Cuộc xung đột đẫm máu Chiến tranh Biên giới Trung - Việt nổ ra năm 1979 chính "là mặt trái" của quan hệ hai nước "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai đảng và hai nhà nước dựa trên cơ sở quan hệ bạn bè cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước, một học giả Nhật Bản nghiên cứu về cuộc chiến này nói với BBC.
Ông Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh quàng tay nhau trong một sự kiện vào giai đoạn quan hệ Trung Quốc nồng ấm 'môi hở, răng lạnh'
Nếu cần rút ra bài học từ cuộc chiến tranh đẫm máu và kéo dài này thì ngày này cần quan tâm chú ý khía đầu tiên là 'không nên xây dựng quan hệ hai nước quá nặng về tình cảm và tin cậy giữa các lãnh tụ mà cố gắng xây dựng quan hệ thế hệ sau có thể thừa kế được,' Giáo sư Hirohide Kurihara từ Đại học Tokyo bình luận với BBC.
Theo nhà nghiên cứu Việt Nam học này hai bên 'rất cần thường xuyên tiến hành giao lưu hoặc ký kết các loại văn bản để tránh khỏi tình trạng không may bất ngờ xảy ra'.
Và ông bình luận thêm đối với Trung Quốc "chúng ta rất cần luôn luôn nâng cao cảnh giác" để "theo dõi lời nói" của các lãnh tụ cấp cao, chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng và Chính phủ Trung Quốc "mặc dù ta không muốn".
Mở đầu cuộc trao đổi bằng bút đàm qua tiếng Việt với BBC Việt ngữ hôm 16/2/2019, nhà nghiên cứu này trả lời câu hỏi cuộc Chiến tranh Biên giới Việt - Trung (1979) hiện nay được nhìn nhận ra sao sau 40 năm từ phía Nhật Bản và giới nghiên cứu Nhật Bản ? Liệu nhìn nhận đó có sự khác biệt gì hay không vào 30-40 năm trước, khi cuộc chiến mới nổ ra ?
Hirohide Kurihara : Khi chiến tranh Biên Giới Việt - Trung bùng nổ, ở Nhật Bản có nhiều lập trường và ý kiến khác nhau như bàng quan, không quan tâm, cho rằng đó là vấn đề nội bộ giữa hai nước Cộng sản nên không ảnh hưởng gì đến Nhật Bản ;
Có ý kiến lên án Trung Quốc mà đòi Trung Quốc rút quân xâm lược ngay từ lãnh thổ Việt Nam (trong đó có tôi) ; và có những người thân Trung Quốc, coi hành động của Trung Quốc là đúng, lỗi tại Việt Nam (họ ủng hộ chính quyền Pol Pot).
'Mặt trái của một mối quan hệ'
BBC : Giới nghiên cứu Nhật Bản quan tâm gì nhất khi nghiên cứu cuộc chiến này ? Có kiến giải, phát hiện gì nổi bật mà tới nay Giáo sư có thể chia sẻ ?
Cuộc chiến tranh để lại những hậu quả xấu và căng thẳng trong quan hệ Trung - Việt trong một thời gian dài.
Hirohide Kurihara : Nói chung, hồi đó ở đây người ta quan tâm chủ yếu là : chiến tranh do nguyên nhân gì ; phía nào là đúng, phía nào là sai ; phía nào thắng, phía nào thua, v.v…
Sau đó 40 năm đã trải qua rồi. Khi nào chúng tôi muốn tiếp cận Chiến tranh Biên giới này thì vấp phải khó khăn như sau :
Hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) chưa công bố các văn kiện và số liệu liên quan tới Chiến tranh Biên giới ; và muốn tiếp cận vấn đề này thì phải biết hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Hán).
Vì vậy bên Nhật rất hiếm tìm thấy học giả nào mà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, kể cả Chiến tranh Biên giới năm 1979. Nhưng thông qua công trình nghiên cứu của mình, tôi có thể chỉ ra vài điều về ý nghĩa lịch sử của chiến tranh Biên giới năm 1979 :
Đó là mặt trái của quan hệ hai nước "vừa là đồng chí, vừa là anh em" (thập niên 1950 - 1960). Quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai đảng và hai nước đã dựa trên cơ sở quan hệ bạn bè cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước - Hồ Chí Minh với Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông.
Khi nào có vấn đề nghiêm trọng và phức tạp thì họ trực tiếp bàn nhau để tìm đường giải quyết - đó là đặc điểm của quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Vì thế không cần xác định đường biên giới, không cần ký kết hiệp định về hợp tác quân sự, chẳng hạn.
Nói một cách khác, tiền đề của quan hệ đó là loại trừ khả năng quan hệ hai nước có thể là xấu đi. Đáng tiếc quan hệ đó không được truyền đạt tới các lãnh tụ thuộc thế hệ sau : Lê Duẩn không có kinh nghiệm hoạt động tại Trung Quốc lại không biết tiếng Trung Quốc ; Đặng Tiểu Bình cũng không có tình cảm đặc biệt về VN.
Thời gian Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông lần lượt qua đời và quá trình quan hệ hai nước xấu đi song song với nhau.
Hiện nay ở đây [Nhật Bản] hoặc ở các nước khác người ta bắt đầu coi Chiến tranh Biên giới năm 1979 là một bộ phận của "Mười năm chiến tranh Việt Nam - Trung Quốc (1979-1988/1989)", trong đó có Mặt trận Vị Xuyên, Hải chiến Trường Sa (Gạc Ma), v.v…
'Tránh né đề cập cuộc chiến'
BBC : Theo quan sát của Giáo sư, hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã và đang xử lý thế nào di sản của cuộc chiến này ? Họ có gặp trở ngại gì không ? Giải pháp của họ đã hợp tình hợp lý và thuyết phục hay chưa ?
Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh từng có quan hệ đặc biệt gần gũi 'như anh em' với nhiều lãnh đạo của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Chu Ân Lai (phải)
Hirohide Kurihara : Tôi chưa biết hai bên đã đạt tới thỏa thuận như thế nào về việc xem lại chiến tranh năm 1979 tại vì hai bên đều không nói gì về điều đó. Tuy vậy có một điều rõ ràng là hai bên đều cố gắng hết sức tránh đề cập tới đề tài này. Đồng thời cũng có sự khác nhau giữa hai bên về việc đối xử với Chiến tranh Biên giới năm 1979.
Ở Trung Quốc các loại văn kiện hay đề cập tới chiến tranh năm 1979 như là chiến tranh "tự vệ phản kích lại" kẻ xâm lược Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng phía Trung Quốc vẫn giữ quan điểm hồi năm 1979 mà không có ý định xem lại sự kiện đó.
Ngoài ra Trung Quốc còn xây dựng một số "Căn cứ giáo dục chủ nghĩa yêu nước" như Nhà lưu niệm Chiến dịch Lão Sơn (Việt Nam gọi là Cao điểm 1509) hoặc di tích chiến tranh trên đỉnh Lão Sơn (Vân Nam).
Còn phía Việt Nam thì hết sức để ý đến các đoạn lên án hoặc nói xấu Trung Quốc trong các loại văn kiện của Đảng Cộng sản. Trong bộ Văn kiện Đảng toàn tâp hoặc cuốn "Thư vào Nam" của ông Lê Duẩn (xuất bản lần thứ hai năm 2015), đoạn nào mà lên án Trung Quốc (chủ yếu là những năm 1970-1980 thế kỷ trước) đều bị xóa bỏ.
Trong thời gian khá lâu ở Việt Nam không tìm thấy nhà lưu niệm hoặc di tích lịch sử về chiến tranh. Nhưng gần đây mới có một số chỗ tưởng niệm được xây dựng với sự dẫn đầu của chính quyền địa phương, cựu chiến binh như : Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (Quảng Ninh, khánh thành 10/01/2011) ; Đài tưởng niệm 468 (Hà Giang, khánh thành 17/01/2017) ; Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa, khánh thành 27/07/2017).
Lại thêm hiện tượng mới : Hồi ký về Gạc Ma ("Gạc Ma vòng tròn bất tử") được xuất bản năm 2018. Theo tôi biết thì đây là hồi ký lần đầu tiền ghi lại một phần của mười năm chiến tranh Việt Nam - Trung Quốc.
Ngoài ra còn xuất hiện nhân sĩ chủ động đi khảo sát để sưu tầm tài liệu về chiến tranh như blogger Phạm Viết Đào.
Ở đây ta có thể khẳng định rằng ở Việt Nam, cấp trên (các nhà lãnh đạo cấp cao) muốn tránh đề tài nào mà liên quan đến chiến tranh 1979-1988/1989 mặc dù người dân và cựu chiến binh, gia đình những người hy sinh trong chiến tranh muốn ghi lại lịch sử và làm rõ sự thật.
Tôi đoán nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (cấp Trung ương) cứ im lặng thì mức độ nghi ngờ của người dân đối với chính sách của Đảng Cộng sản về quan hệ hai nước sẽ tăng lên.
'Bài học ngay với Nhật Bản'
BBC : Theo Giáo sư người ta có thể học được gì cuộc chiến này (chẳng hạn từ nguyên nhân, động cơ tới hậu quả, hệ quả của nó) và riêng với Nhật Bản thì sao ?
Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh được cho là rất thạo văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, điều mà nhiều lãnh đạo lớp sau không có hoặc không bằng
Hirohide Kurihara : Nếu chúng ta rút được bài học từ Chiến tranh Biên giới năm 1979 thì hai điều sau đây đáng chú ý :
Ta không nên xây dựng quan hệ hai nước quá nặng về tình cảm và tin cậy giữa các lãnh tụ mà cố gắng xây dựng quan hệ thế hệ sau có thể thừa kế được. Nói cụ thể, hai bên rất cần thường xuyên tiến hành giao lưu hoặc ký kết các loại văn bản để tránh khỏi tình trạng không may bất ngờ xảy ra.
Đối với Trung Quốc, chúng ta rất cần luôn luôn nâng cao cảnh giác để theo dõi lời nói của các lãnh tụ cấp cao, chủ trương, chính sách và đường lối của đảng và chính phủ Trung Quốc mặc dù ta không muốn.
Hai điều trên rất hợp với Nhật Bản hiện nay. Ông Shinzo Abe rất coi trọng quan hệ cá nhân với ông Donald Trump, ông Vladimir Putin, v.v…
Nhưng không rõ người nào mà thay ông Abe thừa kế quan hệ đó hay không.
Đồng thời ngoại giao nặng về quan hệ cá nhân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy quan liêu ngoại giao Nhật Bản.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 17/02/2019
Giáo sư Hirohide Kurihara là nhà nghiên cứu Việt Nam học, thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á - Phi (ILCAA), thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông có công trình nghiên cứu về xung đột và chiến tranh Trung - Việt từ cuối thập niên 1970 ở thế kỷ trước.
*********************
Đặng Tiểu Bình và các mục tiêu của Trung Quốc trong cuộc chiến 1979 (BBC, 17/02/2019)
Cuộc chiến Biên giới 1979 nhằm 'dạy cho Việt Nam một bài học' là cơ hội Đặng Tiểu Bình xóa đi di sản quân sự Mao Trạch Đông và nhằm đạt ba mục tiêu chiến lược.
Di sản cuộc chiến 1979 : bộ đội Trung Quốc gỡ mìn ở vùng biên giới với Việt Nam nhiều năm sau chiến tranh
Nhưng ngày nay, cách nhìn các vấn đề quốc tế của Đặng đang bị âm thầm loại bỏ.
Chiến tranh chỉ là phương tiện
Ngày 16/2/1979, Trung ương Đảng Trung Quốc họp các tư lệnh quân đội để thông báo về cuộc chiến "phản kích tự vệ" nhằm vào cựu đồng chí, đồng minh Việt Nam.
Hoa Quốc Phong chủ trì hội nghị và tuyên bố lý do Bắc Kinh cần trừng phạt "Việt Nam kiêu ngạo", làm "tiểu bá" theo chân Liên Xô ở Đông Nam Á.
Sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia cũng là lý do để Trung Quốc ra tay.
Sau đó, Đặng Tiểu Bình, người vừa được phong làm tư lệnh tối cao của chiến dịch, phát biểu nêu ra mục tiêu của cuộc chiến không phải là chiếm đất, tấn công thủ đô Hà Nội mà nhằm cho Việt Nam "một bài học".
Về quân sự, Trung Quốc muốn làm suy yếu nước láng giềng phía Nam, qua hai mục tiêu :
1. Tàn phá tối đa các tỉnh giáp biên của Việt Nam ;
2. Dừng lại chờ, chặn đánh quân chủ lực của Việt Nam phải rút về từ Campuchia.
Nhưng Đặng cũng nói cho các tướng Trung Quốc biết đây sẽ là thử thách cho Quân Giải phóng, nhất là bộ binh.
Các binh chủng không quân và hải quân Trung Quốc sẽ không trực tiếp tham chiến mà chỉ hỗ trợ, để tránh một cuộc chiến lan rộng.
Đây là lời hứa của Đặng với Jimmy Carter, nhưng cũng là cách nhằm 'nắn gân' xem Liên Xô có tham chiến hay không.
Tuy thế, Trung Quốc cũng đã tăng cường nhiều sư đoàn lên vùng biên giới với Liên Xô và di dời hàng vạn dân khỏi vùng sát đường biên để phòng ngừa.
Ngay từ giai đoạn 1982-1983, các sử liệu công bố ở Phương Tây và Châu Á đã xác nhận Đặng không nói dối về mục tiêu cụ thể của cuộc chiến 1979.
Thậm chí, chỉ sang ngày 23/02, một tuần sau khi nhiều sư đoàn Trung Quốc tràn qua biên giới vào Việt Nam, và trước khi trận Lạng Sơn bắt đầu (ngày 27), Đặng công khai nói với quan chức Châu Âu và Nhật Bản rằng Trung Quốc "sẽ rút quân trong khoảng 10 ngày, hoặc thêm đôi ba hôm nữa".
Tuy báo Việt Nam gọi đây là chiến tranh xâm lược từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh không hề có ý định chiếm đất.
Cuộc chiến 1979 có đạt được các mục tiêu ?
Về quân sự, Trung Quốc đã không tiêu diệt được một sư đoàn quân chính quy nào của Việt Nam và còn bị tổn thất lớn.
Thất bại này được Đặng Tiểu Bình biến thành động cơ cải tổ Quân Giải phóng, hiện đại hóa các quân binh chủng, thanh lọc các tướng còn lưu luyến thuyết 'chiến tranh nhân dân' của Mao.
Về kinh tế, quân Trung Quốc đã đạt mục tiêu tàn phá tối đa cơ sở hạ tầng các tỉnh biên giới Việt Nam - 80% nhà cửa ở nhiều thị trấn bị tiêu hủy toàn bộ, theo một số tài liệu.
Về ngoại giao, Trung Quốc không khiến Hà Nội rút quân ngay khỏi Campuchia hoặc thay đổi đường lối đối ngoại.
Tuy thế, về chiến lược, Trung Quốc đã thách thức thành công liên minh Moscow - Hà Nội, và chứng minh cho mọi đồng minh của Liên Xô rằng Moscow sẽ không ứng cứu họ khi cần.
Hoa Quốc Phong đã hỉ hả nói Bắc Kinh dám "vuốt râu gấu Nga" mà không sao.
Vì sao đánh ngắn ngày ?
Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường sau thời Mao và làm thay đổi Trung Quốc
Dù không thành công về quân sự, Đặng Tiểu Bình được ca ngợi ở Trung Quốc về các dự báo chiến lược.
Chẳng hạn các phát biểu của tướng Triệu Nam Kỳ của Trung Quốc nhắc lại ngay từ năm 1975, sau Chiến tranh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đã nói tình thế quốc tế không cho phép xảy ra Thế chiến 3 trong vòng 5 năm tiếp theo.
Đây là cơ hội cho Trung Quốc bỏ thuyết đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế, và tạo môi trường khu vực thuận lợi.
Tự tin rằng không đại cường nào thiết tha với cuộc thế chiến mới, trong khung thời gian 5 năm đó, Đặng đã tấn công Việt Nam.
Vì Moscow không đem quân giúp Hà Nội như đã hứa trong hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1978, chữ tín của người Nga bị hạ bệ.
Điều này đã có tác động mạnh đến cả các quốc gia cộng sản Đông Âu thời gian sau đó.
Qua cuộc động binh đầu tiên từ cuộc chiến Trung - Ấn hai thập niên trước đó, Bắc Kinh báo hiệu cho Đông Nam Á sự trở lại với vị thế một cường quốc quân sự.
Cách dụng binh nay thay đổi
Nhưng di sản lớn nhất Đặng để lại từ cuộc chiến 1979 là cách dùng binh của Trung Quốc.
Theo Đặng, Trung Quốc chỉ có thể và chỉ nên dùng binh hạn chế về thời gian, nhanh gọn và không chiếm đất, giành dân, không kéo dài phức tạp.
Quân Giải phóng, theo quan điểm của Đặng, chỉ nên đánh ở biên giới gần.
Đặng ý thức được đường tiếp liệu trên bộ của Trung Quốc quá yếu kém, tốc độ di chuyển chậm.
Cuối năm 1978, có tướng Trung Quốc đã khoe chỉ cần một tuần là họ có thể chiếm được Hà Nội.
Nhưng trên thực tế, sau 18 ngày tấn công ồ ạt, chịu nhiều thương vong, Trung Quốc mới chỉ tiến tới Đồng Đăng.
Tuy thế, các bài học từ chiến tranh Trung - Việt đã làm thay đổi tư duy của quân đội Trung Quốc.
Bộ đội Việt Nam trở về Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/1989. Quan hệ Việt - Trung chỉ bình thường hóa sau khi Hà Nội rút quân khỏi Campuchia
Các đánh giá nổi bật nhất về câu nói này đến từ Fareed Zakaria, Lý Quang Diệu và Michael Pillsbury.
Zakaria của CNN dịch câu này là "Hide brightness, nourish obscurity", và chú ý về vế thứ hai "chăm sóc, nuôi dưỡng sự mờ tối".
Quân Trung Quốc pháo kích sang Việt Nam - ảnh chụp đầu thập niên 1980
Lý Quang Diệu thì tin rằng Đặng muốn 'Thao quang dưỡng hối' trở thành chiến lược cho nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc.
Michael Pillsbury, chuyên gia chính trị thạo tiếng Trung, hiện tư vấn cho Donald Trump để đánh Trung Quốc bằng thương mại cho rằng khái niệm 'dưỡng hối', không còn được Tập áp dụng.
Ông tin rằng 'Trung Quốc trỗi dậy hòa bình chỉ là ảo giác' (CHINA'S PEACEFUL RISE IS A MIRAGE) mà Washington nên tỉnh táo nhận ra.
Cũng có ý kiến nói Đặng không hề bảo Trung Quốc phải "chịu nhục" như Câu Tiễn, hoặc "lấy khiêm làm đức" như Lưu Bị.
Đặng muốn lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng cứ để mọi thứ mờ mờ tỏ tỏ là môi trường tốt nhất cho nước này.
Việc thay đổi điều lệ Đảng đưa ông Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, bỏ qua Đặng Tiểu Bình
Trong môi trường đó, tự tầm vóc vĩ đại và sức mạnh lên dần của Trung Quốc sẽ tạo thế mạnh điều chỉnh hành vi các nước khác.
Đặc biệt, Đặng Tiểu Bình đã để lại lời giải thích cho câu nói của mình, và điểm quan trọng thứ năm ông nhấn mạnh là "hòa bình, hòa hoãn với mọi quốc gia, không nhấn mạnh ý thức hệ của Đảng Cộng sản" (不再以意识形态来划线).
Nhưng lời khuyên này có vẻ như không còn được lắng nghe.
Thay vì giữ tình trạng mờ ảo lâu dài, Trung Quốc đặt ra các thời hạn chặt như 'Made in China 2025', hoàn tất Hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa 2035, và phục hưng dân tộc 2050.
Về quân sự, Trung Quốc không chỉ triển khai ở các vùng biển lân cận, mà vươn đi rất xa, sang tận Djibouti đóng căn cứ.
Về kinh tế, sáng kiến Vàng đai và Con đường nay không chỉ nhằm kết nối lục địa Âu - Á mà còn vươn sang Châu Phi, xuống vùng Nam Thái Bình Dương.
Ý thức hệ cộng sản không giảm mà thành nội dung cho phát triển, như nhận định của Kerry Brown trong bài về năm '2018 không may mắn' cho Trung Quốc.
Điều này tạo cảm giác cho dư luận Phương Tây rằng Trung Quốc muốn thay Liên Xô cũ làm đối thủ chính của họ.
Một Trung Quốc dùng đồng tiền và công nghệ tư bản để xây dựng một thứ chủ nghĩa xã hội kiểu riêng là điều khó chấp nhận với các nước tư bản.
Một tài liệu của Quốc hội Mỹ tin rằng vào năm 2050, sức mạnh quân sự Trung Quốc, nếu cứ tiến triển theo đà hiện nay, sẽ bằng Hoa Kỳ.
Để đáp lại, bên cạnh thương mại, việc chặn 'chuyển giao công nghệ cao cấp' mà Hoa Kỳ đề xướng còn nhằm hạn chế hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Chiến tranh biên giới 1979 là trận đánh lớn cuối cùng trong thế kỷ 20 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Đó cũng là là trận chiến thứ ba bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, sau cuộc xâm nhập vào Himalaya năm 1962 đánh sang Ấn Độ, và Chiến tranh Triều Tiên 1951-53.
Sang thế kỷ 21, Trung Quốc chưa lâm chiến lần nào và cách xây dựng chiến lược quốc phòng đã thay đổi nhiều.
Nhưng cục diện khu vực và quan hệ Trung Quốc với các nước đối thủ : Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, khối Nato cũng đã thay đổi.
Bất cứ một xung đột nào xảy ra tới đây sẽ là phép thử với chính sách của chủ tịch Tập, người đã bỏ lại phía sau các bài học chiến tranh của Đặng Tiểu Bình.