Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/05/2018

Biển Đông : Trung Quốc không yên với Bộ Tứ

RFI tiếng Việt

Mỹ : Sẽ tiếp tục chống Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông (RFI, 30/05/2018)

Sau các cử chỉ cụ thể để cảnh cáo Trung Quốc về việc đưa vũ khí hạng nặng xuống Biển Đông và quân sự hóa các đảo họ bồi đắp trong vùng đang có tranh chấp với các láng giềng, Mỹ tiếp tục cứng giọng với Bắc Kinh : Trên đường bay đến Hawaii để tham dự lễ bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis ngày 29/05/2018 tuyên bố: Washington sẽ tiếp tục đối đầu với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.

quad1

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu với báo giới trên máy bay đến Hawaii ngày 29/05/2018.Thomas WATKINS / AFP

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông đến Hawaii, rồi sau đó qua Singapore tham gia Đối Thoại An Ninh Shangri La vào đầu tháng Sáu, ông Mattis ghi nhận thực tế là cho đến nay "dường như chỉ có một nước duy nhất (là Mỹ) là đã có những biện pháp cụ thể để tố cáo các hành vi đó (của Trung Quốc)" trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì "đó là vùng biển quốc tế nơi nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do".

Theo ông Mattis, chiến hạm Mỹ đang duy trì những hoạt động hải quân đều đặn quanh các hòn đảo có tranh chấp, và cho đến nay cũng "chỉ có duy nhất một quốc gia" - ám chỉ Trung Quốc - là có dấu hiệu bị hoạt động thường lệ của tàu Mỹ làm phiền.

Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ "sẽ đối đầu với những hành vi bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã nói về vấn đề này".

Lời khẳng định được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh khi ông trở lời câu hỏi của một phóng viên về vụ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối việc Hải Quân Mỹ, hôm 27/05, đã cho hai chiến hạm tiến vào thao tác bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng trên đó nhiều cơ sở quân sự và bố trí chiến đấu cơ, tên lửa.

Giải thích về các quyết định cứng rắn mới đây của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018, ông Mattis cho rằng Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông, và "khi người Trung Quốc hành động thiếu minh bạch với chúng ta, thì chúng ta không thể tiếp tục hợp tác với họ trong một số lĩnh vực".

Ông Mattis cho biết thêm là các vấn đề kể trên cũng sẽ được ông đề cập một cách mạnh mẽ với phía Trung Quốc khi ông đến Singapore vào cuối tuần để dự Đối Thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất Châu Á.

Trung Quốc sách nhiễu tàu hải quân Philippines trên Biển Đông

Theo hãng tin Mỹ AP, hai quan chức Philippines xin giấu tên đã tiết lộ ngày 30/05/2018 rằng Manila mới đây đã kín đáo phản đối Bắc Kinh về vụ tàu Trung Quốc đã cho máy bay trực thăng lượn sát bên trên một chiếc tàu của Hải Quân Philippines tại vùng Trường Sa.

Vụ việc xẩy ra ngày 11/05 khi một chiếc tàu Philippines chuyên chở hàng tiếp tế đến cho toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đang bị Trung Quốc bao quanh.

Theo nguồn tin trên thì gần đây, Philippines và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán để ngăn chặn không cho sự cố như trên tái diễn.

Trọng Nghĩa

*******************

Đảng cầm quyền Nhật muốn trang bị hàng không mẫu hạm (RFI, 30/05/2018)

Theo báo chí Nhật hôm 29/05/2018, đảng cầm quyền LDP của thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi bỏ mức trần chi quốc phòng xưa nay là 1% GDP, đồng thời ủng hộ việc chuyển đổi chiến hạm chở trực thăng Izumo thành hàng không mẫu hạm, trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

quad2

Ảnh tư liệu : Tàu chở trực thăng Izumo, Nhật Bản. Ảnh ngày 6/12/2016.Reuters

Đề nghị này được đưa ra vào lúc chính quyền Nhật Bản phải hoạch định chính sách quốc phòng mới trước cuối năm nay. Đảng LDP nhấn mạnh, nước Nhật "đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hậu chiến", với chương trình hỏa tiễn và nguyên tử Bắc Triều Tiên và sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển.

Việc có được một hàng không mẫu hạm đa năng sẽ tạo ưu thế cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nhật cũng cần có khả năng tấn công vào các căn cứ tên lửa của địch, sở hữu các hỏa tiễn hành trình, củng cố cả ba binh chủng hải lục không quân và lực lượng an ninh mạng.

Với mục tiêu đầy tham vọng này, LDP cho rằng cần bỏ ngưỡng tâm lý lâu nay là giữ mức trần chi quốc phòng không quá 1% GDP, nêu ra ví dụ chi quân sự của các quốc gia thành viên NATO là 2% GDP.

Các đề nghị trên đây của đảng LDP sẽ được chính thức trình lên thủ tướng Shinzo Abe, sớm nhất vào tuần tới.

Thụy My

****************

Indonesia và Ấn Độ sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương (RFI, 30/05/2018)

Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Ấn Độ hôm nay 30/05/2018 tại Jakarta thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với kế hoạch triển khai một cảng quân sự của Indonesia trên Ấn Độ Dương.

quad3

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại Jakarta, ngày 30/05/2018. Reuters/Darren Whiteside

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã nêu ra việc phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca - một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất. Ông Widodo tuyên bố Ấn Độ là đối tác chiến lược về quốc phòng.

Theo các nhà phân tích, động thái này là do đôi bên cùng quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc trong khu vực.

Tuy không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng Indonesia tranh chấp quyền đánh cá với Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, và đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Tuần trước, bộ trưởng Hàng Hải Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng cảng Sabang hiện tại có độ sâu 40 mét, có thể cải tạo để đón tiếp không chỉ tàu buôn mà cả các tàu ngầm trong tương lai.

Đối với thủ tướng Ấn, đây là một phần của chính sách "Hành động hướng Đông" nhằm siết chặt quan hệ với các nước ASEAN. Ông nói : "Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa".Thủ tướng Narendra cho biết New Delhi có thể hỗ trợ xây dựng các cảng biển và phi cảng tại Đông Nam Á.

Thụy My

*******************

Úc rà soát luật tình báo vào lúc lo ngại gián điệp Trung Quốc gia tăng (RFI, 30/05/2018)

Nhân vật phụ trách pháp lý của chính quyền Úc hôm nay 30/05/2018, cho biết là Canberra sẽ xem xét lại các luật lệ của mình về gián điệp. Thông tin này được đưa ra vào lúc nước Úc đang tìm cách củng cố các cơ quan phản gián đang phải hoạt động căng thẳng vừa để chống hiểm họa khủng bố, vừa lo lắng về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

quad4

Ảnh minh họa : Tổng chưởng lý Úc Christian Porter (trái) và chủ tịch Hạ Viện Christopher Pyne trả lời họp báo ở Nghị Viện tại Canberra, ngày 9/05/2018. AAP/Lukas Coch/via Reuters

Trong nhiều năm qua, Úc đã tăng ngân sách và quyền hạn cho các cơ quan cảnh sát và gián điệp tăng cường khả năng chống khủng bố. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái, 2017, để đối phó với những "phúc trình đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc", chính phủ đã chuyển sự chú ý qua những hành vi xen vào nội tình chính trị Úc và loan báo việc siết chặt luật lệ về các khoản quyên góp chính trị và đặt ra ngoài vòng pháp luật những hành vi can thiệp từ nước ngoài.

Phát biểu trên một đài phát thánh ở thành phố Adelaide, ông Christian Porter, tổng chưởng lý Úc khẳng định rằng tình hình mới, với sự gia tăng của các hoạt động tình báo, can thiệp, tăng cường ảnh hưởng của nước ngoài, cộng thêm với những hành vi khủng bố ngay trong nước, đòi hỏi việc rà soát lại toàn bộ hệ thống đối phó "từ đầu đến cuối". Ông đồng thời xác định rằng luật tình báo của Úc sẽ không nhắm vào "bất kỳ một quốc gia nào cụ thể".

Tiến trình rà soát sẽ kéo dài 18 tháng và đã được giao cho cựu giám đốc tình báo Úc Dennis Richardson chịu trách nhiệm. Vào năm ngoái, nhân vật này đã lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động gián điệp rộng rãi chống lại nước Úc.

Giáo sư Greg Barton, một chuyên gia an ninh tại Đại học Deakin ở Melbourne xác nhận rằng đối phó với Trung Quốc sẽ là một công việc không dễ dành do năng lực và tham vọng to lớn của nước này.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)