Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/05/2018

Có hay không có gặp gỡ Thượng đỉnh Mỹ-Triều ?

RFI tiếng Việt

Mỹ-Triều nghiêm túc chuẩn bị thượng đỉnh (RFI, 30/05/2018)

Ngoại giao "lửa rơm" đang ồ ạt diễn ra ở hai Châu lục Mỹ-Á chuẩn bị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un dự trù tại Singapore. Những diễn biến dồn dập dường như chứng minh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang tiến dần ra khỏi ngõ cụt. Giới chức đôi bên không ai khẳng định là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 06 nhưng họ chuẩn bị rất nghiêm túc và ngoạn mục.

mytrieu1

Tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol (hàng trước, bên phải) đến sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) để đón chuyến bay đi New York (Mỹ) ngày 30/05/2018.AFP

Theo AP, hai tuần đàm phán gay go, kể cả hàng loạt tuyên bố phẫn nộ của Bình Nhưỡng và thông điệp "rút lui" theo văn phong của tổng thống thứ 45 của Mỹ, dường như đã mang lại kết quả.

Thứ ba vừa qua, tổng thống Donald Trump loan báo trên twitter rằng ông có một "phái bộ tuyệt vời" đặc trách tổ chức thượng đỉnh Singapore và xác nhận tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol đến New York để thảo luận với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai đều là dân "tình báo" và đã gặp nhau hai lần tại Bình Nhưỡng.

Đối với tổng thống Mỹ, những hành động "thất thường" của ông trong hai tuần qua, nhấn mạnh đến hỏa lực hạt nhân của Mỹ nhưng vẫn để rộng cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng và công kích Trung Quốc thọc gậy bánh xe là "một nghệ thuật đàm phán và đã thành công đem lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến bàn thương lượng".

Không khí ngoại giao sôi động hơn với tin tướng Kim Yong Chol "xuất hiện" tại phi trường Bắc Kinh hôm thứ tư, chờ lấy chuyến bay Air China sang Mỹ. Theo chương trình dự kiến, cánh tay mặt của Kim Jong-un sẽ gặp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày thứ năm 31. Trong khi đó, các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn "chuyên viên" Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm cũng như cuộc họp giữa đại diện chính phủ hai miền nam bắc, tại khu vực này đều "diễn ra tốt đẹp", theo thẩm định của giới chức Hàn Quốc.

Theo tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee, Bắc Triều Tiên tỏ ra thật tâm đối thoại với Mỹ từ sau bức thư của tổng thống Donald Trump.

Hư thực ra sao ? Không một nhà phân tích nào - rút kinh nghiệm từ thái độ "nắng sớm mưa chiều" của Bình Nhưỡng và của ông Donald Trump - dám đánh cược.

Tuy nhiên, sự kiện tướng Kim Yong Chol tham gia vào cuộc đàm phán được xem là tín hiệu "nghiêm túc".

Nhà báo Pháp Duran Malovic, chuyên gia Châu Á của nhật báo La Croix, tác giả quyển "Le Monde selon Kim Jong-un" phân tích :

"Tướng Kim Yong Chol, 72 tuổi, là cột trụ của phe cánh Kim Jong-un. Chúng ta phải biết viên tướng này đặc trách an ninh cho gia đình Kim, cho hai vợ chồng Kim Jong-un và cô em gái Kim Yo Jong. Tướng Kim Yong Chol có thể xem là nhân vật trung tâm của chế độ. Là một tướng lãnh quân đội với hơn 40 năm binh nghiệp. Lý lịch này rất quan trọng trong chế độ Bắc Triều Tiên.

Trong bối cảnh đàm phán thượng đỉnh Mỹ -Triều, tướng Kim Yong Chol là một nhân vật không thể thiếu. Sự kiện này rất quan trọng bởi vì Kim Yong Chol tham gia vào tiến trình chuẩn bị có nghĩa, là chúng ta đã tới sát "trung tâm lò phản ứng hạt nhân" trong hồ sơ xung khắc giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Do vậy, những kết quả cốt yếu hay sự thành bại cuả thượng đỉnh Singapore vào ngày 12 tháng 06 tới đây đang được hai bên thương lượng ráo riết. Thử hỏi có một nhân vật nào khác đáng tin cậy hơn tướng Kim Yong Chol hay không ?"

Tú Anh

******************

Thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore sẽ diễn ra hay không ? (RFI, 30/05/2018)

Cho dù các hoạt động ngoại giao cuối tuần qua diễn ra hối hả giữa các phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, bầu không khí ngờ vực về việc tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim dự kiến được tổ chức tại Singapore ngày 12/06/2018 vẫn đang ngự trị. Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi : "Liệu thượng đỉnh Trump - Kim sẽ diễn ra hay không ?".

mytrieu2

Liệu Kim Jong-un và Donald Trump sẽ gặp nhau ở Singapore ngày 12/06/2018. SAUL LOEB / AFP / KCNA VIA KNS

Tại sao có thể chấp nhận mọi nghi ngờ ?

Gần sáu tháng sau khi hai miền Triều Tiên hạ nhiệt, theo sáng kiến của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra ngày đầu năm 2018, và gần 3 tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời của đồng nhiệm Bắc Triều Tiên gặp thượng đỉnh mà ngày giờ và địa điểm được ấn định là 12/06/2018 tại Singapore, nhưng giông bão ngoại giao đang quét qua khu vực Bắc Á này khiến người ta phải chóng mặt.

Bảy mươi năm qua, về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên, bị chia đôi sau một cuộc chiến tàn khốc, vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh và căng thẳng. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên là giờ đây có một nước Bắc Triều Tiên đã trở thành một "Nhà nước hạt nhân" và luôn tồn tại sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Trước những hy vọng được nuôi dưỡng từ cuộc tạm đình chiến nhờ Thế Vận Hội Mùa Đông hồi tháng 02/2018, và cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Liên Triều ngày 27/04/2018, Hoa Kỳ, tác nhân chính yếu của hồ sơ này (quốc gia ký kết hiệp định đình chiến năm 1953), vốn vẫn duy trì sự hiện diện 30.000 binh sĩ tại Hàn Quốc, đã không đánh giá đúng các thách thức của cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim đã được thông báo.

Bởi vì, đâu phải chỉ có việc đàm phán chấm dứt chiến tranh lạnh trong khu vực này. Thế nhưng tổng thống Donald Trump chưa bao giờ tỏ ra đánh giá đúng thách thức này, ông nghĩ là chỉ cần một cuộc đàm phán với lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên là đủ để áp đặt các quan điểm của ông, đơn giản hóa quá mức, cũng như là các đòi hỏi quá cao của ông, mà sẽ không gặp phải một sự kháng cự nào. Đến mức mà càng gần đến ngày 12/06, căng thẳng càng tăng và mối đe dọa hủy thượng đỉnh vẫn lãng vãng cho đến phút chót.

Điều gì vẫn gây cản trở ?

Bình Nhưỡng và Washington không hiểu khái niệm "phi hạt nhân hóa" như nhau. Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Donald Trump muốn thực hiện nhanh, toàn diện, có thể kiểm chứng. Kim Jong-un muốn từng bước và từng phần. Do đó, người ta khó có thể biết được làm thế nào Bắc Triều Tiên, vốn đã hao tốn bao sức lực để trở thành cường quốc hạt nhân và để tự bảo vệ chống lại một cuộc xâm chiếm của Mỹ, lại có thể dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân với một lời bảo đảm như thế. Đó chính là điều mà Hoa Kỳ sẽ phải ghi thêm vào trong chương trình đàm phán của họ. Washington phải đưa ra những bảo đảm bất tương xâm chắc chắn mà Bình Nhưỡng có thể tin tưởng. Thách thức là nằm ở điểm này.

Tại sao thượng đỉnh vẫn còn có thể diễn ra ?

Các phái đoàn đàm phán cấp cao Mỹ và Bắc Triều Tiên lúc này đang thảo luận tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, "để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Kim Jong-un và tôi", theo như dòng tweet của tổng thống Mỹ. Các phái đoàn khác sẽ gặp nhau ngày 29/05/2018 tại Singapore.

Một cuộc họp cấp cao Liên Triều lần thứ tư sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu 01/06 nhằm thắt chặt hơn nữa việc xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên thông qua con đường kinh tế. Một cuộc gặp khác cũng rất có thể sẽ diễn ra giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Kim Jong-un, tại Bình Nhưỡng vào đầu tháng 06/2018. Lãnh đạo các nước này rất có thể sẽ có mặt tại Singapore…

Ông Donald Trump vẫn luôn có thể hủy hoàn toàn thượng đỉnh Singapore, nhưng Kim Jong-un biết cách tận dụng các đồng minh Trung Quốc và Hàn Quốc để tiếp tục tiến hành "chiến lược mới" cải cách kinh tế đất nước của ông. "Chúng ta hãy chờ xem…" đó cũng chính là những gì chủ nhân Nhà Trắng không ngừng nói đến.

RFI tiếng Việt

************************

Tập Cận Bình "thọc gậy bánh xe" cuộc gặp Trump-Kim ? (RFI, 28/05/2018)

Được Donald Trump đánh giá là "tay chơi poker tầm cỡ thế giới", chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thắng được ván bài nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bị hủy bỏ.

mytrieu3

Kim Jong-Un, Tập Cận Bình, Donald Trump: Ai sẽ thắng?Fred DUFOUR, Brendan SMIALOWSKI, Toru YAMANAKA / AFP

Từ đầu tháng Ba, Bắc Kinh – đồng minh duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên – đã công khai hoan nghênh viễn cảnh cuộc gặp Trump-Kim, sau nhiều tháng đôi bên đe dọa lẫn nhau, gây lo sợ sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử ở sát biên giới.

Nhưng việc Washington và Bình Nhưỡng xích lại gần nhau cũng có thể làm Bắc Kinh bị thiệt hại – các nhà phân tích nhấn mạnh.

Thế nên Tập Cận Bình đã làm thân một cách ngoạn mục với Kim Jong-un : đón tiếp hai lần trong không đầy một tháng rưỡi, trong khi ông Tập hoàn toàn làm ngơ nhà lãnh đạo trẻ Bình Nhưỡng từ khi Jong-un lên nắm quyền, và tham gia các trừng phạt của quốc tế liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhận xét : "Trung Quốc qua hai cuộc gặp với Kim Jong-un, đã cố gắng gây áp lực để Bắc Triều Tiên không nhượng bộ người Mỹ quá nhiều".

Theo chuyên gia Cabestan, đề nghị "phi hạt nhân hóa" của nhà độc tài trẻ Bắc Triều Tiên "đã làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc hốt hoảng, vì hoàn toàn bị bất ngờ". "Bắc Kinh cũng muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim", nhưng với điều kiện "đó chỉ là khởi đầu của đối thoại, chứ không có cam kết nào chính thức".

Vì sao Kim Jong-un đổi giọng sau khi gặp ông Tập ?

Cuộc gặp thứ hai giữa Kim Jong-un và Tập Cận Bình hôm 07/05/2018 tại thành phố biển Đại Liên, dường như là một bước ngoặt. Ngay sau đó Bắc Triều Tiên bỗng tỏ ra cứng rắn hơn – như ông Donald Trump đã ghi nhận, vài ngày trước khi tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ nói : "Mọi việc đã thay đổi sau cuộc gặp này (Tập-Kim) ; và tôi không thể nói rằng điều ấy làm tôi vui vẻ lắm". Donald Trump gọi "ông bạn" Tập Cận Bình là "tay chơi poker tầm cỡ thế giới".

Cáo buộc này hôm 25/05/2018 bị Bắc Kinh bác bỏ. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định : "Chúng tôi không có ẩn ý gì".

Theo nhà chính trị học Trung Quốc Hua Po, thì mối nghi ngờ về trò chơi hai mặt nhằm làm cho Bắc Kinh phải giơ đầu chịu báng về một thất bại mà các "diều hâu" trong chính quyền Trump là những người đầu tiên chịu trách nhiệm. Ông nói với AFP : "Đó chỉ là mánh lới. Tôi nghĩ là việc hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh trước hết liên quan đến những bất đồng nội bộ ở Hoa Kỳ, về chính sách đối với Bắc Triều Tiên".

Nhà phân tích Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng : "Bắc Kinh không có lợi gì khi phá hoại thượng đỉnh". Bởi vì việc hủy cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore "có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ quay lại với giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên".

Quốc gia trái độn

Nhưng theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã gây sức ép lên Kim Jong-un tại Đại Liên, vì dưới mắt họ "Jong-un đã tiến quá gần với Hoa Kỳ, khiến cán cân thăng bằng nghiêng về phía bất lợi cho Trung Quốc".

Ông Cabestan nhận định : "Ngoài kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nỗi ám ảnh của Bắc Kinh còn là sự ổn định, và duy trì hai nước Triều Tiên. Trung Quốc muốn giữ nguyên một Nhà nước vùng đệm, thân thiết với mình hơn là với Hoa Kỳ".

Nói như Donald Trump, thì Tập Cận Bình đã dùng viện trợ kinh tế làm mồi nhử Kim Jong-un, trong lúc Bắc Triều Tiên gần đây đã coi phát triển kinh tế là ưu tiên chiến lược.

Phản ứng trước tuyên bố hủy cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, cơ quan ngoại giao Trung Quốc ghi nhận cả Washington lẫn Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng lại cánh cửa cho đối thoại.

Cựu tổng thống Pháp François Hollande, được ông Tập Cận Bình tiếp đón trong cùng ngày, cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lạc quan về tiến triển trong quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Ông Hollande nói với báo chí : "Tôi hiểu rằng ông Tập cho là cuộc họp có thể bị hoãn, và ông không lo ngại một sự thối lui hay hủy bỏ hẳn tiến trình".

Bonnie Glaser dự báo : "Trung Quốc chắc sẽ cố xoay cuộc gặp thượng đỉnh theo chiều có lợi cho mình. Nếu Tập Cận Bình thành công trong việc hòa giải giữa Kim Jong-un và Donald Trump, ông ta có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với người Mỹ. Như vậy Bắc Kinh lợi cả đôi đường".

Chuyên gia Cabestan nhận định : "Tập Cận Bình chắc chắn muốn là người đứng ra sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Trung Quốc có lợi khi lại trở thành trung tâm của cuộc chơi".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)