Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/02/2019

Hỗn loạn số liệu kiều hối trong giới chóp bu

Phạm Chí Dũng

Sau năm 2017 im thít mà không dám công bố số tổng kiều hối về Việt Nam bị lao dốc thê thảm từ mức đỉnh 13,2 tỷ USD của năm 2015, có lẽ giới chóp bu Việt Nam đã ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ khi năm 2018 chấm dứt một chu kỳ lê lết mỏi mệt trong nỗi căng thẳng thường trực phải đào bới bằng được những nguồn ngoại tệ còn lại để trả nợ cho nước ngoài.

kieuhoi1

Trong hai năm 2017 và 2018, số kiều hối về Việt Nam rất có thể đã giảm thê thảm, chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD. Hình minh họa.

Nguyễn Phú Trọng nói theo… Ngân hàng Thế giới

Lần này, đích thân ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng xuất đầu lộ diện. Trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên "Xuân quê hương 2019" ở Hà Nội, ông Trọng thông báo rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam gần 16 tỷ đôla trong năm 2018 và không quên nhấn mạnh rằng con số đó "tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993".

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng thông tin công khai về số kiều hối tổng - sát với thời điểm lần đầu tiên ông Trọng hào hứng khoe thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Cúp bóng đá Châu Á.

Tuy nhiên, sự thể tréo ngoe là trong khi ‘Tổng chủ’ nói về số kiều hối quốc gia gần 16 tỷ USD của năm 2018 thì lại chẳng có bất kỳ cơ quan quản lý kinh tế nào của chính phủ như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước… chịu công bố số kiều hối này cho đến nay.

Trong lúc đó, con số kiều hối ‘gần 16 tỷ USD’ từ miệng ông Trọng chỉ đến từ… Ngân hàng Thế giới.

Không hiểu vì lý do hay động cơ nào mà trong hai năm 2017 và 2018, trong lúc các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam vẫn như cấm khẩu thì Ngân hàng Thế giới lại đều đặn công bố "Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước" và "Việt Nam đã nhận tổng cộng 15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018".

Ngay lập tức, các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ Ngân hàng thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.

Khi cơ quan ‘ăn bám’ lên tiếng

Trong lúc con số kiều hối 15,9 tỷ USD về Việt Nam năm 2018 do Ngân hàng Thế giới công bố còn đang gây nghi ngờ rất lớn về tính sai sót thống kê và cả tính trung thực lẫn động cơ chính trị của nó, thì một cơ quan của Việt Nam lại phóng vọt kết quả kiều hối năm 2018 lên tới… 18,9 tỷ USD !

Nhưng vẫn không phải những cơ quan chuyên trách hoặc có lên quan phần hành thống kê kiều hối như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước…, mà cơ quan phát ra con số 18,9 tỷ USD trên lại là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (1).

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan bị nhiều Việt kiều đánh giá là ‘vô tích sự’ và ‘ăn bám’ vì chỉ biết nói theo đảng mà không có nổi một chính kiến về chính thể Việt Nam Cộng Hòa và những hỗ trợ mang tính thực tế cho ‘trí thức kiều bào ta’ dụng võ ở Việt Nam.

Song cũng tương tự như Ngân hàng Thế giới khi công bố số kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ phát ra con số duy nhất về lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 mà không trưng ra được một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng Thế giới…

Độ chênh giữa hai con số của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ngân hàng Thế giới và ‘Tổng chủ’ Trọng lên tới 3 tỷ USD. Trong khi đó, các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam vẫn ‘câm như thóc’.

Kiều hối thực chất là bao nhiêu ?

Mới đây, một thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã công bố trong năm 2018, Sài Gòn nhận được 5 tỷ USD kiều hối, thấp hơn con số năm 2017 là 5,2 tỷ USD. Cơ quan này cũng xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối năm 2018 : Sài Gòn nhận khoảng 50% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.

Sự thừa nhận trên cho thấy ngay cả Sài Gòn - bị giới chóp bu Hà Nội xem là ‘con bò sữa’ để tha hồ vắt kiệt sức dân và doanh nghiệp - cũng đã lần đầu tiên bị giảm kiều hối sau nhiều năm.

Như vậy nếu căn cứ vào con số 5 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 50% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 chỉ vào khoảng 10 tỷ USD chứ không thể lên đến 15,9 tỷ USD như Ngân hàng Thế giới công bố hay 18,9 tỷ USD như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ‘vẽ’.

Nhưng con số 10 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn - nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 50 - 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 10 tỷ USD.

Cho đến nay, ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng nghi ngờ rằng nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cho rằng kiều hối về Sài Gòn chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối cả nước, con số kiều hối tối đa mà Việt Nam nhận được trong năm 2018 chỉ khoảng 10 tỷ USD chứ làm sao được ‘vẽ’ đến 15,9 tỷ USD như công bố của Ngân hàng Thế giới ?

Nói cách khác, giữa Ngân hàng Thế giới và chính quyền Việt Nam liệu có tồn tại âm thầm một thỏa hiệp chính trị nào để tô hồng cho chế độ độc đảng này ? Liệu Ngân hàng Thế giới có tiếp tay, hoặc đã có một hành động hoàn toàn không khách quan và trung thực, cho chính thể độc trị ở Việt Nam khi nêu ra con số thống kê lượng kiều hối về Việt Nam năm 2018 lên đến 15,9 tỷ USD ?

‘Nghề của chàng’

Sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này sẽ đảo chiều trong những năm tới.

Trong hai năm 2017 và 2018, số kiều hối về Việt Nam rất có thể đã giảm thê thảm, chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD.

Nhưng ở Việt Nam, dối trá lại là ‘nghề của chàng’. Một chế độ mà toàn ‘chế’ ra những con số tô hồng và đánh bóng nhưng chẳng có gì xác thực thì cái chân đứng của chế độ đó coi như là ‘xong’.

Cho tới nay, khả năng rõ ràng hơn cả là để bảo vệ thành tích ‘năm sau cao hơn năm trước’ của chế độ độc đảng độc trị, các cơ quan quản lý kinh tế của chính phủ đã đùn đẩy nhau để rốt cuộc không cơ quan nào dám chịu trách nhiệm công bố con số kiều hối tổng của hai năm 2017 và 2018 vì sợ khi công bố sẽ bị báo chí và dư luận xã hội truy vấn về nguồn gốc con số và cách thống kê, mà đẩy trách nhiệm công bố cho một cơ quan bị coi là vô tích sự là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Một trạng thái hỗn loạn về công bố và trấn an số liệu kiều hối đang bùng nổ trong giới chóp bu Việt Nam. Độ chênh về số liệu kiều hối giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng lên đến 3 tỷ USD không chỉ phản ánh tình trạng ‘loạn số liệu’ trong công tác quản lý điều hành đất nước, mà còn là một bằng chứng hỗn quân hỗn quan về tình trạng bất khả tin cậy về uy tín của giới lãnh đạo đương thời cùng cái sự thật ngân sách đang cạn kiệt ngoại tệ mà có thể vỡ nợ nước ngoài trong không bao lâu nữa.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 04/02/2019

(1) https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/gan-19-ti-usd-kieu-hoi-do-vao-dau-3327429/

Quay lại trang chủ
Read 604 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)