Nhiều người nói rằng cái này gọi là cá chép vô lò của ông Táo chứ làm sao mà chở ông Táo được lên tới chốn thiên đình.
Xuồng, ghe của một số cư dân chuẩn bị vớt bắt để bán cho các tiệm ăn. Ảnh : Trí – Thịnh
Theo truyền thống của người Việt Nam, trong ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời. Hàng năm, người dân vẫn mua cá chép, thường là 3 con để cúng sau đó thả sông, hồ... Tuy nhiên giống như mọi năm, hàng trăm cá chép chưa kịp bơi lội đã bị bắt lên ghe, xuồng rồi mang bán lại cho các tiểu thương hoặc hàng quán.
Nhiều người nói rằng cái này gọi là cá chép vô lò của ông Táo chứ làm sao mà chở ông Táo được lên tới chốn thiên đình. "Bây giờ, khi kinh tế khá lên sinh ra đủ thứ. Chỉ sướng mấy ông nhậu. Từ trước đến nay, nhà tôi chỉ mua bộ vàng mã hình cá chép ‘cò bay ngựa chạy’, thế thôi ! Nghi thức đưa cũng đơn giản. Sinh tiền, ba của tôi vẫn hay nói với các con : Trời Phật cũng muốn đơn giản, điều cốt yếu là tấm lòng, sự nhân nghĩa với mọi người". Một khách viếng cảnh chùa Diệu Pháp, nằm bên bờ sông Bình Lợi, Sài Gòn chia sẻ.
Năm nào cũng vậy, cứ vào tuần lễ giáp tết nguyên đán, báo chí luôn đưa tin ảnh về người đứng đầu nhà nước Việt Nam thực hiện các nghi thức thả cá chép cúng Táo quân. Năm nay hình ảnh đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân đã thả cá chép ở hồ Hoàn Kiếm vào chiều 21 tháng Chạp. Có cả một nhà sư đứng cạnh bên ở lễ này.
Theo tín ngưỡng dân gian, thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời cũng là lúc tạm biệt năm cũ với bao buồn vui, được mất, là thời khắc cầu nguyện những điều tốt lành cho năm tới. Thế nhưng thả cá phải ở nơi mà cá có thể sống được, chứ thả ở nơi bị ô nhiễm nguồn nước (nghe nói ở Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm chỉ nhìn bằng mắt thường đã thấy mặt nước màu xanh lục đậm là đủ hiểu chuyện nhiễm tảo lục và tảo lam nặng đến mức độ nào rồi!); hay thả ở nơi có những cảnh người ta đang canh nhau để bắt lại cá phóng sanh cho kinh doanh, thì điều đó không còn mang ý nghĩa tốt đẹp nữa.
Thượng tọa Thích Thiện Minh, tịnh thất Lộc Uyển, giải thích : Phóng sinh là hành vi trao cơ hội tiếp tục sống cho động vật, về với tự nhiên. Đó là hoạt động và nghi lễ của Phật giáo, thể hiện nỗ lực cứu vớt sự sống cho động vật và tâm từ bi của người phóng sinh. Hoạt động đó góp phần tạo thêm thiện nghiệp cho người phóng sinh. Nhưng nhiều người chỉ cần phóng mà không biết nó có tiếp tục sinh hay không. Để con cá trong chậu, con chim trong lồng thì nó còn sống, thả ra tự nhiên mà nó chết thì công lại hóa tội. Về tâm thức, việc phóng sinh như là quá trình thể hiện thiện tâm của người thực hành, thì bản thân hành động thả động vật lại chỉ là hình thức của hoạt động mà chưa thể hiện tâm thức.
Bàn luận rộng sang chuyện thế sự, cộng đồng mạng xã hội tin rằng nếu ông Tổng Bí thư hiểu được ý nghĩa phóng sinh của Phật giáo là khơi dậy lòng hiếu sinh, sự thiện lương của con người ; phóng sinh tức là người ta nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, liền khởi phát lòng từ bi, tìm cách cứu chuộc mạng sống cho chúng.
Vậy thì tại sao ông Nguyễn Phú Trọng không sử dụng quyền lực của mình để ban hành một quyết định ân xá dịp tết cổ truyền, sẽ được coi là lớn nhất trong lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam khi trao trả tự do cho tất cả những người dân đang chịu cảnh lao tù, chỉ vì thể hiện các chính kiến được cho là không phù hợp với đảng cộng sản. Điều này còn mở ra một chương mới cho thực thi các thỏa thuận đàm phán thương mại đa phương, song phương với quốc tế.