Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/01/2019

Một nền giao thông bệnh hoạn

Viết từ Sài Gòn

Tai nạn giao thông, chết, tàn tật suốt đời và mất tương lai sau một lần ra đường, đó là câu chuyện rất thời sự tại Việt Nam. Lượng người chết vì tai nạn giao thông cao hơn lượng người chết vì ung thư và các bệnh khác cộng lại.

giaothong1

Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An kinh hoàng hơn khủng bố

Như vậy có thể thấy rằng giao thông Việt Nam cũng là một loại bệnh, hay nói cách khác, Việt Nam đang mang trong mình một loại văn hóa giao thông bệnh hoạn ! Và nó bệnh hoạn như thế nào ? Thử soi lại câu chuyện tai nạn giao thông gần đây nhất tại Bến Lức, Long An.

Một vụ tai nạn làm chết nhiều người đang dừng đèn đỏ do một xe container chạy như điên đâm và kéo những người chờ đèn đỏ. Sau đó, cơ quan chuyên môn đã giám định và khẳng định hệ thống phanh của xe container đạt 75% thông số yêu cầu, vượt đến 25% yêu cầu vì các xe khi đăng kiểm, thông số phanh từ 50% trở lên đã đạt yêu cầu. Nguyên nhân được cho là do tài xế đã nhậu say trước khi lái và trong tình trạng vừa say vừa phê ma túy.

Sau sự vụ tang tóc này, một ông tiến sĩ cho rằng người đi xe máy đã phạm luật giao thông, phát biểu của ông bị ném đá tới tấp. Và sau toàn bộ những gì diễn ra, thử bình tĩnh suy xét về ứng xử của người đi đường, thói quen tham gia giao thông và sức ép của những tài xế xe đường dài, xe tải… Nguyên nhân đến từ đâu ?

Trước hết, nói về người đi xe máy tại Việt Nam, có thể nói rằng tìm một người đi xe máy không phạm luật giao thông khi dừng đèn đỏ là hết sức khó, cho dù tìm ngay tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng hay Nha Trang, Huế, Cần Thơ… Bởi vì bất kì nơi nào, cho dù đường có chia làn cho xe cơ giới, xe ô tô và xe máy, nhưng chỉ cần có đèn đỏ thì người đi xe máy dàn xe qua tận làn đường của xe ô tô, xe cơ giới để đứng. Nói không ngoa là nơi nào cũng có chuyện này. Theo đúng luật giao thông thì người đi xe máy chỉ được phép đứng chờ đèn xanh trên làn đường của xe máy và làn kết hợp xe máy – ô tô chứ không được phép dừng trên làn dành riêng cho ô tô. Nhưng người Việt dường như đã mang sẵn thói quen cứ đèn đỏ thì bỏ làn, không có bất cứ làn đường hay ranh giới nào nữa.

Và khi nhìn lại videoclip xe container cán xe máy thì quả thật, cũng không phải không có người đi xe máy đã dừng vào làn của ô tô.

Có một thực tế : Nếu kiểm tra, xét nghiệm ma túy các tài xế xe tải và xe đường dài, có khả năng hơn 90% tài xế đều dương tính với ma túy. Người bạn tôi có đứa em lái xe đường dài, nó lái được ba năm, ban đầu nó nặng 75kg, cao 1,75m. Lái được ba tháng, nó tăng lên thành 90kg, mập ú. Hỏi sao nó tăng cân nhanh và khuyên nó đi khám sức khỏe xem sao, nó nói : "Em tăng cân là do ăn mì gói, ăn nhiều đến độ đi tiểu cũng nghe mùi mì gói, rồi uống bò húc (redbull) nhiều quá cũng nhanh tăng cân…". Hỏi sao không ghé tiệm ăn cho đàng hoàng, nó bảo : "Xe chạy phải luôn ở ga 70km/h để bù những đoạn bắn tốc độ thì kéo rề 50km/h. Nhà xe thì quản lý qua vệ tinh nên mình không được phép dừng quá lâu để ăn uống. Thôi thì ghé vào bên lề, kiếm miếng nước sôi chế mì ăn. Để dành tiền, chứ lỡ bị xin bánh mì một phát thì còn đâu tiền mang về…".

Bẵng đi một thời gian, hai năm sau, từ một đứa to vâm, mập ú, nó còn 65kg, mắt nhìn lơ đãng, tôi hỏi làm ăn ra sao, nó nói cũng đủ sống nhưng nó khó mập như cũ vì dính ma túy. Nghe nó nói dính ma túy mà không hề ngần ngại, tôi lấy làm lạ : "Sao em không cai đi, nguy hiểm lắm đó, tan cửa nát nhà chứ không chơi đâu !". Nó nói tỉnh bơ : "Bệnh nghề nghiệp mà anh, có thằng tài xế xe đường dài nào mà không dính ma túy đâu, đâu phải do mình nghiện mà do sức ép công việc. Thử hỏi cứ lái luôn ngày luôn đêm, đi cả hơn ngàn cây số (km) như vậy thì bò húc ban đầu uống còn tỉnh ngủ, chứ dần quen rồi thì chỉ có ma túy nó mới giúp mình trụ được !". Tôi hỏi : "Sao em không thay phiên lái để tranh thủ chợp mắt ?". Nó nói : "Mỗi xe chỉ có một tài ôm vô lăng thì anh thay với ai. Bây giờ làm ăn khó lắm, nhà xe chỉ thuê một tài thôi, nếu anh không nhận việc thì có người khác nhận ngay ! Mỗi chuyến nếu khéo léo, đi về đủ giờ, không chậm trễ và không bị giao thông xin đểu mới có ăn, chứ đụng phải giao thông và đi về chậm thì coi như trắng tay. Bây giờ cạnh tranh dữ lắm. Thắng tài xế đường dài nào cũng dính ma túy hết, vì sức ép công việc cả thôi… !".

Điều thằng em nói dường như không sai, vấn đề chung chi cho các ngành liên quan đến giao thông dường như quá nặng đối với bất kì nhà xe nào. Bù vào đó, họ lại giảm phiên chế tài xế, thay vì trả lương cho hai tài/xe đường dài, họ chỉ thuê 1 tài và tăng chừng 25% lương. Như vậy dư được 75% của tài nhì họ dành cho việc chung chi các cơ quan, trong đó chủ yếu cơ quan cảnh sát giao thông. Và sức ép công việc của tài xế cũng tăng từ chỗ này. Hầu như đã bước vào nghề tài xe đường dài thì 100% cày và cày, cạnh tranh khốc liệt mà chẳng biết là cạnh tranh cái gì, cạnh tranh với ai !

Đó là chưa nói đến tình trạng thi bằng, học bằng qua quýt và nhiều người có bằng lái, chạy xe cả ba, bốn năm trời mà không biết tí gì về luật gia thông ! Bởi vì cái bằng lái của người đó là bằng mua. Tình trạng mua – bán bằng lái xe tại Việt Nam diễn ra còn mạnh hơn cả mua – bán bằng đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ. Mà thử nghĩ, những cái bằng đòi hỏi quá trình học cả mấy chục năm trời, tốn vài trăm triệu, có khi cả tỉ đồng đầu tư cho việc ăn học mà người ta còn dám mua – bán, cấp vô tội vạ thì nghĩa lý gì một cái bằng chỉ học vài tháng, chi phí ngót nghét chục triệu đồng mà không dám mua – bán ! Cái khốn nạn trong giao thông Việt Nam lại nằm ở chỗ hệ thống quản lý của nó quá lỏng lẻo và bệnh hoạn.

Cái thứ bệnh hoạn của hệ thống quản lý cao nhất chi phối mọi thứ bệnh hoạn của hệ thống bên dưới, mua bán bằng cấp, tham nhũng, móc ngoặc, cắt xén đi từ giáo dục tới y tế, giao thông và các ngành nghề khác. Mọi thứ bệnh hoạn một khi bùng phát thì những gì người ta nhìn thấy không phải là hiện tượng mà là hệ quả của một quá trình dài.

Tình trạng tai nạn giao thông Việt Nam tăng một cách đột ngột và ngày càng dữ dội, nó không phải là hiện tượng bất thường mà nó chỉ cho thấy bệnh hoạn trong giao thông đã đến lúc bùng phát. Muốn nó thuyên giảm không phải là khó mà nhà quản lý chỉ cần ngay lúc này làm được ba việc cụ thể : Chấn chỉnh quản lý ; Thực hiện trách nhiệm và ; Xây dựng văn hóa đi đường.

Chấn chỉnh quản lý thì nên bắt đầu đốt một cái lò tham nhũng của ngành giao thông và đốt một cách triệt để nhằm loại bỏ mọi thành phần sâu mọt. Biến các chiến dịch màu mè, lý thuyết trong giao thông thành hành vi cụ thể trong quản lý giao thông. Việc này liên quan đến vế thừ hai là Thực hiện trách nhiệm.

Để thực hiện đúng trách nhiệm, các tổ, nhóm công tác giao thông đứng đường xin bánh mì nên dẹp hẳn, thay vào đó là các tổ hướng dẫn giao thông đứng ở các ngã tư để hướng dẫn người đi đường dừng đèn đỏ đúng làn và thực hiện luật giao thông triệt để. Các cảnh sát giao thông nên thực hiện đúng chức năng cảnh sát (tức là cảnh giới và thị sát, sát hạch giao thông) hơn là biến mình thành những kẻ ăn xin, xin đểu đứng đường. Có như vậy uy tín của ngành giao thông mới củng cố !

Vấn đề thứ ba là xây dựng văn hóa đi đường, điều này cần sự kết hợp liên ngành giữa thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự, kể cả cảnh sát cơ động. Các tổ liên ngành này thay vì đứng một điểm nào đó để thổi, phạt và mè nheo người đi đường thì hãy thực hiện chức năng hướng dẫn và dạy luật đi đường, phạt những người vi phạm giao thông một cách công tâm chứ không thể qua loa theo kiểu đồng bạc đâm toạc công lý như bấy lâu nay.

Chỉ có như vậy mới hi vọng giảm bớt căn bệnh giao thông tại Việt Nam. Nhưng muốn được như vậy thì không hề dễ dàng một chút nào ! Nó đòi hỏi lương tri và tâm huyết của rất nhiều người, trong đó có cả từng người dân trong đất nước đang lún vào tuyệt vọng này !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 05/01/2019 (VietTuSaiGon's blog)

Quay lại trang chủ
Read 576 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)