Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2019

Làng báo rối ren…

Trúc Giang

Hậu trường báo chí ở Sài Gòn, nói hơi quá một chút, dường chừng có gì đó như một thế giới ngầm kiểu Năm Cam - Nguyễn Việt Thành hồi trước.

langbao0

Những gì còn lại sau vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng - Ảnh minh họa 

"Anh có thắc mắc vì sao một tờ báo đánh rất đậm đà vụ đất đai Thủ Thiêm, nhưng lại chọn im lặng vụ vườn rau Lộc Hưng ?". Một đồng nghiệp từng là ‘chánh văn phòng’ ở tờ báo điện tử vừa bị đình bản 3 tháng, hỏi đố người viết như vậy.

Dĩ nhiên đây là dạng ‘câu hỏi tu từ’, vì vị giữ chức vụ đại diện tờ báo có trụ sở hoành tráng trên đường Nguyễn Biểu (Sài Gòn), đồng thời cũng là tổng thư ký tòa soạn, vốn mật thiết đến nhiều đại gia trong ngành bất động sản, lẫn sản xuất công nghiệp. Có ít nhất hai quan chức cấp cao nhất (một vị đã rời chính trường từ đầu tháng 4/2016) trong bộ máy chính phủ, được đồn đoán là ‘ủng hộ’ nhóm nhà báo của vị tổng thư ký tòa soạn đó.

Trước Tết Kỷ Hợi, ông tổng thư ký ấy đã chọn vui xuân ở xứ Cờ Hoa cùng vợ và 2 con. Đơn giản là cả gia đình vị đó đều có thẻ xanh tại Mỹ. Chuyện sản xuất báo giấy được điều hành trực tuyến, phát hành suông sẽ mà không chịu bất kỳ ảnh hưởng gì từ vụ phiên bản điện tử nhận ‘án đóng cửa’ 3 tháng. 

Tuy nhiên nhiều nhà báo kỳ cựu ở tờ này, nghe nói cũng đang dợm chân chờ đợi xem gió theo chiều nào từ kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều ; nhất là về đồn đoán cuộc ‘gặp gỡ xã giao’ bên lề thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Nếu lại xảy ra đe dọa từ ‘một lệnh bắt’ còn treo lơ lững ở đâu đó như từng xảy ra với vị tổng thư ký tòa soạn của họ, thì họ sẽ lại lên đường sang xứ người để làm báo – vì nghe đâu từ hai năm trước, vị tổng thư ký đó đã có trong tay một nhượng quyền ấn phẩm báo chí tại Hoa Kỳ.

Một nhà báo nữa cũng ‘đề huề thẻ xanh’ cả gia đình tại Mỹ, nghe đâu cũng đang ngóng chờ thời tiết chính trị ở Hà Nội sẽ chuyển mùa ra sao. Số là vốn liếng mà nhà báo này dốc sức vào canh bạc theo mô hình tập đoàn truyền thông từ năm 2006, qua chuyện ‘tận dụng’ thương hiệu cùng tài lực sẳn có ở tờ báo mà vị này làm tổng biên tập kéo dài những 20 năm, mới vừa rồi khá bất ngờ là tờ báo đó quyết định thoái toàn bộ số cổ phần đã đầu tư vào tập đoàn do vị cựu tổng biên tập này sáng lập.

Ông cựu tổng biên tập kể trên cũng chẳng thiệt thòi gì, khi phần ‘tiền tươi – thóc thật’ 300 tỷ bạc trong tập đoàn này đang được một ông trùm bất động sản rót vào. Thế lực chính trị của ông cựu tổng biên tập đó hiện vẫn còn đáng nể. Nghe đâu dịp Tết vừa rồi, đích thân ngài Thủ tướng đã điện thoại chúc xuân, và trò chuyện riêng tư với đồng hương xứ Quảng là vị nhà báo – doanh nhân từng giữ chức vụ tổng biên tập lâu nhất trong làng báo Việt Nam.

Điểm chung của hai nhà báo được nhắc ở trên là họ vẫn đang tiếp tục vận hành các ấn phẩm báo chí hoàn toàn tư nhân, kiểu ‘nhượng quyền điều hành’. Những bài báo ‘định hướng’ ở đây, phần lớn là nhằm ‘triệt hạ’, hoặc ‘ngợi ca’ ai đó để phục vụ cho những hợp đồng làm ăn, dọn đường cho những áp phe ghế quan chức – kiểu như tướng Cao Ngọc Oánh từng bị đánh tơi bời trước đây hồi chuẩn bị cơ cấu nhân sự ở bộ công an.

Thật, giả khó lường ở làng báo Sài Gòn hôm nay.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 27/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 681 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)