Trong lúc con số kiều hối 15,9 tỷ USD về Việt Nam năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố còn đang gây nghi ngờ rất lớn về tính sai sót thống kê và cả tính trung thực lẫn động cơ chính trị của nó, thì một cơ quan của Việt Nam lại phóng vọt kết quả kiều hối năm 2018 lên tới… 18,9 tỷ USD !
Trong thực tế, kiều hối về Việt Nam đã lập đỉnh vào năm 2015 với 13,2 tỷ USD, sau đó lao dốc chỉ còn 9 tỷ USD vào năm 2016
Nhưng không phải những cơ quan chuyên trách hoặc có lên quan phần hành thống kê kiều hối như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước…, mà cơ quan phát ra con số 18,9 tỷ USD trên lại là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (1).
Nhưng cũng tương tự như Ngân hàng thế giới khi công bố số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ phát ra con số duy nhất về lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 mà không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng thế giới…
Độ chênh giữa hai con số của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ngân hàng Thế giới lên tới 4 tỷ USD. Trong khi đó, các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam vẫn ‘câm như thóc’.
Nhưng mới đây, một thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố trong năm 2018, Sài Gòn nhận được 5 tỷ USD kiều hối. Cơ quan này cũng xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối năm 2018: Sài Gòn nhận khoảng 50% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 50% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 chỉ vào khoảng 10 tỷ USD chứ không thể lên đến 15,9 tỷ USD như Ngân hàng thế giới công bố hay 18,9 tỷ USD như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ‘vẽ’.
Nhưng con số 10 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn - nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 50 - 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 10 tỷ USD.
Một chuyên gia kinh tế độc lập (không nêu tên) bình phẩm: dối trá là ‘nghề của chàng’. Một chế độ mà toàn ‘chế’ ra những con số tô hồng và đánh bóng nhưng chẳng có gì xác thực thì cái chân đứng của chế độ coi như là ‘xong’.
Cho tới nay, khả năng rõ ràng hơn cả là để bảo vệ thành tích ‘năm sau cao hơn năm trước’ của chế dộc độc đảng độc trị, các cơ quan quản lý kinh tế của chính phủ đã đùn đẩy nhau để rốt cuộc không cơ quan nào dám chịu trách nhiệm công bố con số kiều hối tổng của hai năm 2017 và 2018 vì sợ khi công bố sẽ bị báo chí và dư luận xã hội truy vấn về nguồn gốc con số và cách thống kê, mà đẩy trách nhiệm công bố cho một cơ quan bị coi là vô tích sự là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong thực tế, kiều hối về Việt Nam đã lập đỉnh vào năm 2015 với 13,2 tỷ USD, sau đó lao dốc chỉ còn 9 tỷ USD vào năm 2016.
Chuyên gia trên cũng cho rằng số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 đã giảm thê thảm, có thể chỉ khoảng 7-8 tỷ USD.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 30/01/2019
(1) https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/gan-19-ti-usd-kieu-hoi-do-vao-dau-3327429/
************************
Ông Nguyễn Phú Trọng : ‘Kiều hối gửi về nước gần 16 tỷ đôla’ (VOA, 28/01/2019)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng hôm 26/01 tiết lộ rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam "gần 16 tỷ đôla" năm 2018.
Một nhân viên ngân hàng đếm các đồng đôla Mỹở Hà Nội.
Ông Trọng nói trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên "Xuân quê hương 2019" ở Hà Nội rằng con số đó "tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993".
"Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận", ông nói, theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam.
Nguyên thủ Việt Nam còn được VGP News dẫn lời nói rằng "những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam".
Hiện chưa rõ nguồn gốc con số thống kê gần 16 tỷ đôla mà ông Trọng đề cập trong bài phát biểu trước nhiều người gốc Việt về nước dịp Tết Nguyên đán.
Cũng xuất hiện ý kiến cho rằng "có không ít" người Việt gửi tiền về nước qua "dịch vụ chui lủi" nên con số thực có thể còn cao hơn.
******************
Kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 đạt gần 19 tỷ đô la (RFA, 26/01/2019)
Trong năm 2018, người Việt ở nước ngoài chuyển về nước số tiền lên đến 18,9 tỷ đô la, theo số liệu thống kê được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đưa ra trong buổi gặp mặt hơn 800 kiều bào về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019. Báo Tuổi Trẻ online loan tin này hôm 24/01/2019.
Nhân viên một ngân hàng thương mại đếm đô la tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội hôm 26/11/2009 - AFP - Ảnh minh họa
Theo người đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, trong số gần 19 tỷ đô la kiều hối, có đến hơn 5 tỷ đô la được chuyển về thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố.
Theo Tuổi Trẻ, tại thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, đã có hơn 400 trí thức, chuyên gia kiều bào về nước làm ăn dài hạn. Số lượng người Việt ở nước ngoài cư trú tại Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong năm 2018 có hơn 42.000 lượt kiều bào nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Giới chức thành phố cho biết đã có gần 3.000 công ty của Việt kiều được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng,
Ông Nguyễn Thành Phong kêu gọi kiều bào góp sức với đảng và chính quyền thành phố nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội năm 2019.
Việt Nam có một số lượng đông đảo người định cư ở nước ngoài, chủ yếu là từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975 khi hàng triệu người phải bỏ nước ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Năm 2004, Bộ Chính trị Việt Nam ban hành nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động tiềm lực kinh tế và trí thức từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà Việt Nam gọi là khúc ruột ngàn dặm.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ năm 1990 đến 2015, đã có khoảng hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 100 ngàn người Việt di cư ra nước ngoài. Đích đến của người Việt chủ yếu là các nước phát triển ở Châu Âu, Mỹ và Úc.