Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2019

Ý dân

Thảo Vy

Trong những ngày xuân Kỷ Hợi, khách hành hương viếng Đền Trần (Nam Định) sẽ thấy ngay tại cổng Ngũ Môn ghi khắc câu đối : "Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường" (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm ; Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).

ydan1

Ông Huỳnh Thành Lập -Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi góp ý (09/09/2015). Ảnh minh họa.

Tự tin hay đang tự huyễn hoặc ?

Sáng 1/2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và Hà Nội. toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi chúc Tết được báo Nhân Dân đăng tải toàn văn (1).

So với bài viết : "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn" mà các báo đăng tải hôm trước đó 30-1 cũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì mức độ tự tin về chuyện "Đảng vững mạnh" của ông Nguyễn Phú Trọng kém hẳn (2).

Nếu như ở bài viết hôm 30/1, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", thì trong bài phát biểu hôm sáng 1/2, khẩu khí đã chùng hẳn xuống khi ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi : "Chúng ta cần quyết tâm, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với thực hiện có chiều sâu việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Câu hỏi đặt ra, để có câu trả lời thuyết phục cho nhận định phải thật là "Đảng vững mạnh", ông Nguyễn Phú Trọng có thể ‘nhờ’ Quốc hội cho tổ chức cuộc trưng cầu ý dân theo Luật Trưng cầu ý dân, đã có hiệu lực từ 1/7/2016.

Trưng cầu ý dân là việc không mới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu. Cách đây hơn 7 thế kỷ, đã có một cuộc trưng cầu ý dân mà bất cứ người Việt nào cũng biết : Năm 1285, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam Vương, dẫn một đội quân 50 vạn người xâm lược Việt Nam lần thứ 2. 

Vua Trần Nhân Tông đã cho mời bô lão của các làng xã trên cả nước về điện Diên Hồng. Nhà vua nêu câu hỏi : Tổ quốc lâm nguy. Thế giặc rất mạnh. Xin các cụ cho ý kiến, ta nên hòa (tức đầu hàng) hay nên đánh ? Hàng ngàn phụ lão đã nhất tề hô : Xin bệ hạ cho đánh. Ý chí đó đã củng cố thêm quyết tâm của nhà vua và triều đình. Trước mặt các bô lão, nhà vua hạ chiếu : Đánh.

Kết quả là đạo quân 50 vạn người của giặc đã bị đánh cho không còn mảnh giáp, đến nỗi chủ tướng phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy mới thoát chết. Hội nghị Diên Hồng sống mãi trong lòng dân tộc, vì nó đã nói lên một chân lý bất biến, rằng "ý dân là ý trời".

Thuận ý dân

Trở lại với câu chuyện hôm nay. Trong sáng 30 Tết, nhằm ngày 4/2, ông Lê Văn Vĩnh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT Xây dựng Đồng Tháp, đơn vị thu phí cầu sông Cái Nhỏ và cầu Tân Nghĩa, cho biết báo chí biết rằng công ty đã ngừng thu phí 2 cầu từ chiều 3/2. Công đoạn tháo dỡ trạm thu phí tiến hành gấp rút tạo điều kiện thông thoáng để người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Trước đó, việc thu phí cầu sông Cái Nhỏ kéo dài đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Đỉnh điểm vào cuối tháng 9/2018, hàng trăm người dân đã tập trung phản đối. Tương tự ở cầu Tân Nghĩa cũng bị người dân phản ánh nhiều lần về thời gian thu phí.

Trước phản ứng có cả tình và lý của người dân, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định dùng ngân sách tỉnh để mua lại trạm BOT này với giá hợp lý nhất.

Theo thẩm định, nếu không mua lại thì cầu sông Cái Nhỏ dự kiến sẽ kết thúc thu phí vào tháng 8/2024, tức thời gian thu phí là 12,8 năm. Tương tự, cầu Tân Nghĩa thời gian thu phí cũng là 12,8 năm tức chấm dứt vào tháng 10/2020. Ông Vĩnh cho biết sẽ nhận khoản tiền vốn mua lại 2 dự án này của chính quyền tỉnh là 14,8 tỉ đồng.

Tương tự, trạm thu phí BOT đường bộ Tân Đệ ở tỉnh Thái Bình bị người dân phản ứng vì đặt nhầm chỗ tương tự như BOT Cai Lậy, Tiền Giang cũng đã được chính quyền tỉnh Thái Bình yêu cầu phải phá dỡ ngay trước Tết nguyên đán 1 tuần lễ, và nhà đầu tư phải đặt trạm thu phí đúng với nơi đã mà dự án đã đầu tư.

Có thật là người dân đang phấn khởi tin tưởng đảng cộng sản ?

Nhìn rộng hơn, quan sát trên mạng xã hội và các trang báo điện tử, có thể thấy rằng người dân Việt Nam đang ủng hộ việc xóa sổ nền chính trị độc tài ở Venezuela. Thể chế xã hội chủ nghĩa ở quốc gia này đang đứng trước bờ vực sụp đổ, và người dân Việt Nam lại hồ hỡi trước những thông tin về khủng hoảng chính trị ấy.

Câu hỏi đặt ra, liệu người dân Việt Nam có phải thực sự mang tâm thế như lời của ông Nguyễn Phú Trọng : "Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực mạnh mẽ trên khắp cả nước và được nhiều bạn bè quốc tế ghi nhận" (3) ?

Ghi nhận thực tế là không hề có "một không khí phấn khởi" như nhận định đầy chủ quan của ông Nguyễn Phú Trọng. Đơn cử, thưởng Tết Kỷ Hợi trong ngành bất động sản ở Sài Gòn, theo đánh giá sơ bộ là ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiều công ty kinh doanh địa ốc nói rằng năm 2018 vừa qua họ có doanh số rất thấp, nên thưởng Tết chỉ mang tính tượng trưng. 

Giám đốc bộ phận kinh doanh ở một doanh nghiệp bất động sản khá có tiếng tại Sài Gòn, ngậm ngùi kể trong bữa tiệc tất niên đạm bạc với báo chí : "Trong năm vừa qua công ty chỉ có đúng một dự án với hơn 400 căn nhà để bán ra thị trường, mà nhân viên môi giới cũng đã lên gần 2.000 người nên áp lực lương bỗng khá căng. Một số nhân viên kỳ cựu cũng phải bỏ công ty mà ra đi, như tôi đây vẫn bám trụ được là mừng chứ không mong gì nhận lương thưởng".

Ông cho rằng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, và niềm tin vào những nhà quản trị quốc gia cũng vì thế mà ngày càng tuột giảm, chứ không hề đúng như tự tin về "đất nước phát triển" như lời tựa của bài báo ký tên Nguyễn Phú Trọng hôm 30/01/2019.

Trưng cầu dân ý là một quyền dân sự được hiến định. Nếu quả tình ông Nguyễn Phú Trọng tự tin "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn", và ông cũng tự tin là Đảng cộng sản Việt Nam không hề theo đuổi nền chính trị độc tài như Venezuela, thì ông hãy thử một lần dùng quyền là Chủ tịch nước để yêu cầu Quốc hội thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân, về mức độ tín nhiệm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong vai trò quản trị quốc gia.

Vàng thiệt không sợ lửa. Ông bà mình nói như vậy.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 06/02/2019

(1) http://bit.ly/2WGcteX

(2) http://bit.ly/2UyEpiW

(3) http://bit.ly/2WGcteX

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)