Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/01/2019

Thêm quan ngại và trấn an về Luật An ninh mạng

Trung Khang

Luật An ninh mạng Việt Nam vừa có hiệu lực thi hành ngày 1 tháng 1 năm 2019, trong bối cảnh bị chỉ trích gay gắt. Dư luận trong những ngày qua về đạo luật này như thế nào ?

anm1

Luật An ninh mạng - Ảnh minh họa - RFA

Quan ngại

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, bất chấp phản đối của nhiều người dân tại Việt Nam cũng như sự lên án đạo luật này của các tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận, tổ chức nhân quyền...

Ngay khi vừa có hiệu lực thi hành, báo chí nước ngoài lại một lần nữa đồng loạt lên tiếng chỉ trích đạo luật này.

NPR hôm 1/1 ghi nhận ý kiến của những người phản đối đạo luật này nói rằng, Luật An ninh mạng có thể làm tổn hại đến triển vọng kinh tế của Việt Nam và cho phép chính phủ cộng sản độc đảng này tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và đàn áp tự do ngôn luận.

Còn Tập đoàn công nghiệp Asia Internet Coalition khi trả lời Reuters cho rằng, Luật An ninh mạng sẽ làm tổn thương tham vọng của Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Cũng trả lời NPR hôm 1/1, ông Jeff Paine, giám đốc điều hành công AIC cho rằng, những điều khoản trong Luật An ninh mạng sẽ hạn chế nghiêm trọng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nước ngoài.

Còn tờ Straitstimes thì ghi nhận ý kiến những người phản đối hôm 2/1 cho rằng, Luật An ninh mạng bắt chước sự kiểm duyệt đàn áp của Trung Quốc đối với internet. Luật này yêu cầu các công ty internet loại bỏ nội dung mà chính phủ coi là "độc hại". Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google khi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cũng sẽ phải bàn giao dữ liệu người dùng nếu được chính phủ yêu cầu.

Trong khi đó, ngược lại với sự chỉ trích lên án của báo chí nước ngoài, trong những ngày qua, nhiều tờ báo trong nước lên lên tiếng hù dọa về việc có thể vi phạm pháp luật khi phát biểu trên mạng kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến một số facebooker, các nhà bất đồng chính kiến về Luật An ninh mạng sau hai ngày có hiệu lực :

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng IDS tổ chức đã tự giải thể, nhận định :

"Đối với các nhà hoạt động thì họ chẳng lo ngại gì cả, bởi vì họ khinh cái Luật An ninh mạng này. Cái Luật An ninh mạng người ta dùng đề bịt miệng người dân, ngoại trừ những vấn đề chống tin tặc thì mình không nói đến làm gì. Còn những điều nó vi phạm nhân quyền, nó tìm cách để hành hạ các nhà hoạt động thì cho dù không có những cái như Luật An ninh mạng thì nó cũng đã đàn áp rồi. Tôi nghĩ họ không sợ cái gì cả, ít ra là hai hôm nay mạng xã hội vẫn như cũ, không khác gì".

savenet1

Hình minh họa. Màn hình vi tính với một nội dung về Luật An ninh mạng của Việt Nam Photo : RFA

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dân thì chắc chắn có người lo ngại, vì hệ thống cảnh sát tư tưởng, báo chí ở Việt Nam hô hào, hù dọa. Nhưng theo ông, đối với những người sợ thì từ trước khi có Luật An ninh mạng họ cũng đã sợ rồi, nên cũng không ảnh hưởng gì. Ông chỉ lo ngại luật này sẽ là công cụ để công an họ thích hành ai thì họ sẽ vin vào cớ nầy để họ hành.

Tuy nhiên chị Cấn Thị Thêu, một dân oan từng bị bắt đi tù chỉ vì đòi hỏi công bằng cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ thì cho rằng chị sẽ không nhụt chí trước các bộ luật mà chính quyền đưa ra. Chị nói :

"Chúng tôi cũng chẳng nhụt chí trước các bộ luật mà họ đưa ra. Chúng tôi vẫn tiếp tục bày tỏ quan điểm của chúng tôi, và chúng tôi bất tuân cái Luật An ninh mạng. Chúng tôi vẫn nói lên sự thật, chúng tôi phản ánh sự thật. Đấy là quan điểm của gia đình tôi, của những người dân oan chúng tôi".

Làm sao để chống lại sự sợ hãi ?

Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 2/1/2019, cho biết, trước ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực thì một tỷ lệ nào đó trong giới cộng đồng mạng cũng có bàn tán, lo ngại đối phó Luật An ninh mạng, một số cũng có tâm trạng lo lắng nhất định. Nhưng ông cho rằng, đối với những người trí thức có bề dầy tranh đấu, hoặc những người hoạt động xã hội mà có bề dầy tranh đấu, thì hầu như luật đó không tác dụng gì. Ông nói tiếp :

"Tôi nghĩ như thế này, nhà nước Việt Nam rất là khắt khe với các hoạt động mang tính chất tập thể, liên kết với nhau, họ rất sợ cái đó. Đặc biệt chuyện biểu tình kêu gọi, hô hào nhau là họ tìm cách họ triệt phá. Trước kia nhà nước đã chú trọng để đàn áp rồi, bây giờ có Luật An ninh mạng cũng thế thôi, cái đó không quan trọng. Mà quan trọng là chính sách của nhà nước có phù hợp lòng dân hay không ?".

Facebooker Nguyễn Peng nhận định :

"Nói về Luật An ninh mạng có hiệu lực thì những facebookers cũng có lo ngại, nhưng trong hai ngày kề từ khi có hiệu lực 1/1/2019, thì không thấy vấn đề gì xảy ra hết. Em nghĩ Luật An ninh mạng có hiệu lực thì những người facebookers, những nhà hoạt động phải chấp nhận thôi, vẫn đấu tranh, vẫn cất lên tiếng nói cho dù Luật An ninh mạng có như thế nào đi chăng nữa".

Trước thông tin nhiều chiều, không rõ ràng về đạo luật này, gây lo ngại cho nhiều dân, nhất là những người chưa có bề dầy tranh đấu. Vào những ngày trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực. Một nhóm hoạt động có tên SAVENET đã cho xuất bản trên mạng internet cuốn cẩm nang "Luật An ninh mạng : Những điều cần biết" mà theo người đại diện nhóm này cho biết là để người dân "không còn cảm thấy sợ hãi nữa".

Khi trả lời RFA, cô Nguyễn Vi Yên, đại diện nhóm SAVENET cho biết, những đồn đoán gần đây cho rằng "bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội khi có Luật An ninh mạng đều dễ dàng bị bắt bớ và xét xử" là không có căn cứ. Cô cho rằng khi luật có hiệu lực thì người dân phải sẵn sàng tâm thế để biết được mình nên làm gì. Cô nói tiếp :

"Bây giờ nhiều người cứ đồn đoán rằng, luật có hiệu lực rồi thì lên tiếng trên Facebook sẽ bị bắt hoặc là Facebook sẽ rút khỏi Việt Nam. Đôi khi họ có những cái đồn đoán không rõ ràng và nó tạo nên một sự sợ hãi vô hình thì mình nghĩ đó là điều không nên.Tuy nhiên, làm sao để chống lại sự sợ hãi đó thì chỉ có tri thức mới giúp cho người dân biết được là luật đó nó như thế nào, quy định những gì, đối chiếu với luật pháp các nước ra sao, rồi bản thân mình sẽ bị tác động thế nào ?"

Cô Nguyễn Vi Yên cho rằng, khi nắm được tri thức rồi, sẽ không còn cảm thấy sợ hãi nữa và người dân sẽ biết có những giải pháp nào phù hợp cho bản thân khi lên tiếng trên mạng xã hội nhất là lên tiếng trước bất công về chính trị xã hội.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 02/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)