Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/03/2019

Nạn kẹt xe : lỗi quy hoạch đô thị hay người đi xe máy ?

Thảo Vy

Người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân, nhưng doanh số bán của các hãng xe vẫn tăng ?

Cuối tháng 6 năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội công bố điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học của Công an Hà Nội, thì có từ 84 đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030. Đầu tháng 3/2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng kết quả khảo sát cho biết gần 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân.

xe1

Có từ 84 đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030

Kết quả của hai cuộc khảo sát trên cho thấy một mặt người dân đồng tình cấm/hạn chế xe cá nhân, mặt khác trên thực tế chứng minh bằng số liệu thống kê bán hàng tính thuế, thì người dân vẫn bỏ tiền túi ra mua xe cá nhân mỗi năm mỗi tăng.

Xe máy bán ra tiếp tục tăng

Hồi đầu năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đưa ra số liệu trong năm 2018, ở 5 đơn vị thành viên của Hiệp hội có tổng doanh số bán 3.386.097 xe các loại, tăng 3,5% so với năm 2017 và đã phá vỡ doanh số kỷ lục bán 3,3 triệu xe của năm 2011. Với tổng doanh số đó, tính bình quân, mỗi tháng của năm 2018, các doanh nghiệp bán được hơn 282.000 xe các loại ; đồng nghĩa mỗi ngày có gần 9.300 xe được cấp bảng số. 

Thị trường mô tô, xe máy Việt Nam còn có sự tham gia của các doanh nghiệp khác như Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli, Peugeot, Harley-Davidson... hay mới đây là xe máy điện VinFast nên tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam nếu cộng lại sẽ còn cao hơn rất nhiều. Họ là những đơn vị phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc, không phải là thành viên của VAMM nên không có báo cáo bán hàng cả năm qua.

Những số liệu về doanh số bán hàng nói trên là có thể đảm bảo chắc về con số thực tiêu thụ xe máy ở thị trường Việt Nam. Phía công an quản lý giao thông đường bộ qua thống kê số lượng biển số xe đã phát ra, cũng có thể biết rõ địa phương nào đang tiêu thụ mạnh xe cá nhân.

Xác suất thống kê của khảo sát có sai số là bao nhiêu ?

Câu hỏi đặt ra : liệu con số "gần 63% người dân đồng tình hạn chế xe cá nhân" mà các nhà lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh công bố, đã được lấy mẫu bằng phương pháp thống kê ra sao ? Sử dụng phần mềm gì trong tính toán xác suất ? Những câu hỏi lấy mẫu mà Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với UBND các phường xã, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, có những nội dung cụ thể gì với phương thức thu nhận mẫu theo quy trình ra sao ?

Theo báo chí tường thuật, các đơn vị đã tiến hành phỏng vấn ý kiến hành khách tại 9 đầu mối giao thông, quy mô khảo sát 35.000 phiếu trên địa bàn 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông. Kết quả có 62,56% ý kiến cho rằng cần phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy ; trong đó 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Trong 35.000 mẫu phiếu khảo sát, có 30.000 mẫu phát về các quận, huyện và 5.000 mẫu vãng lai được khảo sát tại 9 bến xe. Theo thông báo thì các quận có số lượng mẫu nhiều nhất là quận 1, 3, 5, 6, Phú Nhuận, Tân Phú,... riêng 5 huyện ngoại thành chỉ có 2.523 phiếu khảo sát.

Tuy nhiên không rõ việc các mẫu đã được phát ngẫu nhiên nhưng vẫn phải đảm bảo tính đại diện cho các đối tượng, tầng lớp, độ tuổi cũng như ngành nghề đã được tiến hành như thế nào, sai số dự tính là bao nhiêu ?.

Tiến sĩ Phạm Sanh, giảng viên trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng : "Cần công khai nội dung phiếu điều tra khảo sát trên báo đài để các chuyên gia thống kê và xã hội học góp ý phản biện. Nếu nội dung soạn không tốt, dù thăm dò ngẫu nhiên, kết quả sẽ không chính xác. Tránh hình thức và lãng phí vô ích cho ngân sách".

"Trong hai ngày diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, đầy bất ngờ tại Sài Gòn là địa phương không liên quan, người ta lại cấm xe cộ lưu thông trên đường Lê Duẩn. Hãy thử làm một khảo sát coi người dân phản ứng ra sao chuyện cấm này. Tôi ngờ vực tỷ lệ 40,77% đồng ý hoàn toàn việc phải hạn chế lưu thông ôtô con, xe máy mà phía Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra". Ông Nguyễn Hữu Thọ, một người làm nghề shipper nói.

Bà Vũ Ngọc Bích có quán ăn ở số 100 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường nằm trong đề xuất hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoàn toàn của Sở Giao thông và vận tải. Bà nói rằng hiện đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn này là đường một chiều nên quán ít khách, 90% trong đó là khách đi xe máy và nhân viên văn phòng. Do đó, nếu cấm hẳn xe máy tuyến đường này chắc phải đóng quán ăn vì khả năng thua lỗ. 

Những hộ kinh doanh trên trục đường đó cũng có nỗi lo lắng như bà Bích.

Việc lấy mẫu bằng phát 35.000 phiếu dạng thức đánh dấu vào ô "đồng ý", "không đồng ý", "đồng ý nhưng…" xem ra khó cho kết quả đủ sức mang tính đại diện cho số dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện ở mức 10 triệu người.

Lỗi quy hoạch đô thị hay lỗi của người đi xe máy ?

Ghi nhận của báo chí, thì với số lượng dân cư và cơ sở hạ tầng như hiện nay thì việc hạn chế xe cá nhân là không thể giải quyết được vấn đề, bởi vì có sử dụng phương tiện nào thì rồi cũng tắc đường hết. Ngoài ra nếu vẫn cứ để xảy ra tình trạng nhà máy, xí nghiệp di dời đến đâu, chung cư mọc lên thay thế đến đó thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cuối cùng cũng chỉ "gây khó" cho dân, chứ không đạt được hiệu quả trong việc chống ùn tắc.

"Trong ngày 20/04/2017, gần 500 bạn đọc gửi phản hồi về báo Người Lao Động xung quanh đề xuất cấm xe máy. Trong đó, trên 95% ý kiến không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng trong điều kiện giao thông công cộng như hiện nay, việc cấm xe máy là không thể. Nhiều người dân sống tại Thành phố Hồ Chí Minh khi được khảo sát ý kiến cũng cho rằng vấn đề trên hoàn toàn không phù hợp. Chị Ngô Thị Hạnh, ngụ quận Thủ Đức, nói : "Lượng xe máy nhiều góp phần gây ùn tắc giao thông. Thế nhưng, không đi bằng xe máy thì bằng phương tiện gì khi tàu điện không có, đường sá chật chội, xe buýt ì ạch". Một bản tin trên tờ Người Lao Động đã viết như vậy.

Tuy nhiên phía Sở Giao thông và vận tải nói rằng họ không đề xuất cấm, mà chỉ hạn chế xe cá nhân lưu thông. Song ‘hạn chế’ ở đây lại là việc sẽ có những tuyến đường mà xe cá nhân không được phép lưu thông. 

Người dân có lý khi nói rằng, sao lại không mơ tới việc đi làm bằng xe buýt hay tàu điện ngầm kia chứ. Khổ nỗi, xe buýt thì chạy chỉ theo khung giờ nào đó, từ nhà ra tới trục đường có xe cũng không kém gian nan, sau đó thì phải nối 2, 3 chặng xe mới tới được chỗ cần tới. Đi làm về muộn thì có nước mà lội bộ, còn tàu điện ngầm chắc đợi kiếp sau (nếu có)...

Vấn đề chính ở đây là đến bao giờ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mới đưa ra lộ trình cụ thể về phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với đô thị 10 triệu dân ?.

"Nhà tôi thì nhỏ, số lượng người sống chung trong nhà đó thì đông, tạo ra môi trường chật chội. Câu hỏi đặt ra ở đây là đuổi bớt một vài người ra khỏi nhà để cho căn nhà bớt chật chội, hay dùng phương pháp mở rộng căn nhà để mọi người cùng sống chung và ổn định cuộc sống ?". Sinh viên Nguyễn Tùng, Khoa cơ khí ô tô Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề. 

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 05/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)