Hội Quốc Gia Đông Nam Á, gọi là ASEAN, có giao kết tự do thương mại với các khối kinh tế lớn nên hàng hóa dễ bán hơn.
Thứ tư, khu vực này còn có đặc tính đa năng và đa diện khả dĩ đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của thiên hạ, tôi xin nêu vài thí dụ : Singapore là một trung tâm tài chính có thể mở ra toàn khu vực ; Indonesia là nơi tiếp nhận đầu tư về công nghệ hay thuật lý cao ; Thái Lan, Malaysia và Philippines là những nơi có sẵn hạ tầng chế biến mặt hàng tiêu dùng, xưa kia là ưu thế của Trung Quốc nay sẽ cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Dù còn nghèo thì Lào vẫn là xứ có tiềm năng vế khoáng sản và thủy điện, Cam Bốt cũng đang bước từ nghề may mặc áo quần lên chế biến hàng điện tử, còn Miến Điện hay Myanmar cũng có thể ra khỏi khủng hoảng mà trở thành cửa ngõ giao dịch với Ấn Độ Dương.
Thanh Trúc : Thưa ông, còn Việt Nam trong khu vực đó có những thế mạnh gì ?
Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có dân số gần trăm triệu chứ không ít và với đà tăng trưởng được coi như cao nhất khu vực nên vẫn có hy vọng thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sơ đẳng như áo quần, giầy dép, đồ gỗ lẫn ráp chế điện tử tương đối đòi hỏi tay nghề cao hơn. Năm qua, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng được 9%, là điều đáng mừng. Nhưng vì ba trở ngại là hạ tầng cơ sơ vật chất lẫn luật pháp chưa cải thiện bằng xứ khác, tham nhũng vẫn tràn làn và trình độ tay nghề của các nhân viên chuyên môn còn thấp nên Việt Nam chưa khai triển hết lợi thế của mình khi đàm phán và thuyết phục giới đầu tư nước ngoài. Việc cải cách cơ chế và thực thi các cam kết về môi sinh và lao động trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có sức thuyết phục rất cao.
Nhìn về dài cho một viễn ảnh phát triển trường kỳ thì Việt Nam nên thu hút đầu tư của nước ngoài làm lực đẩy cho đầu tư nội địa, của người Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đều tính toán như vậy.
Thanh Trúc : Nếu nhìn từ giác độ của giới đầu tư ngoại quốc như từ Hoa Kỳ, Âu Châu hay Đông Bắc Á thì họ thấy những gì là ưu thế lâu dài của Đông Nam Á để tới nơi rồi sẽ ở lại thay vì tìm bãi đáp khác ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, việc tìm một bãi đáp khác cũng mất nhiều năm chứ không dễ đâu !
Trước đây, Trung Quốc là nơi hấp dẫn đầu tư để bán hàng ra ngoài cho tới khi kinh tế thay đổi vì yếu tố dân số khiến nhân công không còn rẻ và vì chiến lược của Bắc Kinh là từ bỏ dần các ngành chế biến hạng thấp để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn thì Đông Nam Á là cơ hội điền thế vào khoảng trống Trung Quốc.
Bây giờ, khi đà tăng trưởng sút giảm và mâu thuẫn của Trung Quốc với Hoa Kỳ gia tăng thì cơ hội đó càng sáng tỏ. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn ưu thế là có chuỗi cung ứng sản phẩm trải rộng nhưng động thái gay gắt của Bắc Kinh càng khiến giới đầu tư muốn tìm nơi khác.
Chẳng hạn như Đài Loan đã đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc nhưng nay khuyến khích các doanh nghiệp của họ tìm xuống hướng Nam cho an toàn. Nam Hàn cũng thấy mức lời từ Trung Quốc giảm dần trong lâu dài nên tìm xuống các thị trường Đông Nam Á và đang thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với Indonesia, Malaysia và Philippines.
Thanh Trúc : Ông nói tới "chuỗi cung ứng" của Trung Quốc là một ưu thế, thưa ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết cái đó là gì vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một sản phẩm hoàn tất kết hợp nhiều cơ phận và là đóng góp từ nhiều quốc gia. Thí dụ như sản phẩm nói là chế tạo tại Trung Quốc để bán ra ngoài có phần đóng góp của xứ khác khi sản xuất từng cơ phận chế ráp thành một sản phẩm hoàn tất. Nhà đầu tư hội nhập các yếu tố cung cấp từ nhiều nơi và dù có nhãn hiệu "Made in China", phần đóng góp thuần túy của Trung Quốc không là 100%.
Nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn của nhiều nước Á Châu như Đài Loan, Nam Hàn, thậm chí Việt Nam. Khi mâu thuẫn gia tăng với Mỹ và số xuất khẩu vào Trung Quốc giảm thì giới đầu tư muốn lập ra một hệ thống ráp nối khác, một chuỗi cung ứng khác.
Thanh Trúc : Nói về Việt Nam thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là rủi ro của xứ này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế Việt Nam có nhược điểm là 1/ quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài để xuất khẩu và cơ bản là làm gia công cho xứ khác, 2/ mua nhiều nhất từ Trung Quốc nhưng lại bán nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ, 3/ thiếu quân bình vĩ mô về công chi thu vả chính sách tiền tệ nên có thể kém sức cạnh tranh nếu so sánh với các lân bang trong khu vực.
Nhưng trận thương chiến Mỹ-Hoa lại mở ra cơ hội mới và đó là lợi thế. Như Tháng Giêng vừa qua, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái, chủ yếu là vào các khu vực khoa học, điện tử, thông tin và viễn thông. Nói tới "chuỗi cung ứng" thì ta nhớ khái niệm "trị giá gia tăng", mọi quốc gia đều mong góp phần sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn của mình. Muốn vậy thì Việt Nam nên nhân cơ hội nâng cấp đóng góp của nhân công và doanh nghiệp nội địa và đấy cũng là cơ hội thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Thanh Trúc : Nói về viễn ảnh lâu dài, thưa ông, Việt Nam nên khai thác cơ hội này như thế nào cho năm bảy năm tới ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong trường kỳ, Việt Nam nên nhắm vào mục tiêu hơi trái ngược. Đó là phải ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu để tránh ảnh hưởng thăng giáng bất thường của thị trường quốc tế, chỉ dấu cảnh báo trước mắt là xuất cảng tháng trước đã giảm hơn 1,2%. Mục tiêu thứ hai là gia tăng khả năng đóng góp của doanh nghiệp nội địa hầu bớt lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài.
Nghịch lý hơi khó hiểu ở đây là khi giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào Việt Nam như một nơi kiếm lời cao hơn thì Việt Nam phải chuẩn bị cho việc doanh nghiệp của mình sẽ có mức lời cao hơn. Sau Nhật Bản thì Nam Hàn hay Đài Loan cũng đã tính toán như vậy từ nửa thế kỷ trước, để ngày nay là những chủ đầu tư mà các nước Đông Nam Á đều trông ngóng, mời chào.
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc m xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 27/02/2019
Phần I
Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Hình minh họa : Chủ tịch Foxconn Terry Gou (bìa phải) hướng dẫn Tống thống Donald Trump (người thứ nhì từ phải sang) tham quan trụ sở Foxconn tại bang Wisconsin hồi tháng 6/18. AFP
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Hãng thông tấn Reuters vào đầu tháng 12 loan tin đại diện của Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm Iphone lớn nhất của Apple, cho biết tập đoàn này cân nhắc Việt Nam và Thái Lan là những nơi có thể giúp tránh tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như những trở ngại về công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng.
Reuters còn dẫn nguồn từ Báo mạng Vietnam Investment Review đăng tải thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội và vấn đề này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ vào hạ tuần tháng 11 vừa qua. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng lên tiếng xác nhận với Reuters rằng Việt Nam đang thảo luận với Foxconn về vấn đề này.
Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, còn có tên gọi là Tập đoàn Hồng Hải có hơn 100 công ty và chi nhánh trên thế giới, chuyên về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Foxconn xây dựng một số nhà xưởng ở các tỉnh thành của Việt Nam từ hồi tháng 3 năm 2007.
Một số chuyên gia kinh tế ở trong nước cho rằng nếu như Foxconn thành lập nhà máy lắp ráp Iphone tại Hà Nội thì điều này cho thấy cánh cửa cơ hội của Việt Nam được mở ra để chào đón những tập đoàn gia công lắp ráp của thế giới dịch chuyển từ Trung Quốc sang, hay các nhà sản xuất với công nghê tiên tiến từ Châu Âu, Châu Mỹ đến và thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 mà Chính phủ Hà Nội đề ra.
Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nhận định với RFA :
"Điều này thấy rất là rõ, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì một số nhà đầu tư vào Trung Quốc rút về và chẳng hạn như định hướng của Foxconn đưa lắp ráp Iphone sang Việt Nam. Đây là một cơ hội nên tận dụng vì ngoại lực cũng là một yếu tố quan trọng, góp phần vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. "
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được xem là mở màn hồi đầu tháng 7 năm 2018, khi Mỹ ra quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 34 tỷ đô la Mỹ (USD) hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ tiếp tục công bố danh sách chính thức áp dụng mức thuế 25% lên 279 mặt hàng, tương ứng 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kể từ ngày 23 tháng 8. Vào ngày 24 tháng 9, Mỹ tuyên bố áp mức thuế quan bổ sung 10% lên 200 tỷ USD các sản phẩm từ Trung Quốc và sẽ tự động tăng lên 25% từ năm 2019.
Trong năm 2017, phần lớn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là mặt hàng điện tử, đồ gia dụng và quần áo. Và trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, các tập đoàn sản xuất thế giới, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ đầu tư ở Trung Quốc lên kế hoạch di chuyển sang Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á để tránh ảnh hưởng tác động bởi mức thuế mới của Mỹ.
Một số các tập đoàn như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản hồi tháng 7 cho biết có kế hoạch di chuyển sản xuất. Tập đoàn GoerTek, chuyên sản xuất thiết bị điện tử thông minh cho Apple, có trụ sở ở Sơn Đông-Trung Quốc vào tháng 10 thông báo sẽ chuyển nhà máy sản xuất thiết bị tai nghe không dây qua Việt Nam.
Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 04/10/18, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút FDI 3 thập niên qua.
Những số liệu được trưng dẫn tại Hội nghị cho thấy từ năm 1987 đến năm 2018, Việt Nam thu hút được tổng số vốn FDI đăng ký hơn 334 tỷ USD với gần 27 ngàn dự án và khu vực FDI liên tục phát triển cho đến thời điểm hiện tại chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Điểm đáng chú ý trong đầu tư FDI tại Việt Nam là đầu tư trong công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 190,8 tỷ USD) và những công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là "cứ điểm" sản xuất toàn cầu, như Samsung, Sony, Intel, Microsoft… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Trong cuộc trao đổi với RFA vào tối ngày 12 tháng 12, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển thêm một bước trong vòng 30 năm trở lại đây cùng với chủ trương của Chính phủ Hà Nội là thu hút FDI ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao thì Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và tạo ra được môi trường thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, chẳng hạn như Foxconn đầu tư vào Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :
Số liệu về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 30 năm (1998-2018).Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
"Theo tôi, Việt Nam rất có thiện chí để thu hút còn điều kiện mà các tập đoàn đó yêu cầu hoặc mong đợi thì không thể nào nghĩ rằng Việt Nam có thể sẵn sàng đáp ứng ngay. Nhưng nếu với sự hợp tác một cách có thiện chí của các tập đoàn đó với các cơ quan của Việt Nam thì tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thể tạo ra được các sức hút đáng kể và có được những năng lực ngày càng tăng để thu hút và tiếp thu công nghệ của các tập đoàn lớn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu lên trong trường hợp Foxconn đầu tư công nghệ vào Việt Nam thì Foxconn có thể tận dụng được lợi thế ưu đãi về thuế cũng như lực lượng lao động trẻ, giá rẻ với năng suất lao động cao và dễ dàng đào tạo trở thành công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu của Foxconn ; về phía Việt Nam bên cạnh việc hưởng lợi từ giá trị gia tăng của sản phẩm do Foxconn tạo ra, Việt Nam còn tận dụng được công nghệ của Foxconn và Foxconn có thể sẽ chuyển giao một phần công nghệ trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cũng có những ý kiến của giới chuyên gia khẳng định qua thực tiễn hoạt động và cơ sở hạ tầng của các khu công nghệ cao tại Việt Nam, điển hình 3 khu công nghệ cao ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 2 thập niên cùng những rào cản về cơ chế thì Việt Nam thật sự đối mặt với rất nhiều thách thức trong thu hút FDI về công nghệ cao mặc dù cánh cửa cơ hội dành cho Việt Nam có thể xem là đang rộng mở trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
**********************
Phần II
Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực-Thách thức
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : shtp.hochiminhcity.gov.vn
Trong Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố đầu tư nước ngoài luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam 3 thập niên qua và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên vào công nghệ cao thân thiện môi trường. Ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một trong những điểm chính của ‘Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới" của Việt Nam là chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng yếu tố lợi thế mạnh nhất của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI công nghệ cao là yếu tố về nhân lực. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với RFA :
"Đặc biệt Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm giỏi và có uy tín trên thế giới, có khả năng giúp cho các hãng như Foxconn hay Samsung soạn thảo các văn bản phần mềm mới để điều hành các hệ thống smart phone mới. Tôi cũng rất hy vọng rằng Việt Nam sẽ phát huy được những lợi thế đó. Và muốn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị, sự nỗ lực, hợp tác giữa các bộ, ngành với các địa phương để sớm có thể cung ứng những lao động có chất lượng và có thể khuyến khích chuyển giao một số công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gia tăng giá trị gia tăng của Việt Nam bằng cách là tăng số doanh nghiệp Việt Nam cung ứng các sản phẩm và dịch vụ để sản xuất cho những tập đoàn đầu tư FDI đó".
Truyền thông trong nước, vào hạ tuần tháng 9, đăng tải số liệu thống kê không chính thức hiện có khoảng 400 ngàn trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Nguồn nhân lực này được xem là tài sản quý giá của quốc gia, góp phần cho sự phát triển của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một số chuyên gia kinh tế mà Đài RFA trao đổi khẳng định trong bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như chủ trương của Chính phủ Hà Nội nhắm vào ưu tiên thu hút FDI công nghệ cao thì cần nên có cái nhìn lạc quan cho mục tiêu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng cảnh báo Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc quyết định các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao. Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long nêu lên quan điểm của ông :
"Việt Nam cần phải xem xét ngoài mặt được thì những mặt không được là gì ? Vấn đề có chuyển giao công nghệ được hay không ? Vấn đề có đào tạo được đội ngũ để sau này phát huy được hay không ? Và ngoài vấn đề kinh tế thì đối với vấn đề xã hội liên quan môi trường thì đấy là những vấn đề hiện nay Việt Nam cần xem xét".
Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia nhận định để thực hiện mục tiêu thu hút FDI công nghê cao thì Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Trong 30 năm qua, đa số các dự án đầu tư vào Việt Nam là những dự án có công nghệ lạc hậu. Điển hình, Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, dự án lớn thứ nhì trong danh sách tốp 7 FDI đầu tư ở Việt Nam, với mức đầu tư 7,9 tỷ USD đã gây ra hệ quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ hồi tháng 4 năm 2016.
Tình trạng bò ăn cỏ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội trong nhiều năm. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thiennhien.net
Bên cạnh đó, số dự án công nghệ tiên tiến hiện đại được đầu tư tại Việt Nam trong 3 thập niên chỉ chiếm 5-6%. Ba khu công nghệ cao tại Việt Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng được đánh giá là hoạt động "èo uột" kể từ khi được Chính phủ phê duyệt gần 20 năm trước.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội là một dẫn chứng cụ thể. Được xem như là thành phố khoa học và công nghệ của Việt Nam, tuy nhiên khu công nghệ này được truyền thông quốc nội mô tả là "chỉ lấy cỏ nuôi bò" trong nhiều năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi tháng 2 năm 2017, từng lên tiếng rằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc "20 tuổi vẫn còn bú sữa", một dự án trọng điểm mà giải phóng mặt bằng mãi vẫn không xong.
Tại miền Trung, Khu công nghệ cao Đà Nẵng được cho là hội tụ nhiều lợi thế, với tên gọi "mảnh đất vàng" để thu hút nhà đầu tư. Thế nhưng, tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017, chỉ có 2 dự án hoạt động tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, với tổng số vốn gần 400 tỷ đồng.
Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đạt kết quả tốt nhất so với 2 khu công nghệ cao còn lại, sau 15 năm hoạt động. Mặc dù vậy, hiệu quả vẫn không được như mong đợi so với tiềm lực của khu công nghệ cao này.
Trả lời câu hỏi của RFA về những rào cản và khó khăn khi các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là gì, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na-Uy, qua ứng dụng Messenger đưa ra nhận định của ông :
"Có 4 khó khăn chính, bao gồm :
- Hạ tầng còn yếu kém. Mạng viễn thông đắt đỏ. Hệ thống truyền Internet tốc độ chậm. Hệ thống cầu cảng, bốc dỡ còn chậm.
- Thiếu mạng lưới các công ty cung cấp linh kiện, bộ phận đủ chất lượng.
- Việt Nam thiếu lực lượng nhân lực có tay nghề và thạo tiếng Anh để có thể nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới. Thiếu cả các quản lý bậc trung và cao cấp có kinh nghiệm quốc tế.
- Tình trạng tham nhũng lan tràn, hệ thống hành chính nhiêu khê và không rõ ràng. Điều này làm nản lòng những nhà đầu tư ở Âu Mỹ, nhất là khi mà luật pháp nước sở tại của họ cấm đút lót, hối lộ".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ và một số các chuyên gia Đài RFA có dịp trao đổi nêu vấn đề cánh cửa cơ hội thu hút FDI về công nghệ cao của Việt Nam được xem như đang rộng mở, tuy nhiên viễn ảnh cho mục tiêu đề ra của Việt Nam không phải là một bức tranh màu hồng tươi sáng.
*********************
Phần III
Thu hút FDI công nghệ cao : Giải pháp-Viễn ảnh
Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào ngày 04/10/18, cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia xoay quanh thông tin Foxconn đang xem xét mở nhà máy lắp ráp Iphone ở Hà Nội cũng như đã đến lúc Việt Nam sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao hay chưa ?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tuyên bố tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam, diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng Việt Nam sẽ ưu tiên FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút FDI thời kỳ mới cần sự dịch chuyển trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, đồng thời phải có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để có thể liên doanh, liên kết các nhà đầu tư nước ngoài cùng phát triển. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng Chính phủ Việt Nam cần phải bắt tay làm :
"Vấn đề của Việt Nam bây giờ phải nâng quy mô cũng như trình độ của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam lên đến một tầm thích hợp để có thể hợp tác và có thể cung ứng các trang thiết bị và dịch vụ cho các hãng có công nghệ cao như Foxconn hay Samsung. Và, đấy là một nỗ lực mà chính quyền địa phương, các bộ ngành cần phải giúp đỡ các doanh nghiệp để họ có thể vươn lên được".
Nhằm thực hiện mục tiêu thu hút FDI thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn đề cập đến việc chú trọng tăng cường khâu thực thi pháp luật ở tất cả các ngành, các cấp, nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát đối với cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp FDI. Tiến sĩ Ngô Trí Long chia sẻ quan điểm của ông trong yếu tố vừa nêu :
"Nói chung một trong những nguyên nhân gây trở ngại cho đầu tư tại Việt Nam là vấn đề tham nhũng, quan liêu, cửa quyền của các cơ quan và những người thực thi pháp luật Việt Nam. Vấn đề này tất nhiên tạo ra những rào cản và một môi trường không tốt cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cả một quá trình thì Việt Nam đã cải cách thể chế, đặc biệt trong môi trường chống tham nhũng. Hiện nay, cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy ! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".
Bên cạnh đó, yếu tố nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho phù hợp với điều kiện làm việc của các nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam cũng được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên.
Truyền thông trong nước, hồi đầu tháng 10 trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng cần phải đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này qua thực tế, được làm việc tại các doanh nghiệp FDI để tiếp cận, tiếp thu kiến thức lẫn kinh nghiệm và có thể quay trở lại làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam khi có những quá trình chuyển giao công nghệ được thực hiện.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng cũng đưa ra giải pháp Việt Nam cần nên có chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia ; đồng thời phải nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ trong nhập khẩu và vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.
Trong khi đó, không ít ý kiến của giới chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn sẽ mãi loay hoay trong mục tiêu ưu tiên thu hút FDI về công nghệ cao. Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh :
"Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn so với các nước khác. Vấn đề chính của Việt Nam, tức là Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển".
Dự án gang thép Hưng Nghiệp Formosa, dự án FDI lớn thứ nhì đầu tư vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 04/16. AFP
Tiến sĩ Vũ Quang Việt dẫn chứng Tập đoàn Foxconn đầu tư vào Việt Nam với mục đích chỉ gia công lắp ráp hay sẽ hoạt động về công nghệ cao, cũng như có ý định chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam hay không ? Tiến sĩ Vũ Quang Việt còn nêu lên trường hợp Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, nhận được nhiều ưu đãi lớn về miễn giảm thuế, hoạt động từ tháng 4 năm 2009 với mức doanh thu hàng năm tăng trưởng cao. Năm 2017, Samsung xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đạt mức kim ngạch xuất khẩu khẩu "ngoạn mục" mà chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt được. Tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung trong năm 2017 tăng 40% so với năm 2016. Tập đoàn Samsung được ghi nhận đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Vũ Quang Việt giải thích :
"Phần Việt Nam có được là chỉ trong GDP, là phần trả lương cho công nhân của Việt Nam. Còn phần tiền lương rất cao trả cho chuyên gia của Nam Hàn thì sau đó chuyển ra nước ngoài và lợi nhuận của Samsung chuyển về nước ngoài. Tôi tính sơ lược là số tiền Samsung chuyển ra nước ngoài hàng năm lớn hơn số tiền đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hằng năm".
Các chuyên gia mà Đài RFA tiếp xúc nêu lên vấn đề chính của Việt Nam trong thu hút FDI về công nghệ cao là cần phải cân nhắc thận trọng và chọn lọc đối với các dự án nào có lợi về lâu dài, có lợi cho phát triển công nghệ tại Việt Nam hay không ? Một số vị chuyên gia cho rằng với bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì mục tiêu thu hút FDI về công nghệ cao như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tuyên bố sẽ còn lâu lắm mới có thể được thực hiện, như nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt :
"Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi".
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 19/12/2018
Tham khảo :
Phần I : Thu hút FDI công nghệ cao : Một bài toán khó
Phần II : Thu hút FDI công nghệ cao : Tiềm lực và Thách thức
Pháp thu hút nhiều đầu tư nước ngoài : Bước ngoặt thời tổng thống Macron
Hấp lực của nước Pháp đối với giới đầu tư nước ngoài là đề tài được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm bàn luận, nhân dịp vài trăm lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài họp tại Paris, để tổng kết về sức hút của Pháp trên trường quốc tế và đưa ra các đề xuất với chính phủ để nâng cao hơn nữa sức thu hút của Pháp.
Một nhà máy sản xuất insuline của tập đoàn Đan Mạch Novo Nordisk tại Chartres, Pháp. Ảnh chụp ngày 21/04/2016. Reuters/Guillaume Souvant/Pool/File Photo
Báo Le Figaro nhận định "Pháp chưa bao giờ có hình ảnh đẹp đến như vậy ở nước ngoài". Nước Pháp đã có "một bước ngoặt thực sự" kể từ khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống cách nay 18 tháng. Vào năm 2016, chỉ có 27% lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài nhận định công ty mẹ mang hình ảnh tích cực về nước Pháp, con số này tăng lên thành 44% vào năm 2017 và 67% trong năm 2018.
Còn báo kinh tế Les Echos cho biết "Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến Pháp". Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do IPSOS thực hiện, 74% số doanh nghiệp nước ngoài cho rằng "nước Pháp hấp dẫn". Ba phần tư số người được hỏi đánh giá tích cực về giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao một số cải cách của tổng thống, chẳng hạn quy định giảm thuế doanh nghiệp.
Cơ quan tư vấn Thương mại và Đầu tư Pháp Business France cũng thực hiện một thăm dò ý kiến nhắm vào các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại Pháp, theo đó 82% số người được hỏi nhận định "Pháp là một nước cần phải đầu tư vào", 83% đánh giá Pháp "bắt đầu nhiều cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế".
Còn trong bài trả lời phỏng vấn của báo Les Echos, ông Christophe Le Courtier, tổng giám đốc Business France khẳng định Pháp đã trở lại cuộc đua thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đang "bám sát" Đức và có thể sắp "đuổi kịp" Anh Quốc, quốc gia hiện đang dẫn đầu Châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài. Với Brexit, làn sóng đầu tiên gồm các doanh nghiệp nước ngoài đã tới Pháp, tạo ra 3.000 - 4.000 việc làm.
Trong bài viết "Nước Pháp củng cố hấp lực ở nước ngoài", báo La Croix cũng nhấn mạnh là bối cảnh quốc tế cũng mang lại lợi thế cho nước Pháp : Brexit sẽ củng cố hình ảnh của Pháp trên trường quốc tế, khuynh hướng dân túy đang lên ở nhiều nước cho thấy ở Pháp có sự ổn định vốn đang trở nên hiếm hoi tại Châu Âu.
La Croix còn trích dẫn Business France theo đó, Pháp đang xây dựng hình ảnh dựa trên bốn cột trụ : nền kinh tế cởi mở, sự năng động trong sáng chế, văn hóa doanh nghiệp và một nền công nghiệp đang hướng tới các công nghệ mới.
Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới
Vẫn liên quan đến nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro nói về "Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới". Số vụ trình báo tăng 23% trong năm 2018, nhưng trong giai đoạn 2007-2017, số phiên tòa xử các vụ hiếp dâm lại giảm tới 40%. Hai phần ba số vụ không được xét xử vì bị cho rằng không đủ chứng cớ.
Theo báo cáo ngày 21/11/2018 của nhóm công tác liên bộ về bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực và đấu tranh chống nạn buôn người (Miprof), năm 2017, tại Pháp, 93% số phụ nữ báo cáo bị bạo hành là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Còn theo số liệu của Viện Thống Kê Pháp (Insee), có 219.000 phụ nữ bị hành hạ về thể xác và tình dục, 3/4 số nạn nhân bị bạn đời bạo hành nhiều lần. Trong khi đó, theo Cảnh sát Pháp, 50% số nạn nhân bị hiếp dâm hoặc bị tấn công tình dục là trẻ vị thành niên, trong đó 80% là các em gái.
Nhưng từ tháng 10/2017, khi phòng trào #MeToo bắt đầu, số vụ tiết lộ với cảnh sát và qua đường dây nóng "Bạo lực - Phụ nữ - Thông tin" về bạo lực tình dục đã tăng. Trong quý 3/2017, số cuộc gọi báo về bạo lực tình dục ngoài gia đình đã tăng gấp đôi so với năm 2016.
Giáo dục : Tranh cãi về đề xuất tăng học phí đối với du học sinh nước ngoài tại Pháp
Trên lĩnh vực giáo dục, chuyên mục tranh luận và phân tích trên báo Le Monde dành nhiều bài viết để bàn luận đề xuất của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, liên quan tới việc tăng học phí đối với sinh viên ngoài Châu Âu du học tại Pháp.
Hiện nay, Pháp là nước thu hút du học sinh quốc tế nhiều thứ tư trên thế giới. Cũng như sinh viên Pháp, sinh viên các nước ngoài Châu Âu chỉ phải đóng phí ghi danh rất thấp : 170 euro/năm đối với sinh viên đại học, 243 euro cho một năm học thạc sĩ. Thế nhưng, mới đây, thủ tướng Pháp đã đề xuất tăng học phí lên thành 2.770 euro và 3.770 euro/năm. Đề xuất này gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Jean-Pascal Gayant, giáo sư Khoa học Kinh tế thuộc đại học Mans ủng hộ đề xuất của thủ tướng Pháp. Theo ông, việc học phí quá thấp khiến giáo dục đại học Pháp bị nhìn nhận là có chất lượng kém, đồng thời việc sinh viên ngoại quốc đóng phí ghi danh thấp trong khi sinh viên Pháp sang nhiều nước du học lại phải đóng học phí rất cao là bất công. Một bất công khác là chính sách cho sinh viên nước ngoài được hưởng học phí thấp đang đánh vào thuế của người dân Pháp. Giáo sư Gayant cho rằng chi phí thực sự để đào tạo một sinh viên phải là 10.000 euro/năm. Nguồn thu mới sẽ giúp cho các trường đại học của Pháp thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trong khi đó, nhà báo người Brazil thuộc kênh truyền hình Pháp France 24, Augusta Lunardi, từng là du học sinh tại Pháp, trong một bức thư gửi thủ tướng đã hỏi "Edouard Philippe, ông có biết thực tế cuộc sống của một sinh viên nước ngoài tại Pháp ?" và nhấn mạnh đến những khó khăn vất vả của du học sinh nước ngoài tại Pháp : thủ tục hành chính, việc thuê chỗ ở, tìm học bổng, tìm việc làm thêm… Phóng viên Lunardi dự báo việc tăng học phí sẽ ngăn cản hàng chục ngàn thanh niên nước ngoài đến Pháp học tập.
Còn nhà xã hội học Eric Fassin, giáo sư trường Paris VIII và triết gia Bertrand Guillarme thì cho rằng chính sách mới của chính phủ Pháp sẽ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các sinh viên nước ngoài. Thu hút con em các gia đình giàu tới Pháp học có cũng có nghĩa là "xua đuổi" các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vì 45% du học sinh nước ngoài tại Pháp tới từ Châu Phi.
Hai nhà nghiên cứu còn cho rằng cải cách học phí tạo sự bất bình đẳng giữa sinh viên nước ngoài và cả sự bất bình đẳng giữa các trường đại học. Cuối cùng, sự tăng học phí ban đầu chỉ nhắm sinh viên ngoại quốc, nhưng sau này chắc chắn sẽ được áp dụng cho cả sinh viên Pháp, đào sâu bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội. Hai tác giả kết luận bắt sinh viên đóng học phí cao có nghĩa là Nhà nước từ chối đầu tư cho tương lai.
Saudi Arabia : Các nhà đấu tranh nữ quyền dưới đòn tra tấn
Nhìn sang Trung Đông, trên trang Quốc Tế, báo Le Monde nói về "Các nhà đấu tranh nữ quyền Saudi Arabia dưới đòn tra tấn". Từ tháng 05 đến tháng 07/2018, ngay trước và sau khi hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman cho phép phụ nữ lái xe, một quyết định được nhiều người coi là biểu tượng của chương trình cải cách xã hội của vị thái tử trẻ tuổi, nhiều nhà tranh đấu cho nữ quyền nổi tiếng nhất, đi tiên phong trong lĩnh vực này tại Saudi Arabia lần lượt bị lực lượng an ninh bắt giam. Bốn trong số những người nhiều tuổi nhất đã được thả, chín người khác đang bị giam giữ trong nhà tù ở Djedda, miền tây nước này.
Trước đó, những nhà tiên phong về đấu tranh nữ quyền còn bị chính quyền Riyadh cấm phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Đây được các nhà quan sát coi là biện pháp của chính quyền để phủ nhận vai trò của các nhà tranh đấu tranh trong "bước tiến lịch sử" tại Saudi Arabia, cản trở những người phụ nữ can đảm muốn "ngáng chân" chính quyền, và cũng là để đấu dịu với phe bảo thủ vốn khi đó đang khó chịu về quyết định của hoàng tộc cho phép phụ nữ lái xe.
Báo chí nhà nước Saudi Arabia gọi họ là những "kẻ phản bội", "tay sai cho các đại sứ quán nước ngoài". Trong khi đó, hồi tháng 10/2018, hoàng thái tử Bin Salman tố cáo các nhà tranh đấu này là "gián điệp", có liên hệ với cơ quan tình báo Iran và Qatar, hai nước mà Riyadh căm ghét nhất. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn không có nhà tranh đấu nào chính thức bị kết án.
Trong khi đó, ba nguồn tin thân cận với chín nhà đấu tranh đang bị giam giữ cho báo Le Monde biết là những người phụ nữ này bị đối xử rất tệ, không được luật sư bảo vệ, người nhà không được tới thăm, thậm chí họ còn bị đánh đập, chích điện, tấn công tình dục… Có người đã nghĩ tới tự sát.
Hồi đầu tháng 10/2018, phát biểu trước các nhà báo của Bloomberg, hoàng thái tử Bin Salman đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của hoàng tộc trong vụ lạm dụng quyền hạn để bắt giam các nhà đấu tranh nữ quyền, cũng tương tự như khi ông phủ nhận trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi trong tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Colombia : Hòa bình vẫn bị đe dọa
Liên quan đến Châu Mỹ, báo công giáo La Croix nói tới "Hòa bình chỉ là tương đối ở Colombia". Ngày 24/11/2018 là kỷ niệm tròn hai năm chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang Farc ký thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, thông tín viên báo La Croix tại Colombia cho biết chưa bao giờ hòa bình tại quốc gia này có nguy cơ bị đe dọa như hiện nay. Bạo lực ở một số vùng lại bùng phát, sản xuất ma túy tăng mạnh và việc tái hòa nhập của các cựu du kích Farc gặp nhiều khó khăn.
Trong hai năm qua, 350 nhà đấu tranh xã hội đã bị sát hại, con số cao chưa từng có. Nhưng các cuộc điều tra của Tư pháp vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu phương tiện hoặc vì chính quyền không quyết tâm giải quyết. Ở các vùng nông thôn, một cuộc chiến vô hình và lặng lẽ vẫn đang tiếp diễn, bạo lực tăng mạnh, nhất là ở các khu vực mà lực lượng du kích Farc đã rút lui. Một nhà xã hội học ở Medellin cho biết xung đột với Farc đã chấm dứt, nhưng các nhóm du kích khác và các cuộc xung đột khác lại nảy sinh và ngày càng được củng cố. Nguy cơ hậu xung đột, có thể còn nhiều bạo lực hơn cả trong cuộc chiến với du kích Farc, là có thật.
Tại vùng Catatumbo, sát biên giới với Venezuela, hai nhóm du kích ELN và EPL đang đối đầu trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng sản xuất ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, 9.000 người đã phải chuyển đến nơi khác. Và bạo lực dường như còn lâu mới được giải quyết, vì nạn buôn bán ma túy chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ONUDC), Colombia vẫn là quốc gia chính điều chế cocain trên thế giới và trong năm 2017, tỉ lệ trồng cây thuốc phiện ở nước này tăng 17%.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Báo Le Monde quan tâm đến cải cách giáo dục tại Pháp và đặt câu hỏi "Các chương trình học mới sẽ vẽ lại hình ảnh trường trung học phổ thông như thế nào ?". Báo Le Figaro lại hướng độc giả đến "Sinh thái : một vấn đề nan giải cho chiến lược của tổng thống Macron". Còn báo La Croix chạy tít "Nghệ thuật Châu Phi, con đường trở về", để nói tới việc nước Pháp đang bàn luận về việc trả lại cho Châu Phi hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Pháp đang giữ.
Nhìn rộng ra Châu Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tít "Bruxelles siết chặt quả đấm thép với Ý"về ngân sách.Trong khi đó, báo Libération hướng sang Trung Đông qua hàng tít lớn "Syria và Iraq : cuộc tàn sát dân thường", trên nền bức ảnh chụp những túi lớn chứa thi thể các nạn nhân.
Thùy Dương