Cả mấy tuần nay câu chuyện cái vỉa hè ầm ĩ khắp mạng xã hội, trở thành chủ đề thú vị trên bàn nhậu hay tại các quán cafe.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tuyến phố được thí điểm lắp đặt barie trên vỉa hè nhằm ngăn chặn xe máy đi lại
Chuyện bắt đầu khi tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tuyến phố được thí điểm lắp đặt barie trên vỉa hè nhằm ngăn chặn xe máy đi lại. Những thanh barie này được sắp xếp so le nhau để người đi bộ vẫn có thể dễ dàng bước qua được đồng thời khoảng cách giữa các thanh sắt cũng đủ rộng để người ngồi xe lăn lách qua. Chưa hết, chuyện cái vỉa hè tiếp tục được lên sóng khi Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho huy động lực lượng quản lý trật tự đô thị để "dọn dẹp" vỉa hè. Tất cả các bàn ghế quán xá, các sạp hàng rong, xe cộ đậu trên vỉa hè, thậm chí cả chốt dân phòng di động cũng được dỡ bỏ và tịch thu. Hành động này của ngài Phó chủ tịch đã tạo nên luồng ý kiến hai chiều khi một bên ủng hộ sự quyết liệt vì một thành phố văn minh và phe còn lại cũng phản ứng dữ dội vì cho rằng dẹp vỉa hè là mất đi tình người khi rất nhiều người dân Việt nghèo phải làm ăn buôn bán trên vỉa hè.
Có thể nói vỉa hè như một nét văn hóa đặc trưng của người Việt khi mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều có thể diễn ra trên vỉa hè. Họ có thể tận dụng diện tích vỉa hè để mở rộng quán xá, bán vé số hay chỉ đơn giản là ngồi tụ tập tán gẫu chơi vài ván cờ.
Trong một bài viết nghiên cứu về văn hóa xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Allison Truitt, bà nhận thấy rằng văn hóa xe máy của người Việt hoàn toàn gắn liền với văn hóa vỉa hè. Với phương tiện chủ yếu là xe máy, người lái xe có thể đang đi trên đường và đỗ lại một cách tự do để mua hàng và thức ăn trên vỉa hè. Ngay cả trong những tình huống cấp bách như hết xăng hay thủng lốp xe, việc có một cửa hàng sửa chữa nằm ngay trên vỉa hè được cho là vô cùng tiện lợi và cần thiết. Dưới cái nhìn của một nhà văn hóa học, họ không đánh giá mức độ văn minh của những người bản địa sống cùng văn hóa đó, đơn giản đó là sự quan sát tìm hiểu về sự đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau.
Văn hóa xe máy của người Việt hoàn toàn gắn liền với văn hóa vỉa hè.
Quay lại vấn đề hiệu quả của các biện pháp cũng như hành động của các nhà chức trách trong cuộc chiến vỉa hè với người dân. Liệu rằng việc dẹp sạch vỉa hè và ngăn cấm các loại xe cộ đi trên vỉa hè là vì dân hay không thì lại phải nhìn lại định nghĩa vỉa hè là gì ? Tôi cũng từng một lần được học về một lớp luật cơ bản trong đó có đề cập đến vấn đề đất công và đất tư. Tại Mỹ, tùy theo các bang mà có những luật sở hữu và luật sử dụng khác nhau, tuy là vấn đề nhỏ nhưng cũng phức tạp vô cùng. Vỉa hè thuộc về quyền quản lý của nhà nước và để cho dân chúng sử dụng vì vậy bảo vệ vỉa hè cũng như bảo vệ quyền lợi của dân vậy. Tất nhiên nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với hệ thống đường xá công cộng ví dụ như tuyết rơi hoặc băng bám trên mặt đường thì luôn có xe chuyên dụng đi dọn dẹp nhằm đảm bảo đi lại an toàn. Nếu có cá nhân nào vô tình xâm chiếm vỉa hè thì sẽ bị nhắc nhở lần đầu, nặng hơn sẽ lên tòa phạt hành chính. Việc sử dụng khoảng không công cộng cũng được cấp phép đàng hoàng nếu có nhu cầu sử dụng.
Không ít người mở quán cafe phải chi một khoản tiền lặt nhặt không biên lai về những vấn đề như biển hiệu, vỉa hè, điện, nước hàng tháng
Người Việt thì hoàn toàn không để ý đến những vấn đề đó, chưa kể khoảng vỉa hè trước mặt sẽ nghiễm nhiên trở thành của mình nếu chăm chỉ "nộp tiền" cho công an phường. Thậm chí những chiếc ghế công cộng bên hồ, trong công viên cũng có người sở hữu, chỉ cần vô tình ngồi xuống là mất tiền. Bạn bè tôi không ít người mở quán cafe và họ luôn phải chi một khoản tiền lặt nhặt không biên lai về những vấn đề như biển hiệu, vỉa hè, điện, nước hàng tháng. Cái lối làm ăn đấy cũng đã được vận hành từ lâu mà chẳng có ai thèm than phiền đếm xỉa, vậy nên một ngày có ông phó chủ tịch hô hào "dẹp loạn" thì cũng ấm ức, bởi tiền thì đã đóng mà quyền lợi sử dụng lại không được bảo kê. Chuyện cái vỉa hè cũng không có gì đáng để bàn cãi nếu người dân biết được quyền sử dụng của mình đối với cái vỉa hè và nhà nước cũng thể hiện hành động trách nhiệm của mình trong việc quản lý những lối đi công như sửa chữa, bảo trì, dọn dẹp… Nhưng những vấn đề to tát, cần thiết như cầu vượt hay đường sá xập xệ, bị rút ruột công trình còn chưa được xử lý, thì nói chi đến chuyện vỉa hè ?
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 11/03/2017