Cuộc chiến biên giới 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam, tuy ngắn ngủi nhưng được nhiều nhà quan sát cho rằng đã tạo đà cho Trung Quốc vươn lên trên mọi lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị, quân sự,… mặc dù họ bị xem là bị một tổn thất lớn về quân sự.
Đặng Tiểu Bình (phải) gặp Brzezinski tại Bắc Kinh ngày 23/5/1978. Ngày 17/2/1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam. AFP
Ngược lại, sau cuộc chiến đó Việt Nam lại đắm chìm trong suy thoái, sa lầy, bị cô lập đến gần một thập kỷ sau.
Trong những ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, trong bối cảnh quan hệ quốc tế thay đổi nhanh chóng, nhiều người Việt Nam đặt câu hỏi : Bài học 1979 là gì ?
Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu sử học và xung đột Biển Đông, vào năm 1979 là một quân nhân quân đội Việt Nam. 40 năm sau nhìn lại, ông nói về bài học mà Việt Nam đã rút ra từ sự xung đột với Trung Quốc :
"Theo tôi bài học lớn nhất của cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc 1979 là không đi với một kẻ này để đánh kẻ khác, tức là không được tham gia các khối liên minh quân sự, kinh tế bất lợi cho các nước láng giềng".
Trong năm 1978, trước khi cuộc chiến biên giới do Trung Quốc phát động nổ ra, Việt Nam tham gia hai hiệp ước quân sự và kinh tế. Tháng 6/1978 Việt Nam chính thức là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế do Liên Xô đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia cộng sản trừ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Cam Pu Chia do Khmer Đỏ cai trị.
Tháng 11/1978 Việt Nam ký hiệp định với Liên Xô, trong đó có đề cập đến sự giúp đỡ nhau về quân sự.
Tuy nhien Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, lại cho rằng chuyện liên minh của Việt Nam với Liên Xô không phải là nguyên nhân quan trọng nhất. Ông cho rằng trong nguyên nhân của cuộc chiến tranh đó phải kể đến vai trò của Mỹ :
"Mỹ và Trung Quốc cố tình đánh Việt Nam như là một cuộc chiến tranh qui ước để chống Liên Xô. Khi Đặng Tiểu Bình gặp Carter và Brzezinski thì Brzezinski nói rõ muốn Trung Quốc đánh Việt Nam như là một cuộc chiến tranh qui ước".
Jimmy Carter và Zbigniew Brzezinski là Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, còn Đặng Tiểu Bình là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới lên nắm quyền lực.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Trung Quốc đang có nhu cầu vốn đầu tư từ các quốc gia như Mỹ và Nhật, cho nên khi tiến đánh Việt Nam vào năm 1979, Trung Quốc đã làm một hành động như là trích máu ăn thề với Mỹ.
Từ những năm 1970 Mỹ đã bắt đầu một cách tiếp cận mới để tấn công khối cộng sản Liên Xô, đó là tái lập quan hệ với Trung Quốc, chia rẽ khối này, thay vì tiến hành một cuộc chiến ngăn chận như cuộc chiến Việt Nam.
Giáo sư Long kết luận là hiện nay nếu nhìn lại giai đoạn xung đột với Trung Quốc nếu không nêu ra vai trò của Mỹ là một sự thiếu sót.
Song, dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam đã rút ra được một bài học về quan hệ đối ngoại và theo một cách tiếp cận ngoại giao mới, gọi nôm na là "đu giây giữa các cường quốc".
Việt Nam rút ra khỏi Cam Pu Chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tuyên bố không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Theo ông Đinh Kim Phúc, chính sách này đến nay là thành công.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long không hoàn toàn đồng ý :
"Nó không thành công nhưng không làm cho vấn đề tồi tệ quá. Biển Đông thì Trung Quốc lấn chiếm như vậy cũng không làm gì được. Vấn đề biên giới trên bộ thì tạm ổn. Tôi không biết có phải là đu giây hay không, hay là sợ bị Trung Quốc đánh ?".
Đó là những phân tích và quan điểm về nguyên nhân của cuộc xung đột 40 năm trước. Còn hiện nay dường như Việt Nam lại đứng giữa những xung đột mới, đó là xung đột thương mại và kể cả quân sự giữa Mỹ và đối tác cũ Trung Quốc.
Có những ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam dứt khoát thoát khỏi sức ép của Trung Quốc.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang cá nhân rằng có những việc cụ thể nên làm hiện nay như là : hoan ngênh sự can dự quân sự của phương Tây vào Biển Đông, ngưng gửi cán bộ sang Trung Quốc đào tạo…
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét về những đề nghị này :
"Tôi nghĩ lúc này chỉ riêng chuyện cắt đứt quan hệ về ý thức hệ với Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Những cán bộ gửi sang Trung Quốc đào tạo trong thời gian gần đây cũng không hẳn là những cán bộ sẽ nắm bộ máy đảng và nhà nước. Tiềm lực kinh tế, thế đứng của Việt Nam chưa đủ vững để đối chọi hoàn toàn với các âm mưu của Trung Quốc".
Ở tầm mức cao hơn, đặt Việt Nam vào giữa xung đột Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận :
"Xung đột Mỹ Trung Quốc hiện nay chỉ là chuyện nhỏ, không phải lớn. Tôi nghĩ là chỉ một hai tuần nữa thì họ giải quyết được chuyện gọi là chiến tranh thương mại thôi. Quyền lợi của các nhóm tư bản ở Mỹ gắn rất sát với Trung Quốc. Họ chỉ làm ầm ĩ vậy mà Việt Nam ngã về phía Mỹ cũng rất là khó, tôi nghĩ Việt Nam phải rất cẩn thận trong vấn đề này".
Ông Đinh Kim Phúc cũng có những suy nghiệm về ván cờ mà các quốc gia lớn đang chơi với nhau, và Việt Nam phải biết nhận ra cuộc chơi đó :
"Việt Nam phải nhìn nhận đúng tình hình quốc tế, phân tích đánh giá đúng sự phát triển của các siêu cường trên bàn cờ thế thế giới như thế nào, còn nếu Việt Nam đánh giá một cách thiển cận sai lầm như sau năm 1975 thì sẽ phải trả giá".
Ngày 14/2/2019, có một nhóm nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký một lá thư gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, trình bày những nguy hại của Trung Quốc tại khu vực, cũng như những gì Việt Nam đang cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ để chống lại mối nguy từ Trung Quốc.
Vài ngày sau đã có 2000 chữ ký.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế mà chúng tôi không nêu danh tánh, sống tại Mỹ nói với chúng tôi rằng lá thư không thể hiện sự độc lập của Việt Nam.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết ông đã từng ký nhiều lá thư kiến nghị về những vấn đề dân chủ nhân quyền trong nước, nhưng ông không ký lá thư 14/2 nêu trên, vì theo ông nó giống như một sự xin cho.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 19/02/2019