Doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Việt Nam
Minh Anh, RFI, 11/04/2023
Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương Mại Châu Âu công bố hôm 11/04/2023, các nhà đầu tư nước ngoài không kỳ vọng có sự thay đổi lớn nào trong đầu tư tại Việt Nam trong qúy II này, sau khi dòng vốn bị suy giảm trong ba tháng đầu năm.
Một công nhân đang may quần áo tại nhà máy Pro Sports ở tỉnh Nam Định, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 24/10/2017 - AP - Hậu Đình
Nếu như chỉ số môi trường kinh doanh hàng qúy xác nhận Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài, thì 58% trong số 200 công ty và cá nhân Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định không dự trù thay đổi kế hoạch đầu tư ở Việt Nam trong qúy II.
Khảo sát cũng cho thấy, 55% các nhà quản lý nước ngoài không có ý định tăng số nhân viên và 16% dự định cắt giảm bớt việc làm. Chỉ còn khoảng ¼ số người được hỏi là vẫn tỏ ra lạc quan về kế hoạch tuyển dụng.
Theo nhận định của Phòng Thương Mại Châu Âu, nguyên nhân một phần là do nhu cầu toàn cầu giảm, nhưng mặt khác, những bất ổn về chính trị gần đây như việc bãi nhiệm chủ tịch nước và nhiều quan chức chính phủ cao cấp trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, cũng như tình trạng pháp lý ở Việt Nam khiến nhiều nhà quản lý nước ngoài phải tỏ ra thận trọng.
Do vậy, khảo sát khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài – FDI.
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại, Hà Lan, Pháp, Luxembourg và Đức là những nhà đầu tư hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt quá 20 tỷ đô la. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với các khoản đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tăng trưởng của Việt Nam trong qúy I/2023 là 3,32% giảm nhiều so với mức 5,92% cùng kỳ năm 2022. Hàng nghìn lao động đã bị cắt giảm trong các ngành gia công giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những điểm gia công hàng đầu thế giới cho các hãng lớn như Adidas và Nike của Đức.
Minh Anh
*************************
Nhà đầu tư nước ngoài thận trọng khi rót tiền vào Việt Nam
Reuters, VOA, 11/04/2023
Giới kinh doanh nước ngoài không có thay đổi lớn nào trong đầu tư vào Việt Nam trong qúy này, sau khi dòng vốn đầu tư giảm trong 3 tháng đầu năm 2023, Reuters dẫn kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hôm 11/4 cho biết.
Một xưởng may mặc ở Việt Nam.
Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) Quý I cho thấy cường quốc sản xuất Đông Nam Á này vẫn là điểm đến hàng đầu của đầu tư doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhu cầu toàn cầu giảm đi và sự không chắc chắn về tình hình chính trị và pháp lý trong nước khiến hầu hết các nhà quản lý vẫn thận trọng.
Cuộc khảo sát tập trung vào các công ty và cá nhân Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 58% trong số hơn 200 nhà quản lý được khảo sát không có kế hoạch thay đổi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong qúy này.
Việt Nam tiếp nhận 4,3 tỷ đôla vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong qúy đầu tiên, giảm 2,2% so với một năm trước đó, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ được công bố vào cuối tháng 3.
Đa số các nhà quản lý cho rằng Việt Nam nên tăng cường ổn định chính trị và cải thiện môi trường pháp lý để thu hút thêm FDI. Đất nước này đã chứng kiến những cuộc cải tổ chính trị lớn gần đây, bao gồm cả việc bãi nhiệm chủ tịch nước và các quan chức cấp cao khác như một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn do đảng Cộng sản cầm quyền dẫn đầu.
Trong khi đó, 55% các nhà quản lý cho biết họ không mong đợi tuyển dụng thêm lao động trong qúy này và 16% dự báo sẽ cắt giảm việc làm. Khoảng ¼ vẫn lạc quan về kế hoạch nhân sự của họ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 3,32% trong qúy đầu tiên, giảm từ mức 5,92% trong qúy IV năm 2022, trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Tuần qua,truyền thông trong nước dẫn lời ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam cho biết trong qúy I vừa qua, kinh tế Việt Nam đối mặt với vô vàn thách thức như lạm phát gia tăng, đơn hàng từ các đối tác lớn của Việt Nam như Châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ suy giảm.
Trước tình hình sản xuất, kinh doanh có chiều hướng giảm sút, hôm 10/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ký ban hành mộtcông điện nhằm "thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu" với việc "tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp".
Hàng nghìn việc làm đã bị cắt giảm trong năm nay trong ngành giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới của những gã khổng lồ như Adidas của Đức và Nike.
(Reuters)