Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/02/2019

Năm huyền thoại trong tâm trí người Việt về Singapore

BBC tiếng Việt

Với nhiều người Việt Nam, Singapore ngày nay là một hình mẫu của phát triển hiện đại, thịnh vượng, tiện nghi và kỷ luật.

Có lãnh đạo Việt Nam muốn Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 'sánh vai' với Singapore.

sing1

Sir Thomas Stamford Raffles của Anh lập thương cảng Singapore đầu năm 1819 từ một làng chài

Điều này không lạ vì Singapore nay còn làm 'ông chủ cũ' Anh Quốc ngưỡng mộ.

Thăm Singapore đầu năm 2019, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói "Anh Quốc muốn học nhiều thứ từ Singapore".

Đảng Bảo thủ thì mơ Anh sau Brexit thành "Singapore của Biển Bắc", tự do, thịnh vượng và chỉ bỏ neo bên bờ Châu Âu mà không còn gắn kết với EU.

Thật là chuyện gió đổi chiều sau 200 năm.

Vì 28/1 vừa qua là dịp kỷ niệm ngày Sir Thomas Stamford Raffles lập thương cảng Singapore năm 1819 từ một làng chài.

Nhưng để hiểu về Singapore và tránh các ngộ nhận và rút ra bài học đúng, có lẽ cũng cần xem lại một số huyền thoại về đảo quốc này.

Huyền thoại 1 : Từ hòn đảo nghèo nàn thành đô thị hiện đại

Đây là huyền thoại do chính đảng Nhân dân Hành động cầm quyền ở Singapore không ngừng tô vẽ.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã rất khéo trong việc tạo ra 'story' độc đáo về nước ông "từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất" chỉ trong một hai thế hệ.

Đúng là khi tách khỏi Liên bang Malaysia để độc lập năm 1965 thì ngân quỹ quốc gia Singapore rất ít tiền.

Nhưng Singapore đã thừa hưởng toàn bộ cơ sở hạ tầng của một thương cảng "thuộc hàng giàu có bậc nhất thế giới" ngay từ thế kỷ 19, theo Britannica.

Năm 1867, Singapore chuyển quy chế từ một cảng tự do (free port) của chính quyền Bengal thuộc Anh sang quy chế thuộc địa (colony), do London trực trị.

sing2

Một đám rước của cộng đồng Hoa tại Singapore năm 1900

Các khoản thu hàng năm cứ dần tăng lên hàng chục lần kể từ năm 1824.

Cuối thế kỷ 19, Singapore đã là 'hòn ngọc Đông Nam Á' của London, với lãi ròng hàng năm 90 triệu đô la (1,7 tỷ ngày nay) với 220 nghìn dân.

Khu phố chính, các dinh thự, trường học, nhà thờ được xây theo mô hình Jackson thẳng tắp, đẹp đẽ.

Giữa thế kỷ 19, Hong Kong có nhiều dịch bệnh khiến Anh chọn Singapore làm nơi đóng hạm đội Châu Á.

Đến năm 1923, Anh đầu tư 60 triệu bảng vào quân cảng này và tới Thế Chiến 2 đã có 80 nghìn quân đóng ở Singapore.

Năm 1942, Nhật Bản thắng Anh, chiếm Singapore, đổi tên đảo thành Chiêu Nam và coi là phần lãnh thổ Nhật.

Một đô thị, hải cảng như thế không thể là hòn đảo 'nghèo nàn'.

Huyền thoại 2 : Singapore luôn là xứ sở của kỷ luật và đạo đức

Singapore từ thời Lý Quang Diệu đã tiếp quản luật Anh, giáo dục Anh và những giá trị khắc kỷ về hành chính của kỷ nguyên Victoria để lại, gồm cả hình phạt roi.

Đánh roi không phải hình phạt người Anh nhằm hạ nhục người bản địa mà luôn được dùng trong trường nội trú ở Anh cho cả con nhà quý tộc.

Ngày nay, Singapore vẫn trừng phạt các vi phạm hành chính rất nặng và xử tử dân buôn ma tuý.

Nhưng hòn đảo ban đầu lại phất lên nhờ thuốc phiện.

Jeevan Vasagar nhắc lại rằng trong thế kỷ 19, nguồn lợi buôn nha phiến vào Trung Quốc đem lại cho Singapore sự giàu có chưa từng thấy.

"Chừng 30-55% nguồn thu của chính quyền thuộc địa tại Singapore đến từ buôn nha phiến, và vô số dân buôn Trung Hoa làm trung gian cho người Anh cũng giàu lên nhanh chóng".

Bản thân Singapore thu nhận hàng vạn di dân từ Trung Hoa đến làm ăn, và đây là một xã hội xô bồ, năng động mà cũng đầy tệ nạn.

Jean Abshire trong cuốn Lịch sử Singapore mô tả thương cảng này 'vô luật lệ như nước Mỹ thuở chinh phục Viễn Tây' (lawless frontier).

Người Anh làm chủ nhưng các doanh nhân, dân phiêu lưu Armenia, Pháp, Do Thái, Mỹ... đều có mặt, cùng người Hoa, Mã Lai, Ấn... đến Singapore tìm vận may.

"Có một xã hội người Hoa hút thuốc phiện, đĩ điếm, cờ bạc, cướp biển và những tay lính thủy Anh say xỉn, bạo lực" và đủ các loại cò mồi, lừa đảo.

Người Hoa cũng thường xuyên dùng thuyền đem di dân nhập lập vào Singapore để tăng quân số cho dân làm thuê được các bang hội và băng đảng kiểm soát.

Huyền thoại 3 : Singapore phát triển nhờ các giá trị Châu Á

sing3

Hải quân Singapore duyệt đội danh dự ở quân cảng Changi

Sau khi nhận trao trả độc lập, Singapore không làm cách mạng đập bỏ 'quá khứ thực dân' theo trào lưu trong vùng khi đó.

Trái lại, ông Lý Quang Diệu đã tiếp nhận hoàn toàn di sản của Anh về luật pháp, kể cả luật giao thông, và nhất là hệ thống giáo dục, ngôn ngữ từ Anh Quốc.

Ông Lý Quang Diệu từng nói nhờ phổ cập tiếng Anh là Singapore liên kết được nhóm dân Hoa, Ấn và Mã Lai đã thành công kinh tế.

Tuy thế, là người tốt nghiệp Cambridge và LSE ở Anh ra, ông Lý lại nêu ra về giá trị Châu Á để tạo sự tự tin cho người Singapore.

Nhờ hệ thống toà án xử theo luật Anh mà Singapore có thể duy trì vai trò 'trọng tài' trong các thương vụ quốc tế.

Càng gần đây, lo ngại Trung Quốc lũng đoạn luật pháp Hong Kong lại khiến dân làm ăn tiếp tục tìm đến Singapore.

Huyền thoại 4 : Singapore là thương cảng độc đáo nhất Đông Nam Á

Hàng trăm năm trước khi người Anh tới, đảo Singapura đã là một điểm trung chuyển hàng hóa của các vương quốc mà nay thuộc về Malaysia hoặc Indonesia.

Người Singapore ngày nay cũng nhắc lại lịch sử không phải 200 năm mà là 700 năm của hòn đảo, từ thời kỳ văn hóa Ấn giáo và Hồi giáo.

Cuốn sách 'Singapore : A 700-Year History' của chính phủ công bố gần đây bác bỏ huyền thoại về "một làng chài vắng vẻ" khi Sir Stamford Raffes tới :

"Singapore khi đó đã là một bến cảng sôi động của vương quốc Hồi giáo Johor-Riau...".

Vai trò của người Anh là hiện đại hóa một truyền thống thương mại đã có trong lịch sử hải dương bên Eo biển Malacca.

Thậm chí lịch sử phát triển của Singapore không phải lúc này cũng "thuận buồm xuôi gió".

Ở gần, Singapore vẫn phải cạnh tranh với ít nhất là ba thương cảng khác : Malacca, Penang, Batavia (Jakarta ngày nay).

Ở xa hơn, Singapore bị Calcutta và Hong Kong cạnh tranh mạnh và đã có lúc - giống như hiện nay - bị Hong Kong giành nguồn lợi từ giao thương với Trung Quốc.

Huyền thoại 5 : Singapore từng kém Sài Gòn

Như đã nói ở trên, Singapore từng đóng góp rất lớn cho thương mại của Đế quốc Anh tại Châu Á về lợi tức.

Nhưng nói là Singapore từng kém cả Sài Gòn thì không hoàn toàn đúng.

Hai đô thị này có hai vai trò khác nhau, tùy vào ông chủ thuộc địa thời đó.

Ban đầu, Singapore là thương cảng thuộc chính quyền Bengal của Anh và sau thêm nhiệm vụ làm quân cảng.

Còn Sài Gòn vốn là thủ phủ của Đông Dương từ 1887 đến 1902, nên có vai trò chính trị quan trọng hơn với Pháp.

Nhưng về độ trù phú, giàu có thì Singapore thuở ban đầu đã hơn Sài Gòn, như tường thuật của Phạm Phú Thứ ((1821-1882) viết trong Ký sự đi Tây (1863).

Số phận của Singapore lên xuống cùng kinh tế khu vực.

sing4

Cảng Sài Gòn năm 1950

sing5

Hai tiếp viên Shareen Loh và Lily Tian của Singapore Airlines trong chuyến bay của phi cơ Boeing 707 đầu tiên của hãng này đến sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn năm 1972

Năm 1842, Anh cho lập cảng Hong Kong, và thương mại của Singapore bị sụt giảm ngay.

Sau đó, việc Pháp lập ra hai cảng Sài Gòn và Hải Phòng ở Đông Dương cũng làm vị thế của Singapore tiếp tục giảm đi.

Singapore từ chỗ kiếm tiền nhờ buôn nha phiến và trà đã nhanh chóng tìm nguồn lợi kinh doanh ở các vùng xung quanh : Malaysia, Indonesia và thành công trở lại.

Sang đầu thế kỷ 20 Singapore thành cảng xuất khẩu thiếc và nông sản lớn nhất Đông Nam Á.

Sau này, khi xảy ra Chiến tranh Việt Nam, Singapore cũng kiếm lời nhờ làm dịch vụ cho quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam.

Còn cụ thể về câu nói của Lý Quang Diệu so sánh Singapore với Sài Gòn thì đã có nhiều diễn giải sai.

Ông Lý từng nói rằng, "Nếu ai đó nhìn vào Sài Gòn và Singapore năm 1954 thì người đó sẽ nghĩ Singapore hết thời rồi, chứ không phải Sài Gòn" (If one looked at Saigon and Singapore in 1954, one would have said Singapore was the goner, not Saigon).

Nhưng trên thực tế thì Singapore cuối cùng đã thành công, còn Việt Nam Cộng Hòa thì không, vì nhiều lý do.

Nguyên văn câu của ông Lý Quang Diệu vế này là "Saigon can do what Singapore did".

Đó là vào năm 1954, khi cuộc chiến chưa tàn phá Nam Việt Nam.

Còn tới 1974, Singapore đã có 2,3 triệu dân, đông hơn thủ đô Việt Nam Cộng Hòa Sài Gòn (325 nghìn), và có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Nam Việt Nam.

Sự thật mang tầm huyền thoại về Singapore là tính năng động và thực dụng của lãnh đạo đảo quốc, gió chiều nào cũng xoay buồm ra biển được.

Vẫn trong câu nói về Sài Gòn, ông Lý cả quyết, "Cứ tìm được nhóm người có năng lực là làm được" (If you can find the group of men who could do it).

Điều quan trọng nhất là con người.

Nguồn : BBC, 05/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)