Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/05/2018

Điểm báo Pháp - Căng thẳng giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu

RFI tiếng Việt

Thương mại : Căng thẳng tối đa giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu

Nhôm, thép : Sau Trung Quốc, tổng thống Trump dồn nỗ lực tấn công Châu Âu. Cuộc đọ sức gay gắt hơn bao giờ hết giữa Hoa Kỳ với đồng minh chiến lược Liên Hiệp Châu Âu trên mặt trận thương mại.

chau1

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải ra quyết định tăng thuế thép với Châu Âu. Reuters/Kevin Lamarque

Le Figaro, ấn bản được cập nhật trên mạng chạy tựa lớn : "Donald Trump chuẩn bị trừng phạt nhôm và thép của Liên Hiệp Châu Âu". Hạn chót được tổng thống Hoa Kỳ đưa ra là vào nửa đêm 31/05/2018. Theo tờ báo tài chính Mỹ, Wall Street Journal, không hy vọng Nhà Trắng "tha cho Châu Âu". Nếu đúng là như vậy, thép và nhôm của Liên Âu bán sang Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế 25 và 10%. Điều đáng lo ngại ở đây là Bruxelles sẽ trả đũa và mở ra chiến tranh thương mại do Washington khơi mào.

Le Figaro bình luận : Mỹ đối xử với Châu Âu tương tự như với Nhật Bản, một đồng minh thân thiết khác của Hoa Kỳ ở Châu Á. Tới nay Washington không tha Tokyo. Trả lời tờ báo này, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross để ngỏ khả năng đàm phán với Châu Âu tránh để nổ ra "chiến tranh thương mại". Theo quan điểm của ông Ross, Mỹ muốn giải quyết thâm thủng mậu dịch và muốn chấm dứt tình trạng sản xuất nhôm thép dư thừa. Việc Liên Hiệp Châu Âu trả đũa, đương nhiên sẽ dẫn tới hiện tượng "căng thẳng leo thang".

"Căng thẳng tối đa giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ", tựa trên báo kinh tế Pháp, Les Echos. Tác giả thuật lại, trong cuộc họp giữa 35 thành viên Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế hôm 30/05/2018 tại Paris, bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố, Hoa Kỳ không muốn mất thì giờ "mặc cả dài dòng, Mỹ thiên về giải pháp đàm phán song phương". Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu nhất quyết không đàm phán lại với Washington, trong tư thế bị "dí súng vào đầu", tức là bị Hoa Kỳ uy hiếp. Liên Âu đòi Mỹ miễn áp thuế nhôm và thép như điều mà tới nay, Canada và Mexico cũng như là Úc... được hưởng.

Ukraine dàn dựng vụ ám sát nhà báo Nga

Sau những tin giả, Fake News, Ukraine lần đầu chơi trò "ám sát giả". Arkadi Babtchenko, 41 tuổi, có lẽ là một nhà báo hiếm hoi trên thế giới đọc được những bài điếu văn của các đồng nghiệp viết về ông khi còn sinh thời. Số là cả thế giới hay tin nhà báo người Nga, nổi tiếng có quan điểm chống Vladimir Putin này bị ám sát tại Kiev hôm 29/05/2018 và một ngày sau, chính Babtchenko xuất hiện trước ống kính truyền hình. Tình báo Ukraine giải thích vụ ám sát Babtchenko là một màn dàn dựng, tránh để kịch bản đen tối đó xảy ra ngoài đời. Truyền thông quốc tế bị mắc lừa.

Le Monde trong ấn bản ngày 31/05/2018 chạy tựa trên trang nhất "Xúc động mạnh mẽ sau vụ một nhà báo Nga bị ám sát tại Kiev". Trên trang mạng được cập nhật, tờ báo trích lại phân tích từ giới truyền thông quốc tế. Tất cả đều không tán đồng với cách hành xử của chính quyền Ukraine, cho dù là để tránh cho một nhà báo bị cướp đi mạng sống.

Bản thân ông Batchenko bị một đồng nghiệp của đài BBC nhắc nhở rằng : "Batchenko là một nhà báo, không phải là cảnh sát điều tra mà nhiệm vụ của nhà báo là tạo niềm tin (với công luận). Điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết ở thời điểm mà cả Trump lẫn Putin đều tố cáo fake news".

Le Figaro thuật lại cảnh tượng chiều qua ở Kiev khi phóng viên quốc tế ngồi chật kín phòng họp báo chờ được giải thích về diễn biến vụ phóng viên chiến trường Nga Arkadi Babtchenko, bị ám sát 19 giờ đồng hồ trước đó, thì bất ngờ Babtchenko ra họp báo cùng với giám đốc tình báo Ukraine. Kèm theo đó là tiết lộ Kiev đã bắt giữ một kẻ sát nhân mang quốc tịch Nga, được lệnh ám sát Babtchenko.

Libération trong bài báo mang tựa đề "Arkadi Babtchenko sẽ chết vào một ngày khác" nhắc lại nhiều vụ ám sát diễn ra tại thủ đô Kiev trong thời gian gần đây liên quan đến các công dân Nga. Đó là những tiếng nói chỉ trích điện Kremlin, là những người từng chiến đấu ở Tchetchenia, hay trong vùng Donbass. Tháng Giêng 2018 một luật sư bảo vệ nhân quyền đã bị bắt cóc và xác của bà đã được tìm thấy ở ngoại thành thủ đô Ukraine. Chính quyền Kiev thường xuyên bị chỉ trích không bảo vệ đến nơi đến chốn những công dân Nga bị đe dọa tính mạng sang Ukraine trú thân - như là trường hợp của nhà báo Arkadi Batchenko.

Dù vậy, Libération cho rằng hãy còn "quá nhiều nghi vấn" về vụ Kiev dàn dựng cái chết của nhà báo Nga : Tại sao thủ tướng Ukraine đã vội vã "chụp mũ" cho Matxcơva về vụ ám sát này ? Phải chăng ông không hay biết gì về các hoạt động của bên tình báo ? Nếu đúng là như vậy thì "xung đột đang bùng nổ trong nội bộ các nhà lãnh đạo ở Kiev".

Nhưng nghiêm trọng hơn cả theo tác giả bài báo là "sau này, khi một nhà báo Nga bị ám sát thật, còn mấy ai tin vào đó nữa hay không" ? Ngoài ra, việc một nhà báo Nga cộng tác với mật vụ Ukraine càng củng cố cho lập luận của điện Kremlin rằng nhà báo không đưa tin một cách trung thực, mà còn là tay sai của những quốc gia thù nghịch.

Bóng đá, vũ khí của Trung Quốc để chứng minh sức mạnh ?

"Trung Quốc thâu tóm bóng đá toàn cầu", tựa một bài nhận định trên Le Figaro. Còn Le Monde thì nói tới "sự điên cuồng vì quả bóng tròn" của nước đông dân nhất hành tinh. Trung Quốc lên cơn sốt vì bóng đá liên quan gì đến Pháp khiến tất cả các tờ báo Paris trong ngày phải chú ý tới quỹ đầu tư Hontai Capital ?

Vạn sự bắt nguồn từ sự kiện đài truyền hình tư nhân Pháp Canal + bị nẫng tay trên quyền phát các trận bóng đá giải vô địch Pháp từ năm 2020 đến 2024. "Bản quyền truyền hình các trận đấu giải vô địch bóng đá Pháp, Canal + bị việt vị", tựa trên báo kinh tế Les Echos. Một cách đơn giản thì quyền phát hành các trận bóng trong mùa vô địch bóng đá Pháp trong quãng thời gian này thuộc về tập đoàn truyền thông Tây Ban Nha Mediapro. Hiềm nỗi, 53,5 % vốn tổ hợp này thuộc về quỹ đầu tư tư nhân Hontai Capital của Trung Quốc.

Cũng Mediapro tháng 2/2018 đã giành được bản quyền phát sóng truyền hình giải vô địch Ý. Philippe Escande trên Le Monde nhận định, qua hai sự kiện thâu tóm bản quyền truyền hình ở Ý và Pháp, kế hoạch quy mô của Trung Quốc về bóng đá đang hiện nguyên hình. Bước thứ nhất là Trung Quốc mơ được tham gia Cúp Bóng Đá Thế Giới, rồi tổ chức sự kiện thể thao này trên sân nhà, và ở chặng thứ ba là đem về một chiếc Cúp để đứng ngang hàng với những "nước lớn" của bộ môn thể thao này như Ý, Brazil, Tây Ban Nha, Pháp... Tác giả bài báo kết luận : Bóng đá, đang trở thành công cụ để Trung Quốc phô trương sức mạnh.

Như ghi nhận của Le Figaro, để đạt đến đích, nền kinh tế thứ hai toàn cầu tung tiền mua các siêu sao của làng bóng tròn, từ cầu thủ Carlos Tavez người Argentina, đến Oscar của đội bóng Brazil, hay tiền vệ của đội tuyển Barcelona Andres Iniesta ...

Với túi tiền như vô hạn Trung Quốc còn mua luôn cả các đội bóng của thế giới. Chỉ riêng tại Pháp các câu lạc bộ Sochaux hay Auxerre... đều đã đổi chủ !

Thượng đỉnh Kim –Trump : chìa khóa trong tay cựu lãnh đạo tình báo Bắc Triều Tiên ?

La Croix là một trong các tờ báo hiếm hoi trong ngày tiếp tục đưa tin về thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên. Chìa khóa của cuộc họp lịch sử đó, liệu nằm trong tay tướng Kim Yong-chol, 72 tuổi ?

Tờ báo này nhận định : nếu Washington và Bình Nhưỡng đạt được thỏa thuận về nguyên tử, thì nhân vật then chốt phải là ông Kim Yong-chol. Việc ông này đến New York đối thoại trực tiếp với cựu lãnh đạo tình báo Mỹ và đương kim ngoại trưởng Mike Pompeo là một "tiến bộ ngoại giao quan trọng".

Vậy Kim Yong-chol là ai ? Vị lão tướng này là một trong những người thân cận nhất trong triều đại nhà Kim. Ông là điểm tựa, là người đứng ra bảo lãnh về mặt an ninh cho Kim Jong-un, vợ và cô em gái Kim Yo-jong. Kể từ khi hai nước Triều Tiên sưởi ấm quan hệ, tháng 01/2018, tướng Kim Yong-chol hiện diện khắp mọi nơi : từ các cuộc họp trù bị trước Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang, đến thượng đỉnh Liên Triều ở Bàn Môn Điếm. Ông đã hai lần làm việc trực tiếp với Mike Pompeo ở Bình Nhưỡng.

Trước đó, Kim Yong-chol từng điều hành cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên trong 10 năm. La Croix gọi ông là "một nhà cố vấn quân sự, một chiến lược gia về hạt nhân, là một nhà ngoại giao và là ký ức của chế độ", cả sự nghiệp gắn liền với ba thế hệ lãnh đạo họ Kim.

Ông này là người từng tham gia đàm phán Liên Triều đầu tiên hồi đầu thập niên 1990, là người điều khiển các lực lượng an ninh cho thượng đỉnh Liên Triều giữa hai nguyên thủ Kim Dae-jung của Hàn Quốc và Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Không một đàm phán quân sự nào giữa hai nước Triều Tiên vắng bóng Kim Yong-chol.

Hai cuốn tiểu thuyết mang tính thời sự

Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, xin điểm lại hai cuốn tiểu thuyết rất mang tính thời sự được báo chí Paris chú ý : một nói về Bắc Triều Tiên và một nói về sự đối đầu giữa hai khối Đông Tây trước Đệ Nhị Thế Chiến.

Cuốn thứ nhất nói về thân phận của hai chị em người Triều Tiên bị chia cách theo vận nước. Cuốn sách mang tựa đề Những cô con gái của biển cả, tác giả là Mary Lynn Bracht, nhà xuất bản Robert Laffont.

Hana và Emi là hai chị em sống trên đảo Jeju. Một ngày hè năm 1943, Hana bị lính Nhật bắt cóc. Năm 2011 Emi từ quê nhà lên thăm con ở thủ đô Seoul. Bà chứng kiến cảnh hàng trăm người biểu tình trước xứ quán Nhật đòi công lý cho hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng bức nô lệ, bị bắt làm gái giải sầu cho quân đội Thiên Hoàng. Emi có biết rằng trong số ấy có Hana người chị gái thân thương của bà ?

Còn trong tác phẩm thứ nhì, La Traversée du Paradis - Tạt qua thiên đường, nhà văn Pháp Antoine Rault kể về một mối tình thời kỳ chiến tranh lạnh : một đêm trong khách sạn Adlon ở Berlin liệu có đủ mãnh liệt giúp Charles vượt qua mọi thách thức, đưa thân vào hang hùm, làm điệp viên tại Liên Xô trong những năm tháng mà chính quyền Bolchevic vừa hình thành ?

Trong tác phẩm này, Antoine Rault đã gắn liền số phận của một cặp tình nhân với dòng lịch sử của thời đại nửa đầu thế kỷ 20. La Traversée du Paradis, vừa được nhà xuất bản Michel Albin phát hành.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)