Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/02/2019

Khẩn trương hay không khẩn trương ?

Ngô Nhân Dụng

Năm vụ án đầu tiên kiện Tổng thống Donald Trump về lệnh "toàn quốc khẩn trương" (National Emergency) đã được phân công cho ba vị quan tòa ở California và Texas. Ba ông tòa do ba vị tổng thống khác nhau bổ nhiệm, hai ông Dân chủ, một ông Cộng hòa ! Cả nước Mỹ đang chờ coi tấn tuồng lý thú : Coi ông tòa nào xử như cho ông Trump thắng, ông tòa nào xử cho nguyên đơn thắng !

zg_24120.jpg

Người dân biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm 18 Tháng Hai, 2019, tại Washington, D.C., sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "tình trạng khẩn trương". (Hình : Zach Gibson/Getty Images)

Hai vụ kiện ở California sẽ do Thẩm phán Haywood S. Gilliam Jr. ngồi xử. Ông được cựu Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) bổ nhiệm năm 2014 và làm việc tại Khu Bắc California, nổi tiếng là cấp tiến. Hai vụ kiện khác nạp tại tòa khu vực thủ đô, Washington, D.C.. Chủ tọa phiên tòa sẽ là Thẩm phán Trevor N. McFadden, người được Tổng thống Trump (Cộng hòa) bổ nhiệm năm 2017. Thẩm phán David Briones sẽ xét xử vụ kiện thứ năm, mà ông này do cựu Tổng thống Bill Clinton (Dân chủ) phong chức.

Liệu các quan tòa có xử theo xu hướng chính trị của họ hay không ?

Chúng tôi tin rằng không !

Trước hết, vì chức vị thẩm phán rất có danh vọng, một người làm thẩm phán liên bang thường làm suốt đời, trừ khi phạm lỗi nặng và bị "impeached" (đàn hặc). Họ phải bảo vệ thanh danh và uy tín với những người cùng nghề ; một thứ không thể lấy tiền tài hay quyền bính đem đổi.

Trong những vụ kiện "nặng mùi chính trị" như các vụ kiện này, người thẩm phán càng phải thận trọng, giữ mình hơn. Vì công chúng và tất cả các đồng nghiệp của họ theo dõi, phán xét ! Các quan tòa đều bị đặt trước tòa án dư luận !

Vậy có thể đoán các vị quan tòa kể trên sẽ xét lệnh "toàn quốc khẩn trương" của Tổng thống Trump như thế nào ?

Hiện nay chưa thể nào đoán được. Bởi vì chưa biết rõ lệnh này sẽ được đem thi hành như thế nào ! Chưa ai biết các cơ quan chính phủ áp dụng lệnh của ông tổng thống thì sẽ gây thiệt hại những gì, cho ai, để những người đó có thẩm quyền thưa kiện. Tòa án không thể xử án dựa trên một số lời tuyên bố chung chung.

Nguyên đơn có thể kiện ông tổng thống, nói rằng nước Mỹ không hề có tình trạng khẩn trương như ông mô tả. Nhưng kiện như thế sẽ giống như kiện củ khoai. Vì các vị thẩm phán trong ngành Tư Pháp, ngang hàng với Hành Pháp và Lập pháp, sẽ khó cho mình đóng vai trọng tài, để phán rằng Hành Pháp nói sai, không khẩn trương mà lại nói khẩn trương ! Trong các án lệ trước đây, thường vị quan tòa không xét xử và thay đổi những phán đoán của Hành Pháp về các vấn đề an ninh quốc gia.

Nếu bên nguyên là ngành Lập pháp, kiện Hành Pháp lạm quyền, lấn chân mình, thì họ có thể thắng dễ dàng hơn, nếu chứng minh được chuyện đó thật sự diễn ra với lệnh"toàn quốc khẩn trương" của ông tổng thống. Khi đó, phải chứng minh những khoản chi tiêu nào ông tổng thống đã dùng mà trước đó Quốc hội không hề cho phép. Hiến pháp Mỹ cho Quốc hội quyền ấn định các khoản thu (thuế má) và chi (ngân sách) của toàn thể chính phủ. Sau khi Quốc hội đã chấp thuận một ngân sách rồi, nếu tổng thống thay đổi thì có thể bị tố là lạm quyền.

Sau khi các quan tòa sơ thẩm xử rồi, thế nào bên bị thua cũng kháng cáo lên tòa phúc thẩm, và sau cùng phải lên tới Tối cao Pháp viện. Đây sẽ là màn hứng thú nhất trong cả tấn tuồng này.

Hiện nay, phần lớn các vị thẩm phán Tối cao đều có khuynh hướng bảo vệ tam quyền phân lập, đặc biệt là quyền của Quốc hội đối với bên Hành Pháp. Nếu trước tòa án vấn đề chính được định nghĩa như một vụ "chiếm quyền chuẩn chi" của Quốc hội thì ông Trump chắc sẽ thua.

Trừ khi, luật sư của chính phủ cãi rằng Tổng thống Trump không lạm quyền, ông chỉ thi hành đạo luật về "tình trạng khẩn trương" mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1976. Các luật sư của chính phủ có thể nói rằng, với đạo luật này, chính Quốc hội đã trao cho các vị tổng thống quyền du di một số ngân khoản ! Các luật sư cũng sẽ phân tích những ngân khoản được đem du di, thí dụ, 600 triệu USD tịch thu từ các tổ chức buôn ma túy ; 2,5 tỷ USD để ngăn ngừa ma túy trong quân đội, vân vân, sẽ đem ra để dựng hàng rào hoặc tường biên giới. Các luật sư sẽ chứng minh rằng các người đứng ta kiện (nguyên đơn) không ai bị thiệt hại trực tiếp nào khi thay đổi các món chi tiêu đó. Nghĩa là họ không có thẩm quyền nộp đơn kiện !

Trước Tối cao Pháp viện, Tổng thống Donald Trump sẽ vất vả nhất nếu bên nguyên tìm cách chứng minh với các quan tòa rằng chính phủ thực ra không cần tuyên bố khẩn trương, ông Trump chỉ dùng vụ đó để tiêu tiền quốc gia theo ý của mình thôi !

Nhật báo Wall Street Journal đã trích dẫn một lời tuyên bố "hớ hênh" của Tổng thống Trump khi ông tuyên bố "tình trạng khẩn trương", ngày thứ Sáu trước. Ông nói những câu bất lợi cho chính mình, "Tôi có thể xây bức tường trong một thời gian dài. Tôi không cần phải làm như vầy (tuyên bố khẩn trương). Nhưng tôi muốn xây bức tường nhanh chóng hơn".

Wall Street Journal, tiếng nói quan trọng trong đảng Cộng hòa, khuyên : "Donald Trump, ông hãy gặp Robert Jackson. Ông là vị thẩm phán Tối cao Pháp viện mà lý đoán của ông trong án lệ Youngstown v. Sawyer có thể quyết định số phận ‘tình trạng khẩn trương’ của ông Trump".

Như đã trình bày trong mục này tuần trước, trong vụ kiện Youngstown trên, Tổng thống Harry Truman bị kiện khi tính quốc hữu hóa các nhà máy thép, trong thời chiến tranh Cao Ly. Tối cao Pháp viện đã bác bỏ. Lý đoán của Thẩm phán Robert Jackson nổi tiếng vì đặt ra một số quy tắc trong quan hệ Hành Pháp với Lập pháp ở nước Mỹ. Nói rõ ràng : Quyền hạn của vị tổng thống tùy thuộc vào quyền hạn và nguyện vọng của Quốc hội.

Thẩm phán Jackson viết : "Quyền hạn của tổng thống mạnh nhất khi hành động với sự hỗ trợ của Quốc hội. Khi tổng thống tự quyết định lấy mà Quốc hội không nói gì thì quyền hạn của ông ta yếu hơn. Quyền hạn đó xuống thấp nhất khi vị tổng thống hành động trái với những nguyện vọng Quốc hội, hoặc đã nói ra, hoặc tỏ ra muốn như vậy – incompatible with the expressed or implied will of Congress".

Trong câu chuyện hiện nay, nhật báo Wall Street Journal nhận xét, Tổng thống Trump đã nói thẳng rằng ông tuyên bố "tình trạng khẩn trương" vì Quốc hội từ chối cấp tiền cho ông. Trong thời gian đảng Cộng hòa còn nắm Hạ Viện, ông Paul Ryan cũng không cấp tiền cho ông Trump xây tường. Vì vậy, sau án lệ Youngstown v. Sawyer, lý lẽ của ông Trump rất yếu.

Nhật báo Wall Street Journal cũng nhắc tới vụ một quan tòa liên bang năm 2014 đã bác bỏ việc Tổng thống Obama lấy tiền trả cho các hãng bảo hiểm khi áp dụng luật Obamacare, mà không được Quốc hội cho phép, như đã trình bày trong mục này tuần trước. Lúc đó, bà Nancy Pelosi đã từng hoan hô ông Obama hết lời.

Tờ báo được coi là tiếng nói quan trọng nhất của đảng Cộng hòa kết luận : "Đảng Dân chủ lạm quyền không phải là cái cớ để đảng Cộng hòa cũng làm như họ. Các nhà Lập Quốc đã vẽ ra một bản hiến pháp với các điều bảo đảm (các quyết định của quốc gia) không bị các tình tự chính trị nhất thời chi phối".

Câu hỏi cuối cùng, là các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện hiện nay có bao nhiêu người đồng ý với Thẩm phán Robert Jackson năm 1952 ?

Thực ra, nếu Tòa Tối cao bác bỏ "tình trạng khẩn trương" của Tổng thống Donald Trump thì ông vẫn có thể xoay trở, kiếm ra được ít nhất 4 tỷ USD để xây tường !

Đối với vị tổng thống thứ 45, 9 nút, xây bức tường không quan trọng bằng bảo vệ lòng tín nhiệm mà các cử tri cơ bản đặt vào ông. Dù mai mốt có bức tường hay không thì ông Trump vẫn giữ được cái "vốn chính trị" của mình. Với cái vốn 40% cử tri đó, ông có thể khiến cho đảng Cộng hòa không có cách nào khác là phải ủng hộ ông. Dù kết quả trận đấu pháp lý ra sao, trận đấu năm 2020 vẫn không thay đổi.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 22/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)