Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/12/2018

Doanh nghiệp nhà nước : bài toán nan giải của Việt Nam

Thanh Trúc

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua năng suất quốc gia là nội dung cuộc hội thảo khoa học do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 20 tháng 12 vừa rồi ở Hà Nội.

dnnn1

Hai cựu quan chức dầu khí Việt Nam, Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, trước tòa vào tháng giêng năm 2018 - AFP

Dịp này, những vấn đề cản trở năng lực cạnh tranh được nêu lên như khẩn cấp cải cách doanh nghiệp nhà nước đang là bộ máy kém hiệu quả và gây cản trở, tính bền vững của kinh tế thị trường vẫn là điều cần quan tâm, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam bị chậm lại trong thời gian qua, mô hình phát triển của Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp để thúc đẩy đất nước tiến lên trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp, cho biết nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước bạn trong khu vực ASEAN, xác định những rào cản có thể có trong phát triển của đất nước. Đây cũng được coi như những khuyến nghị đối với nền kinh tế, qua đó vấn đề cải cách doanh nghiệp quốc doanh và sự kém hiệu quả của khu vực là điểm đáng chú ý nhất.

Cải cách doanh nghiệp quốc doanh là đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần chứ không đợi đến lần khuyến nghị cuối năm 2018 này, là nhận định của chuyên gia kinh tế trong nước, tiến sĩ Ngô Trí Long :

Không phải bây giờ mới khẩn cấp, hiện với tỷ trọng của doanh nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả so với các thành phần kinh tế khác thì đây là vấn đề cấp bách, vấn đề thời sự mà lúc nào cũng được đặt trên bàn nghị sự của nhà nước Việt Nam.

Dưới mắt một nhà trí thức nước ngoài đang sống tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự đại học Liège, Bỉ, hiện là cố vấn cấp cao đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, cải tổ hay cải cách doanh nghiệp nhà nước là phạm trù được đưa ra từ thập niên 80 trở đi mà chừng như không kết quả hay không tiến triển gì mấy :

Vì trong nghị quyết của đảng thì kinh tế nhà nước là chủ đạo,đây là nỗi thống khổ của kinh tế và lý do kinh tế trì trệ, đến nỗi bây giờ phát triển kinh tế đứng sau Lào. Bản thân của kinh tế nhà nước cũng có ở những nước tư bản như nước Pháp, cũng có những công ty của nhà nước nhưng cách quản lý của họ không như của Việt Nam.

Vấn đề loại bỏ kinh tế nhà nước thành không chủ động thì không được vì có Nghị Quyết đảng, nhưng điều có thể làm được là thay đổi phong cách quản lý, nhất là cách sử dụng nhân sự và chấp nhận nhân tài. Nhưng trên thực tế thì rất khó vì những người đã nắm quyền nắm tiền rồi thì họ dễ gì buông bỏ để những người có tài có đức lên làm, và cái tư duy trong đảng không cho phép làm được như vậy. Quan trọng phải phát xuất từ một nghị quyết là phải loại bỏ chủ trương chủ đạo của kinh tế nhà nước thì mới được.

Bên cạnh những khuyến nghị cụ thể, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp còn vạch lộ trình chính sách mà Việt Nam phải theo hầu có thể bắt kịp đà tiến của ASEAN vào năm 2040.

dnnn2

Trụ sở Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) ở Hà Nội - RFA file

Một trong những cản trở chính của kinh tế Việt Nam là bộ máy cồng kềnh và kém hiệu quả của khu vực quốc doanh. Nói một cách khác, bộ máy kém hiệu quả này đe dọa tính bền vững của kinh tế thị trường. Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu nói rằng những cải cách về thể chế không bắt kịp những cải cách về kinh tế.

Những vấn đề vừa nêu được giải thích là Việt Nam thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, hoạt động không hữu hiệu, tham nhũng trong khu vực quốc doanh đã cản trở việc thực hiện chính sách nhằm giải quyết mọi khó khăn về tình trạng kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, cũng cho rằng cải cách doanh nghiệp quốc doanh dù như không phải là vấn đề mới nhưng điều cấp thiết phải coi đó là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Vẫn theo lời ông, đề xuất của nhóm nghiên cứu kêu gọi chính phủ đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước, hợp lý hóa đồng thời tập trung hóa hệ thống quản lý tài sản công. Khẳng định cần loại bỏ tình trạng ông gọi là méo mó, thiếu cân bằng của thị trường do việc ưu ái khu vực công thì mới tạo được sân chơi bình đẳng, lành mạnh và mới áp dụng được các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hữu hiệu giữa hai khu vực công và tư.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Ngô Trí Long, nhận định :

Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nhìn chung thường làm ăn không có hiệu quả bởi rất nhiều vấn đề. Ngoài vấn đề mục tiêu kinh doanh còn vấn đề về mặt chính trị. Trong bối cảnh tình hình đó, qua nhiều lần qua nhiều cuộc thì mới đây ủy ban quản lý tài sản vốn nhà nước được thành lập và tập hợp lại. Đây là vấn đề cấp bách mà người ta tiến hành bằng nhiều hình thức như cổ phần hóa, bán khoán hoặc thoái vốn.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Còn để những tập đoàn của nhà nước mà làm ăn kém hiệu quả thì coi như là gây thất thoát, lãng phí, coi như của cải xã hội sẽ mất dần mà cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi của ngân sách nhà nước.

Chính vì vậy Hội nghị Trung ương V của Khóa XII đảng mới đưa ra và coi kinh tế tư nhân là động lực. Hiện nay người ta theo mô hình quản lý mới là thành lập cái ủy ban quản lý tài sản và vốn của nhà . Nhưng theo tôi nghĩ thì ủy ban này cũng khó có khả năng mà quản lý được. Chỉ có con đường phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp thì may chăng mới có khả năng cải tạo năng lực của các doanh nghiệp nhà nước.

Còn vấn đề tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước thì sao ? Theo tiến sĩ Ngô Trí Long thì đây là chuyện không thể phủ nhận :

Mà thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì đây là cái ổ, cái ung nhọt. Rất nhiều tập đoàn làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, có nghĩa là tiền thuế của dân đội nón ra đi. Cho nên không phải bây giờ mà từ lâu rồi nhà nước phải quyết tâm, chính sách thì đã có, đã nghiên cứu đã quan tâm, nhưng vấn đề phải thực thi làm sao mới là quan trọng.

Trong lúc tiến sĩ Vũ Tiến Lộc khẳng định để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam với ASEAN, ngoài việc cải tạo khu vực quốc doanh thì những biện pháp cần thiết khác phải là xây dựng một hệ thống hành chính công sao cho thật hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch, phải có sự đào tạo hữu hiệu trong tầng lớp quan chức chính phủ. Ngoài ra, cần phải hướng đến giám sát hiệu quả và tuyển mộ nhân tài thực thụ cho khu vực công.

Còn theo tiến sĩ Ngô Trí Long, những điều vừa nói được lập đi lập lại bao năm qua, ai cũng nghe cũng biết nhưng để nhìn thấy xảy ra trên thực tế lại là một chuyện khác.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 27/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)