Bạo lực tiếp diễn trong môi trường giáo dục Việt Nam
Vào ngày 6/4/2023, trên mạng xã hội lan truyền thông tin Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã đánh Thầy Hiệu phó ngay sân trường đến nỗi phải nhập viện.
Hình ảnh cho thấy ông Lê Đức Huấn (Hiệu phó) mặt bị sung húp, bầm tím
Đến ngày 8/4, theo truyền thông nhà nước, cơ quan chức năng đã xác nhận, Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn đã đánh Hiệu phó là ông Lê Đức Huấn. Cụ thể do mâu thuẫn về việc đóng, mở cổng trường… sau trận cãi vã, ông Tuấn đã lao vào đánh đấm khiến ông Huấn bị thương tích ở vùng mặt, phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy điều trị.
Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 10/4, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, cho biết ông không ngạc nhiên khi ở trường xảy ra những hành động côn đồ :
"Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu lần học sinh đánh nhau trong trường, cô giáo cắt tóc hành hạ đồng nghiệp, rồi hiệu trưởng gửi các cô giáo đi tiếp khách… Bây giờ hiệu trưởng hiệu phó đánh nhau cũng là có thể xảy ra trong tình trạng hiện nay của giáo dục Việt Nam. Có nghĩa là các thầy giáo không ra thầy giáo, hiệu trưởng không ra hiệu trưởng và sự bổ nhiệm hiệu trưởng ở các trường là do những chính quyền địa phương không căn cứ vào thành tích cao, đạo đức, học vấn… Mà chỉ bổ nhiệm những thân hữu, những thành phần đi lên bằng nịnh hót… thì tư cách và đạo đức những người đó làm sao mà có thể trông cậy được. Tôi không ngạc nhiên và chờ đợi những chuyện khác trầm trọng hơn nữa".
Nhiều năm gần đây, bạo lực học đường liên tục xảy ra ở Việt Nam, đơn cử vào tháng 2 năm 2017 tại lớp 10A3 - Trường THPT Tầm Vu, đã xảy ra vụ đánh nhau giữa một thầy giáo dạy toán và một em nữ sinh trong lớp học. Hình ảnh được học sinh dùng điện thoại quay video clip và tung lên mạng sau đó khiến dư luận bàng hoàng.
Hay vào ngày 17/2/2021, mạng báo soha.vn cho phát đi video clip với nội dung một nam sinh trung học đã lớn tiếng yêu cầu cô giáo trả lại điện thoại, chửi bậy trong lớp học. Đồng thời, cậu đi thẳng lên bàn của cô giáo để lấy lại điện thoại và tát vào mặt cô giáo trong sự sửng sốt của các bạn học cùng lớp.
Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn nhận lỗi, xin lỗi toàn thể học sinh, giáo viên nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh : Cộng tác viên
Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội, hôm 10/4 cho biết việc thầy hiệu trưởng đánh nhau với thầy hiệu phó phải vào bệnh viện không phải mới :
"Trước đây một tháng cũng có vụ thầy hiệu trưởng đánh giáo viên. Chuyện bạo lực không phải chỉ ở học đường, ở Việt Nam thì bạo lực ở nhiều lãnh vực, bạo lực là một cách để cai trị, cụ thể là công an trị phổ biến. Trong các cơ quan đoàn thể thì Đảng là mẹ của thiên hạ, cho nên bạo lực thường đến bằng sự khủng bố của các lãnh đạo đối với cấp dưới. Cấp dưới nào mà tố cáo sai phạm của lãnh đạo là sẽ ăn một cái bạo lực cũng tương tự như thế. Mấy ông thầy này đánh nhau bằng tay chân, chứ còn những kẻ có quyền lực dùng các biện pháp khác, họ trù dập, bạo lực bằng tinh thần còn khủng khiếp hơn nhiều".
Theo Thầy Khoa, đó là nạn bạo lực cần lên án. Trở lại với vụ việc mới đây, thầy Khoa nói tiếp :
"Chuyện hai ông hiệu trưởng, hiệu phó đánh nhau thì cần kỷ luật cả hai thầy, chuyển làm công việc khác, không thể làm quản lý được. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh giáo viên khi diễn ra trước mặt học sinh, nhất là ở trường tiểu học. Cần kỷ luật những thầy này".
Vụ việc hiệu trưởng đánh giáo viên mà thầy Khoa nhắc đến xảy ra tại trường Tiểu học Đại Nghĩa - huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong lúc mâu thuẫn, Hiệu trưởng Lê Thành Đô đã đấm vào mắt nữ giáo viên cùng trường.
Thời gian gần đây, nhiều hiệu trưởng tại các trường ở Việt Nam bị phát hiện có tiêu cực, lộng quyền... Đơn cử như vụ Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cần Thơ cùng hai đồng phạm đã bị bắt hồi tháng 11/2020 vì đã cấu kết cấp khống chứng chỉ của trường này cho nhiều người.
Hay vụ Công an tỉnh Tuyên Quang ngày 19/2/2021 quyết định khởi tố và bắt tạm giam trong thời gian ba tháng một hiệu trưởng trường tiểu học và trung học vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm của học sinh và giáo viên.
Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng, nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Ông Hưng cho rằng sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng, thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được. Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nói tiếp :
"Tôi nghĩ rằng khó có sự thay đổi căn bản để mà thoát ra những sai lầm. Tôi đã nói và Giáo sư Hoàng Tụy đã đồng ý với tôi, là giáo dục Việt Nam rất khó mà thay đổi được, đặc biệt thay đổi về sự chọn lựa, thay đổi cách điều hành… Giáo dục Việt Nam không chỉ có những lỗi, những sai lầm, mà trầm trọng hơn là đi lạc đường. Cách duy nhất là họ phải rút ra, để chọn đường khác mà đi, chứ còn cải tạo thay đổi bằng những biện pháp ngoài da thì tôi thấy rất là khó khăn. Cho nên tôi không lạc quan lắm".
Giáo sư Hưng cho biết trong mấy chục năm qua, ông đã nhiều lần đưa ý kiến, đề nghị nhưng đều thất bại và giấc mơ thay đổi giáo dục Việt Nam của ông gần như là những ảo vọng, những giấc mộng mà không biết chừng nào mới đạt được. Theo ông Hưng, ngoại trừ có một sự thay đổi lớn lao, là xóa bài làm lại.
RFA, 10/04/2023