Sự kiện tiếp theo vụ EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Châu Âu) bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng Hai, 2019 là cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Hiệp Châu Âu với chính thể độc trị Việt Nam tại Brusells vào đầu tháng Ba, 2019. Nhưng khác hẳn với những cuộc đối thoại nhân quyền trước đây mà EU thường bị giới quan chức Việt Nam khôn lỏi và ranh ma ăn hiếp, tình thế và tương quan lực lượng vào lần này là "Châu Âu nắm đằng chuôi".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt tay trước cuộc họp ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 27 tháng Hai, 2019. (Hình : Lương Thái Linh/ Getty Images)
Hành hạ và hành xác
"Triển vọng phát triển còn tốt lắm !", Nguyễn Phú Trọng thốt lên ngay sau khi xảy ra tin xấu với Việt Nam vào tháng Ba, 2017 : chỉ mới nhậm chức tổng thống được vài tháng, Donald Trump đã lôi ngược nước Mỹ ra khỏi TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) mà Việt Nam đã mất nhiều công sức để đàm phán từ năm 2010 với hy vọng nền kinh tế và cả chế độ cầm quyền ở quốc gia này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì Mỹ chiếm đến 60% giá trị sản lượng của khối TPP, nếu cái bào thai này thành hình nguyên vẹn.
Khi thốt ra lời tán thán đầy tính tự an ủi trên, Nguyễn Phú Trọng đã nói về triển vọng của hàng chục FTA (hiệp định thương mại song phương) mà chính quyền của ông ta đã ký kết với nhiều quốc gia, trong đó đặc biệt là EVFTA, khi đó đang trong giai đoạn rà soát pháp lý sau khi ký kết thúc đàm phán và mở ra hy vọng cho Việt Nam không những duy trì được hơn 30 tỷ USD xuất siêu vào thị trường Châu Âu, mà còn gia tăng lượng xuất khẩu để mang lại nguồn ngoại tệ còn quý hơn máu, nguồn máu giúp cho chế độ cầm quyền của Trọng có thể "cầm hơi" thêm một ít năm nữa trước khi cạn kiệt hoàn toàn ngoại tệ và vỡ nợ trước núi nợ nước ngoài lên tới ít nhất 105 tỷ USD, chưa kể hàng trăm tỷ đô la nợ nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà đã bị Luật về Nợ công của Việt Nam tống phắt ra ngoài để làm đẹp bảng cân đối ngân sách quốc gia.
Thế nhưng thái độ tự tin có vẻ quá khiên cưỡng và giả tạo của người mà vào lúc đó chưa trở thành "tổng chủ" có thể đã khiến ông ta trở nên mụ mẫm trước một tương lai vô cùng khó đoán dành cho EVFTA : một Liên Hiệp Châu Âu (EU) tưởng như dễ chơi và dễ bắt nạt, với bằng chứng là giới chức EU luôn bị các quan chức khôn ranh và giảo quyệt của Việt Nam qua mặt trong các kỳ đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam vào những năm gần đây, lại đã biến EVFTA thành một trò hành xác đối với những kẻ chuyên nghề hành hạ người dân của mình.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng : chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều "thành tích nhân quyền" của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", đã khiến cả Châu Âu được "sáng mắt sáng lòng".
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Á-Âu tại Hội Đồng Châu Âu ở Brussels vào ngày 18 tháng Mười, 2018. (Hình : Ben Stansall/Getty Images)
"Đường về nhà còn xa lắm"
Bây giờ thì "đường về nhà còn xa lắm"-như tựa đề một bộ phim của Việt Nam của dĩ vãng ba chục năm trước. Chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội Đồng Châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị Viện Châu Âu để bỏ phiếu thông qua.
Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu : Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Châu Âu-một cơ quan tham mưu cho Nghị Viện Châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội Đồng Châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị Viện Châu Âu gật đầu cho hiệp định này "qua đò".
Vậy quan điểm của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Châu Âu ra sao ?
Vào tháng Giêng, 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange-Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU-tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy : "Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết".
Giờ đây, hy vọng còn nước còn tát của chính thể Việt Nam chỉ là "đề nghị EU phê chuẩn EVFTA trong quý một năm 2019"-giống như một lời khẩn cầu của Thủ tướng Phúc khi ông ta tiếp xúc với các quan chức Châu Âu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos ở Thụy Sỹ vào tháng Giêng, 2019.
Tại diễn đàn trên, Phúc đã tìm cách tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều quốc gia để vận động cho EVFTA, trừ việc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Một lý do sâu thẳm và cực kỳ khó nói ra : trong một cuộc gặp với bà Merkel tại Đức vào tháng Năm, 2017, Thủ tướng Phúc cày cục đề nghị phía Đức cho dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, nhưng Đức không chịu vì giữa hai nước chẳng có hiệp định dẫn độ nào. Rồi Phúc về. Vài tháng sau đó bất thần nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và mật vụ Việt Nam bị cáo buộc đã tiến hành điệp vụ quá ghê tởm theo lối "xin không được thì cướp" này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 27 tháng Hai, 2019 tại điện Chancellery ở Berlin. (Hình : Tobias Schwarz/AFP/Getty Images)
Một cách chính thức và minh bạch, phương án "EVFTA trước, nhân quyền sau" và cả "EVFTA cùng nhân quyền" như một phương án đối phó dự phòng của giới chóp bu láu cá ở Việt Nam đã bị EU đảo ngược thành quyết sách "nhân quyền trước, hiệp định sau".
Cũng một cách chính thức, kịch bản ký kết và phê chuẩn EVFTA ở cấp Hội Đồng Châu Âu vào cuối năm 2018 đã tuyệt đối phá sản. EVFTA không chỉ bị hoãn, mà còn là hoãn vô thời hạn.
Vậy những kịch bản tiếp theo vụ hoãn EVFTA có thể là gì ?
Không thể ký trước tháng Năm ?
EVFTA, trong trường hợp lạc quan nhất cho chính thể Việt Nam, sẽ được ký kết và phê chuẩn tại Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm 2019, để ngay vào tháng đó Nghị viện Châu Âu sẽ họp và bỏ phiếu thông qua hiệp định này chăng ?
Nhưng một nghị viện Châu Âu đang quá bận rộn với nhiều việc và nhất là đang phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện mới vào tháng Năm, 2019 sẽ quá khó để thu xếp một cuộc gặp với 28 nước thành viên chỉ để bỏ phiếu xem xét EVFTA cho Việt Nam.
Cho đến cuối tháng Hai, 2019, vẫn không có bất kỳ tin tức hay dấu hiệu nào về việc Nghị Viện Châu Âu sẽ họp bàn về EVFTA.
Một kịch bản khác có vẻ khả dĩ hơn : Hội đồng Châu Âu ưu ái ký EVFTA trước khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra, và nghị viện mới sẽ tiếp tục xem xét có phê chuẩn hay không hiệp định này, có thể vào nửa cuối năm 2019 hoặc sang năm 2020.
Nhưng nếu Việt Nam vẫn không chịu cải thiện nhân quyền và do đó Hội Đồng Châu Âu vẫn chẳng có lý do xác đáng nào để phê chuẩn EVFTA trước tháng Năm, 2019 thì sao ?
Đó chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam-đang quá cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA theo đúng cái cái mà Quốc Hội Việt Nam thường gật đầu quá dễ dãi trước ý chỉ của "cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp" của Nguyễn Phú Trọng.
Khi đó, tương lai EVFTA sẽ là một màn u tối và không biết sẽ mất bao nhiêu năm nữa để hiệp định này trở thành "cứu cánh" cho một chính thể chỉ biết ăn không chịu làm, nhung nhúc tham nhũng và chuyên nghề đàn áp quyền con người.
Lối thoát duy nhất của chính thể độc đảng ở Việt Nam về EVFTA chỉ còn là cải thiện nhân quyền, và phải cải thiện một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, chứ không như vô số hứa hẹn trơn tuột tại các kỳ đối thoại nhân quyền mà sau đó thực tế đã biến diễn hoàn toàn ngược lại đến độ vô liêm sỉ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 03/03/2019