Vụ việc 152 công dân Việt Nam "mất tích" ngay sau khi tới Đài Loan bằng visa du lịch tháng 12 năm 2018, cũng thể hiện chính phủ Đài Loan đã "vất vả" thế nào khi tìm cách tăng du khách vì lượng thăm viếng từ Trung Quốc giảm mạnh.
Đài Loan đã bắt lại một số người Việt 'mất tích'
152 trong số 153 người Việt vào Đài Loan hôm 21 và 23/12 đã biến mất tức thì.
Theo giới chức Đài Loan, sau đó họ biết rằng ba người trong nhóm đã rời khỏi Đài Loan, một người thì bắt được liên lạc, nghĩa là còn 148 người biến mất.
Tính đến ngày 20/1, Đài Loan nói đã tìm ra 87 người khác, và cố gắng tìm tiếp 61 người còn lại (gồm 44 đàn ông, 17 phụ nữ).
Từ khi quan hệ với Bắc Kinh xấu đi dưới thời tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên cầm quyền năm 2016, số du khách Trung Quốc tới hòn đảo giảm 39%, từ hơn 3,43 triệu năm 2015 còn hơn hai triệu năm 2017.
Mất doanh thu du lịch, và cũng muốn bớt phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, chính phủ Đài Loan từ 2016 đề ra chính sách Hướng Nam Mới để xây dựng quan hệ với nhiều nước, gồm cả Đông Nam Á.
Đài Loan cũng quảng bá dự án visa điện tử Quan Hồng, nhằm tăng số lượng nhóm khách du lịch (ưu đãi cho nhóm khách từ 5 người trở lên) từ tháng 11/2015. Theo đó, công dân sáu nước như Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ…được thăm Đài Loan theo thủ tục dễ dàng nếu nộp đơn qua các công ty du lịch do Đài Loan chỉ định.
Tuy vậy, một số người tới thăm đảo không có ý định làm du khách.
Trong vụ việc mới nhất liên quan nhóm công dân Việt Nam, thông tin mới nhất cho hay các tay trung gian đã lấy từ 1.000 đến 3.000 đôla Mỹ mỗi người, hứa hẹn tìm việc cho họ làm ở Đài Loan.
Trong số 88 người được tìm thấy, đa số làm việc ở các nông trại, hay công việc phi pháp, có người thì ở chung với gia đình đã có giấy tờ ở Đài Loan. Cũng có một số nhỏ tham gia bán dâm và nợ tiền nhóm trung gian, khiến họ thành nạn nhân buôn người, theo lời giới chức.
Thống kê khác của cơ quan di trú Đài Loan cho thấy trong 31.455 người nước ngoài ở lại quá hạn visa ở Đài Loan tính tới tháng 11/2018, thì đa số lại là người Việt, theo sau là Indonesia.
Một người Việt nghi ngờ ở trong nhóm du khách 152 người bị bắt giữ
Hsieh Wen-chung, một quan chức của cơ quan di trú Đài Loan, nói họ tin rằng người Việt tới Đài Loan làm việc phi pháp vì có người thân đã sống ở Đài Loan.
"Đa số người tới đây không có giàu. Nhiều người muốn tìm thân nhân, bạn bè, và tất cả muốn làm việc".
"Đa số có liên hệ tại đây. Ví dụ, một người thì đã có chồng làm việc hợp pháp ở Đài Loan".
Ông Hsieh nói trong số 88 người vừa tìm ra, có khoảng 10 người đến để bán dâm.
"Không phải ai cũng tự nguyện. Một số bị lừa, bị lấy tiền. Họ nói họ không biết phải bán dâm".
"Một số bị nhóm trung gian tịch thu hộ chiếu, và bọn chúng lấy khoản tiền vay để đe dọa, kiểm soát họ".
Theo ông Hsieh, một nguyên do có thể khiến những người này đến Đài Loan phi pháp vì như thế, họ sẽ không phải trả bớt tiền lương tháng cho những công ty trung gian.
Phí trung gian ở Việt Nam lâu nay có tiếng là rất cao. Nhiều người tin rằng đây là lý do vì sao người Việt chiếm gần một nửa - 24.000 người - trong số 51.982 người lao động nhập cư rời bỏ công việc hợp pháp để làm việc phi pháp ở Đài Loan, tính tới tháng 11/2018.
Khách du lịch đến Đài Loan, hình minh họa
Gần đây cơ quan di trú Đài Loan có sáng kiến về chương trình ra đi tự nguyện dành cho những ai ở lại quá hạn. Nếu họ ra trình diện, họ sẽ không bị giam giữ, không tiền phạt.
Chương trình visa Quan Hồng dự kiến sẽ kết thúc ngày 31/12/2019.
Một chương trình khác nhằm đưa sinh viên Đông Nam Á sang học ở Đài Loan cũng làm chính phủ đau đầu. Có phát hiện nhiều sinh viên Indonesia sang đây thì lại đi làm ở nhà máy.
Nhưng do rất muốn tăng du khách, có lẽ chính phủ Đài Loan vẫn sẽ tìm thêm cách để thu hút người sang, dù là du khách hay sinh viên.
Một số dân biểu cho rằng các chương trình tạo điều kiện visa như Quan Hồng cứ tiếp diễn vì số người mất tích chưa đầy 1%.
Tuy nhiên, cũng có lo ngại sẽ có thêm nhiều người muốn tới Đài Loan làm việc phi pháp.
Cindy Sui (Đài Bắc)
Nguồn : BBC, 27/01/2019