Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2018

Phụ nữ Việt vẫn bị bán sang Trung Quốc

Thanh Trúc

Theo Blue Dragon Việt Nam, một tổ chức thiện nguyện nước ngoài ở Hà Nội, đã có 400 nạn nhân phần lớn là phụ nữ hay thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc rồi bị ép vào đường mãi dâm hay lấy chống bản xứ, được Blue Dragon giải cứu đưa về Việt Nam từ năm 2007.

DOUNIAMAG-VIETNAM-CHINA-WOMEN-TRAFFICKING-CRIME-RESCUES

Một phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc được giải cứu hôm 22/11/2018 - AFP

Trong khi đó theo tin AFP trích dẫn số liệu của tổ chức ngoài chính phủ NGO Plan International ở Việt Nam thì 3.000 vụ buôn người sang biên giới Trung Quốc được ghi nhận từ năm 2012 đến năm 2017.

Tuy nhiên theo bà Lê Quỳnh Lan của NGO Plan International thì số người bị bán qua Trung Quốc trên thực tế trong giai đoạn 2012 đến 2017 chắc chắn là cao hơn dọc theo đường biên giới dài và rộng giữa hai quốc gia.

Bà Diệp Vương, chủ tịch tổ chức Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, có mặt trong cộng việc phòng chống và giúp đỡ nạn nhân buôn người ở Việt Nam từ năm 2005, đồng tình với nhận định của NGO Plan International :

Trong 3.000 vụ việc đã được ghi nhận đó thì thực sự con số nạn nhân cao hơn nhiều vì mỗi vụ việc không chỉ có một nạn nhân mà nhiều khi là là một nhóm người. Một số đã được Blue Dragon giúp đỡ và một số khác được chúng tôi giúp đỡ. Tuy nhiên rõ ràng còn một con số rất lớn không nhận được sự giúp đỡ nào hết hay là không cần sự giúp đỡ nào hết .

Theo bà Diệp Vương tình trạng buôn bán người Việt qua Trung Quốc sự không thể giảm được. Lý do không giảm là vì nhu cầu với thực tế chênh lệch giới tính bên Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Thứ hai nữa, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dù muốn dù không là một biên giới rất dài, khó mà kiểm soát trong từng cây số một. Vì như vậy người Việt Nam, nhất là những người sống ở biên giới, người ta qua lại bao nhiêu năm nay để buôn bán, làm ăn, thành ra chuyện bị bắt hay bị bán sang Trung Quốc khó lòng giảm được.

Cũng phải hiểu đối với người dân sống tại vùng biên giớ này, khi gặp nạn rồi người ta mới hiểu chỗ này là nơi nguy hiểm, chứ thực sự ra đồi với các bạn trẻ thì cũng khó lòng cho các bạn hiểu được tại sao biên giới là nơi nguy hiểm. Còn những người bị bán từ Bạc Liêu, Cà Mau qua biên giới, rất nhiều người nói với chúng tôi chỉ được rủ đi không phải qua Trung Quốc làm vợ,làm gái mà được rủ đi ra ngoài Bắc để làm việc. Đến lúc nhìn lên toàn những cái bảng không đọc được thì lúc đó mới biết đã bị bán sang Trung Quốc.

Tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc làm vợ hay làm gái không có dấu hiệu giảm bớt, là nhận định của bà Lê Thị Phương Thúy, trưởng phòng Tư Vấn Và Hỗ Trợ Phát Triển thuộc CWD tức Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam tại Hà Nội :

Không có con số nào để nói nó tăng lên hay nó giảm đi, vì mình không có thống kê. Tuy nhiên cái chắc chắn là thủ đoạn càng ngày càng tinh vi, thí dụ dưới hình thức tuyển mộ lao động chẳng hạn, cũng đưa vài người sang rồi gởi tiền về nhà hoặc là quay trở về nhà một vài lần chẳng hạn như thế. Tuy nhiên sau đấy thì tuyển mộ nhiều người hơn, có khi hàng chục người. Sang bên kia biên giới thì toàn bộ giấy tờ bị giữ hết. Một cách nữa là đường du lịch, người dẫn đường đóng vai người yêu chẳng hạn, sang bên kia bắt đầu thu hết giấy tờ và rất dễ dàng để bán người phụ nữ ấy đi. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với câu chuyện này, người thì vẫn tiếp tục phải hỗ trợ, chứ còn tăng lên hay giảm đi thì thực sự chưa có con số thống kê quốc gia và chúng tôi cũng không biết thực tế là nó đang diễn ra thế nào ở mức độ số lượng. Xuất phát điểm người ta đi bởi rất nhiều vấn đề nhưng đặc biệt trong đó là người ta có nhu cầu kiếm việc làm.

Đó là bản chất của tệ nạn buôn người sang Trung Quốc vào đường mãi dâm hay đường hôn nhân cưỡng ép mà đa phần phụ nữ hay thiếu nữ Việt Nam trở thành con mồi ngon của bọn buôn người.

Tưởng cần biết từ lâu Trung Tâm Phụ Nữ Và Phát Triển thuộc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam đã có một Nhà Bình Yên dành để đón tiếp và giúp đỡ nạn nhân buôn người chữa trị những chấn thương tâm lý hay thể xác khi được cứu thoát từ Trung Quốc về.

Cô Trang, chuyên trách việc giám sát và nâng cao năng lực phụ nữ trong Nhà Bình Yên này, cho biết :

Nhà Bình Yên của Trung Tâm Phụ Nữ Và Phát Triển là một địa điểm bí mật, 20 Thụy Khuê là địa chỉ đặt văn phòng của Nhà Bình Yên. Tuy nhiên để đảm báo ti1nyh bảo nật của thông tin để không ảnh hưởng đến vấn đề như thủ phạm uy hiếp nạn nhân thì Nhà Bình Yên là một địa chỉ bí mật, những người đến Nhà Bình Yên phải có đầy đủ các giấy tờ, căn cứ pháp lý hoặc là làm việc tại đấy thì mới được tiếp xúc với nạn nhân.

Giúp đỡ nạn nhân trở về là công việc phức tạp và tế nhị, bà Lê Thị Phương Thúy, trưởng Phòng Tư Vấn Và Hỗ Trộ Phát Triển :

Phải dựa trên nhu cầu và khả năng của từng người, nếu về mà chưa được học hành, thiếu công ăn việc làm, chưa có giấy tờ … thì tùy những nhu cầu đấy chúng tôi cung cấp dịch vụ cho họ. Nhưng cái quan trọng nhất họ phải được đảm bảo an toàn về tâm lý, an toàn về mặt cơ thể. Thứ hai họ phải được cái gọi là sự chào đón của cộng đồng để họ tái hòa nhập cộng đồng. Thứ ba họ phải có điều kiện pháp lý, nhân thân, giấy tở để có thể học nghề và tự kiếm sống.

Trong mối quan hệ của họ với gia đình, bạn bè, hàng xóm chúng tôi cũng phải có những can thiếp để tạo mối quan hệ xã hội của họ được an toàn. Tóm lại chúng tôi làm việc với ba mục tiêu là để họ hồi gia, an toàn và bền vững.

Từ năm 2005, Pacific Links tức Vòng Tay Thái Bình đã có mặt tại An Giang với một Nhà Mở và một chương trình có tên ADAPT hỗ trợ nạn nhân buôn người tái hòa nhập xã hội. Từ 2010, Vòng Tay Thái Bình có thêm Nhà Nhân Ái ở Lào Cai phía Bắc. Không thể đơn phương giải cứu và tiếp nhận nạn nhân trở về mà phải có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương Lào Cai, là chia sẻ của bà Diệp Vương, chủ tịch Vòng Tay Thái Bình :

Nhà Nhân Ái từ lúc thành lập đến giờ đã đón khoảng trên 150 bạn từng là nạn nhân của nạn mua bán người. nạn nhân có thể kêu chúng tôi nhờ giúp đỡ và chúng tôi cũng phải liên lạc với các lưc lượng an ninh để họ tham gia giải cứu. Chúng tôi đã rất nhiều lần đưa thông tin để nhờ giúp các em. Tuy nhiên các em nào tự giải cứu và trở về cũng phải có cái động tác là đi ra báo với chính quyền địa phương, lúc đó chính quyền địa phương mới nói cho chúng tôi nghe . Nếu có em nào tự giải cứu rồi đi tới nói với chúng tôi thì mình cũng vô cái thế khó xử vì làm sao mình biết thiệt hay không.

Trung bình mấy em có thể ở trong Nhà Nhân Ái hai ba năm lận, thành ra cái này cũng là quyết định của các em và gia đình các em nữa.

Theo bà Lê Thị Phương Thúy của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, phụ nữ Việt Nam không chỉ bị bán sang Trung Quốc mà còn sang các nước khác trong khu vực :

Nhiều đấy, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan và mấy năm sau này là các nước bên Châu Âu nữa.

Tháng Sáu năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phúc trình 2018 về nạn buôn người trên thế giới, cho thấy năm 2018 này Việt Nam tiếp tục giữ Bậc 2 những nước đang có vấn đề, rằng dù đã có nỗ lực đáng kể song chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ những qui chuẩn tối thiểu nhằm xóa bỏ tệ nạn buôn người.

Bậc 2 là mức độ mà Bộ Ngoại Giao Mỹ áp dụng đối với Việt Nam từ năm 2012 đến giờ. Trước đó, từ 2012 trở về trước, Việt Nam bị liệt vào Tier 2 Watch List tức có vấn đề về nạn buôn người nghiêm trọng và cần được giám sát.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 21/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)