Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tại Hà nội đã bị cắt ngang một cách đột ngột giữa ngày thứ nhì của hội nghị, trong khi hai nhà lãnh đạo không ký tuyên bố chung như trông đợi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội, ngày 28/2/2019.
Hội nghị mở đầu trong niềm hy vọng của cả hai bên và nước chủ nhà cùng các nước liên quan như Hàn Quốc, Nhật Bản… Tất cả đều lạc quan về triển vọng đạt được kết quả hoặc ít nhất, tiến bộ, khả dĩ có thể dọn đường dẫn tới hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, nhưng trái với mong đợi, thượng đỉnh Trump-Kim kết thúc một cách hết sức bất ngờ : hai nhân vật chính họp báo riêng rẽ, rồi đường ai nấy đi, để lại những dấu hỏi lớn về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Triều.
Tổng thống Trump họp báo vội vã vào 2 giờ trưa ngày 28/2, rồi lên đường về nước. Nhà độc tài của Triều Tiên hôm sau bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam, nhưng có lẽ trong trạng thái không mấy hào hứng cho nên rốt cuộc, ông cũng lên đường về nước sớm hơn dự định.
Khó có thể tưởng tượng kết cục này khi ông Kim xuất hiện tại nhà ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn, và được công chúng Việt Nam cũng như truyền thông quốc tế ‘háo hức’ chờ đón.
Vậy nhìn lại, thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công hay thất bại ?
Câu trả lời có lẽ tùy thuộc vào đối tượng được hỏi. Tại cuộc họp báo ở Hà nội trước khi lên chuyên cơ về nước, Tổng thống Trump nói lý do là vì hai bên bất đồng về chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa và các biện pháp chế tài. Tại cuộc họp báo vào nửa đêm cùng ngày, phái đoàn Triều Tiên phản bác lập luận của phía Mỹ.
Toà Bạch Ốc sau đó tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của việc hai bên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị ở Hà nội. Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump, ông John Bolton, lý giải rằng thượng đỉnh Hà nội là một thành công, dù rằng ông Trump không thuyết phục được Bình Nhưỡng cam kết hủy bỏ khả năng hạt nhân. Theo lập luận của ông Bolton, Tổng thống Trump cắt ngang cuộc họp thượng đỉnh "để bảo vệ và cỗ vũ cho các lợi ích quốc gia của Mỹ".
Theo lập luận này, cũng được nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump lặp lại, thì thà không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt một thỏa thuận bất lợi.
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Sue Mi Terry, Chuyên gia CSIS về các vấn đề Triều Tiên
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) vừa tổ chức một cuộc hội thảo để mổ xẻ thượng đỉnh Mỹ-Triều, trong đó một số chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên hợp tác với think- tank này trả lời một số câu hỏi quan trọng về cuộc họp thượng đỉnh tại Hà nội.
Thượng đỉnh Hà nội có phải là một thất bại ?
Chuyên gia Sue Mi Terry của CSIS :
"Thượng đỉnh tại Hà nội là một thất bại ở nhiều mức độ. Xét kỳ vọng rất cao là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt thỏa thuận tại Hà nội, thì sự kiện cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo bị đột ngột cắt ngang có thể được diễn giải như một sự phí phạm thời gian, năng lực và tài nguyên. Hơn nữa sau thượng đỉnh Hà nội, tiến trình thương thuyết khó có thể tiến tới phía trước bởi vì cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên bất đồng về những nguyên tắc cơ bản nhất".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, quyết định bỏ ngang thượng đỉnh "tốt hơn là chấp thuận một thỏa thuận ‘xấu’".
Chuyên gia của CSIS giải thích rằng một thỏa thuận xấu là một thỏa thuận bất lợi, làm suy yếu các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như quan hệ với các đồng minh trong khu vực. Theo định nghĩa của Tổng thống Trump, nếu Triều Tiên đòi và được tháo gỡ mọi chế tài trước khi nhượng bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon và các địa điểm hạt nhân khác, thì đó là một thỏa thuận ‘xấu’.
Liệu thế giới có an toàn hơn sau thượng đỉnh ở Hà nội ?
Chuyên gia của CSIS Sue Mi Terry :
"Không, mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn còn nguyên. Trong khi tình hình hiện nay khả quan hơn nhiều so với năm 2017, căng thẳng chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên giảm thiểu trong khi hai bên xúc tiến các nỗ lực ngoại giao, nhưng không ai có thể chối cãi là Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân của họ".
Các phúc trình của CSIS cho thấy là trên thực tế, Triều Tiên vẫn duy trì các căn cứ quân sự phi đạn đạn đạo và các địa điểm liên quan tới vũ khí hạt nhân trong tình trạng hoạt động tốt giữa lúc thương thuyết đang diễn ra. Và cho tới khi nào Hoa Kỳ thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng chấp thuận cho các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế giám sát việc đình chỉ các hoạt động hạt nhân, phong tỏa các tòa nhà liên quan, và thiết đặt các máy thu hình để giám sát những địa điểm này, thì mối đe dọa do các chương trình phát triển vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên vẫn còn đó.
Vẫn theo chuyên gia CSIS, thì các cuộc đàm phán đã giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra khủng hoảng, nhưng không làm cho thế giới an toàn hơn.
Tư liệu- Thủy Quân Lục Chiến Hàn Quốc chuẩn bị tập trận thường xuyên tại đảo Yeonpyeong , Hàn quốc ngày 1/11/2018.
Ngược lại, nhiều người còn lo ngại là thế giới có thể trở nên kém an toàn hơn vì nhượng bộ đơn phương của Mỹ, đình chỉ các cuộc diễn tập với đồng minh Hàn Quốc, sẽ phương hại tới tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng liên minh, nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục đình chỉ các cuộc diễn tập hàng năm tới sau mùa Xuân năm nay.
Theo CSIS thì đây là một câu hỏi quan trọng cần được giải đáp sau thượng đỉnh tại Hà nội.
Một khi Washington đã nhượng bộ, thì Hàn Quốc và Trung Quốc có thể chống đối việc tái tục các cuộc diễn tập với lập luận làm như vậy sẽ tăng căng thẳng vào một thời điểm ‘nhạy cảm’.
Chuyện gì sẽ xảy ra ?
Vẫn theo chuyên gia Sue Mi Terry :
"Hiện chưa rõ. Đáng tiếc là sự thất bại trong cuộc thương thuyết ở cấp cao nhất không tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao để hai bên tiến tới phía trước. Hàn Quốc sẽ tìm cách hàn gắn những đổ vỡ sau thượng đỉnh tại Hà nội, và sẽ làm môi giới để khởi động lại các cuộc thương thuyết Mỹ-Triều. Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in có thể mở một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong cố gắng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên".
Vẫn theo chuyên gia của CSIS, Triều Tiên sẽ hội ý với Bắc Kinh và Moscow để đi đến một chiến lược thương thuyết mới. Bà Terry nói điều quan trọng nhất cần theo dõi là chờ xem truyền thông nhà nước Triều Tiên nhận định ra sao về hội nghị thượng đỉnh ở Hà nội, xem liệu Triều Tiên có quy lỗi cho Hoa Kỳ về sự thất bại của hội nghị, và quay trở lại với những chiến thuật đã áp dụng trước đây.
Trong khi chờ đợi, Washington sẽ phải quyết định liệu có nên tái tục các cuộc diễn tập quân sự quy mô với Hàn Quốc hay không. Nếu có, ông Kim Jong-un có thể phản ứng bằng cách tiến hành một cuộc thử nghiệm phi đạn. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ không lên án Triều Tiên bởi vì Bắc Kinh có thể lập luận rằng Bình Nhưỡng chỉ phản ứng sau hành động của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS kết luận rằng Triều Tiên là một vấn đề hóc búa. Cho tới nay, ngược với trông đợi Tổng thống Trump không thành công hơn so với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong nỗ lực giải quyết vấn đề hóc búa này, nhưng ít ra tình hình hiện nay cũng khả quan hơn nhiều so với năm 2017, khi mà hai bên đều đề cập tới khả năng tiến hành "chiến tranh phủ đầu".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 05/03/2019
Mấy hôm nay báo chí Việt Nam tấp nập đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un tại Hà Nội.
Hết thông tin về đất nước Triều Tiên hùng mạnh, đẹp đẽ "Một Triều Tiên giàu mạnh trong ký ức của du học sinh Việt Nam" (VTC), "Ký ức thời thanh xuân ở Triều Tiên của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao" (Người Lao động), "Triều Tiên, những điều bất ngờ" (Zing.vn)... lại đến tình hữu nghị giữa hai bên Việt-Triều "Ký ức ngọt ngào về ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở Hà Nội" (CafeF) ; hết ca ngợi vị lãnh tụ trẻ tuổi, tài cao, thân thiện Kim Jong-un lại đến thông tin về người vợ của Un "Chân dung người vợ xinh đẹp, bí ẩn và cuộc tình gây tranh cãi của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un" (Tin tức online) : Nào "để làm vợ một người đàn ông như Kim Jong-un thì đúng là người phụ nữ ấy không thể tầm thường", nào xinh đẹp, thanh lịch, giọng nói ngọt ngào, nào gia đình họ rất hạnh phúc và Kim Jong-un là người đàn ông của gia đình v.v…
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. (Ảnh : AFP/TTXVN)
Báo chí cũng đưa tin người dân nơi này nơi kia đổ ra đường đón Chủ tịch Kim Jong-un, từ Lạng Sơn cho tới Hà Nội : "Người dân Lạng Sơn : ngài chủ tịch Kim rất trẻ, thân thiện và đẹp trai" (Ngôi Sao) ; "Người Hà Nội đổ tới khách sạn Marriott đón ông Trump" (Tin tức online)…
Nhà cầm quyền thì tất nhiên là hồ hởi đón khách. Hà Nội đón chào Kim Jong-un với đầy đủ lễ nghi trang trọng nhất, từ thảm đỏ cho tới hàng ngũ quan chức cao cấp.
Còn đối với Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump thì khỏi nói. Người Việt Nam vốn "mê" Mỹ, Tổng thống Mỹ nào đến Việt Nam, dù là Bill Clinton, Barack Obama hay Donald Trump đều được người dân đổ ra đường đón tiếp, người dân thường vốn chẳng mấy quan tâm, phân biệt được từng tư cách, nhân cách cho tới chính sách của từng vị Tổng thống Mỹ khác nhau ra sao, cứ Tổng thống Mỹ là khoái, thế thôi.
Lịch sử oái ăm : Hai chục năm Đảng cộng sản Việt Nam nhất định đánh Mỹ và đánh người anh em miền Nam cho đến cùng, đánh Mỹ từ khi Mỹ chưa có mặt ở Việt Nam và đánh Mỹ cả khi Mỹ đã bỏ đi rồi, mấy triệu người ngã xuống, đất nước tan hoang, máu xương chất thành núi, quyết tâm tiến chiếm một quốc gia hợp pháp để giành độc quyền lãnh đạo, để rồi ngày hôm nay say sưa ngưỡng mộ Mỹ, khen từ cái xe chở Tổng thống Mỹ cho tới đội cận vệ Mỹ khen đi, tin từng lời nói của Tổng thống Mỹ đương nhiệm tin đi, tìm mọi cách để có cái thẻ xanh hoặc quốc tịch hoặc cơ ngơi ở bên Mỹ, có con thì nhất định thể nào cũng phải cho qua Mỹ học v.v…
Thắng một cuộc chiến mà đại bại trong hòa bình là vậy.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều qua lăng kính người dân Việt Nam
Như vừa đề cập ở trên, người dân Việt bình thường không hiểu mấy (hoặc có nghe có đọc nhưng mau quên) về chế độ độc tài sắt máu ở Triều Tiên, về sự khốn cùng, bất hạnh của người dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo tàn bạo của dòng họ Kim, cũng không mấy quan tâm đến những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền cho tới nhân cách, chính sách của từng vị tổng thống Mỹ.
Với đa số người dân bình thường, thượng đỉnh Mỹ-Triều là một dịp tốt để làm ăn, để kiếm tiền. Nào in áo có hình Donald Trump-Kim Jong-un, nào cắt tóc theo kiểu Donald Trump hoặc Kim Jong-Un, nào thực đơn trong nhà hàng được trang trí theo chủ đề có liên quan đến hai người v.v... (tại sao không ?) (1).
Thế là những ngày này hình ảnh Tổng thống của một cường quốc đầu tàu của thế giới tự do, dân chủ "vai kề vai, má kề má" với lãnh tụ của một trong những chế độ độc tài, sắt máu nhất trên thế giới, tràn lan ở Hà Nội và Việt Nam. Một số người khác, do tác động của truyền thông và sự tuyên truyền của nhà cầm quyền Việt Nam, nên hết lời ca ngợi Donald Trump và Kim jong-un đồng thời tự hào, hãnh diện vì Việt Nam được chọn là địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, điều đó chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia hòa bình, mến khách v.v… Nhiều người đã vội mơ Việt Nam sẽ ghi dấu vào lịch sử vì đã có công góp phần tạo nên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên !
Thượng đỉnh Mỹ-Triều : cơ hội cho đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam
Đối với nhà cầm quyền Việt Nam thì đây quả là một "vinh dự", một cơ hội để quảng bá về sự thành công của chế độ độc tài ở Việt Nam, về sự ổn định chính trị, sự mở cửa về kinh tế, hội nhập, thân thiện với cựu thù là nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Báo chí Việt Nam chưa gì đã thể hiện sự vui mừng quá mức, giống như mỗi khi bóng đá Việt Nam thắng được một trận đấu trong khu vực là báo chí tung hô với đủ mọi ngôn ngữ bốc thơm, khoa trương (2). Báo Thanh Niên giật tít : "Việt Nam-trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" !
Giáo sư, nhà bình luận văn học Nguyễn Hưng Quốc viết trên facebook :
"LỘNG NGÔN. Chỉ được mượn làm nơi cho Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Bắc Hàn gặp nhau trong hai ngày mà tự xưng là "trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" thì quả là quá lộng ngôn".
Phải, ai cũng thấy ngay những vấn đề nội bộ, những vấn đề lịch sử mà đảng và cộng sản còn chưa hòa giải nổi thì nói gì đến chuyện to tát, hay nói thẳng ra, hãy hòa giải hòa hợp với chính đồng bào mình trước đi đã, rồi hãy mơ là "trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" !
Cũng giống như báo chí từng viết bài "Quân đội Việt Nam được mời sang Mỹ huấn luyện cho lính Hải quân Mỹ và các nước" (Newsliving.net). Đúng là báo chí không biết "trời cao đất dày" là gì. Quan chức lãnh đạo Việt Nam tất nhiên càng hoang tưởng tợn qua sự kiện này.
Từ báo chí cho tới quan chức Việt Nam hãnh diện cho rằng Việt Nam có thể là hình mẫu cho Triều Tiên về "cải cách nền kinh tế, mở rộng mối quan hệ và giao thoa nền kinh tế thế giới". Có thể là như vậy. Nhưng nếu Triều Tiên không biết rút ra bài học từ Việt Nam, họ sẽ lại đi theo vết xe đổ của Việt Nam, vết xe đổ đó là gì ?
Đúng là kinh tế có mở cửa, một bộ phận thiểu số người dân có giàu lên nhưng đất nước có thực sự giàu mạnh hơn ? Kinh tế Việt Nam có thực sự đứng trên đôi chân mình, làm ra sản phẩm hay chỉ bán nguyên liệu thô, bán gạo, bán nông sản, bán đất đai, bán sức lao động ? Sự phát triển bừa bãi, không có tầm nhìn, không có kế hoạch, chiến lược và tham vọng lâu dài, cuối cùng chỉ biến Việt Nam thành một con nợ và bãi rác các loại của thế giới, những mâu thuẫn xã hội gay gắt, nạn tham nhũng nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo và bất công càng ngày càng lớn ; tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề ; giáo dục và y tế đắt đỏ ; người dân vẫn chưa thực sự có tự do, độc lập mà ngay cả sự bình an cũng không có, đất nước ngày càng lún sâu vào vòng lệ thuộc với Tàu v.v…
Người viết bài này vốn không thích sự ca ngợi tán tụng của báo chí Việt Nam đối với Kim Jong-un, đất nước Triều Tiên hay thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng qua một số bài báo như bài báo dưới đây, có vài điều chúng ta nhận thấy : Người dân Triều Tiên hoàn toàn không có tự do, bị biệt lập với thế giới bên ngoài, mù về thông tin thế giới, đời sống của người dân đa số rất kham khổ, bị tẩy não, tuy nhiên ít nhất đất nước này có vài điều hơn Việt Nam :
1. Thủ đô Bình Nhưỡng của họ có nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, có chất lượng.
2. Quy hoạch tốt hơn hẳn 2 thành phố lớn của Việt Nam là Sài Gòn, Hà Nội. Trong khi quy hoạch của Sài Gòn, Hà Nội bị nát bét, có con đường cây xanh đẹp nào là chặt cho bằng hết, nóng như đổ lửa, nhà cửa thì đủ kiểu kiến trúc chỏi nhau, phương tiện giao thông công cộng rất kém nên toàn xe gắn máy, vừa ô nhiễm vừa hỗn loạn… thì Bình Nhưỡng sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều cây xanh, phương tiện giao thông công cộng khá tốt. Nếu họ cứ giữ được như thế này mà phát triển giàu mạnh lên thì Bình Nhưỡng là một đô thị tầm trung của thế giới trong khi Hà Nội hay Sài Gòn vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu để được gọi là một đô thị : ví dụ đường sá phải rộng, cân xứng với tỷ lệ dân số và có đủ các loại đường trên cao, dưới thấp, đường hầm… ; cơ sở hạ tầng hiện đại trong đó phải có một hệ thống giao thông công cộng tốt và tiện lợi ; quy hoạch tốt, khu nhà ở hay khu trường học, bệnh viện cách biệt với khu thương mại ; giao dịch tiền tệ phải thông qua ngân hàng, các loại thẻ chứ không phải bằng tiền mặt ; mọi thứ phải được hệ thống hóa, điện tử hóa chứ không phải cái gì cũng thực hiện bằng sức người, bằng lao động phổ thông v.v…
3. Giáo dục, y tế miễn phí.
4. Lãnh đạo có tham vọng nên xây công trình lớn, thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho vũ khí hạt nhân nhờ đó không khiếp sợ Tàu, còn Việt Nam có bao nhiêu tiền chui hết vào túi của quan tham, không đầu tư đủ cho quốc phòng, ngược lại còn quỵ lụy quá mức trước Tàu, nói thật chứ bây giờ Trung Quốc mà tấn công Việt Nam thì chẳng biết Việt Nam trụ được bao lâu ? Việt Nam chẳng đầu tư cho giáo dục, y tế, cũng không để dành cho các thế hệ tương lai, có bao nhiêu xài hết chỉ để lại đống nợ cho con cháu.
Tất nhiên, nỗi sợ hãi lớn nhất của các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên là sợ mất quyền lực, sợ bị lật đổ cho nên họ sẽ nhìn thấy ở Trung Quốc và Việt Nam mô hình khá lý tưởng cho họ : vừa mở cửa về kinh tế, dân thoát đói nghèo, vừa tiếp cận với thế giới mà vẫn giữ được quyền lực. Tuy nhiên, nếu họ khôn, có tầm nhìn xa, có tham vọng cho dân tộc thì không nên học theo Việt Nam 100% làm gì. Thực tế khác hẳn với những suy nghĩ hoang tưởng của đám lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam : đó là Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là một quốc gia thất bại, một dân tộc thất bại chứ không phải là một điển hình hay ho gì (3).
Thượng đỉnh Mỹ-Triều đúng là một cơ hội lớn cho đảng và nhà nước Việt Nam nếu họ biết nhân dịp này thay đổi về chính sách ngoại giao để thực sự trở thành một quốc gia thân thiện, là bạn bè của cả thế giới chứ không phải chỉ là bạn tốt của những chế độ độc tài mà cả thế giới đều dè chừng (như Trung Quốc) hoặc lánh xa như Bắc Hàn cho tới Cuba, Nga… Và nếu họ thực tâm có tham vọng, muốn thay đổi để Việt Nam trở thành một cường quốc giàu mạnh thực sự, dân tộc Việt Nam có tự do, dân chủ, bình an thực sự, thay vì ngây ngất "tự sướng" mấy ngày rồi khi cơ hội qua đi, mọi chuyện vẫn như cũ.
Thậm chí, càng ngày họ càng hà khắc hơn, con số người bất đồng chính kiến bị bắt tăng hẳn trong mấy năm gần đây với những bản án vô cùng tàn nhẫn, nhà cầm quyền thậm chí cũng chẳng buồn che giấu bộ mặt "khủng bố" của mình khi ngang nhiên bắt cóc người (4), bộ mặt "độc tài" khi trục xuất hai người đóng giả Donald Trump, Kim Jong-un ra khỏi Việt Nam và cấm người đóng giả Donald Trump xuất hiện trước đám đông, ngay trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều (5) !
Thượng đỉnh Mỹ-Triều : mục đích của Donald Trump và Kim Jong-un
Dù kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này ra sao thì Kim Jong-un cũng là người thắng lớn !
Những mục đích lớn nhất của Kim Jong-un đã đạt được : Từ lâu Triều Tiên đã nhiều lần muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ nhưng các cựu tổng thống Mỹ trước đây không chấp nhận, còn bây giờ, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của dòng họ Kim, một tổng thống Mỹ đã hạ mình ngồi ngang hàng thương lượng với lãnh tụ của một trong những chế độ độc tài sắt máu nhất trên thế giới, có nghĩa là công khai thừa nhận chế độ đó, cộng thêm sự "nồng nhiệt" của nhà cầm quyền Việt Nam đã thêm phần "rửa mặt", tô son trát phấn" cho Kim Jong-un và chế độ tàn bạo Bắc Hàn.
Riêng Donald Trump thì nhiều lần hết lời khen ngợi Kim Jong-un. Có thể nhiều người sẽ cho rằng đó chỉ là những lời nói ngoại giao, làm chính khách là phải biết bỏ qua chuyện nhỏ để làm được chuyện lớn, nhưng nếu những giá trị nhân quyền mà là "chuyện nhỏ", những mối quan hệ cẩn trọng với những quốc gia thù địch với Mỹ như Nga, hoặc có nguy cơ thù địch như Trung Quốc là "chuyện nhỏ" thì uy tín, lòng tin cậy của các nước đồng minh cũng như thế giới tự do đối với Hoa Kỳ bao lâu nay sẽ giảm đi rất nhiều.
Có thể nhiều người sẽ cho rằng điều quan trọng là tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, hóa giải nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên, đó mới là thắng lợi lớn. Nói thật, cho dù các đời tổng thống Mỹ trước đây ra sức cấm vận Triều Tiên, đẩy Triều Tiên vào thế vô cùng khó khăn nhưng dòng họ Kim cũng chẳng ngu và liều đến mức gây chiến tranh với Mỹ !
Còn giải trừ vũ khí hạt nhân, chuyện đó lại càng khó xảy ra hơn, bởi vì dòng họ Kim thừa biết đó là sức mạnh, là vũ khí sống còn để tự vệ và để mặc cả với Trung Quốc hay với Mỹ khi cần, họ sẽ chẳng bao giờ có đủ lòng tin vào Mỹ hay bất cứ nước nào để từ bỏ vũ khí của họ ! Các báo cáo của FBI, CIA của Mỹ hay nhận định của các chuyên gia gần đây cũng đã nói lên điều đó nhưng Trump không quan tâm "North Korea constructing new missiles despite agreement with US : Report" (ABCNews), "I believe Putin' : Trump dismissed US advice on North Korea threat, says McCabe" (The Guardian), "Trump and Kim are still far apart in terms of removing nuclear arms, expert says" (CNBC).
Nhớ lại trước đây khi Nixon đi đêm với Mao Trạch Đông, Mỹ bắt tay Trung Quốc, mở cửa cho Trung Quốc, tưởng rằng khi kinh tế khá lên thì Trung Quốc sẽ thay đổi thể chế chính trị, hóa ra, Mỹ chỉ tạo cơ hội cho một con sư tử thức dậy và sau 40 năm, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại còn con sư tử Trung Quốc đã thực sự trở thành một mối đe dọa với chính Mỹ và thế giới ! Liệu có chăng lịch sử sẽ lập lại, từ hội nghị thượng đỉnh này Bắc Hàn sẽ nhận được những điều kiện dễ dãi của Hoa Kỳ và các nước phương Tây để mở cửa hội nhập về kinh tế nhưng chế độ độc tài ở Bắc Hàn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, và không chừng vài thập niên sau, Bắc Hàn lúc đó mới thực sự là một mối đe dọa của thế giới ?
Với Donald Trump, cũng như bức tường xây dọc biên giới với Mexico, rõ ràng hội nghị thượng đỉnh này vô cùng quan trọng để lấy lại uy tín giữa lúc vô số vụ scandal xảy ra trong suốt thời gian hai năm qua kể từ ngày Trump nhậm chức, đặc biệt là cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller về mối quan hệ giữa Trump và Nga hay những vụ làm ăn bê bối trước đây của Trump và gia đình Trump ngày càng đến gần kết cục với những thông tin được dự đoán là không có gì tốt đẹp cho Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ, rằng nếu Trump có thoát được cuộc điều tra về Nga thì cũng còn vô số vụ khác !
Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội dưới mắt nhìn thế giới
Nhà cầm quyền muốn chứng tỏ sự nồng nhiệt, hiếu khách của họ đối với Kim Jong-un là quyền của họ, nhưng việc họ ra sức tuyên truyền, "tô son trát phấn" cho Kim Jong-un thông qua báo chí khiến một số người dân không hiểu hồ hởi đón tiếp Kim Jong-un, một bức hình trên báo Tuổi Trẻ online còn cho thấy cảnh học sinh Lạng Sơn đứng trong mưa phùn giá lạnh 13 độ C vào sáng ngày 26/02/2019 để đón phái đoàn Bắc Triều Tiên.
Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải viết trên facebook :
"Tôi cho rằng, chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn sai lầm khi điều động các em học sinh ra đón ông Kim Jong-un và phái đoàn Bắc Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh mưa phùn và gió lạnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các em.
Bổn phận của các em học sinh là học hành và vui chơi. Các em không có trách nhiệm đón ai cả, cho dù đó là tổng thống Mỹ. Về sâu xa, nếu đứng đón Kim Jong-un, các em học sinh này có thể nảy sinh niềm tự hào về một sinh vật chính trị vào hàng ghê tởm nhất hành tinh. Đó là một điều hoàn toàn không tốt nếu không nói là tệ hại".
Đúng là nhà cầm quyền muốn nịnh bợ Ủn thì cứ việc -những kẻ độc tài, khủng bố đón nhau là phải, sao phải hành tội cả thể xác lẫn đầu độc đầu óc trẻ em như thế này ?
Báo chí thế giới cũng đưa tin về chuyện Việt Nam đón tiếp Kim Jong-un : Vietnamese lay out welcome mat for Kim Jong-un ahead of Trump meeting (The Sydney Morning Herald), Vietnam greets Trump and Kim Jong-un with flowers, giant portraits and press at arm’s length" (Los Angeles Times)...
Nếu là ở một quốc gia tự do dân chủ, Donald Trump và Kim Jong-un chắc chắn sẽ được đón tiếp "nồng hậu" theo kiểu khác : những cuộc biểu tình phản đối các chính sách gây chia rẽ của Donald Trump hay phản đối chế độ độc tài sắt máu của dòng họ Kim.
Trong khi đó, không hề có một cuộc biểu tình phản kháng nào ở Việt Nam đã đành, mà 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động xã hội và tổ chức dân sự xã hội người Việt lại gửi một bức Thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm nói lên khát vọng thoát Trung, mối nguy từ Trung Quốc, quyền lợi tương đồng giữa Việt Nam và Mỹ trước nguy cơ này và khao khát Mỹ sẽ giúp đỡ Việt Nam để chống Tàu. Đọc lá thư, thú thật là cảm thấy buồn, không chỉ vì sự ngây thơ, cả tin của một số nhân sĩ, trí thức tên tuổi, đáng kính trọng của Việt Nam mà còn vì tính chất tuyệt vọng của nó, khi gửi gắm hy vọng và niềm tin vào một người như Donald Trump đã nói ngay từ đầu chính sách của mình là "America First" !
Thượng đỉnh Mỹ-Triều : những người mơ ước một tương lai dân chủ cho Việt Nam nhưng nồng nhiệt ủng hộ Trump sẽ nghĩ gì ?
Đối với những ai đã và vẫn hy vọng một tương lai tự do, dân chủ cho Việt Nam, nhưng lại ra sức ủng hộ, ngưỡng mộ Trump, chỉ vì hy vọng Trump sẽ đánh Tàu Cộng hoặc sẽ xóa sổ các chế độ cộng sản còn lại trên thế giới, sẽ nghĩ gì khi thấy Trump bỏ qua hồ sơ nhân quyền tệ hại của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Trump hết lời khen ngợi Việt Nam, coi Việt Nam là một mô hình đáng để Triều Tiên học hỏi ? Điều đó cũng có nghĩa là Donald Trump nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã mặc nhiên thừa nhận rằng chế độ độc tài ở Việt Nam là một nơi ổn định về chính trị để có thể tổ chức hội nghị mà không sợ chuyện gì xảy ra, rằng chế độ độc tài ở Việt Nam sẽ còn tồn tại lâu dài và Mỹ không có gì phải bận tâm về điều đó !
Rõ ràng, số phận của một quốc gia, một dân tộc phải do chính dân tộc đó tự quyết, không thể trông chờ vào bất cứ nước nào hay bất cứ ai, cho dù đó là Tổng thống Mỹ !
Song Chi
Nguồn : RFA, 26/02/2019 (songchi's blog)
(1) "Hanoi t-shirt designer cashes in on Trump-Kim summit", dpa-international
(2) đại loại : "Không thể tin nổi ! U23 Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời" (Đời Sống và Pháp Luật), "Cả Châu Á nể U23 Việt Nam : Tinh thần Việt Nam khiến đối phương sợ hãi !" (VietnamNet), "Báo Châu Á khen hết lời : Thắng đẳng cấp, bóng đá Việt Nam vươn tầm Châu lục" (Lao Động), v.v…, rồi nào "vỡ òa", "tự hào quá Việt Nam", v.v…
(3) "Tường trình bất ngờ từ Triều Tiên của phóng viên Tuổi Trẻ", Tuổi Trẻ.
(4) từ quan tham Trịnh Xuân Thanh giữa Berlin cho tới nhà báo, blogger bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất ở Bangkok, Thái Lan
(5) "Fake Kim Jong-un deported from Hanoi, Vietnam before second Trump-Kim Summit", Mothership.
Mỹ-Triều nghiêm túc chuẩn bị thượng đỉnh (RFI, 30/05/2018)
Ngoại giao "lửa rơm" đang ồ ạt diễn ra ở hai Châu lục Mỹ-Á chuẩn bị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un dự trù tại Singapore. Những diễn biến dồn dập dường như chứng minh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang tiến dần ra khỏi ngõ cụt. Giới chức đôi bên không ai khẳng định là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 06 nhưng họ chuẩn bị rất nghiêm túc và ngoạn mục.
Tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol (hàng trước, bên phải) đến sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) để đón chuyến bay đi New York (Mỹ) ngày 30/05/2018.AFP
Theo AP, hai tuần đàm phán gay go, kể cả hàng loạt tuyên bố phẫn nộ của Bình Nhưỡng và thông điệp "rút lui" theo văn phong của tổng thống thứ 45 của Mỹ, dường như đã mang lại kết quả.
Thứ ba vừa qua, tổng thống Donald Trump loan báo trên twitter rằng ông có một "phái bộ tuyệt vời" đặc trách tổ chức thượng đỉnh Singapore và xác nhận tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol đến New York để thảo luận với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai đều là dân "tình báo" và đã gặp nhau hai lần tại Bình Nhưỡng.
Đối với tổng thống Mỹ, những hành động "thất thường" của ông trong hai tuần qua, nhấn mạnh đến hỏa lực hạt nhân của Mỹ nhưng vẫn để rộng cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng và công kích Trung Quốc thọc gậy bánh xe là "một nghệ thuật đàm phán và đã thành công đem lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến bàn thương lượng".
Không khí ngoại giao sôi động hơn với tin tướng Kim Yong Chol "xuất hiện" tại phi trường Bắc Kinh hôm thứ tư, chờ lấy chuyến bay Air China sang Mỹ. Theo chương trình dự kiến, cánh tay mặt của Kim Jong-un sẽ gặp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày thứ năm 31. Trong khi đó, các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn "chuyên viên" Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm cũng như cuộc họp giữa đại diện chính phủ hai miền nam bắc, tại khu vực này đều "diễn ra tốt đẹp", theo thẩm định của giới chức Hàn Quốc.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee, Bắc Triều Tiên tỏ ra thật tâm đối thoại với Mỹ từ sau bức thư của tổng thống Donald Trump.
Hư thực ra sao ? Không một nhà phân tích nào - rút kinh nghiệm từ thái độ "nắng sớm mưa chiều" của Bình Nhưỡng và của ông Donald Trump - dám đánh cược.
Tuy nhiên, sự kiện tướng Kim Yong Chol tham gia vào cuộc đàm phán được xem là tín hiệu "nghiêm túc".
Nhà báo Pháp Duran Malovic, chuyên gia Châu Á của nhật báo La Croix, tác giả quyển "Le Monde selon Kim Jong-un" phân tích :
"Tướng Kim Yong Chol, 72 tuổi, là cột trụ của phe cánh Kim Jong-un. Chúng ta phải biết viên tướng này đặc trách an ninh cho gia đình Kim, cho hai vợ chồng Kim Jong-un và cô em gái Kim Yo Jong. Tướng Kim Yong Chol có thể xem là nhân vật trung tâm của chế độ. Là một tướng lãnh quân đội với hơn 40 năm binh nghiệp. Lý lịch này rất quan trọng trong chế độ Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh đàm phán thượng đỉnh Mỹ -Triều, tướng Kim Yong Chol là một nhân vật không thể thiếu. Sự kiện này rất quan trọng bởi vì Kim Yong Chol tham gia vào tiến trình chuẩn bị có nghĩa, là chúng ta đã tới sát "trung tâm lò phản ứng hạt nhân" trong hồ sơ xung khắc giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Do vậy, những kết quả cốt yếu hay sự thành bại cuả thượng đỉnh Singapore vào ngày 12 tháng 06 tới đây đang được hai bên thương lượng ráo riết. Thử hỏi có một nhân vật nào khác đáng tin cậy hơn tướng Kim Yong Chol hay không ?"
Tú Anh
******************
Thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore sẽ diễn ra hay không ? (RFI, 30/05/2018)
Cho dù các hoạt động ngoại giao cuối tuần qua diễn ra hối hả giữa các phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, bầu không khí ngờ vực về việc tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim dự kiến được tổ chức tại Singapore ngày 12/06/2018 vẫn đang ngự trị. Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi : "Liệu thượng đỉnh Trump - Kim sẽ diễn ra hay không ?".
Liệu Kim Jong-un và Donald Trump sẽ gặp nhau ở Singapore ngày 12/06/2018. SAUL LOEB / AFP / KCNA VIA KNS
Tại sao có thể chấp nhận mọi nghi ngờ ?
Gần sáu tháng sau khi hai miền Triều Tiên hạ nhiệt, theo sáng kiến của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra ngày đầu năm 2018, và gần 3 tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời của đồng nhiệm Bắc Triều Tiên gặp thượng đỉnh mà ngày giờ và địa điểm được ấn định là 12/06/2018 tại Singapore, nhưng giông bão ngoại giao đang quét qua khu vực Bắc Á này khiến người ta phải chóng mặt.
Bảy mươi năm qua, về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên, bị chia đôi sau một cuộc chiến tàn khốc, vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh và căng thẳng. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên là giờ đây có một nước Bắc Triều Tiên đã trở thành một "Nhà nước hạt nhân" và luôn tồn tại sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Trước những hy vọng được nuôi dưỡng từ cuộc tạm đình chiến nhờ Thế Vận Hội Mùa Đông hồi tháng 02/2018, và cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Liên Triều ngày 27/04/2018, Hoa Kỳ, tác nhân chính yếu của hồ sơ này (quốc gia ký kết hiệp định đình chiến năm 1953), vốn vẫn duy trì sự hiện diện 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, đã không đánh giá đúng các thách thức của cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim đã được thông báo.
Bởi vì, đâu phải chỉ có việc đàm phán chấm dứt chiến tranh lạnh trong khu vực này. Thế nhưng tổng thống Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra đánh giá đúng thách thức này, ông nghĩ là chỉ cần một cuộc đàm phán với lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên là đủ để áp đặt các quan điểm của ông, đơn giản hóa quá mức, cũng như là các đòi hỏi quá cao của ông, mà sẽ không gặp phải một sự kháng cự nào. Đến mức mà càng gần đến ngày 12/06, căng thẳng càng tăng và mối đe dọa hủy thượng đỉnh vẫn lãng vãng cho đến phút chót.
Điều gì vẫn gây cản trở ?
Bình Nhưỡng và Washington không hiểu khái niệm "phi hạt nhân hóa" như nhau. Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Donald Trump muốn thực hiện nhanh, toàn diện, có thể kiểm chứng. Kim Jong-un muốn từng bước và từng phần. Do đó, người ta khó có thể biết được làm thế nào Bắc Triều Tiên, vốn đã hao tốn bao sức lực để trở thành cường quốc hạt nhân và để tự bảo vệ chống lại một cuộc xâm chiếm của Mỹ, lại có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân với một lời bảo đảm như thế. Đó chính là điều mà Hoa Kỳ sẽ phải ghi thêm vào trong chương trình đàm phán của họ. Washington phải đưa ra những bảo đảm bất tương xâm chắc chắn mà Bình Nhưỡng có thể tin tưởng. Thách thức là nằm ở điểm này.
Tại sao thượng đỉnh vẫn còn có thể diễn ra ?
Các phái đoàn đàm phán cấp cao Mỹ và Bắc Triều Tiên lúc này đang thảo luận tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, "để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Kim Jong-un và tôi", theo như dòng tweet của tổng thống Mỹ. Các phái đoàn khác sẽ gặp nhau ngày 29/05/2018 tại Singapore.
Một cuộc họp cấp cao Liên Triều lần thứ tư sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu 01/06 nhằm thắt chặt hơn nữa việc xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên thông qua con đường kinh tế. Một cuộc gặp khác cũng rất có thể sẽ diễn ra giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Kim Jong-un, tại Bình Nhưỡng vào đầu tháng 06/2018. Lãnh đạo các nước này rất có thể sẽ có mặt tại Singapore…
Ông Donald Trump vẫn luôn có thể hủy hoàn toàn thượng đỉnh Singapore, nhưng Kim Jong-un biết cách tận dụng các đồng minh Trung Quốc và Hàn Quốc để tiếp tục tiến hành "chiến lược mới" cải cách kinh tế đất nước của ông. "Chúng ta hãy chờ xem…" đó cũng chính là những gì chủ nhân Nhà Trắng không ngừng nói đến.
RFI tiếng Việt
************************
Tập Cận Bình "thọc gậy bánh xe" cuộc gặp Trump-Kim ? (RFI, 28/05/2018)
Được Donald Trump đánh giá là "tay chơi poker tầm cỡ thế giới", chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thắng được ván bài nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bị hủy bỏ.
Kim Jong-Un, Tập Cận Bình, Donald Trump: Ai sẽ thắng?Fred DUFOUR, Brendan SMIALOWSKI, Toru YAMANAKA / AFP
Từ đầu tháng Ba, Bắc Kinh – đồng minh duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên – đã công khai hoan nghênh viễn cảnh cuộc gặp Trump-Kim, sau nhiều tháng đôi bên đe dọa lẫn nhau, gây lo sợ sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử ở sát biên giới.
Nhưng việc Washington và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau cũng có thể làm Bắc Kinh bị thiệt hại – các nhà phân tích nhấn mạnh.
Thế nên Tập Cận Bình đã làm thân một cách ngoạn mục với Kim Jong-un : đón tiếp hai lần trong không đầy một tháng rưỡi, trong khi ông Tập hoàn toàn làm ngơ nhà lãnh đạo trẻ Bình Nhưỡng từ khi Jong-un lên nắm quyền, và tham gia các trừng phạt của quốc tế liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhận xét : "Trung Quốc qua hai cuộc gặp với Kim Jong-un, đã cố gắng gây áp lực để Bắc Triều Tiên không nhượng bộ người Mỹ quá nhiều".
Theo chuyên gia Cabestan, đề nghị "phi hạt nhân hóa" của nhà độc tài trẻ Bắc Triều Tiên "đã làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc hốt hoảng, vì hoàn toàn bị bất ngờ". "Bắc Kinh cũng muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim", nhưng với điều kiện "đó chỉ là khởi đầu của đối thoại, chứ không có cam kết nào chính thức".
Vì sao Kim Jong-un đổi giọng sau khi gặp ông Tập ?
Cuộc gặp thứ hai giữa Kim Jong-un và Tập Cận Bình hôm 07/05/2018 tại thành phố biển Đại Liên, dường như là một bước ngoặt. Ngay sau đó Bắc Triều Tiên bỗng tỏ ra cứng rắn hơn – như ông Donald Trump đã ghi nhận, vài ngày trước khi tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ nói : "Mọi việc đã thay đổi sau cuộc gặp này (Tập-Kim) ; và tôi không thể nói rằng điều ấy làm tôi vui vẻ lắm". Donald Trump gọi "ông bạn" Tập Cận Bình là "tay chơi poker tầm cỡ thế giới".
Cáo buộc này hôm 25/05/2018 bị Bắc Kinh bác bỏ. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định : "Chúng tôi không có ẩn ý gì".
Theo nhà chính trị học Trung Quốc Hua Po, thì mối nghi ngờ về trò chơi hai mặt nhằm làm cho Bắc Kinh phải giơ đầu chịu báng về một thất bại mà các "diều hâu" trong chính quyền Trump là những người đầu tiên chịu trách nhiệm. Ông nói với AFP : "Đó chỉ là mánh lới. Tôi nghĩ là việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh trước hết liên quan đến những bất đồng nội bộ ở Hoa Kỳ, về chính sách đối với Bắc Triều Tiên".
Nhà phân tích Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng : "Bắc Kinh không có lợi gì khi phá hoại thượng đỉnh". Bởi vì việc hủy cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore "có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ quay lại với giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên".
Quốc gia trái độn
Nhưng theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã gây sức ép lên Kim Jong-un tại Đại Liên, vì dưới mắt họ "Jong-un đã tiến quá gần với Hoa Kỳ, khiến cán cân thăng bằng nghiêng về phía bất lợi cho Trung Quốc".
Ông Cabestan nhận định : "Ngoài kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh còn là sự ổn định, và duy trì hai nước Triều Tiên. Trung Quốc muốn giữ nguyên một Nhà nước vùng đệm, thân thiết với mình hơn là với Hoa Kỳ".
Nói như Donald Trump, thì Tập Cận Bình đã dùng viện trợ kinh tế làm mồi nhử Kim Jong-un, trong lúc Bắc Triều Tiên gần đây đã coi phát triển kinh tế là ưu tiên chiến lược.
Phản ứng trước tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, cơ quan ngoại giao Trung Quốc ghi nhận cả Washington lẫn Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng lại cánh cửa cho đối thoại.
Cựu tổng thống Pháp François Hollande, được ông Tập Cận Bình tiếp đón trong cùng ngày, cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lạc quan về tiến triển trong quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Ông Hollande nói với báo chí : "Tôi hiểu rằng ông Tập cho là cuộc họp có thể bị hoãn, và ông không lo ngại một sự thối lui hay hủy bỏ hẳn tiến trình".
Bonnie Glaser dự báo : "Trung Quốc chắc sẽ cố xoay cuộc gặp thượng đỉnh theo chiều có lợi cho mình. Nếu Tập Cận Bình thành công trong việc hòa giải giữa Kim Jong-un và Donald Trump, ông ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với người Mỹ. Như vậy Bắc Kinh lợi cả đôi đường".
Chuyên gia Cabestan nhận định : "Tập Cận Bình chắc chắn muốn là người đứng ra sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Trung Quốc có lợi khi lại trở thành trung tâm của cuộc chơi".
Thụy My
Vì sao Donald Trump hủy thượng đỉnh với Kim Jong-un ?
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un được hầu hết các báo Pháp chú ý.
Sinh viên Hàn Quốc biểu tình phản đối quyết định của tổng thống Trump trước đại sứ quán Hoa Kỳ ở Seoul, ngày 25/05/2018. Reuters/Kim Hong-ji
Libération ghi nhận "Trump lại tỏ ra thù địch với Bắc Triều Tiên", La Croix tìm cách giải thích "Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump không diễn ra", còn Le Figaro cho rằng "Trump hủy cuộc họp với Kim vì sợ thất bại".
Trong lá thư đề ngày 24/05/2018, tổng thống Mỹ nêu ra "sự thù nghịch" của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây. Donald Trump đe dọa : "Ông nói về năng lực nguyên tử của ông, nhưng năng lực của chúng tôi mãnh liệt đến nỗi tôi phải cầu nguyện Thượng Đế để không bao giờ phải sử dụng đến". Tuy nhiên cũng để ngỏ cánh cửa, với một công thức hiếm thấy trong việc trao đổi thư từ giữa hai nguyên thủ : "Nếu ông đổi ý (…), xin đừng ngần ngại gọi điện hay viêt thư cho tôi".
Từ một tuần qua, Donald Trump và Kim Jong-un liên tục gieo hoang mang. Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Ba 22/5 tại Washington không loại trừ việc hoãn lại cuộc gặp thượng đỉnh. Còn thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Kim Kye-gwan hôm 16/5 trước đó đã dọa "xem xét lại".
Có dấu ấn của diều hâu sừng sỏ John Bolton ?
Libération cho rằng đây là "tác phẩm" mới nhất của "đại diều hâu" John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia, sau vụ Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định nguyên tử Iran. Được bổ nhiệm từ đầu tháng Tư, ông Bolton không ngừng đả kích Bình Nhưỡng, và luôn tỏ ra nghi hoặc về các nỗ lực ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Ông coi viễn cảnh thượng đỉnh Trump-Kim chỉ là "một cách để rút ngắn thời gian đã mất trong thương lượng", và nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc tiên hạ thủ vi cường với Bắc Triều Tiên.
Cuối tháng Tư, John Bolton trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã gây mắc mứu khi nêu ra "mô hình Libya" trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này được Bình Nhưỡng coi là một sự khiêu khích, vì vẫn không quên số phận thê thảm của Kadhafi, cũng như tư duy của vị cố vấn này về việc "thay đổi chế độ" ở Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên. Le Figaro cho biết thêm, chuyên gia John Glaser thuộc Cato Institut ở Washington đã van nài : "Các vị ơi, hãy chấm dứt việc nói với Kim là sẽ kết thúc như Kadhafi nữa !". Nhà độc tài Bắc Triều Tiên luôn bị ám ảnh về sự tồn vong của mình.
Mike Pence và Bình Nhưỡng cũng đổ dầu vào lửa
Làm thế nào giải thích việc tình hình đang hòa hoãn lại đảo ngược như thế ? Theo La Croix, phó tổng thống Mỹ Mike Pence khi trả lời Fox News hôm thứ Hai 21/5 cũng đã đổ dầu vào lửa khi cảnh cáo Bắc Triều Tiên có nguy cơ cùng chung số phận với Muammar Kadhafi. Bình Nhưỡng nói rằng đó là tuyên bố "dốt nát và ngu xuẩn". Những lời lẽ sỉ nhục này có lẽ đã được ông Donald Trump cân nhắc khi quyết định hủy bỏ cuộc họp.
Le Figaro nhắc thêm tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Cheo Son-hui hôm qua 24/5 : "Việc Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ chúng tôi tại bàn đàm phán hoặc trong một cuộc đối đầu nguyên tử tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của họ". Theo tờ báo, bà Cheo đã chọc giận vị tổng thống đang hừng hực như hỏa diệm sơn, và chỉ vài tiếng đồng hồ sau Donald Trump quyết định hủy bỏ cuộc gặp.
Hai mục tiêu khác biệt
Nhưng liệu sự chờ đợi của đôi bên về cuộc họp thượng đỉnh có tương hợp với nhau ? Washington đòi hỏi phải giải trừ toàn bộ và ngay lập tức kho vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, đây là điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ cấm vận quốc tế. Còn đối với Bình Nhưỡng, đây chỉ là viễn tượng về lâu về dài, và đồng thời phải tháo dỡ hệ thống lá chắn nguyên tử của Mỹ tại Hàn Quốc.
La Croix dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis, thuộc Middlebury Institute of International Studies ở Monterey, California : "Kim Jong-un muốn Bắc Triều Tiên được công nhận là một quốc gia như những nước khác, muốn duy trì quyền lãnh đạo đất nước của gia tộc mình, và nhất là Bắc Triều Tiên được coi là cường quốc nguyên tử". Vấn đề của cuộc họp thượng đỉnh bị hủy bỏ, là tìm ra một công thức dung hòa được lợi ích của cả hai nước.
Donald Trump sợ thất bại ?
Còn theo Le Figaro, Donald Trump không ưa chịu đựng thất bại, làm ảnh hưởng đến hào quang cá nhân. Việc hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh là kết quả của sự hiểu lầm lớn lao về ý định thực sự của Bắc Triều Tiên : Bình Nhưỡng chống đối ý tưởng từ bỏ quả bom, trong khi Washington muốn giải trừ hạt nhân toàn bộ.
Trong lá thư từ chối, ông Trump viết : "Thế giới và đặc biệt là Bắc Triều Tiên, đã mất đi một cơ hội tốt đẹp để mang lại hòa bình, thịnh vượng lâu dài". Còn Donald Trump thì mất cơ hội đi vào lịch sử với giải Nobel hòa bình, nếu tháo gỡ được mớ bòng bong Bắc Triều Tiên, như vụ Richard Nixon hòa giải với Trung Quốc của Mao Trạch Đông năm 1972 ? Jeffrey Lewis mỉa mai : "Cũng giống như Richard Nixon, nhưng là phiên bản ngốc nghếch". Trong khi Donald Trump muốn có được lời hứa phi hạt nhân hóa toàn bộ, và được tưng bừng đón tiếp tại quảng trường lớn Bình Nhưỡng, thì Kim Jong-un mơ được đối xử một cách bình đẳng với sức mạnh của bom nguyên tử phía sau.
Tuy nhiên chẳng có ai dám giải thích sự tế nhị này cho tổng thống Mỹ. Chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng có hai lý do. Trước hết, các cố vấn Nhà Trắng rất ngại tốn nhiều thời gian để làm dịu cơn giận dữ của một "cậu bé" luôn thích được phỉnh nịnh. Thứ hai, bộ ngoại giao Hoa Kỳ nay trở nên trống vắng, với sự ra đi của không ít nhà ngoại giao lão luyện và các chuyên gia không thể thay thế, nên không ai có thể chuẩn bị được chu đáo một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng như vậy.
Điều tra quốc tế về MH17 : Quân Nga chính là thủ phạm
Tại Châu Âu, cuộc điều tra do năm quốc gia phối hợp tiến hành, về vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi, đã kết luận hỏa tiễn bắn vào chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines là của một đơn vị quân đội Nga. Đơn vị phòng không này đã vượt qua biên giới với Ukraine để chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy.
La Croix nhấn mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa về nguyên nhân khiến MH17 bị rơi hôm 17/07/2014, làm cho 298 người chết trong đó có 198 công dân Hà Lan. Sau bốn năm điều tra cật lực, nghiên cứu hàng trăm ngàn bức ảnh và trang web, hàng chục ngàn cuộc điện đàm, cuộc điều tra quốc tế do Hà Lan chủ trì cùng với bốn nước Malaysia, Úc, Ukraine và Bỉ, đã khẳng định chính quân Nga là thủ phạm.
Với rất nhiều video và hình ảnh có trong tay, các nhà điều tra đã vẽ lại được cuộc hành trình của đơn vị trực thuộc lữ đoàn phòng không 53 của Nga, từ căn cứ Koursk trên đất Nga cho đến khu vực do quân nổi dậy thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Đoàn xe quân sự đông đảo này trước hết đã được những xe cộ di chuyển trên cùng đoạn đường quay phim lại, lúc đang chở theo một hỏa tiễn Bouk-Telar loại 9M38. Đây là loại tên lửa có những tính chất đặc thù, được coi như "dấu vân tay" của vũ khí. Những mảnh vỡ của chiếc hỏa tiễn này được tìm thấy ngay bên cạnh xác máy bay MH17.
Hồi mùa hè 2014, các hệ thống phòng không do Nga sản xuất đã giúp cho quân nổi dậy thân Nga chấm dứt ưu thế trên không của lực lượng Ukraine tại Donbass. Sau khi MH17 bị bắn rơi, một thủ lãnh nổi dậy khoe rằng đã tiêu diệt được một máy bay Ukraine, vào đúng thời điểm xảy ra thảm kịch này.
Bất chấp vô số chỉ dấu và lời chứng của cả các quân nhân Nga, trong đó có một lính xe tăng gốc gác ở tỉnh Buryatia của Nga nói về vai trò trong cuộc chiến ở đông Ukraine, Moskva luôn phủ nhận trách nhiệm. Thậm chí theo Libération, báo chí và mạng xã hội Nga cũng hùa theo, đổ trách nhiệm cho Ukraine với một loạt kịch bản thiếu nhất quán. Nhất là từ 2015, điện Kremlin đã từ chối thành lập một tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để điều tra vụ này.
Khủng long Trix 67 triệu năm tuổi được triển lãm tại Paris
Trên lãnh vực khảo cổ, nhà cổ sinh vật học Ronan Allain trên "20 minutes" giới thiệu về khủng long Trix, được triển lãm tại Viện bảo tàng Lịch sử thiên nhiên từ ngày 6/6 đến 2/9. Đây là một trong bốn bộ xương khủng long hoàn chỉnh nhất thế giới, vừa được đưa đến Paris tối qua.
Trix là khủng long thuộc loại T.rex (Tyrannosaurus), được phát hiện năm 2013 tại tiểu bang Montana (Hoa Kỳ), nhờ ê-kíp nghiên cứu của Naturalis Biodiversity Center ở Leiden, thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hà Lan. Được tái tạo ở Mỹ, rồi chuyển đến Leiden trưng bày cho đến tháng 6/2017, nhưng nay Naturalis đang phải sửa chữa, nên người dân Paris mới có dịp chiêm ngưỡng Trix.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được khoảng 50 loại Tyrannosaurus trên thế giới, nhưng hầu hết chỉ là những mảnh xương nhỏ. Còn đối với Trix, số xương gốc chiếm đến 75% bộ xương, và đều ở tình trạng hoàn hảo, trong khi có tuổi đời đến 67 triệu năm ! Đặc biệt là bộ xương đầu vẫn nguyên vẹn, không hề bị biến dạng, nên Trix được trưng bày với tư thế tấn công. Đó là một con khủng long cái thuộc loại ăn thịt, khoảng 30 tuổi lúc chết, khá thọ so với loài Tyrannosaurus, có lẽ đã "chinh chiến" không ít nên trên người mang nhiều vết thương.
Dữ liệu cá nhân, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp
Hôm nay với việc quy định về bảo vệ dữ liệu bắt đầu được Liên Hiệp Châu Âu áp dụng, Les Echos chạy tựa "Dữ liệu cá nhân : Big bang Châu Âu". Ảnh bìa Libération là một khuôn mặt phụ nữ đã được hàng tít "Dữ liệu cá nhân : Cười lên đi, bạn được bảo vệ tốt hơn" che khuất.
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro báo động "Tư pháp đối mặt với thánh chiến đang sinh sôi nảy nở". Le Monde nhìn sang nước Ý, cho rằng "Việc đề cử Giuseppe Conte mở đường cho một chính phủ dân túy". Trên lãnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix nhận định "Phá thai : Thế lưỡng nan của Ireland".
Thụy My