Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/02/2019

Thay tượng trước 1975 ‘là để xóa ký ức Sài Gòn’ ?

Đỗ Duy Ngọc

Một họa sĩ kỳ cựu nói với BBC rằng việc Thành phố Hồ Chí Minh dự định tu sửa, thay tượng Trần Hưng Đạo cũng như các tượng khác được dựng trước 1975 "là để xóa ký ức Sài Gòn".

lu1

Tượng Trần Hưng Đạo là nơi người dân Sài Gòn thường đến thắp hương tượng niệm ngày 17/2

Dư luận hôm 19/2 tiếp tục xôn xao chuyện chiếc lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bị cẩu và việc Thành phố Hồ Chí Minh loan báo sắp tu sửa tượng Trần Hưng Đạo và tượng Thánh Gióng.

"Hai tượng đài này được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tu sửa, tôn tạo và đã được chấp thuận", báo Tuổi Trẻ viết.

Hôm 19/2, từ Sài Gòn, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc nói với BBC : "Theo như tôi hiểu, trong tương lai, các tượng đài có từ 1975 sẽ lần lượt bị hạ bệ bởi một vài lý do bâng quơ hay vì các dự án nào đó. Dường như người ta đang muốn xóa ký ức Sài Gòn. Có thể người dân Sài Gòn đang bị đánh cắp ký ức nhưng họ mãi mãi sẽ không quên một thời tuy ngắn ngủi trong lịch sử của mảnh đất này".

BBC : Ông đánh giá thế nào về chất lượng mỹ thuật và tạo hình tượng trước và sau 1975 ở Sài Gòn ?

Đỗ Duy Ngọc : Thật ra những tượng đài trước 1975 cũng chưa đạt đến trình độ mỹ thuật cao, nhưng đó chỉ là những tượng các anh hùng gắn với các binh chủng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên so với các tượng đài xơ cứng, phản mỹ thuật và nặng tuyên truyền bạo lực và căm thù sau 1975 thì các tượng trước 1975 mang tính nhân văn hơn nhiều.

Sau 1975, người ta thấy gần như tượng nào cũng giương súng chĩa vào người xem. Tượng nào cũng căm thù và dạy giết người. Chỉ có một khuôn. Ngay tượng của ông Hồ Chí Minh tạo dáng không khác gì tượng của ông Mao Trạch Đông và ông Kim Nhật Thành.

Tôi có cảm tượng bây giờ người ta xây tượng đài cũng như xây chùa vậy. Tất cả chỉ vì đồng tiền thôi. Toàn kinh doanh cả. Một hợp đồng xây di tích hay tượng đài đều là những văn bản ăn chia. Chỉ cần có tiền bỏ túi, còn hậu quả thế nào hậu xét. Có cáo buộc các chùa mới được xây dựng là do doanh nghiệp cấu kết với quan chức để thu lợi. Người ta dẫn cả một đám dân cuồng tín, u mê, mê muội vào một thứ đạo lạ đời để dễ bề cai trị.

Điều đáng nói nhất là những tượng đài xây sau 1975 trên khắp cả nước không chỉ thiếu tính mỹ thuật mà còn thiếu hẳn nhân căn và nhân đạo. Đó chỉ là những minh hoạ thô thiển kể cả ăn cắp hay bê nguyên ý tưởng của Trung Quốc, Nga một cách vụng về. Những tượng đó vô hồn, không gợi chút cảm xúc nào cho người chiêm bái.

BBC : Ông có lo ngại chỗ đặt tượng Trần Hưng Đạo rồi đây sẽ bị thay thế bằng tượng khác ?

Đỗ Duy Ngọc : Tôi nghĩ chính quyền chưa đến nỗi để hạ tượng Trần Hưng Đạo. Nhưng tượng các danh nhân khác thì có thể. Họ nghĩ bởi ngày xưa mỗi binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều gắn với một vị tướng trong lịch sử. Nhưng họ quên rằng đó là danh tướng của cả dân tộc, đất nước. Tuy thắng trong chiến tranh, nhưng dường như người cộng sản vẫn biết rằng khó lấy được lòng dân vì nhiều lí do và họ sợ hãi quá khứ sẽ âm ỉ và lớn mãi trong lòng dân. Do thế họ muốn xóa ký ức Sài Gòn. Nhưng đó là một việc bất khả thi.

lu2

Tấm bảng báo thi công đặt dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo hôm 19/2

BBC : Trong số các tượng trước 75 bị thay thế hoặc dẹp bỏ ở Sài Gòn, ông tiếc nhất là tượng nào ? Vì sao ?

Đỗ Duy Ngọc : Tượng Petrus Ký. Ông là người trí tuệ thông thái, là bác học lớn của miền Nam. Có vẻ như giới lãnh đạo hôm nay trong lòng vẫn nghi kỵ và nơm nớp lo sợ người miền Nam. Việt Nam dù thống nhất đã 44 năm, nhưng đất nước thực sự vẫn cắt chia vì hai miền không phù hợp với nhau về lối sống, tư duy, quan niệm.

Ngoài chuyện tượng đài, theo như tôi biết, sách viết về ông Petrus Ký đã in xong nhưng bị cấm phát hành. Người ta vẫn sợ những danh nhân sẽ làm lu mờ những lãnh tụ khác.

BBC : Có tranh luận trên mạng xã hội rằng tượng đài có nhất thiết phải kèm lư hương ? Ý kiến của ông về chuyện này ?

Đỗ Duy Ngọc : Đã đặt tượng thì phải có lư để người ta đến thắp nén nhang tưởng niệm chứ. Ngay tượng ông Hồ Chí Minh chỗ nào cũng có lư hương mà.

Khi dựng tượng Trần Hưng Đạo, người ta đã dựng kèm một lư hương, và lư hương này đã có mặt ở đó từ thập niên 1960. Vậy sao sau 1975, nếu muốn mang lư hương về đền thờ cho phù hợp, chính quyền không di dời ngay, lại chờ cho đến ngày có người muốn thắp nén nhang tưởng niệm ngày 17/2 mới cuống cuồng lo sợ dời đi với những lời thanh minh chẳng ai thuận nhĩ ?

Ben Ngô thực hiện

Nguồn : BBC, 19/02/2019

*******************

Chính quyền 'thiếu tự tin' về việc cho dân tưởng niệm 17/2 ? (BBC, 18/02/2019)

Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng việc người dân bị ngăn cản tưởng niệm ngày 17/2 và chiếc lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo bị cẩu đi cho thấy chính quyền "thiếu tự tin và đánh mất niềm tin của nhân dân".

lu3

Tượng Trần Hưng Đạo là nơi người dân Sài Gòn thường đến thắp hương tượng niệm ngày 17/2

Dù trong bối cảnh báo chí được đồng loạt đăng các bài viết đánh dấu 40 năm cuộc chiến biên giới, gọi tên Trung Quốc "là quân xâm lược, quân bành trướng", người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn bị ngăn cản khi đi thắp hương, đặt hoa tại tượng đài và nghĩa trang liệt sĩ.

Nhiều blogger bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội về việc chiếc lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bị cẩu đi ngay trong ngày 17/2.

Sau đó, các báo Việt Nam cho hay chiếc lư được đưa về đền thờ Đức thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1.

Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến được báo Tuổi Trẻ dẫn lời giải thích về chuyện này : "Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường, mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí".

'Hành động vô đạo'

Hôm 18/2, từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn, nhà quan sát Nguyễn Viện nói với BBC :

"Cuộc chiến mang tính Chauvinism của Trung Quốc với Việt Nam bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kéo dài cả chục năm sau đó, gây tang thương mất mát rất lớn cho quân dân Việt Nam cũng như lính Trung Quốc".

"Tuy nhiên, dường như cuộc chiến thảm khốc đó đã bị che giấu và bóp méo. Mặc dù, những thỏa thuận im lặng ấy chỉ được thi hành ở một phía : Việt Nam".

"Trong rất nhiều năm, những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh vì tổ quốc hầu như bị quên lãng. Đảng Cộng sản luôn luôn tuyên truyền, không chừa một cơ hội nào, để vinh danh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng cuộc chiến vệ quốc với Trung Quốc, họ tỏ ra khiếp nhược một cách khó hiểu".

"Thậm chí những bia tưởng niệm ở biên giới phía Bắc còn bị đục bỏ, chưa kể còn biết bao hài cốt chiến sĩ vẫn nằm lại đâu đó không được tìm kiếm quy tập. "

"Tuy thế, những công dân Việt Nam yêu nước, mỗi năm đến ngày 17/2 đều tìm cách dâng hương tưởng niệm, nhưng năm nào cũng bị chính quyền ngăn cản, câu lưu".

"Sau 40 năm trốn tránh sự thật lịch sử, năm nay nhà nước bật đèn xanh cho phép báo chí lên tiếng, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng các quan chức đương quyền vẫn giấu mặt".

"Việc dời lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo là hành động vô đạo ngoài sức tưởng tượng, có thể gọi là thất đức".

"Người dân muốn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ theo cách của riêng mình, một lần nữa, bị cấm cản. Tôi cũng nằm trong số đó, công an yêu cầu tôi không được đi đâu ngày 17/2".

"Tại sao lại có hiện tượng có vẻ trái ngược đó ? Tôi cho rằng, trước hết có sự biến chuyển trong quan hệ quốc tế, tương quan giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai, trước áp lực của dân chúng, chính quyền buộc phải cho báo chí nhắc đến sự kiện bi thảm này để bảo đảm tính chính danh của họ".

"Điều thấy rõ nhất là chính quyền không chấp nhận lòng yêu nước không nằm trong sự kiểm soát của họ. Nếu họ cho phép những cuộc tưởng niệm xảy ra, điều đó có nghĩa là họ đồng ý với những gì mà những người đấu tranh làm từ trước tới giờ và buộc phải công nhận sự tồn tại đúng đắn của những người bất đồng chính kiến và đấu tranh cho dân chủ".

"Chính quyền sợ những cuộc "tụ tập" ấy dẫn đến những cuộc biểu tình lớn hơn, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, thậm chí chống chính quyền".

"Những lo sợ ấy trong điều kiện hiện nay là không thể. Nó chỉ chứng tỏ rằng Nhà nước vừa coi dân như trẻ con, vừa sợ hãi nhân dân của mình, vừa e ngại có thể làm "đồng chí" láng giềng mất lòng".

"Vụ việc cho thấy vẫn chỉ là một chính quyền thiếu tự tin và đánh mất niềm tin của nhân dân".

lu4

Một góc nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, nơi giới hoạt động xã hội dân sự thường đến tưởng niệm ngày 17/2

'Chuyển biển mới'

Cũng trong hôm 18/2, nhà báo Ngọc Vinh, thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, cựu quân nhân chiến trường Campuchia, nói với BBC :

"Rõ ràng năm nay, có chuyển biển mới trong công tác chỉ đạo truyền thông của nhà cầm quyền về việc đưa tin kỷ niệm ngày 17/2".

"Nếu các năm trước, kể từ sau 1990, báo chí rất hạn chế nói hoặc không đả động gì đến ngày này thì năm nay ta thấy báo chí rùm ben lên về những hậu quả đau thương của cuộc chiến tranh mà Trung Quốc mang lại cho đất nước và người dân Việt Nam trong năm 1979 và 10 năm tiếp sau đó".

"Tuy còn sự e dè trong cách đưa tin của đài truyền hình quốc gia (VTV) hay cách gọi tên cuộc hội thảo khoa học của các nhà viết sử, nhưng nhìn chung, báo chí phản ánh về cuộc chiến này thật khí thế. Nhiều báo đã gọi thẳng Trung Quốc là kẻ xâm lược, quân bành trướng, những kẻ thảm sát dân thường…"

"Theo tôi, việc thay đổi này cho thấy, có tín hiệu mới về mặt chính trị được phát ra từ các nhà lãnh đạo. Nó cũng cho thấy sức ép của Trung Quốc lên truyền thông Việt Nam có phần giảm bớt. Thế nhưng sức ép về mặt khác vẫn còn, chẳng hạn như việc tụ tập biểu tình phản đối Trung Quốc qua các hình thức tưởng niệm cuộc chiến".

Đề cập về vụ chiếc lư hương bị cẩu đi đang gây xôn xao, ông Ngọc Vinh nói : "Một bản tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15/1 nói về chủ trương sửa chữa hai tượng đài tại quận 1 là tượng Phù Đổng Thiên Vương ở ngã 6 Lê Thị Riêng và tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng để ngăn xuống cấp".

"Rất tiếc là bản tin này không nói gì về việc di dời lư hương. Theo tôi, nếu việc cẩu lư hương xảy ra trước Tết hay sau đây vài tháng thì chẳng có việc gì xảy ra về mặt dư luận, thế nhưng dư luận dậy sóng vì ngày cẩu lư hương xảy ra đúng thời điểm tưởng niệm 17/2".

lu5

Văn bản được cho là của chính quyền phát đi về việc ngăn người dân đến "gây rối" tại tượng đài Trần Hưng Đạo

"Tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng vốn là một điểm tưởng niệm truyền thống của người dân Sài Gòn nhiều năm qua về lòng yêu nước. Việc trùng hợp, không biết là ngẫu nhiên hay cố ý, đã tạo ra cách nghĩ xấu của người dân về chính quyền. Họ kết nối việc dời lư hương với việc Nhà nước muốn cấm đoán người dân tiến hành một cuộc tưởng niệm bày tỏ lòng yêu nước".

"Nếu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xử lý tinh tế hơn thì đã không có gì xảy ra".

"Trong việc này, tôi cho rằng, nếu chính quyền biết điều phối tế nhị mọi chuyện như một trọng tài bóng đá có đẳng cấp để có thể tổ chức sắp xếp cuộc tưởng niệm diễn ra nhẹ nhàng và kiểm soát được những bộc phát mất bình tĩnh (nếu có) của người dân thì không xảy ra những điều đáng tiếc, vừa không làm sứt mẻ về mặt ngoại giao".

"Nếu làm được vậy, chính quyền có được cái lợi khi chứng minh bản lĩnh đối phó của mình giữa hai tình huống : sức ép của người dân và sức ép của Trung Quốc".

Đề cập về việc các trang mạng xã hội đang phổ biến một văn bản được cho là của chính quyền phát đi về việc ngăn người dân đến "gây rối" tại tượng đài Trần Hưng Đạo và có khẩu hiệu "xấu về chính trị" trước hôm 17/2, nhà báo Ngọc Vinh cho hay : "Đó là các chỉ đạo nội bộ mà chúng ta thường thấy trong bộ máy chính quyền lâu nay".

"Điều đó càng cho thấy sức ép từ trên xuống dưới, có liên quan đến Trung Quốc, trong việc chống tụ tập có thể dẫn đến biểu tình và sự mất kiểm soát của đám đông. Tôi nghĩ, nhà nước nào cũng e ngại các cuộc biểu tình chính trị vì nó có thể dẫn đến hậu quả khôn lường cho họ, ngay cả những xứ sở có truyền thống dân chủ như nước Pháp…".

Quay lại trang chủ
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)