Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà nội đã bị cắt ngang một cách đột ngột giữa ngày thứ nhì của hội nghị, trong khi hai nhà lãnh đạo không ký tuyên bố chung như trông đợi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội, ngày 28/2/2019.
Hội nghị mở đầu trong niềm hy vọng của cả hai bên và nước chủ nhà cùng các nước liên quan như Hàn Quốc, Nhật Bản… Tất cả đều lạc quan về triển vọng đạt được kết quả hoặc ít nhất, tiến bộ, khả dĩ có thể dọn đường dẫn tới hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng trái với mong đợi, thượng đỉnh Trump-Kim kết thúc một cách hết sức bất ngờ : hai nhân vật chính họp báo riêng rẽ, rồi đường ai nấy đi, để lại những dấu hỏi lớn về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Triều.
Tổng thống Trump họp báo vội vã vào 2 giờ trưa ngày 28/2, rồi lên đường về nước. Nhà độc tài của Triều Tiên hôm sau bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, nhưng có lẽ trong trạng thái không mấy hào hứng cho nên rốt cuộc, ông cũng lên đường về nước sớm hơn dự định.
Khó có thể tưởng tượng kết cục này khi ông Kim xuất hiện tại nhà ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn, và được công chúng Việt Nam cũng như truyền thông quốc tế ‘háo hức’ chờ đón.
Vậy nhìn lại, thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công hay thất bại ?
Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào đối tượng được hỏi. Tại cuộc họp báo ở Hà nội trước khi lên chuyên cơ về nước, Tổng thống Trump nói lý do là vì hai bên bất đồng về chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp chế tài. Tại cuộc họp báo vào nửa đêm cùng ngày, phái đoàn Triều Tiên phản bác lập luận của phía Mỹ.
Toà Bạch Ốc sau đó tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của việc hai bên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị ở Hà nội. Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump, ông John Bolton, lý giải rằng thượng đỉnh Hà nội là một thành công, dù rằng ông Trump không thuyết phục được Bình Nhưỡng cam kết hủy bỏ khả năng hạt nhân. Theo lập luận của ông Bolton, Tổng thống Trump cắt ngang cuộc họp thượng đỉnh "để bảo vệ và cỗ vũ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ".
Theo lập luận này, cũng được nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump lặp lại, thì thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt một thỏa thuận bất lợi.
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Sue Mi Terry, Chuyên gia CSIS về các vấn đề Triều Tiên
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) vừa tổ chức một cuộc hội thảo để mổ xẻ thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong đó một số chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên hợp tác với think- tank này trả lời một số câu hỏi quan trọng về cuộc họp thượng đỉnh tại Hà nội.
Thượng đỉnh Hà nội có phải là một thất bại ?
Chuyên gia Sue Mi Terry của CSIS :
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Xét kỳ vọng rất cao là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt thỏa thuận tại Hà nội, thì sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Hơn nữa sau thượng đỉnh Hà nội, tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước bởi vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, quyết định bỏ ngang thượng đỉnh "tốt hơn là chấp thuận một thỏa thuận ‘xấu’".
Chuyên gia của CSIS giải thích rằng một thỏa thuận xấu là một thỏa thuận bất lợi, làm suy yếu các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như quan hệ với các đồng minh trong khu vực. Theo định nghĩa của Tổng thống Trump, nếu Triều Tiên đòi và được tháo gỡ mọi chế tài trước khi nhượng bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon và các địa điểm hạt nhân khác, thì đó là một thỏa thuận ‘xấu’.
Liệu thế giới có an toàn hơn sau thượng đỉnh ở Hà nội ?
Chuyên gia của CSIS Sue Mi Terry :
"Không, mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn còn nguyên. Trong khi tình hình hiện nay khả quan hơn nhiều so với năm 2017, căng thẳng chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên giảm thiểu trong khi hai bên xúc tiến các nỗ lực ngoại giao, nhưng không ai có thể chối cãi là Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân của họ".
Các phúc trình của CSIS cho thấy là trên thực tế, Triều Tiên vẫn duy trì các căn cứ quân sự phi đạn đạn đạo và các địa điểm liên quan tới vũ khí hạt nhân trong tình trạng hoạt động tốt giữa lúc thương thuyết đang diễn ra. Và cho tới khi nào Hoa Kỳ thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng chấp thuận cho các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế giám sát việc đình chỉ các hoạt động hạt nhân, phong tỏa các tòa nhà liên quan, và thiết đặt các máy thu hình để giám sát những địa điểm này, thì mối đe dọa do các chương trình phát triển vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên vẫn còn đó.
Vẫn theo chuyên gia CSIS, thì các cuộc đàm phán đã giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng, nhưng không làm cho thế giới an toàn hơn.
Tư liệu- Thủy Quân Lục Chiến Hàn Quốc chuẩn bị tập trận thường xuyên tại đảo Yeonpyeong , Hàn quốc ngày 1/11/2018.
Ngược lại, nhiều người còn lo ngại là thế giới có thể trở nên kém an toàn hơn vì nhượng bộ đơn phương của Mỹ, đình chỉ các cuộc diễn tập với đồng minh Hàn Quốc, sẽ phương hại tới tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng liên minh, nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục đình chỉ các cuộc diễn tập hàng năm tới sau mùa Xuân năm nay.
Theo CSIS thì đây là một câu hỏi quan trọng cần được giải đáp sau thượng đỉnh tại Hà nội.
Một khi Washington đã nhượng bộ, thì Hàn Quốc và Trung Quốc có thể chống đối việc tái tục các cuộc diễn tập với lập luận làm như vậy sẽ tăng căng thẳng vào một thời điểm ‘nhạy cảm’.
Chuyện gì sẽ xảy ra ?
Vẫn theo chuyên gia Sue Mi Terry :
"Hiện chưa rõ. Đáng tiếc là sự thất bại trong cuộc thương thuyết ở cấp cao nhất không tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao để hai bên tiến tới phía trước. Hàn Quốc sẽ tìm cách hàn gắn những đổ vỡ sau thượng đỉnh tại Hà nội, và sẽ làm môi giới để khởi động lại các cuộc thương thuyết Mỹ-Triều. Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in có thể mở một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong cố gắng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên".
Vẫn theo chuyên gia của CSIS, Triều Tiên sẽ hội ý với Bắc Kinh và Moscow để đi đến một chiến lược thương thuyết mới. Bà Terry nói điều quan trọng nhất cần theo dõi là chờ xem truyền thông nhà nước Triều Tiên nhận định ra sao về hội nghị thượng đỉnh ở Hà nội, xem liệu Triều Tiên có quy lỗi cho Hoa Kỳ về sự thất bại của hội nghị, và quay trở lại với những chiến thuật đã áp dụng trước đây.
Trong khi chờ đợi, Washington sẽ phải quyết định liệu có nên tái tục các cuộc diễn tập quân sự quy mô với Hàn Quốc hay không. Nếu có, ông Kim Jong-un có thể phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc thử nghiệm phi đạn. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ không lên án Triều Tiên bởi vì Bắc Kinh có thể lập luận rằng Bình Nhưỡng chỉ phản ứng sau hành động của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS kết luận rằng Triều Tiên là một vấn đề hóc búa. Cho tới nay, ngược với trông đợi Tổng thống Trump không thành công hơn so với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong nỗ lực giải quyết vấn đề hóc búa này, nhưng ít ra tình hình hiện nay cũng khả quan hơn nhiều so với năm 2017, khi mà hai bên đều đề cập tới khả năng tiến hành "chiến tranh phủ đầu".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 05/03/2019