Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/01/2019

Tuổi trẻ Việt Nam hôm qua và hôm nay…

Trúc Mai

Phương châm hành động của đạo Phật là "tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngọn đuốc ấy bao giờ được người trẻ hôm nay mạnh dạn đốt lên và truyền lửa ?

Viết về tôn giáo luôn là chuyện nhạy cảm. Ở đây xin chia sẻ những cảm nghĩ về người trẻ hôm nay như chúng tôi, với các bậc trưởng thượng cũng từng là người trẻ...

tuoitre1

Các hoạt động nhân đạo ở chùa Liên Trì ở khu Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn lúc chưa bị chính quyền cưỡng chế đập bỏ. Ảnh : Trí – Thịnh

Nhân lễ giỗ lần thứ 54 của Huynh trưởng Gia đình Phật tử Nguyên Thường Đào Thị Yến Phi (1948 – 1965), xin được tri ân bà, và mong muốn tuổi trẻ hôm nay tiếp nối được tinh thần dấn thân như thế hệ của bà.

Đôi dòng hoài niệm : Đào Thị Yến Phi, Pháp danh Nguyên Thường, tự Diệu Mai, sinh ngày 16 tháng giêng năm 1948 tại tỉnh Hà Đông, Bắc Việt Nam. Đào Thị Yến Phi gia nhập Gia Đình Phật Tử Linh Thứu từ năm 1958 với tư cách một đoàn sinh Oanh Vũ, năm 1961 lên đoàn Thiếu Nữ. Chính thức Quy y Tam Bảo vào ngày lễ Phật Đản 1962. Trúng cách Trại huấn luyện Đội Chúng Trưởng "Thần Hội" năm 1962, trúng cách Trại huấn luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển năm 1964. Sau đó về sinh hoạt với Gia đình Phật tử Chánh Quang với nhiệm vụ Đoàn Phó Đoàn Oanh Vũ.

14 giờ 30 ngày 26/01/1965, nhằm 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn, trước Tòa Hành Chánh tỉnh Khánh Hòa, trong lúc chư Tăng Ni và Phật Giáo đồ đang tuyệt thực, Đào Thị Yến Phi đã tự tay tưới xăng vào mình và châm lửa tự thiêu. Trước khi lìa đời Yến Phi để lại 03 bức tâm thư :

Một thư gửi cho mẹ, có đoạn viết : "Con tin rằng việc làm của con ngày hôm nay giúp ít nhiều cho Đạo Pháp, Mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi lụy. Con không mất và sẽ còn mãi mãi với nguyện vọng Dân tộc… Nợ đời, nợ Đạo con chọn một, chỉ có giáo lý của đức Phật mới tồn tại mãi… Mẹ tha tội cho con…".

Bức thư thứ hai gửi cho quí Thượng Toạ, Đại Đức và Phật giáo đồ, Phi viết : "Con, một Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử Chánh Quang xin âm thầm phát nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường Tam Bảo, để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho quí Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni pháp thể khương an, cầu nguyện cho Phật Giáo Đồ dư sức, thừa nghị lực để tranh đấu…".

Và một bức thư gửi Thủ tướng Trần Văn Hương nói lên lời tâm huyết : "Mong chính quyền sớm giác tỉnh và giải quyết các nguyện vọng của Phật Giáo…".

Gia đình Phật tử Việt Nam là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên được thành lập từ những năm 1940, mang danh xưng chính thức là Gia đình Phật tử vào năm 1951 trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo, do cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập, có khẩu hiệu là "Bi - Trí – Dũng". Vào đầu thế kỷ 20, Gia đình Phật tử Việt Nam có hơn 150.000 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Mục đích của Gia đình Phật tử là đào luyện thanh - thiếu - đồng niên thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Câu hỏi đặt ra là vì sao kể từ tháng 4/1975 đến hôm nay, không có một Phật tử nào thể hiện tinh thần "Bi – Tri – Dũng" như thế hệ cha, anh ? 

tuoitre2

Các hoạt động nhân đạo ở chùa Liên Trì ở khu Thủ Thiêm, quận 2, Sài Gòn lúc chưa bị chính quyền cưỡng chế đập bỏ. Ảnh : Trí – Thịnh

Khi sinh hoạt Gia đình Phật tử, đoàn sinh nào cũng được dạy rằng với đại bi, người phật tử sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, lấy cái đau thương của mọi người làm cái đau thương của chính mình. Cái bức xúc của mọi người cũng là cái bức xúc của chính mình, do đó người phật tử cần hành động. Như vậy thì trước hàng loạt tự viện bị chính quyền cưỡng chiếm phá dỡ, vì sao không hề có một phật tử nào lấy đó là niềm đau của mình để mà đấu tranh ?.

Các bạn đoàn sinh từng được giảng rằng với đại trí, người phật tử luôn luôn cảnh giác mọi cám dỗ của Ma Vương, biết gạt bỏ tất cả những cái hư, biết đoàn kết hành động và hoạt động đúng chánh nghĩa biết tiến tới, thối lui, dừng lại đúng thời đúng lúc. Rồi với đại dũng, người phật tử luôn luôn sẳn sàng hy sinh thân mình vì đại nghĩa, dũng cảm quên mình để bảo vệ chánh nghĩa và Đạo pháp, đem lại hòa bình, hạnh phúc an vui cho xứ sở.

Trong cuộc tranh đấu bất bạo động đòi tự do tín ngưỡng công bằng xã hội, người phật tử hôm nay đã thể hiện tinh thần Bi – Trí – Dũng ra sao ? Phải chăng nếu đem so sánh với thế hệ cha anh đã hy sinh cho đạo pháp, thì Gia đình Phật tử Việt Nam hôm nay đang sống mòn, chấp nhận những bất công như cuộc pháp nạn phải cam chịu ?

Phương châm hành động của đạo Phật là "hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngọn đuốc ấy bao giờ được người trẻ hôm nay mạnh dạn đốt lên và truyền lửa ?

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 30/01/2019

Quay lại trang chủ
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)