Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/02/2019

Đằng sau ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ là gì ?

Thường Sơn

Vì sao Tổng cục Thống kê của Thủ tướng Phúc muốn ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, vàđưa cả ‘trà đá, xe ôm, hàng rong’ vào kinh tế ngầm ?

kinhtengam1

Có tính toán đưa kinh tế ngầm vào GDP ?

Khác hẳn với lời ta thán về nguy cơ "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần" vào cuối năm 2016 và "sụp đổ tài khóa quốc gia" vào đầu năm 2017, đến đầu năm 2018, ông Nguyễn Xuân Phúc bất thần có đến hai lần yêu cầu Tổng cục Thống kê "tính lại GDP", với lý do "hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng ; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển", và giải thích thêm về tăng trưởng : "GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP".

Hai lần yêu cầu trên xảy đến tại hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính và tại hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù bị nhiều dư luận phản ứng và nghi ngờ về "GDP tăng trưởng có cánh" tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2017 mà ông Phúc đã phải trần tình là ông "không can thiệp vào việc tính GDP".

Ngay sau hội nghị trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo rằng cơ quan này sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017, và cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

Đến đầu năm 2019, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (kinh tế ngầm) được Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt, Tổng cục Thống kê đã ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì !’ - như một cách trả lời rất ‘cố đấm ăn xôi’ trước báo giới của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm​​​​​.

Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm : kinh tế ngầm ; kinh tế bất hợp pháp ; kinh tế phi chính thức ; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tính toán quy mô nền kinh tế chưa được quan sát tại 158 quốc gia trên thế giới giai đoạn 1991 - 2015. Theo đó, tính trung bình, con số này trên toàn cầu tương đương 31,9% GDP. Cao nhất là Zimbabwe với 60,6%. Thấp nhất là Thụy Sĩ với 7,2%.

Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) lo ngại rằng đề án trên về sâu xa là có thể ‘giúp’ Chính phủ có quyền tăng nợ công vì nợ công được Quốc hội đưa ra dựa trên GDP. Vì vậy nếu mẫu số to lên, tử số cũng được nhích theo. Bên cạnh đó, việc GDP tăng khi được cộng cả khu vực này vào có thể khiến thay đổi một loạt chỉ tiêu vĩ mô như tăng thuế, tăng thu, tăng nợ của cả nền kinh tế nói chung (trong khi khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được thuế). Dường như cả nền kinh tế "thực" sẽ phải gánh nhiều tác động hơn, còn kinh tế ngầm ngoài việc được đưa ra ánh sáng thì cũng không có gì thay đổi.

Chuyên gia thống kê Bùi Trinh cho rằng, việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế chưa quan sát là cần thiết nhưng để tính thêm vào GDP thì cần cân nhắc thêm. Tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ lại. "Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi hiểm họa" - ông Bùi Trinh nói.

"Khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp không thể tính toán thống kê, vì không một cơ quan, tổ chức nào thừa nhận sự tồn tại của nó. Chưa kể, kinh tế ngầm nhiều khi còn liên quan tới các câu chuyện "bảo kê", "nhạy cảm" khác và không dễ xử lý. Mặt khác, các hoạt động phi pháp như mại dâm, cờ bạc, cá cược... cũng không thuộc phạm trù sản xuất nên Tổng cục Thống kê cũng không có căn cứ để làm. Do đó, việc lượng hóa khu vực này không hề dễ dàng" - ông Trinh phân tích thêm.

Nếu kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn "phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam". Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với "quota" 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc "tính lại GDP". Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng. Gần 100 triệu dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 27/02/2019

Quay lại trang chủ
Read 623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)