Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2019

Dĩ hòa vi quý hay di hại ?

Cánh Cò

Chưa bao giờ con em chúng ta chịu áp lực nặng nề khi tới trường như hôm nay. Bên cạnh việc học hành quá sức chịu đựng của chúng một ám ảnh khác đang đè nặng lên đôi vai vốn đã chịu nhiều sức ép đó là bạo lực học đường.

Chúng ta có lẽ không ai đủ can đảm xem cho hết một đoạn video dài khoảng 5 phút quay lại cảnh nhiều nữ sinh thay nhau đánh một bạn cùng lớp trong khi các nam sinh khác đứng bên ngoài nếu không cổ võ thì cũng im lặng. Hành vi đánh tập thể bạn học qua nhiều video khác nhau tung lên mạng xã hội đã là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả phụ huynh chúng ta về nạn bạo hành trong ngôi trường mà chúng ta tin tưởng giao phó con em mình để được giáo dục.

Bị bạn đánh tập thể không phải là lý do duy nhất khiến các em sợ hãi mà hành vi bạo hành từ giáo viên đối với chúng mới là nỗi ám ảnh không rời. Từ nhiều năm nay không biết bao nhiêu vụ bạo hành đã xảy ra trên tất cả các tỉnh thành được báo chí theo dõi và tường trình.

baoluc1

Học sinh tiểu học bị cô đánh tím tái chi vi viết chữ xấu.

Hành vi đánh đập học sinh trở thành hội chứng khi rất nhiều giáo viên chủ nhiệm giận dữ phạt học sinh bằng cách bắt bạn đồng lớp tát tai nếu chúng có lỗi.

Một cô giáo tại trường Tiểu học Trung Thành, Thái Nguyên đã bắt học sinh trong lớp do cô phụ trách tự tát 50 cái vào mặt chỉ vì em này mất trật tự. Sau khi bị phụ huynh làm đơn tố cáo, cô giáo này chỉ bị chuyển sang dạy lớp khác.

Một học sinh trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vì làm bài lạc đề nên bị giáo viên chủ nhiệm tát 2 cái vào má. Em này bị chấn động sọ não và phải nhập viện điều trị. Sau đó, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo này với mức phạt là 2,5 triệu đồng.

Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nổi cộm vụ cô giáo đã chỉ đạo các bạn trong lớp tát bạn tổng cộng 231 cái khiến em học sinh này gần như mất trí khi về tới nhà.

Đầu tháng 3 một học sinh tiểu học bị cô giáo dùng thước đánh trúng vào mắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng xảy ra ở Lạng Sơn. Tiếp theo sau đó ít lâu là một học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Long Hòa, tỉnh Long An bị thầy giáo phạt đánh nhiều roi. Theo kết quả chụp X quang, học sinh bị vẹo cột sống mặc dù chưa xác minh có bị vẹo cột sống hay không nhưng chuyện đánh học sinh là có thật.

Không những bạo hành bằng roi hay tát tai, những vết thương tuy đau nhưng dễ lành với thời gian, còn những vụ bạo hành tình dục là vấn đề nhức nhối hơn nhưng vẫn xảy ra đều đặn trong các trướng học khắp nước.

Người ta còn nhớ vụ án Sầm Đức Xương tổ chức mua bán dâm các nữ sinh trong trường do y làm hiệu trưởng đã để lại vết nhơ không thể rửa sạch cho nền giáo dục Việt Nam nhưng sau khi vụ án được xét xử là những vụ xâm hại tình dục học sinh tiếp tục xảy ra như cỗ xe tuột dốc không thể kềm giữ. Mới đây nhất là vụ thầy giáo Dương Trọng Minh bị tố cáo đã xàm sở với 13 em nữ sinh học lớp 5 trường tiểu học Tiên Sơn, Huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Tối 1 tháng 3, ông Dương Trọng Minh thừa nhận đã sờ vào "vùng nhạy cảm" của các nữ sinh, ngay cả khi tường trình tại Trường vào ngày hôm sau ông Minh tiếp tục thừa nhận đã "vỗ mông" các nữ sinh. Thế nhưng phụ huynh lại dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi. Hành động này thật sự gây phản cảm còn hơn chính vụ án.

Chưa hết, chương trình của VTV1 phỏng vấn một lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo Việt Yên, Bắc Giang thì ông này phát biểu "Vụ thầy giáo dâm ô không nghiêm trọng" vì thầy Minh chỉ cấu véo nữ sinh và việc ký biên bản nhận tội là do thầy Minh bị phụ huynh đe dọa.

Không phải nữ sinh mới bị xâm hại tình dục mà nam sinh cũng không thoát khỏi những con yêu râu xanh trong trường học. Người ta còn nhớ vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô nhiều học sinh nam trong văn phòng của y trong khi các giáo viên biết chuyện đều im lặng. Một cô giáo bị tố cáo là biết các em bị xâm hại nhưng không lên tiếng còn trêu chọc các em là "hôm nay có được ăn kẹo mút không ?"

Thông qua các câu chuyện khốn nạn như trên người ta thấy rõ hai điều, thứ nhất là ban giám hiệu trường, sở giáo dục và đào tạo tìm hết cách để bao che phạm nhân. Thứ hai thái độ của phụ huynh học sinh nạn nhân là im lặng bỏ qua vì quan niệm "dĩ hòa vi quý". Hai yếu tố này cộng hưởng với nhau khiến những kẻ "sắp" phạm tội tin rằng sẽ không bị pháp luật trừng trị vì được bao che và làm ngơ, lãnh đạm trước nỗi đau của con cái.

Chúng ta không thể im lặng trước sự bao che của nhà trường hay các cơ quan trách nhiệm đã đành, nhưng trước tiên là thái độ cương quyết của chính chúng ta, bởi lẽ con cái cần chúng ta bảo vệ chứ không cần sự im lặng thông cảm của chúng ta đối với người đã hại đời chúng. "Dĩ hòa" sẽ di hại cho các nạn nhân sau này và di căn san chấn tinh thần của các em sẽ không bao giờ lành lặn vì bọn người xâm hại các em không trả giá trước pháp luật một cách sòng phẳng.

Nếu không tin vào pháp luật thì chúng ta phải tự bảo vệ con em bằng những cách thiết thực nhất. Hãy theo dõi chúng, hỏi han những gì mà thầy cô trong lớp làm cho chúng, hay bạn bè của chúng trong từng ngày một. Khi chúng có biểu hiện buồn bã, lo lắng hay kém ăn không còn thích thú khi đến trường là dấu hiệu không tốt chúng ta phải tìm hiểu. Khuyến khích chúng kể ra những câu chuyện mà chúng sợ không dám kể, tuyệt đối không đe dọa hay dùng biện pháp đánh đập, càng sợ hãi thì chúng càng im lặng hơn nữa.

Khi thấy một vết thương trên mình đứa trẻ tốt nhất là an ủi, dỗ dành, dịu ngọt để lấy "lời khai" của chúng. Nếu vết thương bầm tím không có máu chảy lại càng nguy hiểm và đừng bao giờ bỏ qua vì khả năng nội thương đang ủ mầm dễ gây biến chứng.

Sống chung với lũ là câu chữ châm biếm nhưng cũng không phải vô căn cứ. Khi chúng ta bị pháp luật quay lưng thì cách tốt nhất là phải sống chung với nó nhưng lúc nào cũng cảnh giác như tai họa sắp ập vào con em chúng ta chứ không ai khác.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 06/03/2019 (canhco"s blog)

Quay lại trang chủ
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)