Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/01/2019

Cuộc tìm kiếm đau buồn của Việt Nam : 300.000 linh hồn mất tích

Joseph Babcock

Nhiều thập kỷ đã qua sau khi cuộc chiến tranh với Mỹ kết thúc, các gia đình Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm hài cốt của những thân nhân họ, những người vẫn còn mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ.

chet1

Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 147 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 11/12. Ảnh : Đại sứ quán Mỹ.

Vào ngày 27 tháng 7 (2018), cái ngày mà, thêm một đợt nữa, những hài cốt được cho là của những người lính Mỹ bị mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên được đưa ra khỏi Bắc Triều Tiên, thì tôi đang lái xe từ Hà Nội lên Yên Bái - một tỉnh nông nghiệp nằm ở phía bắc Việt Nam. Trong buổi sáng hôm đó, chủ nhà đón tiếp tôi là bà Ngô Thúy Hằng, 42 tuổi, phó giám đốc của Marin, một tổ chức phi lợi nhuận của địa phương chuyên giúp đỡ các gia đình Việt Nam tìm kiếm hài cốt của những người thân của họ.

Hơn 300.000 binh sĩ Việt Nam vẫn còn mất tích trong cuộc chiến tranh với Mỹ, một thống kê đau buồn gây đớn đau, nhức nhối cho hàng ngàn gia đình Việt Nam, chủ yếu là ở miền Bắc. Và mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực phân tán, không đồng bộ (nguyên văn : "scattered efforts") để tìm kiếm hài cốt, nhưng những nguồn lực dành cho việc tìm kiếm người Việt bị mất tích chỉ là một phần nhỏ so với những nguồn lực được dành cho việc tìm kiếm và hồi hương hài cốt của 1.600 người Mỹ vẫn được liệt kê là mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ (nguyên văn : "M.I.A" = missing in action) từ cùng chính cuộc chiến tranh này.

Việc một thành viên của gia đình bị mất tích là điều đặc biệt đau đớn trong văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt, điều này cho thấy rằng nếu người chết không được tìm thấy xác và không được chôn cất tử tế cùng với những người đã quá cố khác trước đó tại quê hương bản quán, nơi mà những người thân có thể cầu nguyện và tôn vinh họ, thì người chết đó sẽ trở thành một linh hồn lang thang vô gia cư và đói khát, một hình thức đầy đọa, khổ ải vĩnh viễn.

chet2

Một cựu chiến binh thắp hương trên mộ những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến nhân Ngày Liệt Thương Binh - Ảnh Hoang Dinh Nam/Agence France-Presse — Getty Images

Nơi chúng tôi đang lái xe đến là một ngôi làng nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố Yên Bái buồn tẻ để thăm bà Nguyễn Thị Sinh, 96 tuổi, người đã mất hai người con trai trong cuộc chiến tranh với Mỹ. Năm 2014, bà là một trong 40.000 bà mẹ được chính phủ Việt Nam vinh danh là bà mẹ Việt Nam anh hùng, một danh hiệu chính thức được trao cho "những người mẹ đã có những đóng góp và hy sinh lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc", những hy sinh lớn lao này bao gồm việc mất hai người con trai trở lên, hoặc mất người con trai duy nhất, hoặc mất một người con trai và có một người con trai khác sống sót nhưng bị thương.

Người con trai trẻ hơn trong số hai người con trai của bà Sinh hy sinh trong chiến tranh, tên là Bình, hy sinh năm 1973 tại mặt trận gần thành phố Huế ; hài cốt của anh Bình đã được tìm thấy và được chôn cất tại khu mộ của gia đình. Người con trai lớn hơn của bà Sinh, tên là Kỳ, người được thông báo là đã hy sinh năm 1968 tại Bình Định, một tỉnh miền Trung Việt Nam, hiện vẫn còn mất tích.

"Tôi cố gắng tỏ ra không lo nghĩ gì, vì lo nghĩ không giúp được gì".

Ở bên phải nơi chúng tôi ngồi là một bàn thờ lớn bằng gỗ chạm khắc trên đó có hoa quả và nhang đèn. Ở bức tường phía trên bàn thờ có treo ảnh của Bình và Kỳ trong bộ quân phục.

Một tình nguyện viên của nhóm của cô Hằng ngồi cạnh bà Sinh và nắm lấy tay bà Sinh và nói rằng quá trình này mất nhiều thời gian, với rất nhiều giấy tờ cũ cần phải phân loại, kiểm tra và còn phải liên hệ với rất nhiều những người khác nữa.

"Vâng, vâng, tôi biết thế", bà Sinh nói, giọng bà hơi lạc đi, song nhưng vẫn cố tỏ ra vững vàng. "Thật sự, tôi rất vui khi nghe được bất kỳ một tin tức nào về con trai tôi".

Trở về Hà Nội, cô Hằng điều hành Marin từ một căn hộ có hai phòng ngủ trong một tòa nhà dột nát ở ngoại ô thành phố. Căn hộ được ngăn đôi là nhà của cô. Marin được tài trợ bởi các khoản quyên góp nhỏ của các cá nhân và hoạt động với ngân sách hàng năm khoảng 10.000 đô la.

Ngày hôm trước, khung cảnh trong căn phòng trước của căn hộ hai phòng thật là hỗn loạn. Người thân của những người lính mất tích chen chúc nhau ở cửa ra vào, chờ được đến lượt để được tham vấn với cô Hằng. Cô ngồi trước một chiếc máy tính xách tay đặt trên một cái bàn kê gần bếp, lần lượt trả lời những yêu cầu giúp đỡ của những người trực tiếp đến hỏi và trả lời những người khác gọi đến hỏi bằng hai chiếc điện thoại của cô.

"Bác cần gọi cho cơ quan quân sự địa phương ở tỉnh Ninh Thuận và tìm hiểu xem anh ấy hy sinh ở đâu và như thế nào", cô nói như thế với một người gọi đến đang tìm kiếm tin tức về ông chú của mình.

Sau 15 năm giúp đỡ các gia đình tìm kiếm những người lính mất tích, cô Hằng đã trở thành một chuyên gia về những chi tiết vụn vặt trong các hồ sơ lưu trữ của bên quân đội và công việc giấy tờ văn phòng bí mật của chính phủ. Các gia đình tìm kiếm sự giúp đỡ của cô thường chỉ có những thông tin ít ỏi được ghi trên giấy báo tử chính thức – họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày và nơi hy sinh (thường được ghi một cách đơn giản, chung chung là tại mặt trận phía nam). Đối với nhiều gia đình, cô Hằng là niềm hy vọng duy nhất đối với họ.

Kể từ khi cuộc chiến giữa người Mỹ và người Việt kết thúc vào năm 1975, chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số bước để tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, các đội tìm kiếm hài cốt của nhà nước đã đi đến các tỉnh miền trung, đến các địa điểm của một số trận đánh ác liệt nhất, để tìm kiếm, khai quật hài cốt của những người lính được chôn cất một cách qua loa, vội vã hoặc bị bỏ rơi. Nhiệm vụ xác định các hài cốt rất phức tạp bởi tính chất tàn bạo của chiến tranh ; pháo binh được sử dụng bởi người Mỹ và các đồng minh miền Nam Việt Nam của họ mạnh đến nỗi nó thường xóa sạch mọi thứ trên đường đi của nó. Ngay cả khi các đội tìm kiếm tìm thấy một xác chết hoặc một bộ xương, việc xác định cũng rất khó khăn vì bộ đội Bắc Việt không được cấp thẻ nhận dạng như lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa (nguyên văn : "dog tags" = được làm từ thép không gỉ T304, gồm 18% crôm và 8% niken để chống ăn mòn, thông thường có ghi các thông tin về người lính như : họ tên, số chứng minh thư / số hiệu quân nhân có thể đóng vai trò là mã thông báo nhận dạng cho người lính. Mỗi lính Mỹ hoặc lính Việt Nam Cộng Hòa được phát 2 thẻ nhận dạng này, một được đeo ở cổ, một được gắn trong giày – người dịch).

Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng sự kết thúc của cuộc chiến cũng lại đã mở ra hai thập kỷ đói nghèo mà phần lớn là do các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ vốn là một phần của một tập hợp rộng lớn hơn của chính sách mà đã không cho phép người Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh với Việt Nam. Kết quả là, trong những thập kỷ đó, cả chính quyền Việt Nam lẫn các gia đình riêng lẻ đều không có các nguồn lực dự phòng để tìm kiếm những người mất tích.

Chỉ đến đầu những năm 2000, khi tình hình kinh tế của Việt Nam đã được cải thiện sau những cải cách thị trường vào những năm 1990, các gia đình bắt đầu tìm kiếm một cách nghiêm túc hài cốt của những thân nhân bị mất tích của họ. Trong những nỗ lực mà phần lớn là tự trang trải của mình, họ đã gom góp tiền bạc và bắt đầu đi từ phía bắc đến các tỉnh miền trung để tìm kiếm hài cốt của người thân. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho việc tìm kiếm và quy tập hài cốt, nhưng những nỗ lực của họ vẫn tiếp tục là những nỗ lực hạn chế và thường là không thích hợp, theo các tình nguyện viên và các gia đình mà tôi đã tiếp chuyện.

Một người Hà Nội mà đã mất 10 năm để tìm kiếm hài cốt của người chú của người này đã nói với tôi rằng "Về mặt lý thuyết, gia đình tôi có thể làm đơn và yêu cầu quân đội đi tìm hài cốt của ông chú tôi, nhưng tôi biết nó sẽ mất rất nhiều thời gian và không giúp ích gì được nhiều".

Chính phủ Việt Nam đã tập trung các nỗ lực tìm kiếm của họ chủ yếu vào các ngôi mộ tập thể và chỉ cung cấp trợ giúp cho các gia đình mà đã biết được chính xác nơi người thân của họ đã hy sinh. Hàng ngàn và hàng ngàn gia đình khác không có được những thông tin chính xác loại này thì đành tự lo thôi.

Năm 2014, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 25 triệu đô la vào một dự án nhận dạng DNA khổng lồ - liên doanh với một công ty công nghệ sinh học của Đức có tên Bioglobe. Nhưng, cho đến thời điểm này, tình hình tiến triển rất chậm chạp.

"Họ nói rằng họ đang xây dựng một cái gì đó, nhưng chúng tôi không bao giờ biết", người phụ nữ mà hiện vẫn đang tìm kiếm hài cốt của ông chú mình nói thêm rằng bà ấy nghĩ rằng bất kỳ khoản tiền nào thực sự được dành cho công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ cũng sẽ chỉ nằm trong túi của các quan chức chính phủ tham nhũng.

***

Hàng năm, Hoa Kỳ chi khoảng 100 triệu đô la cho những nỗ lực tìm kiếm 1.597 quân nhân của mình, những người mà đã được liệt kê là mất tích ở Đông Nam Á. Từ năm 1991, Hoa Kỳ đã duy trì một văn phòng tại Hà Nội chuyên tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích ; hiện nay, văn phòng này hoạt động như một tiền trạm của Cơ quan phụ trách công tác tù nhân chiến tranh và những người mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ (nguyên văn : ("an outpost of the Defense P.O.W./M.I.A"). Văn phòng này nằm trên đường Trần Phú, một trong những con phố nhiều cây xanh đẹp nhất ở trung tâm thành phố Hà Nội.

Trong tổ chức chính quyền Việt Nam, không có văn phòng trung ương tương tự dành cho việc tìm kiếm những người lính Việt Nam mất tích. Tuy nhiên, lại có một văn phòng chính phủ trung ương dành cho việc tìm kiếm những người lính Mỹ mất tích.

Văn phòng tìm kiếm người Mỹ mất tích của Việt Nam được thành lập 45 năm trước như một sự nhượng bộ đối với các yêu cầu của chính quyền Mỹ rằng Việt Nam phải làm nhiều hơn để giải trình về những người Mỹ mất tích trước khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế hoặc xem xét viện trợ cho việc hàn gắn các vết thương chiến tranh. Văn phòng tuyên bố đã giúp tìm được và hồi hương 972 bộ hài cốt lính Mỹ. Văn phòng này tự hào về việc huy động hàng nghìn nhân viên của Văn phòng Tìm kiếm Người Mất Tích của Việt Nam, và hàng chục ngàn nhân viên từ chính quyền địa phương và những người dân trên toàn quốc.

Mặc dầu vậy, những người lính Việt Nam mất tích hầu như không bị lãng quên. Việc tìm kiếm hài cốt đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với công chúng. Những câu chuyện về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt những liệt sỹ là chủ đề của các chương trình truyền hình đặc biệt, của văn học thời hậu chiến và những câu chuyện trên báo chí địa phương. "Đây là điều hết sức bình thường đối với chúng tôi", một người bạn Việt Nam đã nói như vậy.

Một đêm nọ, tôi có trò chuyện với một tài xế taxi tên là Tuấn và được biết rằng hai người chú của người tài xế taxi tên Tuấn này đã hy sinh trong chiến tranh và được liệt kê là mất tích. Gia đình đã thực hiện nhiều chuyến đi tìm kiếm, chạy xe cả ngày đến tỉnh Quảng Ngãi, để tìm kiếm các hài cốt. Họ đã tìm được một bộ hài cốt, nhưng bộ hài cốt của một ông chú khác tên là Thanh vẫn chưa được tìm thấy.

Vài ngày sau tôi có đến thăm gia đình Tuấn và để biết thêm phần còn lại của câu chuyện đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ từ bà mẹ và ông bố, những người mà chính họ cũng là các cựu chiến binh.

Bà Minh, mẹ của Tuấn, kể lại chuyến đi tìm kiếm gần đây nhất, khi gia đình không tìm kiếm được gì và phải trở về Hà Nội tay không.

"Ông bà sẽ làm gì bây giờ ?" - tôi hỏi.

Bà Minh nhìn chằm chằm vào tôi đến một giây như là thể câu trả lời đã quá rõ ràng, hiển nhiên, cần gì phải hỏi thêm nữa. "Tiếp tục tìm kiếm thôi", bà ấy nói. "Thật ra, chúng tôi đã lên kế hoạch cho một chuyến đi vào năm tới".

Joseph Babcock

Nguyên tác : Vietnam’s Sad Hunt : 300,000 Missing Souls, The New York Times, 21/12/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 23/01/2019

Joseph Babcock là một giảng viên khoa báo chí, hiện đang thực hiện một cuốn sách về Việt Nam đương đại.

Quay lại trang chủ
Read 603 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)